A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét mới trong công tác dân vận của chính quyền các cấp ở Quảng Bình

Sau ba năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, công tác dân vận của chính quyền các cấp ở địa phương đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, đã huy động tốt các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới cũng như giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Tuyên Hóa và thị trấn Đồng Lê trao đổi với nhân dân tiểu khu Lưu Thuận về tuyến đường đô thị văn minh.

 

Thân thiện và chia sẻ

Khoảng 9 giờ sáng, không khí làm việc tại bộ phận "một cửa" của thị trấn Ðồng Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) khá khẩn trương. Vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Phạm Thị Yến đến nhận giấy đăng ký kết hôn, đồng thời được nhận thêm thư chúc mừng từ UBND thị trấn. Hai vợ chồng rất vui. Lát sau, anh Nguyễn Ðức Nguyện đến nhận giấy khai sinh cho cô con gái thứ hai Nguyễn Thảo Nhi, sinh ngày 4-4-2018 và cũng được trao thư chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới của UBND thị trấn. Anh Nguyện chia sẻ, thư chúc mừng càng có ý nghĩa hơn khi phía sau in đầy đủ lịch tiêm chủng cho trẻ để nhắc nhở gia đình biết và thực hiện. Chủ tịch UBND thị trấn Ðồng Lê Phạm Thanh Song cho biết: Thực hiện mô hình dân vận khéo "chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ", chúng tôi sắp xếp, bố trí đủ bàn ghế, tạo không gian rộng rãi cho người dân khi đến giao dịch tại bộ phận "một cửa", cử nhiều lượt công chức trực để giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo đúng thời gian quy định. Ðặc biệt, chúng tôi có thư chúc mừng đối với cá nhân khi đến giải quyết công việc liên quan đến đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh hoặc thư xin lỗi đối với tổ chức, cá nhân không được giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn.

Theo Bí thư Ðảng ủy thị trấn Ðồng Lê Nguyễn Thái Bình, công tác dân vận của chính quyền thị trấn còn thể hiện tốt ở chỗ vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn xây dựng tuyến đường đô thị văn minh. Là trung tâm của huyện miền núi Tuyên Hóa, nhưng Ðồng Lê còn nhiều khó khăn, do địa hình có nhiều khe suối chia cắt cho nên hệ thống giao thông hạn chế. Cùng với việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng đường giao thông, UBND thị trấn ban hành kế hoạch xây dựng tuyến đường văn minh để nâng cao đời sống người dân và từng bước đưa thị trấn lên đô thị loại 4. Theo kế hoạch này, mỗi tiểu khu có ít nhất một tuyến đường văn minh theo các tiêu chí như: có thảm cỏ xanh, cây cảnh hai bên đường; không buôn bán, họp chợ trên hành lang, vỉa hè; không vi phạm lấn chiếm vỉa hè... Tiểu khu trưởng tiểu khu Lưu Thuận (thị trấn Ðồng Lê) Nguyễn Thị Cúc cho biết, trước đây, tuyến đường từ cầu Khe Trề đến cuối tiểu khu dài 750 m khá chật chội, đặc biệt là tình trạng cơi nới hàng rào lấn chiếm hành lang đường. Từ khi phát động xây dựng tuyến đường đô thị văn minh, với sự tuyên truyền tích cực của chính quyền, người dân vận động nhau tháo dỡ hàng rào, công trình vi phạm, làm hệ thống thoát nước. Trong dịp Tết Dương lịch 2018, nhân dân trong tiểu khu tự nguyện đóng góp tiền lắp hệ thống điện chiếu sáng và ca-mê-ra giám sát an ninh mang lại hiệu quả cao.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tuyên Hóa Bùi Thanh Chuyên đánh giá, nếu trước đây, công tác dân vận gần như chưa được khối các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn coi trọng, thậm chí xem như là việc của khối dân vận, MTTQ thì nay đã thay đổi hẳn. Công tác dân vận của chính quyền thể hiện rõ trong việc cung cấp các dịch vụ công với cách thức phục vụ thân thiện hơn, đồng thời tăng cường vận động, đối thoại để người dân đồng thuận trong thực hiện các chương trình, dự án hoặc công việc cụ thể.

Cụ thể và linh hoạt

Công tác dân vận của chính quyền các cấp tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lại có cách làm khác, linh hoạt hơn. Xuân Thủy là xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 nhưng lãnh đạo xã vẫn trăn trở bởi một số tiêu chí mới đạt chứ chưa vượt chuẩn, do vậy chưa giúp cho đời sống người dân tốt hơn. Lãnh đạo xã Xuân Thủy xác định lấy tiêu chí giao thông làm khâu đột phá. Nhưng giai đoạn 2012 - 2017, người dân toàn xã đã hiến 2.355 m2 đất, 198 trụ cổng và hơn 2.500 m hàng rào để làm đường, để tiêu chí giao thông đạt chuẩn, cho nên không thể tiếp tục vận động bà con hiến đất mở đường nữa. Trong khi đó, đường làng, ngõ xóm còn hẹp nhưng rãnh thoát nước hai bên lại chiếm một diện tích lớn, không có nắp, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Những hạn chế này đã được lãnh đạo xã chỉ ra. Sau đó, các thôn họp dân, bàn bạc, vận động từng nhà và kêu gọi con em sinh sống, làm ăn xa quê hỗ trợ thêm kinh phí để mở rộng mặt đường bằng cách đúc các tấm đan bê-tông để trải trên rãnh thoát nước. Tại xóm 8, thôn Hoàng Giang (xã Xuân Thủy), gia đình đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Lê Văn Du tự bỏ kinh phí để mở rộng mặt đường và trồng hoa hai bên đường đoạn trước nhà. Vừa làm đồng chí vừa vận động bà con. Người dân trong xóm thấy hiệu quả thì đã động viên nhau thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 20 hộ gia đình trong xóm đã vận động số tiền gần 30 triệu đồng để cải tạo hệ thống thoát nước và mở rộng đường, làm cổng chào. Trong xóm có một hộ nghèo được miễn đóng góp nhưng vẫn xin tham gia bằng cách bồi dưỡng nồi chè, ít hoa quả cho nhóm thợ làm đường là chính bà con trong xóm. Chỉ sau hai tháng thực hiện, đến nay toàn bộ đường xóm của xã Xuân Thủy đều rộng từ 4 m trở lên. 100% tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa. Hai bên đường, người dân trồng hoa, cây cảnh tạo không khí dịu mát. Phía bờ sông Kiến Giang, bên bến nước từng xóm có các bộ ghế đá và thảm hoa để bà con thư giãn sau ngày làm việc. Hiện tại, Xuân Thủy chỉ còn 4% số hộ nghèo, trong đó chủ yếu là các hộ hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Ðề, bài học rút ra trong công tác dân vận của chính quyền là làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, nêu sáng kiến, đóng góp ngày công, kinh phí để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xuân Thủy phấn đấu đến cuối năm nay có hai khu dân cư kiểu mẫu và đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đồng chí Phạm Bá Lũy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình, ba năm gần đây, thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, công tác dân vận của chính quyền tại Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Hằng năm, UBND các cấp, các sở, ngành đã có kế hoạch thực hiện công tác dân vận với nội dung, biện pháp cụ thể. UBND tỉnh đã xây dựng tiêu chí cụ thể để làm cơ sở đánh giá công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đến nay tỉnh đã đưa 1.021 thủ tục hành chính vào thực hiện tại Trung tâm hành chính công, cung cấp 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Quảng Bình trong nhiều năm xếp tốp đầu của cả nước. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Bình thực hiện dự án Dân chấm điểm M-Score góp phần tăng tính giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Các cấp chính quyền tăng cường tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối thoại giải quyết các vướng mắc từ cơ sở.

Bài và ảnh: Hương Giang (nhandan.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội