A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi đình làng là 'địa chỉ đỏ' nối giữ mạch nguồn cách mạng

Trong tâm thức người Việt, mái đình là nơi linh thiêng nhất để thờ vị thần trấn giữ bình yên cho cả làng, là nơi để dân làng tụ họp, hương khói và hội bàn những chính sách quan trọng của làng xã. Vượt lên giới hạn đó, trên mảnh đất xứ Nghệ thân thương, nhiều ngôi đình còn là những “địa chỉ đỏ” lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quan trọng trong quá trình đấu tranh gìn giữ nền độc lập dân tộc. Bước vào thời kỳ mới, đó là nơi tiếp nối mạch nguồn yêu nước cho các thế hệ trẻ đang sinh sống, học tập trên mảnh đất này.

Đình Phú Nhuận - khi di tích hòa mình vào nhịp sống đương đại

Dưới mái đình Phú Nhuận (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) gần hai trăm năm tuổi, cuộc sinh hoạt toàn đoàn với chủ đề “Những dấu ấn vinh quang” được Đoàn xã Đặng Sơn tổ chức đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng các bạn trẻ và người dân Đặng Sơn. Trong buổi sinh hoạt đó, nhiều cảm xúc tự hào và xúc động đã chạm vào trái tim các bạn trẻ khi họ biết rằng, nơi mình đang đứng là chứng tích quan trọng lưu dấu ấn những giai đoạn lịch sử cam go của mảnh đất nơi mình sinh ra.

Ông Trần Văn Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đặng Sơn cho chúng tôi biết, đình Phú Nhuận được xây dựng vào năm 1854 tại làng Phú Nhuận (nay là xóm 4) và được trùng tu vào những năm đầu thế kỷ XX. Từ những năm 1928 - 1929, đình Phú Nhuận là điểm tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh chống cường hào ác bá, giảm sưu cao, thuế nặng.

Khi đình làng là 'địa chỉ đỏ' nối giữ mạch nguồn cách mạng ảnh 1
Ông Trần Văn Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đặng Sơn tại đình Phú Nhuận (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương).

Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931 đình được Xứ ủy Trung Kỳ, tỉnh ủy Nghệ An chọn làm địa điểm hội họp, in ấn và cất giữ tài liệu và là nơi làm việc công khai của chính quyền Xô viết. Tại đây, còn ghi dấu chứng tích 9 chiến sĩ cách mạng của xã bị thực dân Pháp giết hại vào ngày 8/9/1930.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình Phú Nhuận là trụ sở của Tư lệnh Liên khu và Ban Biên chính Việt - Lào. Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp chuẩn bị lực lượng đáp ứng kịp thời cho Chiến dịch Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào và các chiến trường Tây Bắc, Liên khu V.

Với những giá trị lịch sử và đóng góp to lớn của đình Phú Nhuận trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đặc biệt là trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, ngày 5/9/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 2379 công nhận đình Phú Nhuận là Di tích cấp Quốc gia.

Để đình Phú Nhuận không chỉ là chứng tích trong giai đoạn lịch sử đã qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Đặng Sơn luôn coi đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong hơi thở cuộc sống đương đại, là địa chỉ đỏ dẫn dắt thế hệ con cháu về nguồn.

Khi đình làng là 'địa chỉ đỏ' nối giữ mạch nguồn cách mạng ảnh 2
Dưới mái đình Phú Nhuận, nhiều hoạt động văn hóa của nhịp sống đương đại được diễn ra, là nơi con cháu tìm về nguồn cội để yêu hơn lịch sử quê hương mình.

Hằng năm, vào ngày mùng Bảy tháng Giêng, nhân dân xã Đặng Sơn cùng nhau tề tựu tổ chức Lễ Khai hạ tại đền để mở đầu ngày vui chào mùa Xuân mới, mong cầu may mắn cho cả năm. Đình cũng là nơi linh thiêng để con cháu địa phương hương khói, tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) vào mỗi năm.

Gần đây, đình còn là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ thơ ca với gần 40 hội viên là những yêu thơ trên địa bàn xã và nơi tụ họp của tổ chức Đoàn thanh niên. Nhờ vậy, đình Phú Nhuận vẫn hiện hữu vẹn nguyên trong từng nhịp sống của người dân, là một phần không thể thiếu trong văn hóa của bà con xã Đặng Sơn nói riêng, xứ Lường nói chung.

Tuổi trẻ và niềm tự hào dưới mái đình Võ Liệt

Trong những ngày khởi động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè đầy sôi động, chúng tôi theo chân lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Thanh Chương về với đình Võ Liệt để tiến hành các hoạt động dọn vệ sinh, cắt cỏ và gìn giữ cảnh quan của đình. Chỉ cách trung tâm xã hơn 2 km, đình Võ Liệt nằm bình yên bên cánh đồng Rè thuộc thôn Minh Tân (xưa thôn có tên là Khai Tiến) với diện tích gần 347 m2.

Được xây dựng năm 1859, đình Võ Liệt không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa của đất và người Thanh Chương mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Đặc biệt, vào sáng 1/6/1930, khi nhân dân Thanh Chương đã cùng nhau vùng lên, tập trung tại đình Võ Liệt rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ trình lên quan trên xem xét, giải quyết...

Khi đình làng là 'địa chỉ đỏ' nối giữ mạch nguồn cách mạng ảnh 3
Một góc đình Võ Liệt.

Mang trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Tư Hải Phong – Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết, hằng năm các tổ chức cơ sở Đoàn của địa phương đều chọn nơi đây là địa điểm về nguồn để bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các em đoàn viên, thanh niên.

Xuất phát từ mục đích đó, các đoàn viên thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, cắt cỏ và gìn giữ cảnh quan. Ý nghĩa hơn khi lễ hội truyền thống cách mạng Xô viết Thanh Chương được tổ chức vào ngày 1/9 thường niên tại đình cũng đã thu hút đông đảo nhân dân và thế hệ trẻ tham dự. Từ đây, đình Võ Liệt đã trở thành biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc của người dân Võ Liệt nói riêng, huyện Thanh Chương nói chung.

Khi đình làng là 'địa chỉ đỏ' nối giữ mạch nguồn cách mạng ảnh 4
Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Thanh Chương về với đình Võ Liệt để tiến hành các hoạt động dọn vệ sinh, cắt cỏ và gìn giữ cảnh quan của đình.

Theo số liệu Sở Văn hóa Nghệ An cung cấp, hiện toàn tỉnh 475 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 326 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều đình làng được xếp hạng chứa đựng những giá trị lịch sử vô giá, gắn liền với tiến trình bảo vệ bờ cõi của dân tộc, của công cuộc đấu tranh giữ nước của người dân xứ Nghệ.

Tại những di tích này tuổi trẻ Nghệ An luôn tích cực triển khai những hoạt động về nguồn và tiến hành nhiều chương trình dọn vệ sinh giữ gìn cảnh quan sạch sẽ. Như lời Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương khẳng định: “Đối với tuổi trẻ Nghệ An, những giá trị văn hóa lịch sử của các di tích lịch sử nói chung, đình làng nói riêng sẽ mãi tồn tại và đi cùng năm tháng với mỗi người trẻ hôm nay. Hành trang đó sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của lớp lớp cha, ông đi trước đã quên mình đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc”.

Nguồn: Báo Nghệ An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội