A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Thực tiễn trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự

Xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước

Công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước cho người phải thi hành án vừa thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với các trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.

Các quy định của pháp luật về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được quy định cụ thể tại các Điều 61, 62, 63 và 64 Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi bổ sung năm 2014; Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao “hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, cơ quan THADS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng và điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước, đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục. Các vấn đề vướng mắc thường gặp như:

Về trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án. Hiện tại có hai quan điểm quan điểm thứ nhất cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Quan điểm thứ hai lại cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ ra quyết định về việc chưa có điều kiện về thi hành án theo Điều 44a Luật THADS năm 2014; đồng thời, không có cơ sở để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61 Luật THADS năm 2014 do không xác định được nhân thân, tài sản của người phải thi hành án. Việc không thống nhất dẫn đến một số nơi cơ quan thi hành án dân sự không lập được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm đối với những vụ việc mà người phải thi hành án sống lang thang hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú (được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án) nhưng không xác định được địa chỉ cụ thể của họ.

Tuyên truyền "Mỗi tuần một điều luật" ở Lữ đoàn Phòng không 283.

 

Về lãi suất chậm thi hành án. Theo Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước có quy định: “Các khoản thu, nộp cho ngân sách Nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ Nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách Nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”; nhưng điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng (hai triệu đồng), như vậy sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách không phải là nhỏ. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì có thể nghĩa vụ thi hành án sẽ lớn hơn 2.000.000 đồng (hai triệu đồng). Như vậy với số tiền trên 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm. Sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào sẽ là trên 5.000.000 đồng (năm triệu đồng), như vậy, sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án.

Tuyên tuyền các nội dung pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa ở Trung đoàn 335, Sư đoàn 324.

 

Về điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án: Theo quy định của Điều 61 Luật THADS, có thể thấy ngay bất cập về trường hợp: Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đến dưới 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) thì không được xem xét để giảm mà phải đợi đến 10 năm mới được xem xét để miễn. Cũng không có quy định về hạn chế số lần được xét giảm, có nghĩa là từ năm hết thời hạn (05 năm hoặc 10 năm), thì lần lượt trong các năm tiếp theo đều có thể được xét giảm. Mặt khác, cũng không có hướng dẫn cụ thể về việc mức được xét giảm, mà chỉ quy định là “mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án”, dẫn đến việc các Chấp hành viên khi đề nghị xét giảm thường đưa ra mức tối đa là 1/4, các đơn vị Tòa án cũng thường chấp nhận mức tối đa này, bởi lẽ không có căn cứ nào để không chấp nhận. Vấn đề khác hiện nay quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp cho ngân sách mới chỉ hướng tới đối tượng người phải thi hành án là cá nhân mà chưa giải quyết cho các đối tượng là pháp nhân. Thực tế những vụ việc người phải thi hành án là doanh nghiệp phải thi hành án các khoản nộp án phí hoặc các khoản thu nộp cho ngân sách Nhà nước nhưng chưa có điều kiện thi hành án là rất lớn, thì vẫn không được xem xét để miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án vì chưa có quy định.

NGUYỄN TUẤN VŨ


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội