Niềm vui người Mã Liềng nơi thượng nguồn sông Gianh
Kỳ 2: Đổi thay cuộc sống người Mã Liềng
Từ nơi rừng thẳm, ra ở nơi định cư mới ở các bản Kè, Cáo, Chuối (xã Lâm Hóa), Cà Xen (xã Thanh Hóa) với sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân, cùng các chương trình, dự án, cuộc sống người Mã Liềng nay đã bước sang trang mới.
Giúp người Mã Liềng ổn định cuộc sống
Để giúp người Mã Liềng định canh, định cư, ổn định cuộc sống, bên cạnh việc kiên trì tuyên truyền, vận động, cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã, nhiều cấp, nhiều ngành cùng vào cuộc. Đó là việc lập thành các bản mới gồm bản Kè, Cáo, Chuối, Cà Xen ở gần tuyến đường, nguồn nước; xây dựng nhà theo mẫu nhà sàn truyền thống phù hợp với tín ngưỡng của người Mã Liềng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ xây cầu, làm đường bê tông vào các bản; xây nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, đập thủy lợi phục vụ sản xuất…
Khó khăn nhất trong quá trình định canh, định cư là việc chuyển đổi cách thức sản xuất cho đồng bào. Việc trước hết là làm thay đổi nhận thức của bà con. Cách làm tốt nhất là phải để người Mã Liềng học tập cách sản xuất của các bản định cư trước. Huyện Tuyên Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình tổ chức cho bà con Mã Liềng đến tham quan, học tập mô hình định cư của người Vân Kiều. Rồi cung cấp cây, con giống, phân bón và cử cán bộ làm mẫu, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” để giúp bà con tự sản xuất. Có những việc cán bộ phụ trách phải làm đi làm lại nhiều lần, làm trong thời gian dài người dân mới tin, mới hiểu và làm theo.
Dần dần người Mã Liềng đã biết cầm cái cày, cái cuốc ra đồng vào mỗi buổi sáng để làm ra hạt thóc, hạt gạo, biết chăn nuôi để “cái bụng” có cái ăn. Đời sống đồng bào người Mã Liềng dần tương đối ổn định song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, vẫn còn trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân.
Gặp già làng Hồ Điện, ở bản Chuối kể: “Ngày xưa, người Mã Liềng mà không vô rừng là hết, là chết. Vô rừng mới hái được quả, đào được củ, bắt được con mà ăn. Nhưng qua năm, qua tháng, cái lời cán bộ nó đúng, chừ thì “hột ngọc trời” cho người Mã Liềng đang nằm trên nương, trên rẫy; nó ở ngay bên hông mình, ngoài vườn nhà ta. Nhưng để làm được phải học cái chữ, làm sáng cái đầu trước đã”.
Như lời Hồ Điện nói, khi ra khỏi hang, người Mã Liềng không biết chữ, nói tiếng Kinh không thạo. Cùng với việc phát triển kinh tế, các cấp, các ngành địa phương mở lớp xóa mù chữ cho tất cả bà con đã quá tuổi đi học mà chưa biết chữ. Ban đầu, dù những bước chân đến lớp học còn lạ lẫm, những bàn tay viết chữ còn nguệch ngoạc, những giọng đọc còn chưa rõ, nhưng đến nay rất nhiều người ở Mã Liềng đã biết đọc, biết viết, biết được cái chữ phổ thông, cái chữ giúp họ giao lưu với cộng đồng. “Cái chữ của người Kinh hay thật, nó ghi lại được tên mình, tuổi mình. Từ nay, người của bản biết năm sinh tháng đẻ, con cháu người Mã Liềng có thể suy nghĩ xa hơn dãy núi Giăng Màn rồi. Học chữ giúp cho mình hiểu được nhiều điều “kỳ lạ” mà bao đời nay người Mã Liềng chưa hề nghĩ tới, như biết cách làm ra cây lúa trĩu hạt, cây ngô nhiều bắp, nuôi con vật nhanh lớn được, để ăn, để bán lấy tiền” - Già làng Hồ Kính ở bàn Kè nói.
Có được cái chữ đồng nghĩa với trình độ dân trí của bà con nơi đây được cải thiện và nâng lên. Trước kia, người Mã Liềng mắc nhiều dịch bệnh như sốt rét, đường ruột, đau mắt hột, bệnh ngoài da... Nghèo đói, lạc hậu, không có thuốc điều trị, tin vào ma rừng, ma núi, nhà có người ốm mời thầy mo, thầy cúng. Người Mã Liềng xem đứa trẻ sinh ra chỉ có mẹ ở bên. Họ nói giống như con hươu, con nai sinh ra đã tự đi được, đứa trẻ Mã Liềng sinh ra cũng phải làm được như thế, sau này mới khuất phục được thần núi, thần sông… Học được cái chữ cùng với sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, giờ đây người Mã Liềng đã biết đến trạm xá để chữa bệnh mỗi khi ốm đau, sinh đẻ; chăn nuôi, trồng trọt biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn… Đời sống người Mã Liềng dần ổn định.
Đổi thay của người Mã Liềng
Trở lại thăm bà con Mã Liềng sau gần 4 năm, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự đổi thay nơi đây. Các con đường quanh bản của người Mã Liềng giờ đã được bê tông hóa; nhà sàn của bà con xây dựng kiên cố, gần nhau, điện lưới kéo về tận từng hộ gia đình, trong bản có trường học, công trình nước sạch, sân bóng chuyền, nhà văn hóa cộng đồng; tiếng loa phát thanh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 vang khắp bản; hầu hết nhà nào cũng có tivi, xe máy… 100% người Mã Liềng không còn đốt rừng làm rẫy mà mỗi nhà có từ 1 - 2 sào ruộng trồng lúa nước 2 vụ trong năm. Nhiều hộ còn nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên lên tới hơn chục ha. Chăn nuôi, trồng trọt của từng hộ gia đình phát triển với đa dạng vật nuôi, cây trồng như: Nuôi lợn, gia cầm, nuôi nhốt bò, dê…; trồng rau các loại và khai hoang được đất màu để trồng ngô, sắn, lạc, đậu…
“Còn nhớ vụ Đông Xuân đầu tiên đồng bào dân tộc bản Cáo tự sản xuất trên đất mới khai hoang. Nhà ai cũng có lạc để thu hoạch, có hộ bán được 10 triệu đồng, hộ được 20 triệu đồng, thậm chí có hộ được 30 triệu đồng, bà con phấn khởi còn đề nghị chính quyền cấp thêm đất sản xuất”, chị Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo phấn khởi kể lại.
Hay bản Cà Xen, xã Thanh Hóa được xem là mô hình định canh, định cư thành công nhất của đồng bào Mã Liềng tại Quảng Bình. Ngoài lúa nước và các loại cây ngắn ngày, bà con đã biết sản xuất theo kiểu nông lâm kết hợp. Tận dụng nguồn nước, nhiều hộ đào ao thả cá. Hộ nào cũng có vài ba sào lạc, đậu xanh, mỗi hộ có hai, ba con trâu, bò.
Giờ đây, người dân Mã Liềng không chỉ chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng mà còn làm thêm nhiều nghề để tăng thêm thu nhập. Từ nghề phụ, họ còn thành lập ra hợp tác xã lâm nghiệp để giúp nhau thoát nghèo. Cầm trên tay những chiếc nón lá, hay lọ măng muối mang thương hiệu Mã Liềng, tôi thực sự bất ngờ bởi sự đổi thay nhanh chóng trong tư duy làm kinh tế của người dân nơi đây.
Chị Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong rừng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn làm măng muối, măng khô và làm nón. Sản phẩm làm ra được nhiều người mua nền bản đã thành lập hợp tác xã thu hút thêm nhiều người dân tham gia cùng giúp nhau thoát nghèo…”.
Người Mã Liềng hiểu rằng để thoát nghèo thì phải theo học con chữ, nên họ cho con em mình chăm chỉ theo học. Vậy nhưng, trước đây sự học của trẻ em Mã Liềng vẫn còn chông chênh, bởi trường xa các bản, đường đi lại phải vượt suối, vượt rừng. Năm 2019, việc khánh thành điểm trường tại các bản thật sự là ngày hội với người dân Mã Liềng. “Cái bụng” của người Mã Liềng càng vui hơn, khi hàng tháng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tuyên Hóa đều đặn tổ chức 1 đến 2 lần mô hình “Bữa cơm cho em” để mang tới các cháu học sinh những bữa cơm dinh dưỡng tại các điểm trường.
Những đợt hành quân đến các điểm trường, thấu hiểu những thiếu thốn, khó khăn của các cháu, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện không chỉ tu sửa khuôn viên trường mà con vừa tự nguyện đóng góp, vừa vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để mua thêm dụng cụ ăn uống, dày dép, quần áo, đồ dùng học tập cho các cháu.
Ông Hồ Nguyện, ở bản Chuối tâm sự: “Bộ đội không chỉ tổ chức bữa cơm, tặng quần áo, sách vở cho các cháu mà còn thường xuyên về bản giúp đồng bào miềng (mình) làm đường, lắp đặt đường điện để chiếu sáng trong bản, xây dựng các công trình nông thôn mới…”.
Cảm kích, ấn tượng trước những việc làm của bộ đội nên những năm trở lại đây, cứ vào đợt tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ nhiều thanh niên của người Mã Liềng tự nguyện viết đơn lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, đang có 6 thanh niên của người Mã Liềng ở 4 bản đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Để những quân nhân là người Mã Liềng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, trong thời gian tại ngũ, Ban CHQS huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động dân quân xã đảm nhiệm giúp đỡ gia đình tu sửa nhà cửa, chăm sóc, thu hoạch mùa màng. Còn khi xuất ngũ trở về địa phương, xã Lâm Hóa còn trích nguồn kinh phí hỗ trợ 50 cây bưởi hoặc cam cho mỗi người để lập nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Đảng bộ xã Lâm Hóa cho biết: “Việc làm ý nghĩa của Lực lượng vũ trang tỉnh và huyện thời gian qua giúp đỡ người dân Mã Liềng đã tạo sức lan tỏa thu hút nhiều tổ chức, cơ quan cùng tham gia. Từ đó, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân xã còn giao cho từng ban, ngành đoàn thể những phần việc cụ thể để giúp đồng bào Mã Liềng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…”.
Những phần việc cụ thể mà ban, ngành đoàn thể giúp đồng bào Mã Liềng mà đồng chí Nguyễn Tư Thoan đề cập có thể kể đến đó là việc Hội nông dân hướng dẫn bà con trong trồng trọt, chăn nuôi; Văn hóa xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân Mã Liềng dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh; Y tế xã tăng cường hướng dẫn người dẫn vệ sinh môi trường, tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; Công an xã tổ chức Lễ đăng ký kết hôn cho con em người Mã Liềng khi lấy nhau. Bởi trước đây, thanh niên người Mã Liềng khi yêu nhau là tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn. Khi làm đám cưới, người Mã Liềng thường làm linh đình nên nhiều gia đình phải vay nợ để tổ chức. Do đó, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ xã đảm nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ người dân Mã Liềng tổ chức đám cưới cho con em mình theo khả năng của gia đình. Quá trình đám cưới, UBND xã cho mượn loa máy; Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ tổ chức chương trình và các bản Kè, Cáo, Chuối, Cà Xen luyện tập, tham gia ít nhất 2 tiết mục văn nghệ. Từ mô hình này, không chỉ tránh được tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn mà còn giúp đám cưới của người Mã Liềng vừa mang đậm bản sắc văn hóa vừa trang trọng lại hạn chế tốn kém cho người dân… Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể, Lực lượng vũ trang nên cuộc sống người Mã Liềng ngày một khởi sắc.
Chia tay bà con người Mã Liềng nơi thượng nguồn sông Gianh, hình ảnh tiểu thương vào bản mua nông sản, hay tiếng trẻ con râm ran đánh vần trong lớp học; nụ cười phấn khởi của những già bên bục cửa những ngôi nhà sàn… cứ vương vấn mãi trong tôi.
ĐỨC CƯƠNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận