A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hương vị Tết

Từ xưa đã có biết bao áng văn thơ, bao bản nhạc về Tết trở thành những sản phẩm tinh thần thượng hạng của nhân loại. Năm nào cũng có Tết, nhưng tại sao người ta nói mãi về điều đó mà vẫn không cũ, không chán? Lý do thì nhiều, sức hấp dẫn thì nhiều, nhưng ở đây chỉ xin nói về một thứ, có tên chung là hương vị Tết.

Có người sẽ bảo hương vị Tết là một thứ nhà văn bịa ra, rất khó xác định vì đã nói đến hương vị là phải nói đến những cái xác định mà chỉ cần nhắc đến nó, người ta dễ thống nhất với nhau như mùi thơm của nước hoa Chanel hảo hạng, mùi thơm của hoa bưởi, hoa chanh nở vào dịp xuân. Còn vị? Hương thơm thì không có vị. Nói đến vị là nói đến thưởng thức, đánh giá của vị giác, một thứ hoàn toàn khác. “Ai đi phân tách một mùi hương”, Xuân Diệu đã nói vậy không chỉ vì đó là một việc không thể, nhưng vẫn có thể nói về vị từ những cảm nhận khác nhau. Và hương vị Tết lại càng khó nói chi tiết, cụ thể, theo kiểu đong đếm. Mà đong đếm sắc hương, mùi vị thì là việc chả nên làm. Chỉ có thể cảm nhận nó vì cái hương vị ấy rất dễ nhận ra vào lúc chuyển mùa, trong một không khí thật đặc biệt, trong trời đất lành lạnh mưa bụi bay mờ cả giời đất, trong hương thơm thoang thoảng, trong không gian vừa thành kính vừa thân thiện của một gia đình, trong không khí rộn ràng của hội hè, trong cảnh sắc mùa xuân của cả đất trời lẫn lòng người thì quả là khó thực. Nó rất đặc trưng nhưng cũng khó mà nói ra rành rẽ.

Gói bánh chưng - phong tục đặc sắc dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

 

Vậy hương vị Tết là một mỹ từ người ta nghĩ ra để nói về một thứ có thực mà lại như không thực. Nó như lá diêu bông của Hoàng Cầm trong thơ, vừa hư vừa thực, cái thời ai cũng có nhưng không nói ra được, chỉ đến khi gặp nó trong thơ Hoàng Cầm mới thấy nó hiện hình rõ rệt, ám ảnh; và khi trò chuyện chỉ cần nhắc đến hai chữ diêu bông là người ta đã thấy cái thời ấy hiện ra với đủ sắc màu và ý vị với từng người. Hương vị Tết cũng như vậy.

Năm hết, Tết đến, bên cạnh rất nhiều nỗi lo thì chuẩn bị đón Tết là một nghi thức đặc biệt, dành cho cả người sống lẫn người đã khuất, cho cả hiện tại và tương lai. Người ta phải chuẩn bị về tâm thế, kinh phí, có cả một kế hoạch cho trước và sau thời khắc này. Đó là điều có thực. Khoảng thời gian áp Tết là khoảng thời gian đặc biệt: Bao nhiêu kế hoạch cho một năm cố hoàn thành. Ở nông thôn ngày xưa thì đơn giản hơn vì theo nông vụ thời tiết đã thuận hơn, lúa đã bén rễ, lá đã ve vẩy và bắt đầu vào vụ nông nhàn. Các gia đình lo chạp mộ, góp Tết tưởng nhớ tổ tiên, nối thêm tình thân trong các quan hệ họ hàng và lo thực phẩm cho những ngày vui đoàn tụ, sum họp. Con cái đi công tác xa lo việc về thăm nhà vào dịp nghỉ dài, đem theo đủ thứ quà Tết của mọi miền. "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết", câu nói ấy ngầm chứa đựng tính chất quan trọng của những ngày lễ trọng. Cái vui vẻ, đủ đầy, sum họp vừa là cái thực, vừa là mong muốn của mọi nhà.

Những câu chuyện hằng ngày cũng chỉ xoay quanh chuyện Tết. Làng xóm trông cũng phong quang hơn. Trẻ con có những tấm áo mới đã đành, ngay cả người già cũng xúng xính trong những bộ cánh có khi cả năm treo cất, lúc này mới mang ra hong nắng để dành mặc những ngày Tết. Họ muốn trang trọng hơn, đẹp hơn không phải cho mình, mà cho dịp cần phải đẹp hơn, trang trọng hơn. Hoa, tranh Tết, câu đối, đánh rửa, làm mới lại đồ thờ, hương hoa dành cho người đã khuất và những thứ dành cho người sống đều gắn với những gì tươi vui, hướng về tương lai và những điều tốt lành. Đó là một nét đẹp văn hóa tổ tiên truyền lại.

Tết sum vầy

 

Ở thành phố điều này càng rõ. Ngày Tết, đàn ông diện lễ phục, đi giày; đàn bà cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, trang điểm đẹp hơn ngày thường đến thăm bạn bè, người thân, bà con, vãn cảnh chùa, danh thắng... với một thái độ trịnh trọng, lịch sự. Dù đi chơi ở những danh lam thắng cảnh hay đến những nơi công cộng, nhìn trang phục, nét mặt, nụ cười... ta đều nhận thấy điều “khác thường” này. Đó là một ứng xử thanh lịch và văn minh chứ không phải là khoe khoang về ăn mặc. Ngay cả cách nói năng, giao tiếp, người ta cũng nhẹ nhàng hơn, tránh những điều có thể gây khó chịu cho người khác. Người ta còn kiêng cả những chuyện không hay, bực mình vào những ngày đầu năm. Đây là từ tâm thức, nó mang nét đẹp trong ước mong về một cuộc sống hòa thuận, an bình.

Xin chữ đầu Xuân.

 

Những nét sinh hoạt như thế cứ bồi đắp dần thêm tình thân giữa những người láng giềng, sự gắn bó của những người cùng dòng họ và đời tiếp đời, làm cho mối quan hệ không bao giờ bị đứt đoạn cho dù những ồn ã, xô bồ, hệ lụy của đời sống thường này có nơi, có lúc khiến nó nhạt nhòa. Sợi dây gắn với tổ tiên, cộng đồng, truyền thống ngày một bền chặt hơn là vì thế.

Anh bạn tôi mấy chục năm sống ở nước ngoài, trong một lần mời tôi đến nhà ăn Tết ta đã nói với tôi: “Tâm trạng tha hương nặng nề nhất là những ngày Tết. Tết ta không trùng với Tết người nên những ngày ấy, chúng tôi vẫn phải đi làm, thường người Việt xa xứ đón Tết trong những nhóm nhỏ, có thể thân tình, có thể không xa nhau về địa lý. Không có mai, đào thực thì cũng tự làm lấy cành đào, chậu mai để ngày Tết có không khí, nhưng không thể thiếu những món ăn quen thuộc: Giò, thịt đông, bát miến, bát canh măng, đĩa xôi, con gà và nhất là những nén hương Việt. Dường như qua những thứ đó, chúng tôi hướng về cội nguồn, tổ tiên dễ hơn và khi nhìn thấy những thứ đó, cảm thấy mình vẫn còn gắn bó với người thân, xứ sở. Đó là hương vị Tết găm vào trong những hoài niệm của tôi mà nhắc đến nó là cả một trời thương nhớ, làm sống dậy, nôn nao cả người”.

 
Thiếu nữ với mùa Xuân.

 

Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của anh đắm đuối những làn khói hương đen chầm chậm phả vào không gian mùi quê hương có gì đó như xa xót buồn. Rồi anh chìa cho tôi một cuốn sách bây giờ ít người đọc, rất nhiều người không biết vì nó chỉ kể câu chuyện ngày Tết về thăm quê của một người con đi xa, viết từ những năm 50 của thế kỷ trước, trong đó có mấy dòng anh gạch bằng bút màu đậm. Chắc anh đọc nhiều lần nên vết gấp đã cũ, tôi ngó thấy có dòng chữ nhà văn tả người con của làng đi trong không gian quê mình, tất cả đều thân thuộc nhưng lúc ấy anh thấy lạ. Lạ vì mới, lạ vì lần đầu tiên anh nhận thấy nó hiện hình rõ đến thế: "Đó là hương vị của quê hương”.

 
 
Mùa Xuân chiến sĩ.

 

Hương vị Tết là một cái gì đó rất thật, là của chung mọi người nhưng mỗi người lại cảm nhận nó từ những trải nghiệm, gắn bó của riêng mình. Nó gần gũi, gắn bó và thiêng liêng. Hương vị ấy ở mỗi vùng khác nhau. Có năm, tôi bắt đầu làm một chuyến đi như vậy dọc các nẻo đường Tây Bắc để ngắm những sắc hoa mơ, hoa mận nở vào mùa xuân. Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi theo nông lịch nữa, vì cuộc sống đã khác, công việc đã khác và thói quen của con người cũng đã thay đổi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái hương vị ấy trên khắp các nẻo đường, cánh rừng, làng bản; trên những mặt người mà tôi gặp. Nửa tháng rong ruổi qua 5 tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc, tôi vẫn bắt gặp hương vị ấy ở những sắc màu khác nhau. Cái náo nức, sôi động của cuộc sống mới cũng làm cho người ta phải quen dần với nhịp sống mới, nhưng cái hồn cốt của một nét đẹp văn hóa vẫn còn. Nó là một phần của sức sống dân tộc, của con người; nó là một phần hồn cốt tạo nên vóc dáng của cả cá nhân và cộng đồng, không lẫn với ai và cũng không bao giờ mất. Nó là hành trang theo suốt cuộc đời của mỗi người; là quà tặng của trời đất, tổ tiên, cộng đồng cho mọi người nên rất đáng trân trọng.

ĐỨC CƯƠNG (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội