Chủ nhật, 12/05/2024 - 19:38
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiếc đèn chai

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, hàng chục nghìn ngọn đèn chai đã sát cánh, soi đường để các đoàn dân công hoả tuyến băng rừng, xuyên đêm hướng ra tiền tuyến, tiếp tế vũ khí, lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh thắng giặc Pháp xâm lược trên chiến trường.

Chiếc đèn chai của dân công hỏa tuyến Vũ Đăng Ninh.

 

Có lẽ tổi thơ của những người sinh ra và lớn lên bên gốc rạ thuộc thế hệ 8x, ngoài ánh trăng, không ai có thể quên được ánh sáng của những chiếc chai – ánh sáng đã gắn bó mật thiết trong mọi sinh hoạt lúc về đêm của người dân quê tôi. Đến khi có điện thắp sáng, nhiều gia đình vẫn lau chùi, cất kỹ đèn chai để dự phòng cho những đêm mất điện. Tôi nhớ như in ngày đó, mỗi khi nhá nhem, mẹ lại lôi đèn chai ra kiểm tra, châm thêm dầu và thắp lửa, ánh đèn chai thắp sáng một góc nhà. Đôi mắt trũng sâu và khuôn mặt khắc khổ của mẹ cứ hiện rõ dưới ánh đèn chai leo lét. Cứ thế, chiếc đèn chai đơn giản ấy đã gắn bó gần suốt cuộc đời của cha, mẹ và theo suốt thời thơ ấu của chúng tôi.

Tôi đã thắc mắc và đem hỏi mẹ, rằng loại đèn này có từ khi bao giờ, rằng ai làm ra nó đầu tiên? Mẹ cũng không biết rõ. Mẹ chỉ biết, nó có từ thời kháng chiến chống Pháp, được dân công hỏa tuyến sử dụng nhiều trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo lời kể của mẹ, tôi đã có dịp đến Bảo tàng Quân khu 4 tìm hiểu. Thật may mắn, tại đây còn lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý giá về những chiếc đèn chai.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa là tỉnh đóng vai trò hậu phương trực tiếp chi viện cho cuộc chiến đấu trên chiến trường chính Bắc Bộ. Đồng bào Thanh Hóa đã đùm bọc, chở che cán bộ, các cơ quan Trung ương, Nhân dân các địa phương vùng bị địch chiếm đóng tản cư; huy động sức người, sức của chi viện ra chiến trường. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Thanh Hóa là hậu phương chi viện sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân và dân nơi đây đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công, sửa chữa 14 km đường giao thông phục vụ tiền tuyến. Có đội ngũ xe thồ làm nhiệm vụ vận tải hùng hậu với 11.000 xe, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cùng hàng chục nghìn dân công hàng ngày không quản nắng mưa, bom đạn của kẻ thù, hướng ra tuyền tuyến với tinh thần “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Chiếc đèn chai của sư thầy Đàm Duyên, chùa Nam Ngạn (Thanh Hóa) sử dụng khi đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Để đạt được hiệu suất cao trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là vào ban đêm, bác Vũ Đăng Ninh, giáo dân xóm Tân Thịnh, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn - một dân công tham gia vận chuyển hàng hóa bằng xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đã tự tạo ra chiếc đèn từ chai thủy tinh 0,65 lít để soi đường. Đèn chai rất tiện cho việc vận chuyển trong đêm, không bị tắt khi trời mưa, gió to, tiện lợi khi sử dụng, tránh rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Từ sáng kiến nhỏ bé đó, đã có hàng chục nghìn ngọn đèn chai sát cánh cùng các đoàn dân công hoả tuyến hướng ra tiền tuyến.

Sau ngày chiến thắng, trở lại với cuộc sống đời thường, chiếc đèn chai đã trở thành đồ dùng sinh hoạt của nhiều gia đình vùng quê Thanh - Nghệ - Tĩnh. Năm 2009, khi cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 đến sưu tầm hiện vật lịch sử, bác Vũ Đăng Ninh đã hiến tặng chiếc đèn chai với mong muốn kỷ vật đơn sơ của mình sẽ góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu gian khổ của cha anh.

Bài, ảnh: CẢNH VINH – KIM LONG


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội