Thăm nhà Đại tướng
Là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, có một người Anh Cả như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi ai cũng thấy thật vinh dự, tự hào. Tôi chưa có may mắn được gặp Đại tướng, chỉ biết và thấy Đại tướng qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như lời kể của các bậc tiền bối nhưng lại có cơ hội đến thăm nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Vũng Chùa (Quảng Đông, Quảng Trạch) và ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy).
Còn nhớ những ngày tháng 10/2020, quê hương Lệ Thủy của Đại tướng hứng chịu đỉnh lũ lịch sử. Lũ rút, tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng vào cứu trợ bà con xứ Lệ và may mắn được đến thăm ngôi nhà lưu niệm Đại tướng bên dòng Kiến Giang. Sau những ngày “hung hãn”, dòng Kiến Giang lại hiền hòa, thơ mộng như vốn có nhưng chứng tích về sức tàn phá khủng khiếp của nó thì vẫn còn đó.
Kiên cường chống chọi với đỉnh lũ, người dân Lệ Thủy lại phải vất vả dọn dẹp khi lũ rút… Trong khó khăn chồng chất, bà con xứ Lệ vui mừng đón hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ các đơn vị: Sư đoàn 324, Sư đoàn 968, lực lượng vũ trang Quảng Bình đến dầm mình trong bùn non, mưa to, gió lớn, quần quật lao động, trả lại môi trường sống cho Nhân dân.
Chỉ khi dòng Kiến Giang xanh biếc trở lại, các chiến sĩ mới yên tâm tạm biệt bà con về đơn vị. Họ chính là những chiến sĩ "Bộ đội Cụ Hồ" noi theo tấm gương “dĩ công vi thượng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Có đi dọc bờ sông, cố nán lại thật lâu, tôi mới được nghe những câu chuyện của các vị cao niên kể về những nét đặc trưng trong văn hóa quê hương xứ Lệ, mới thấu được hình ảnh đẹp nhất trên dòng sông đã gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng. Đó là hình ảnh bà con nô nức tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9. Người xứ Lệ cả đời gắn với dòng sông, gò lưng theo nhịp chèo rồi cất lên điệu hò khơi, hò nậu xăm...
Ngày 8/5/2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu chỉ về thăm nhà lưu niệm Đại tướng đơn thuần thì chưa thể cảm nhận được hết hồn cốt mảnh đất xứ Lệ mà phải chìm đắm trong điệu hò khoan có âm vọng miền quê sông nước.
Bà Nguyễn Thị Lý, một nghệ nhân từng hát điệu hò khoan cho Đại tướng nghe kể với tôi rằng, sau khi nghe hò xong, Đại tướng rất xúc động và thường dặn bà và bà con phải gìn giữ, bảo tồn tinh hoa văn hóa của quê hương. Tôi chưa thể hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của điệu hò, nhưng nghe các cụ cao niên kể lại rằng, thời còn nhỏ, cậu bé Giáp đã theo mẹ chèo đò chở lúa trên sông Kiến Giang, người chèo đò luôn hò để bắt nhịp mái chèo. Có thể khi nghe lại điệu hò, Đại tướng đã nhớ về tuổi thơ gắn với dòng sông hiền hòa.
Lũ dữ nhưng ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ Đại tướng vẫn vững chãi. Dừng chân trước nhà, tôi lắng đọng cõi lòng mình thật lâu để cảm nhận rõ mùi rơm rạ phảng phất lẫn trong mùi bùn non ngai ngái. Có cảm nhận rõ hai “đặc sản” này bên dòng Kiến Giang mới thấm khí phách con người xứ Lệ với văn hóa hò khoan, những tinh túy đã sản sinh, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách cậu bé Võ Nguyên Giáp thuở thiếu thời, để sau này làm nên một vị tướng huyền thoại-Tượng đài bất tử trong lòng quân dân đất Việt.
Theo cụ Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người trông coi nhà lưu niệm thì thuở nhỏ, hàng đêm trong ngôi nhà này, cậu bé Võ Giáp được mẹ mình kể cho nghe về phong trào Cần Vương, mà ông nội và ông ngoại đều bí mật tham gia. Cha của Đại tướng thì hun đúc vào trái tim con trai mình cảnh lầm than, cơ cực của đồng bào, lòng căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh cứu giúp đồng bào mãnh liệt.
Lúc sinh thời, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường mời bà con đến nhà uống nước, trò chuyện, nghe hò khoan ngay tại nhà. Với con cháu, Đại tướng khuyên răn không được tự kiêu, tự đại, cố gắng phấn đấu, tự lực cánh sinh, không để kém anh kém chị, nhưng phải trong sạch, liêm chính; khuyên bà con nông dân cố gắng sản xuất, dù thiên tai khắc nghiệt cũng đừng ly hương mà nên đi ra các vùng xung quanh để phát triển kinh tế. Vì vậy, người dân Lệ Thủy từ lâu đã gọi đây là “ngôi nhà chung”, “ngôi nhà tình thương”.
MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận