A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Con Cuông (Nghệ An): PHÒNG LÀ CHÍNH, CHỮA KHẨN TRƯƠNG KỊP THỜI

Bước vào mùa khô năm nay, khí hậu thời tiết diễn biến cực đoan, phức tạp, nắng nóng kéo dài kết hợp gió Tây Nam thổi mạnh làm cho những cánh rừng hiện nay ở huyện Con Cuông đứng trước nguy cơ bị “giặc lửa” bùng phát bất cứ lúc nào. Chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá hoặc một ngọn lửa nhỏ của người dân vào rừng vô ý cũng có thể làm phát hỏa bất cứ lúc nào. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo PCTT, TKCN tỉnh Nghệ An, các địa phương có rừng đã tập trung huy động tối đa nguồn lực, sức mạnh cho việc “xã hội hóa” công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (BV&PCCCR). Được tận mắt chứng kiến mức độ rừng khô hạn và nguy cơ cháy rừng mới thấy được những khó khăn vất vả của các lực lượng chức năng trong công tác BV&PCCCR ở đây.

Lực lượng quân sự thuộc Ban CHQS huyện Con Cuông phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương
vận động nhân dân gần rừng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Đầu giờ sáng, chúng tôi cùng lực lượng kiểm lâm và các chiến sĩ dân quân xã Yên Khê có mặt tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng Khe Luông thuộc bản Trung Chính, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, chuẩn bị cho một ngày mới với công việc “giữ rừng” cùng với cán bộ, nhân viên ở đây. Ngay từ đầu giờ, lượng người dân vào rừng đã tăng nhanh, vì thế, anh Trần Văn Thuận, Trạm trưởng và anh em trong Trạm đã phải có mặt “bám chốt” để đăng ký danh sách nhân dân vào rừng và trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng...

Hòa vào những người dân, tôi được gặp và trò chuyện với ông Vi Văn Mày, dân tộc Thái, bản Trung Chính, xã Yên Khê. Những năm trước đây, vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhà lại đông con nên nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình ngoài việc làm nương rẫy, thì đốt ong lấy mật được xem là “nghề kiếm gạo” hàng ngày cho cả gia đình. Bởi thế, cái “nghề tay phải” của ông Mày luôn đi cùng với nguy cơ cháy rừng nếu không cẩn thận trong khi "tác nghiệp". 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vi Văn Mày thổ lộ: “ Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà nhắm mắt làm liều. Chỉ cần bất cẩn trong việc dùng lửa đốt ong là có thể gây cháy rừng. Nhưng từ khi được các ban ngành, đoàn thể địa phương, nhất là các anh ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng Khe Luông tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ, phòng, chống cháy rừng đối với từng hộ gia đình, bà con chúng tôi ý thức hơn trong chấp hành quy định. Từ đó, mỗi khi vào rừng, bà con chúng tôi biết tự giác hơn trong việc bảo vệ, giám sát, phát hiện để có biện pháp báo cáo và tham gia ứng cứu, chữa cháy rừng...”.

Các lực lượng chức năng hướng dân nhân dân gần rừng ký cam kết BV&PCCCR.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Con Cuông hiện có diện tích rừng tự nhiên hơn 173.800 héc-ta; độ che phủ rừng xấp xỉ 85%; trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại gỗ, động, thực vật rừng quý hiếm. Dân số toàn huyện chủ yếu đồng bào Thái, chiếm trên 68%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả huyện chiếm 26%. Cuộc sống của đại đa số người dân sống gần rừng và ven rừng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác và việc làm trong khi nguồn nhân lực dồi dào, dẫn đến nhiều hoạt động sinh kế của người dân có tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng như phát - đốt rừng làm nương rẫy; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; khai thác, chặt phá, săn bắt động vật; buôn bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật... Đây là những vấn đề đặt ra yêu cầu cao cho công tác BV&PCCCR ở Con Cuông.

Thực trạng tình hình trên đã đặt ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác BV&PCCCR trên địa bàn huyện Con Cuông. Trong đó phải kể đến khó khăn do lực lượng, phương tiện trang bị thiếu thốn bởi công tác BV&PCCCR là nhiệm vụ không chỉ của lực lượng chức năng, mà đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng mới góp phần phòng chống có hiệu quả nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng là chính, chữa phải khẩn trương kịp thời”, UBND huyện Con Cuông đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, áp phích, biển dự báo cấp độ cháy rừng.

Đối với các xã có rừng giao khoán cho các hộ dân quản lý, lực lượng kiểm lâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức ký cam kết đến tận thôn bản và từng hộ gia đình thực hiện nghiêm quy chế, quy định về BV&PCCCR; gắn công tác BV&PCCCR với tiêu chí đánh giá thi đua của từng xã, thị trấn. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm là cơ quan thường trực về PCCCR tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức thành lập 15 Ban chỉ huy PCCCR và 288 thành viên; xây dựng 15 phương án, 12 chỉ thị; tổ chức ký cam kết cho 117 thôn bản và 10.690 hộ gia đình sống gần rừng và ven rừng. Ngoài ra, các xã trọng điểm thành lập 117 “đội cơ động PCCCR” với hơn 1.000 người tham gia.

Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân phối hợp với kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng 

Điểm nối bật trong công tác BV&PCCCR ở Con Cuông đó là cơ quan quân sự và Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo tập trung xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy, xây dựng phương án PCCCR và kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phát hiện và xử lý ứng cứu khi xẩy ra cháy. Đồng thời tổ chức tập huấn công tác PCCCR, chỉ đạo và tổ chức diễn tập PCCCR cấp huyện có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban ngành từ huyện đến các xã, thôn (bản). Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm, trình độ, năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hành xử lý khi có tình huống xẩy ra; trên cơ sở đó, làm chuyển biến nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành đoàn thể địa phương đối với công tác PCCCR.

Trung tá Lô Thanh Phong, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Con Cuông cho biết: “Để chủ động đối phó trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ “giặc lửa” tấn công, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân, Ban CHQS huyện có kế hoạch sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu khi có tình huống xẩy ra. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp huy động tối đa lực lượng DQTV, DBĐV thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát, đôn đốc nhắc nhở bà con khi vào ra các khu rừng, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huống xẩy ra.

Về các xã có rừng trên địa bàn huyện Con Cuông, điều chúng tôi ghi nhận về công tác BV&PCCCR đó là người dân đã ý thức hơn đối với việc bảo vệ rừng. Họ không coi rừng là của chung, mà thay vào đó, với chủ trương khoán đến tận hộ gắn với ký cam kết và việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nên người dân thấy được trách nhiệm của mình đối với việc quản lý, bảo vệ rừng. Ông Phẩy Văn Bay, Trưởng bản Trung Hương, xã Yên Khê chia sẻ: “Công tác BV&PCCCR là nhiệm vụ hết sức khó khăn phức tạp và diễn ra bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi luôn coi việc bảo vệ an toàn cho những cánh rừng chính là bảo vệ cho sự bình yên, an toàn cuộc sống của mỗi nhà, mỗi người và môi trường sinh thái. Khi xẩy ra cháy rừng, bản nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện cứu rừng theo phương án, nếu vượt quá khả năng báo cáo cơ quan chức năng xử lý”.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Con Cuông, dân quân xã Yên Khê phối hợp Trạm quản lý, bảo vệ rừng Khe Luông 
hướng dân nhân dân chấp hành đúng quy định trước khi vào rừng.

Trước tình hình nắng nóng, khô hanh kéo dài, nhất là các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao bùng phát cháy rừng. Hiện nay, nhiều khu rừng ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đang cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao. Để công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả, Ban chỉ huy PCTT,TKCN  và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã yêu cầu chính quyền các huyện tăng cường kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí cho nhiệm vụ phòng chống cháy rừng. Cơ quan quân sự các huyện, thị, thành, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị tốt phương án phân công các lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô.

Ở các tuyến đường dẫn vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao, các địa phương bố trí các “điểm chốt chặn” gồm lực lượng các lực lượng kiểm lâm, công an viên, dân quân... ở các xã tổ chức tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng khống chế và dập tắt ngay khi còn là đám cháy nhỏ trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn, lây lan ra diện rộng. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị tốt phương án huy động lực lượng, phương tiện và sẵn sàng sơ tán người, tài sản khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm...

Trước diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết và thực trạng nguy cơ cháy rừng như hiện nay đã và đang đặt ra cho công tác PCCCR và những người làm nhiệm vụ PCCCR của huyện Con Cuông nhiều khó khăn thách thức. Tuy vậy, cùng với những chủ trương, biện pháp chủ động, tích cực, công tác BV&PCCCR trên địa bàn các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An đã được “xã hội hóa” với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an, phòng cháy, chữa cháy và LLVT địa phương đóng vai trò nòng cốt tạo nên sức mạnh tổng hợp để giữ “lá phổi xanh” luôn bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: LÊ XUÂN LIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội