A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truông Bồn huyền thoại và chuyện tình trên tuyến lửa

Cách đây gần 54 năm, tối 30/10/1968, Tiểu đội 2 (Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An) tổ chức bữa cơm chia tay 8 người có quyết định hết thời hạn Thanh niên xung phong (TNXP) được đi học Trung cấp Y tại Hà Nội, chuyển ngành và trở về quê hương. Trong đó, anh Cao Ngọc Hòa 20 tuổi (trú xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) và chị Nguyễn Thị Tâm, 20 tuổi (trú xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã cầm trên tay quyết định hết thời hạn với dự định về quê tổ chức đám cưới. Thế nhưng, bữa cơm chia tay và những kế hoạch trọng đại của cuộc đời những người TNXP tuổi mười chín, đôi mươi ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực...

Di ảnh anh Hòa, chị Tâm.

 

Gặp nữ Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông 

Đã gần 54 năm kể từ ngày 13 chiến sĩ TNXP Nghệ An hy sinh trên tuyến lửa Truông Bồn khi đang san lấp hố bom, mở đường cho xe ra tiền tuyến ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 Đội N65 Tổng đội TNXP Nghệ An, người may mắn sống sót sau trận máy bay Mỹ trút bom vẫn còn nhớ như in nét mặt, nụ cười và ánh mắt của từng đồng đội mình. 

Bà Thông nghẹn lòng nhắc lại kỷ niệm với đồng đội: "Giá như hôm đó không có ngày 31/10 thì đâu có đau thương mất mát thế này. Kế hoạch trọng đại trong cuộc đời của những người TNXP tuổi mười chín, đôi mươi ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực!".

Nói đến đây, bà Thông nghẹn lại, lấy tay gạt những dòng lệ chảy hai bên gò má, kể tiếp: "Tối 30 tháng 10 năm 1968, đơn dự liên hoan chia tay cho anh chị em hết thời gian tham gia TNXP hỏa tuyến đợt một Tiểu đội 2 gồm: Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc đã cầm trên tay giấy báo nhập học của Trường Trung cấp Y Hà Nội. Các bạn Đàm Thị Bốn, Đinh Thị Vinh, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên... đã có quyết định chuyển ngành. Riêng anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm theo dự định, sáng 31 tháng 10, họ sẽ từ Truông Bồn về quê chị Tâm ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Nó bảo, nay mai em và anh Hòa tổ chức hôn lễ tại quê, chị phải hát mừng cho chúng em 4 bài chị nhé… Nói rồi nó ôm tôi gục đầu vào vai cười”... Thế nhưng, những dự định trọng đại của cuộc đời của những người TNXP tuổi mười chín, đôi mươi ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực...

Đại đội 317 là đơn vị chủ lực cơ động được điều động đi ứng cứu, vận chuyển, sơ tán hàng hóa, san lấp hố bom, rà phá bom mìn tại những trọng điểm giao thông như cầu Cấm, cầu Bùng, cầu Bến Thuỷ trên quốc lộ 1A.... Ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn, đây là trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”; “sống anh dũng bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, 14 chiến sĩ Tiểu đội 2 (gồm 12 nữ, 2 nam) thuộc Đại đội 317 ngày đêm bám đường san lấp hố bom, đêm đêm làm cọc tiêu sống cho những đoàn xe chở vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men chi viện chiến trường miền Nam.

“Ban ngày san lấp đường, ban đêm các cô gái ở Tiểu đội 2 cùng nhau làm nhiệm vụ dẫn đường cho ô tô đi qua. Do đêm tối, thời gian đầu, các cô gái của "tiểu đội thép" nghĩ ra cách dùng bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi”, bà Thông kể.

Khoảng 08 giờ tối ngày 30/10/1968, Tổng đội trưởng Lê Lượng nhận được lệnh hỏa tốc, tối mật do đồng chí Nguyễn Sỹ Hòa, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban đảm bảo giao thông ký, nội dung lệnh: "00 giờ ngày 01 tháng 11 năm 1968 Mỹ ngừng ném bom"; "07 giờ sáng ngày 31/10 (nhằm 10/9/1968 năm Mậu Thân - PV) có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng làm nhiệm vụ, chiến đấu. Khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe chở vũ khí, lương thực vào Nam vượt qua". Ban chỉ huy Tổng đội cử Hồ Minh Đàn, Nguyễn Văn Thân kỹ sư giao thông, cán bộ quân sự, y tá, y sĩ xuống hiện trường cùng đơn vị trực tiếp chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ. 

Nhận lệnh, Ban chỉ huy phân công đơn vị làm nhiệm vụ. Tiểu đội 2 nhận được lệnh: "Bằng mọi giá phải mở con đường máu để đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng...". 04 giờ sáng 31/10/1968, ăn sáng xong, toàn đơn vị tập trung san lấp hố bom cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện thả hàng trăm quả bom xuống con đường đắc địa, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương - nơi 14 TNXP thuộc Tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ. 13 TNXP đã hy sinh mà không kịp nói với nhau lời cuối, trong đó có anh Hòa và chị Tâm.  

Sau tiếng bom, bộ đội, TNXP và người dân xã Mỹ Sơn lao vào đào bới đất đá tìm kiếm 14 người của Tiểu đội 2, tuổi mười tám, đôi mươi trong khói bụi và nồng nặc mùi thuốc bom. Những người bị thương đã được khẩn trương đưa đi bệnh viện cấp cứu, thi hài các đồng chí đã hy sinh còn nguyên là các chị Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh đưa về xã Mỹ Sơn khâm liệm. Còn lại 7 chiến sỹ thi thể không còn nguyên vẹn, Ban Chỉ huy Tổng đội và đơn vị tiếp tục tìm kiếm đào bới nhặt những phần còn lại chia 7 phần để mai táng, trong đó có anh Hòa, chị Tâm.

Theo bà Thông, việc bà còn sống là điều vô cùng may mắn, bởi trong lúc mọi người tuyệt vọng tìm kiếm đã thấy phần nòng súng nhô lên trên mặt đất. Đào xuống, mọi người phát hiện bà bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Bà Thông sau đó được đưa về nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trong tình trạng bất tỉnh, áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu.  

Tiểu đội trưởng “Tiểu đội thép” Trần Thị Thông.

 

Chuyện tình nơi tuyến lửa Truông Bồn

Chia tay Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, chúng tôi tìm về xã Hợp Thành, huyện Yên Thành - quê hương của liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm. Căn nhà cấp bốn là những Bằng khen, Bằng Tổ quốc ghi công và những tấm Huân, Huy chương treo khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Đàn (cháu ruột liệt sỹ Tâm) cán bộ Công an nghỉ hưu tự hào cho biết bà Trần Thị Đàm (mẹ liệt sỹ Tâm) đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Năm 1948, mẹ Đàm tiễn người con trai đầu là Nguyễn Dơn lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn anh Dơn, duy nhất có một tút thuốc lá trà khúc và chiếc khăn mùi soa hình vuông gia đình mua tặng là vật kỷ niệm duy nhất. Năm 1951, gia đình nhận giấy báo tử anh Dơn đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Buồn vì thương con, bà Đàn nhịn ăn mấy ngày liền. Đến năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một lần nữa mẹ Đàm tiễn người con gái thứ 6 là Nguyễn Thị Tâm (17 tuổi) lên đường gia nhập lực lượng TNXP, có mặt tại các điểm giao thông trọng điểm ác liệt nhất làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm an toàn cho xe ra tiền tuyến. Sau đó, chị Tâm được điều về đường 15A - tuyến đường độc đạo phục vụ cho chiến trường miền Nam thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

"Ba năm tham gia lực lượng TNXP, nhưng o Tâm chỉ về nhà 2 lần thăm gia đình. O Tâm có nết na thùy mị, có giọng hát rất hay, hay khâu vá và thêu giỏi. Về nhà o Tâm hay kể về công việc san lấp hố bom, mở đường. O Tâm bảo tuy nguy hiểm, vất vả, nhiều hôm thức trắng đêm. Có lúc vừa chợp mắt, nghe tiếng kẻng báo động mọi người vội vàng vác súng, cầm xẻng chạy ra đường làm nhiệm vụ. Toàn thanh niên tuổi mười tám đôi mươi cả, sống vô tư, vừa làm vừa hát không biết mệt nhọc, thậm chí tiếng hát át tiếng bom thù. Lần thứ 2 o về nhà không ngờ đây cũng là lần cuối. Lần đó, o Tâm tâm sự với bố mẹ là o yêu anh Hòa ở cùng Tiểu đội 2, quê ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu. O Tâm còn dặn sắp tới đây, gia đình anh Hòa đưa lễ vật sang dạm hỏi thì bố mẹ hãy vui vẻ nhận lời. O Tâm còn nói như hứa với gia đình. “Ngày 01/11 tới đây là chúng con hết thời gian phục vụ lực lượng TNXP, chúng con sẽ về quê tổ chức đám cưới. Bố mẹ chỉ việc lo trầu cau, nước chè xanh, vài lít rượu, còn bánh kẹo có bạn bè trong tiểu đội con hỗ trợ. Thời bao cấp lại chiến tranh như thế là sang lắm rồi bố mẹ ạ!".

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, chị Tâm vội vàng trở lại đơn vị. Ngày 30/10/1968, mẹ và anh trai của anh Hòa mang trầu cau đi bộ khoảng 50km từ xã Diễn Lộc lên nhà o Tâm để dạm hỏi đồng để xin dâu. Vì đường xa, hơn nữa thời kỳ đó máy bay mỹ oanh tạc ác liệt nên phía gia đình o Tâm mời gia đình họ trai ngủ lại qua đêm. Sáng 31/10/1968, khi gia đình tiễn người nhà anh Hòa ra về thì nghe tiếng bom nổ dữ dội, không biết cụ thể ở đâu.

“Đến chiều, bố tôi, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, vội vàng đạp xe về nhà thông báo tin dữ: “Cả Tiểu đội 2 trong đó có o Tâm nhà mình và anh Hòa hy sinh cả rồi”. Sau tin dữ đó, sức khỏe mẹ o Tâm suy sụp hoàn toàn. Hai năm sau, mẹ o Tâm đổ bệnh rồi qua đời", anh Nguyễn Văn Đàn kể lại.

Anh Đàn còn cho biết bà Trần Thị Đàm còn có người con tên là Nguyễn Văn Vấn, hy sinh năm năm 1968 tại mặt trận phía Nam. Liệt sỹ Vấn là con cụ Nguyễn Ngân (em chồng bà Đàm). Khi anh Vấn sinh ra được 1 tuổi, ông Ngân lâm bệnh nặng qua đời, mẹ đi lấy chồng khác, bà Đàm đưa anh Vấn về nuôi. Năm 18 tuổi, anh Vấn nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường miền Nam đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ.

Rời nhà anh Đàn, tôi tìm về gia đình liệt sĩ Cao Ngọc Hoà ở xóm 11, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, cách nhà o Tâm gần 50km. Về đến xã, lần tìm mãi mới hỏi ra ngôi nhà nhỏ nằm sát chân rú Bạc, cách trung tâm xã khoảng 6km. 

Nhà chỉ có 3 mẹ con bà Hợp (em ruột o liệt sĩ Hòa) ở. Bà Hợp kể, anh Hòa sinh ngày 01 tháng 1 năm 1948, bố mất khi anh Hòa lên 4 tuổi. Nhà có ba anh em, bác Lợi là anh cả, sau anh Hòa là chị Hợp, em gái lấy chồng. Nhà anh Hòa trước ở trong xóm Vĩnh Xuân, xã Diễn Lộc, gần chợ, sát đường. Năm 1966, chiến tranh, xã vận động một số gia đình di dân vào trong rú Bạc trong có gia đình anh Hòa. Năm 1965, anh Hòa tình nguyện đi TNXP, thuộc Đại đội 304, huyện Diễn Châu. Sau đó, anh Hòa được bổ sung về Đại đội 317 và về Truông Bồn.

Trong 3 năm tình nguyện tham gia TNXP, anh Hòa chỉ ghé về thăm gia đình 2 lần. Lần thứ 2 là trước khi hy sinh khoảng 4 ngày, anh Hòa đưa o Tâm về nhà giới thiệu với gia đình chị Tâm là con dâu tương lai sắp cưới. Anh nói với mẹ, vài hôm nữa gia đình đưa trầu cau lên nhà o Tâm ở xã Hợp Thành để dạm hỏi và xin dâu. Sau đó, cả anh Hòa và o Tâm vội vàng trở lại đơn vị tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Biết gia đình nghèo đói, khó khăn, trước khi đi, anh Hòa nói như động viên mẹ: "Con quyết định cưới vợ trong tháng tới. Mẹ đừng lo, đám cưới chúng con tổ chức đơn giản thôi, có các bạn trong tiểu đội TNXP về giúp đỡ nên đâu sẽ vào đó". Thế nhưng, mọi dự định cho cuộc đời đôi bạn trẻ đã mãi mãi không thành hiện thực.

Khi tôi hỏi nơi thờ tự bố mẹ anh Hòa và liệt sĩ Cao Ngọc Hòa, chị Hợp kể: “Do không có điều kiện sửa chữa nên mỗi khi mưa xuống, nhà dột không từ chỗ mô cả, những lúc như vậy, ba mẹ con chỉ biết trải rơm nằm dưới bếp. Nóng ruột, bàn thờ mưa thì dột, nắng thì xuyên vào di ảnh, cháu ruột anh Hòa ở thành phố Vinh thấy vậy đành xin đưa di ảnh bố mẹ và anh Hòa vào chung cư ở thành phố Vinh thờ cúng”. 

Khu Di tích lịch sử Truông Bồn ngày nay tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

 

Chiến tranh đã lùi xa, Truông Bồn hôm nay trở thành biểu tượng lịch sử của thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn 1.240 anh hùng liệt sỹ, nơi lưu giữ vẹn toàn những giá trị sống của một thế hệ thanh niên quyết hy sinh tất cả cho độc lập, tự do của Tổ quốc, viết nên một huyền thoại Truông Bồn, mãi mãi là những đoá hoa bất tử cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. 

Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn được Đảng và nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 8/2015, công trình bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn với tổng diện tích 21,7ha, tổng mức đầu tư 365 tỉ đồng đã được khánh thành.

Xin được tri ân những cô gái, chàng trai tuổi thanh xuân phơi phới làm nên bản tráng hùng ca bất tử Truông Bồn.

HỮU TRỌNG

Theo Tạp chí LSVN


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội