Mùa săn cá thu
Ngư dân cho rằng vùng biển Quảng Trị có thức ăn phù hợp, chế độ thủy triều lên xuống hai lần trong ngày cho nên con cá thu rất thích, ở lại sinh sống lâu hơn, từ cuối mùa Thu năm trước đến cuối mùa Xuân năm sau. Đó cũng là thời gian cá thu cho thịt ngon nhất và những đoàn tàu đánh cá của dòng họ Bùi ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, lại ra khơi với hy vọng trở về cùng những mẻ lưới đầy.
Cá… xách tay
Đúng ba giờ chiều của một ngày giữa tháng 2, điện thoại của tôi đổ chuông. Từ ngư trường Cồn Cỏ, ngư dân Bùi Còng thông báo chuyến tàu săn cá thu của anh em dòng họ Bùi đang trên đường mang gần 2,5 tấn cá tươi ngon trở về đất liền. Anh Còng nói ba giờ sau tàu sẽ cặp bến ở cảng mới của thị trấn Cửa Việt. Tất nhiên tôi không trễ hẹn vì muốn được tận mắt chứng kiến những con cá thu ngon nhất mới được khai thác. Thế nhưng có nhiều người còn nhanh hơn, họ đã có mặt từ trước để mua ngay những con cá thu đặc biệt rồi cung cấp lại cho những gia đình, nhà hàng muốn có những con cá thu tươi còn chưa ướp đá.
Khệ nệ bưng từng con cá thu tươi óng ánh từ hầm chứa của tàu lên bờ cung cấp khách hàng, anh Bùi Còng giao tôi hai con cá thu trắng to, có buộc dây làm dấu ở phần đuôi để khỏi lẫn vào các con cá thu khác mà trước đó anh mua giúp từ chủ tàu với giá 210 nghìn đồng/kg (loại cá này ở chợ bán gần 300 nghìn đồng/kg). Anh vừa bốc cá vừa kể, cá thu được ngư dân đi biển chia thành bốn loại. Ngon nhất là cá thu trắng, có da mầu trắng, rồi đến cá thu chấm vì có nhiều chấm nhỏ ở da, tiếp đến là cá thu ngày có trọng lượng rất lớn, và cuối cùng là cá thu đen, thịt đậm mầu và da sậm. Theo quan niệm của các ngư dân, cá thu chất lượng phải bảo đảm hai yếu tố ngon và tươi. Thông thường mỗi chuyến khai thác xa bờ mất từ năm đến sáu ngày, khai thác được cá đầy hầm chứa, tàu liền trở về đất liền, nhưng có chuyến phải hơn 10 ngày mới đầy cá. Cá thu có tập tính sinh sống, kiếm ăn cách xa bờ từ khoảng 30 km trở ra. Ngay trong ngày đầu ra khơi, nhiều tàu đã quăng lưới bắt được cá thu đưa lên hầm ướp đá giữ cho cá được tươi. Vì vậy những con cá hội đủ hai yếu tố ngon và tươi nhất là cá mắc lưới ngày cuối cùng của chuyến đi, khi mắc lưới cá còn sống, không cần phải ướp đá vì tàu đã vào rất gần bờ.
Ai sẽ mua được những con cá mắc lưới ngày sau cùng này? tôi hỏi anh Bùi Còng và các ngư dân. Câu trả lời là ai may người ấy sẽ mua trúng khi chủ tàu đã bán cho tư thương. Chưa hết, còn có những người luôn được ăn cá thu tươi ngon, đó là người thân của các thuyền viên. Họ được các thuyền viên trên tàu mua hộ từ chủ tàu một hai con cá rồi làm dấu bằng cách dùng sợi dây buộc vào sau đuôi cá, để riêng sang một bên hầm chứa cho khỏi lẫn lộn. Dân sành ăn vẫn gọi đó là cá thu “xách tay”. Đó là những con cá thu trắng và thu chấm. Cá thu trắng được cắt ra thành từng lát có mầu trắng hồng. Sau đó ngâm vào trong nước muối pha loãng vài phút rồi cấp đông sử dụng dần. Khi chế biến, món cá thu sẽ rất ngon. Nếu không biết bí quyết ngâm qua nước muối loãng, liền đem cấp đông thì khi chế biến, gia vị sẽ không thấm vào từng thớ thịt, kém ngon. Còn cá thu chấm có thịt dẻo, dai, thường được ưu tiên xẻ ra, nạo lấy thịt đang nóng ấm, thêm gia vị làm chả cá thu thơm lừng, tươi ngon.
Anh Bùi Còng là con của một gia đình có tám anh em ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, nổi tiếng với nghề khai thác cá thu. Anh Bùi Dương, anh ruột của anh Bùi Còng cho biết: Theo kinh nghiệm đi biển của anh Dương và ngư dân, có thể vùng biển Quảng Trị nhiều cá thu vì có thức ăn phù hợp, luôn cân nước, nghĩa là nước êm, thủy triều lên xuống hai lần trong ngày. Vì thế cá thu rất thích, ở lại sinh sống lâu hơn, từ cuối mùa thu năm trước đến cuối mùa xuân năm sau. Đó cũng là thời gian những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân họ Bùi ở thị trấn Cửa Việt ra khơi săn cá thu. Trước đây khi tìm ra nơi cá thu sinh sống thì ngư dân dùng câu để câu cá thu. Khi câu đầy cá, trước khi thuyền về đất liền, các lão ngư nhìn lên núi cao định vị “làm dấu” nơi có nhiều cá để chuyến đi biển lần sau trở lại câu ngay vị trí đó. Bây giờ phương tiện đánh bắt hiện đại, có máy dò bụng biển, sử dụng lưới bùng nhùng cho nên bắt cá thu dễ hơn. Thuyền trưởng của tàu khai thác xa bờ thường là người có kinh nghiệm đánh bắt nhiều nhất. Sau khi dùng máy dò ngang dò bụng biển, phát hiện đàn cá thu đang hoạt động, nhưng vẫn chưa thể buông lưới. Cần chọn thời điểm thích hợp để buông lưới bắt gọn cả đàn cá. Đây là chuyện rất khó, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đợi khi con nước trên biển đạt độ chuẩn theo một cảm nhận riêng của người đi biển, gió biển cũng phù hợp, thời điểm này thường là về đêm, tiếp tục dò máy, thấy bầy cá không di chuyển, nằm lặng im trong bụng biển thì mới bủa lưới. Cá thu mình thon cho nên bơi rất nhanh, khi chúng đang di chuyển trên biển thì khó buông kịp lưới để vây bắt. Dù đã bị lưới vây, có những con cá thu vẫn ngoan cố há miệng bơi vẫy vùng, gặp lưới lọt vào miệng, cá liền cắn đứt lưới để thoát thân. Những con cá mắc lưới là khi vẫy vùng chúng ngậm miệng để bơi dẫn đến đầu cá chui lọt qua ô lưới, bị lưới cản lại ở phần gáy và vây, ngư dân chỉ cần kéo lưới lên gỡ cá để đưa vào hầm chứa cấp đông.
Đang kể chuyện săn cá thu thật hấp dẫn, bỗng anh Bùi Dương suy tư. Từ ngày phương tiện đánh bắt cá bằng lưới bùng nhùng ra đời, loại lưới này có thể vét hết các loại động vật sống từ mặt biển xuống tận độ sâu hơn 40 mét thì gần như không còn cảnh “cá thu biển đông như đàn thoi”, nghề khai thác cá thu vì thế cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Dòng họ săn cá
Anh Bùi Dương và Bùi Còng chia sẻ, cá thu ngày càng khan hiếm, đi biển bây giờ không phải chuyến nào cũng trúng cá thu. Trước đây mỗi chuyến đi biển, tàu của các anh thường khai thác từ sáu đến bảy tấn cá thu, bây giờ thì nhiều nhất cũng chỉ hơn hai tấn. Gắn bó với nghề khai thác cá thu, suốt năm tháng dầm mình trên biển khơi cho nên anh Dương, anh Còng rất rắn rỏi, khỏe mạnh, đủ sức đương đầu với gian lao của nghề. Tàu mới vào bờ chiều tối hôm trước, tranh thủ thời tiết thuận lợi, rạng sáng hôm sau, đoàn tàu đánh cá của dòng họ Bùi, trong đó có anh Bùi Còng lại vội vã ra khơi, tiếp tục dò bụng biển, dàn đan thế trận săn bắt cá thu. Thông thường lưới được thả xuống biển vào ban chiều cho đến khi trời chập tối của mỗi ngày. Khi đó thuyền viên trên tàu được nghỉ ngơi đợi đến 12 giờ đêm, là thời điểm bắt đầu kéo lưới lên bắt cá. Hôm nào may mắn gặp cá nhiều thì đến trưa hôm sau mới gỡ xong, thu dọn lưới để tiếp tục dò bụng biển, quăng lưới bắt cá.
Nhớ lại năm 2016, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, ngư dân điêu đứng, dòng họ Bùi sống bằng nghề khai thác biển cũng không tránh khỏi. Ông Bùi Đình Dĩnh, Trưởng tộc họ Bùi kể, đó là những ngày hắt hiu, đen tối nhất trong cuộc đời khai thác biển của ngư dân. Khai thác gần bờ không được vì nằm trong phạm vi 20 km, là vùng biển bị ảnh hưởng ô nhiễm. Các sản phẩm khai thác hải sản xa bờ cũng khó tiêu thụ. Những ngày ấy, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lặn lội về với ngư dân để động viên, chia sẻ khó khăn, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của ngư dân, của dòng họ Bùi ở thị trấn Cửa Việt để có những quyết sách kịp thời, đúng đắn giúp ngư dân ổn định tinh thần, tìm cách trở lại với biển khơi khi điều kiện cho phép. Hơn ai hết, đồng chí Nguyễn Văn Hùng biết ở Việt Nam ít có dòng họ nào có truyền thống bám biển với đội tàu khai thác biển lớn mạnh như dòng họ Bùi đất này. Riêng tàu khai thác xa bờ đã hơn 30 chiếc, chiếm đến một phần ba tổng số tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt. Không chỉ khai thác cá ở vùng biển Quảng Trị, đội tàu của dòng họ Bùi còn vươn đến các ngư trường vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Tư Chính… khiến ngư dân trong vùng hết sức ngưỡng mộ.
Ông Bùi Đình Dĩnh làm một phép tính nhanh cho biết, đội tàu, thuyền của dòng họ đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động là con em của dòng tộc và ngư dân trong vùng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Gia phả họ Bùi còn ghi dòng họ này đã có mặt ở vùng cửa biển Cửa Việt gần 10 thế kỷ. Từ thời danh tướng Lý Thường Kiệt thân chinh vào vùng đất này và đổi tên cửa Việt Yên thành tên gọi mới Cửa Việt, nghĩa là cửa biển này, từ nay của người Việt, thì dòng họ Bùi cũng có mặt ở đây. Trong hành trình lịch sử oai hùng đó của dân tộc, con cháu họ Bùi luôn trở thành những cây phong ba trên Biển Đông góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Ông Bùi Đình Chính năm nay đã ngoài 75, một trong những ngư dân cao tuổi của họ Bùi. Ông có ba người con trai, tất cả đều theo cha ra biển từ tuổi nhỏ. Bây giờ tuổi già, sức yếu không thể theo những con tàu lênh đênh ngoài khơi xa, ông Chính nhớ biển quay quắt. Biển là một phần máu thịt của ông và con cháu dòng họ Bùi.
Nguồn BÁO NHÂN DÂN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận