Thứ sáu, 10/05/2024 - 02:42
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Quảng Bình có điều kiện tự nhiên được chia là 4 vùng sinh thái, gồm: Rừng núi, đồi trung du, đồng bằng và vùng cát ven biển. Khí hậu chia làm hai mùa, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 thường có gió tây nam khô nóng kết hợp với thiếu mưa gây hạn hán, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, thường xuất hiện nhiều đợt mưa lớn và bão gây ra lũ lụt trên diện rộng.

Do vị trí địa lý, đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Quảng Bình là một trong những tỉnh gánh chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn nhất trong cả nước. Trong đó, nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Văn Lương cho biết: BĐKH là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà Quảng Bình phải đối mặt trong thời gian qua. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, diễn biến thời tiết, thiên tai chịu ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH nên khó nắm bắt. Là một tỉnh nhỏ hẹp ở miền Trung, lưng tựa dãy Trường Sơn, đối mặt với biển Đông nên Quảng Bình nằm trong số những địa phương chịu tác động nặng nề của mối đe dọa này.

Hiện nay, tại Quảng Bình, thiên tai có tần suất ngày càng cao hơn và mức độ ác liệt hơn, như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, rét đậm rét hại, lốc tố, sạt lở đất...  đã gây tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các ngành kinh tế-xã hội khác.

Từ năm 2011-2022, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh hơn 21.700 tỷ đồng, làm 108 người thiệt mạng và 832 người bị thương. Nặng nề nhất là: Năm 2013, thiệt hại gần 8.800 tỷ đồng, làm 26 người chết, 489 người bị thương; năm 2016 thiệt hại gần 2.900 tỷ đồng, làm 25 người chết và 39 người bị thương; năm 2017 thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng, 5 người chết và 57 người bị thương.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bị đá núi lở gây ách tắc giao thông trong đợt mưa lớn tháng 10/2023.

 

BĐKH đã tác động mạnh đến mức độ ngập lụt tại một số lưu vực sông chính ở Quảng Bình, như: Gianh, Lý Hòa, Nhật Lệ… Đa số các nguồn sông suối trong tỉnh đều xảy ra lũ lụt. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra khắp các triền sông, cửa sông ven biển, có nơi rất nghiêm trọng. Tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong sông, mặn tiềm tàng trong đất ảnh hưởng tới hàng nghìn ha đất, cây trồng, hoa màu của tỉnh cũng như hiện tượng vùng ven biển bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các hiện tượng tai biến môi trường như sạt trượt lở đất, lũ quét… Bên cạnh đó, BĐKH còn ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái nhạy cảm, đặc biệt là hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái rừng. Hạn hán từ BĐKH gây cháy rừng nghiêm trọng, phá hủy cảnh quan môi trường tự nhiên, làm mất diện tích rừng.

BĐKH, triều cường, ngập lụt ngày càng mạnh ảnh hưởng tới cơ cấu mùa vụ, phải chuyển đổi một số loại hình sản xuất nông nghiệp để thích ứng BĐKH. Vùng trung du tưới tiêu bằng các hồ chứa nên khi xảy ra hạn hán sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, năng suất và sản lượng giảm sút. Vùng đồng bằng được các sông, suối cung cấp đủ nước tưới, song nguy cơ ngập lụt cao khi mưa lớn,…

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, phần lớn người dân huyện Lệ Thủy bao đời gắn bó với ruộng đồng. Trồng trọt cây lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm là phương kế của người nông dân. Tuy nhiên, địa phương lại thường xuyên hứng chịu tác động tiêu cực của BĐKH, đặc biệt là thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết: BĐKH những năm gần đây ngày càng khó lường, gây ra những tai biến thiên nhiên, đặc biệt là bão, lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất, sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. BĐKH làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng dẫn đến năng suất, chất lượng giảm sút hoặc mất mùa. Chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, BĐKH đã làm giảm tuổi thọ các công trình, tuyến đường giao thông; làm sụt lún, ngập lụt nhiều tuyến đường, gia tăng sạt trượt, xói lở mặt, nền đường gây ách tắc, gia tăng tai nạn giao thông đường bộ; làm thay đổi đường bờ, luồng lạch bị bồi lấp nghiêm trọng... Mặt khác, sự gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan cũng gây thiệt hại về du lịch, dịch vụ, cơ sở hạ tầng trong công nghiệp, gây trì trệ hoạt động công nghiệp và gia tăng các chi phí phát sinh để duy trì, bảo quản, vận hành, sửa chữa thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp. Nguy cơ xảy ra cháy nổ trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và nhà máy cũng tăng theo các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Để chủ động phòng tránh với thiên tai, ứng phó với BĐKH, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất của nhân dân, từ năm 2020 đến nay, Quảng Bình đã tích cực bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các công văn về việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ứng phó với BĐKH; thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)...

Trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đang đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT đã tổ chức rà soát và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại khối lượng lớn lập hồ sơ đề nghị cấp sổ; tăng cường quan trắc và giám sát môi trường thường xuyên. Công tác thu gom, xử lý nước thải công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt được thực hiện nghiêm túc. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn và đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm.

"Những nỗ lực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của tỉnh thời gian qua đã khẳng định sự quyết liệt của chính quyền các cấp và việc triển khai thực hiện đồng bộ các phương án đã khẳng định những mong muốn của tỉnh trong nỗ lực chống BĐKH", Phó Giám đốc Sở TN-MT Phạm Văn Lương cho biết thêm.

Theo QBĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội