A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu Bốn, thắm đượm nghĩa tình

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xác định "chống dịch như chống giặc", là cuộc chiến đấu rất khó khăn, nguy hiểm..., thời gian qua, quân dân Khu 4 đã đoàn kết bên nhau, chống lại đại dịch Covid-19. Trong cuộc chiến ấy xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, yêu thương tương trợ, giúp đỡ nhau của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 và Nhân dân 6 tỉnh Bắc miền Trung đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch.

Điểm tựa của Nhân dân

Đã 1 năm nay, Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Quang Huy, Nhân viên Văn thư Bảo mật, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế chưa bao giờ có “khái niệm” cuối tuần, hay nghỉ lễ, tết. Bởi từ khi có dịch bùng phát ở nước ta Trung úy Trần Quang Huy luôn có mặt, kiên trì “bám trụ” ở Khu cách ly T3 (Ký túc xá Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) cho đến nay. Có những lúc chạnh lòng, nhớ gia đình, vợ con. Bao nhiêu người đến nhận nhiệm vụ rồi được thay phiên, nhưng Trung úy Trần Quang Huy vẫn tiên phong ở lại khu cách ly, bởi một lý do rất đơn giản là vì sức khỏe của Nhân dân và cộng đồng, anh sẵn sàng phục vụ với trách nhiệm cao nhất.

Trung úy QNCN Trần Quang Huy (bên phải) và đồng đội chuẩn bị vật chất để sẵn sàng đón công dân cách ly.

​Mặc dù, tiết trời xứ Huế nắng như lửa đốt, nhưng hằng ngày, miệng bịt khẩu trang, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt đẫm, anh vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ, tạo niềm yêu của mọi người. Chị Nguyễn Thị Ba (55 tuổi, ở Phú Vang) bộc bạch: "Ở đây 21 ngày, mặc dù không thấy mặt, nhưng chỉ cần nghe giọng nói từ xa, tôi cũng có thể nhận ra Trung úy Trần Quang Huy. Không những chu đáo lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chúng tôi, ngày nào anh cũng hỏi thăm, động viên chúng tôi cố gắng tuân thủ quy định cách ly, hướng dẫn chúng tôi cách phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân. Mặc dù bị chúng tôi “làm phiền’ khi cần cái này, cái kia, nhưng anh vẫn luôn vui vẻ đáp ứng, tạo mọi điều kiện để cho người dân. Tôi thực sự biết ơn Trung úy Huy, những người như anh đã tô đẹp thêm hình ảnh người lính đối với Nhân dân”.

Những ngày qua, quân dân Quảng Trị vẫn nhắc đến tấm gương Đại úy Nguyễn Đăng Khánh Hòa, Trợ lý Thanh niên Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh đã xung phong lên biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tuần tra, kiểm sát phòng, chống dịch Covid-19 bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Trong một ngày tuần tra trời nhá nhem tối, Đại úy Nguyễn Đăng Khánh Hòa cùng đồng đội phát hiện bên ven đường có một người dân áo quần bê bết máu nằm cạnh chiếc xe máy. Không chút chần chừ, tiếp cận hiện trường anh và đồng đội khẩn trương sơ cứu và cõng người bị nạn đưa về Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cấp cứu... Biết nạn nhân là Lê Hữu Phương, ở xã Hải Quy (Hải Lăng) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh đưa toàn bộ số tiền mang theo hỗ trợ anh Phương và kêu gọi bạn bè, đồng đội, gia đình ủng hộ nạn nhân vượt qua khó khăn hoạn nạn. Việc làm của Đại úy Nguyễn Đăng Khánh Hòa thật đáng trân trọng, không quản vất vả hiểm nguy, sẵn sàng nhận việc khó về mình để góp phần bảo vệ tính mạng của Nhân dân...

Đại úy Nguyễn Đăng Khánh Hòa (đi thứ hai) cùng đồng đội tuần tra, kiểm soát.

 

​Sau gần một năm thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly công dân ở Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, Thượng úy QNCN Nguyễn Quang Tiến, Y sĩ, Đại đội Thiết giáp được về thăm gia đình... Nhưng nghỉ được 3 ngày phép ngắn ngủi thì đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trở lại. Là nhân viên quân y, lại có gần một năm kinh nghiệm chiến đấu với “giặc Covid” nên anh đã tiếp tục xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Anh xúc động nói: “Ngày tôi lên đường làm nhiệm vụ, các con tôi hỏi bố: “Bố ơi, bố đi cơ quan nữa à?”. Lòng tôi như chững lại... Vợ tôi động viên: “Vợ con lo lắng cho anh, bởi đợt dịch lần này phức tạp và nguy hiểm hơn lần trước. Anh hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, yên tâm thực hiện nhiệm vụ cho thật tốt. Em và con sẽ là hậu phương vững chắc cho anh...”. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, vào đêm thanh vắng, tôi lại nhớ vợ con da diết, chỉ biết gọi zalo trò chuyện. “Bố ơi! Sao bố chưa về với con?”, "Hết dịch, bố về với con"... mỗi khi nghe lời con trai nhỏ hỏi mà lòng tôi như quặn lại. Nghĩ mà thương hai con nhỏ suốt ngày mong bố, thương vợ tay bồng, tay bế mong ngóng đợi chồng. Vất vả là vậy, nhưng vợ lúc nào cũng động viên tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ cho tốt, giúp đỡ mọi người khỏe mạnh... Những lời tâm sự của vợ, con đã tạo thêm động lực để tôi vững tâm ngày đêm nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19. Mong sao dịch bệnh được khống chế để tôi cũng như mọi người trong khu cách ly có thể trở về sum họp gia đình.

Thượng úy Nguyễn Quang Tiến kiểm tra thân nhiệt cho công dân cách ly tập trung. 

​Kể từ khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), anh Vi Văn Tuấn Khang, Chiến sĩ dân quân bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, anh vẫn cùng đồng đội tham gia các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, rồi cùng lực lượng quân sự, Công an, Y tế truy vết các trường hợp liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, khi lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở các bản La Ngan, Lưu Tiến... anh đã cùng Ban Chỉ huy Quân sự xã và các chiến sĩ dân quân xuyên đêm băng rừng hỗ trợ lực lượng y tế ngay trong tâm dịch. Chồng xung kích trên tuyến đầu, vợ ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ (đứa đầu 6 tuổi, đứa thứ hai hơn 1 tuổi), thế nhưng, chị Vi Thị Kim Anh, vợ anh Khang vẫn sắp xếp công việc để giúp lực lượng cắm chốt trên Quốc lộ 7 lo cơm, nước hàng ngày. Không chỉ vậy, ngôi nhà của vợ chồng anh đang ở cũng được nhường chỗ cho lực lượng tham gia chốt kiểm soát phòng, chống dịch nghỉ ngơi.

Cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Kỳ Sơn tặng quà, động viên các chiến sĩ dân quân đang làm nhiệm vụ.

​Còn anh Trần Ngọc Hà, chiến sĩ Tiểu đội dân quân Thường trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mặc dù bị rắn độc cắn nhưng anh vẫn tiên phong tham gia chống dịch. Vừa qua, anh Hà cùng các thành viên ở chốt 22 tuần tra ở khu vực biên giới, anh Hà bị một con rắn cắn vào chân. Các thành viên tổ tuần tra đã sơ cứu, kịp thời đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa cấp cứu kịp thời nên anh Hà đã qua cơn nguy kịch. Vừa xuất viện, sau 10 ngày điều trị, chỉ huy các cấp đề nghị cho anh nghỉ ngơi điều trị nhưng anh kiên quyết tình nguyện cùng các lực lượng tuần tra biên giới phòng, chống dịch đã làm tỏa sáng hình ảnh chiến sĩ dân quân vì dân phục vụ.

Sau khi trở về từ bệnh viện, chiến sĩ Trần Ngọc Hà (thứ hai từ trái sang) có mặt tham gia cùng các lực lượng tuần tra, kiếm soát biên giới phòng, chống dịch Covid-19.

Hơn 3 tháng nay, Binh nhất Lữ Văn Tuấn, Chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa xung phong lên tăng cường cho chốt 328, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa) để phòng, chống dịch Covid-19. Điểm chốt được dựng dã chiến dưới những tán cây rừng, không có điện, sóng điện thoại lúc có lúc không và không có nước sinh hoạt. Hằng ngày, Tuấn cùng đồng đội men theo những con suối, vượt qua những cánh rừng sâu, theo lối mòn xuyên qua rừng trong đêm để tuần tra kiểm soát. Ban ngày trời nắng nóng, oi bức, nhất là gió Tây Nam thổi mạnh, kèm theo cát bụt phả vào rát cả thịt da, còn ban đêm thì nhiệt độ xuống thấp, lạnh run người khiến công tác tuần tra biên giới gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì bình yên cuộc sống của Nhân dân, Tuấn cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.

Binh nhất Lữ Văn Tuấn nhóm bếp thổi cơm.

​Binh nhất Lữ Văn Tuấn chia sẻ: “Những ngày đầu mới lên chốt, ban ngày đi làm còn đỡ nhưng màn đêm buông xuống là khi lòng người được thử thách nhất. Ở nơi rừng sâu, không điện, chỉ có tiếng ếch nhái và tiếng của các loài côn trùng, lòng em bâng khuâng, bồn chồn, nhớ bố mẹ, nhớ người thân da diết. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, của người lính đối với đất nước và được các đồng đội động viên, tôi xua nhanh nỗi nhớ để nghĩ đến việc cố gắng hết sức mình góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ nơi rừng sâu, gian khó, hiểm nguy, nhưng nhớ lời động viên của mẹ, lời chỉ bảo của các anh, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, bám chốt, bám rừng bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Tôi tâm niệm rằng, khi khoác lên mình bộ quân phục thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần bảo vệ biên cương, kiểm soát tốt dịch bệnh, đó cũng là nhiệm vụ “đánh giặc thời bình”.

Những "Bông hồng thép" trên tuyến đầu

Đã hơn hai tháng nay, 5 chị em phụ nữ Trung đoàn 996, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chưa về thăm gia đình; bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đơn vị tiếp nhận công dân từ vùng dịch trở về cách ly tại Trung đoàn 996, các chị em phụ nữ luôn có mặt để cùng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách ly tại đây.

Chị em Phụ nữ Trung đoàn 996 chuẩn bị cơm cho công dân.

​Một mình nuôi hai con nhỏ, nhưng Đại úy QNCN Trương Thị Phương, Nhân viên Quân y Trung đoàn 996 vẫn quyết định thu xếp việc riêng tình nguyện nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Chị tâm sự: “Vì sức khỏe của Nhân dân, là Nhân viên quân y nên tôi xác định phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm của mình, do đó, hằng hàng tôi nhờ người em gái đến chăm sóc mẹ và 2 cháu nhỏ để yên tâm tham gia phòng, chống đại dịch. Mong sao nhanh hết dịch để được về nhà phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già và chăm lo cho các con”.

Đại úy QNCN Trương Thị Phương (bên trái) chia cơm cho công dân trong khu cách ly.

​Còn Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hòa, Nhân viên Hậu cần, có chồng thường xuyên đau ốm, nhưng với tinh thần “giúp dân như người thân trong gia đình”, chị luôn xác định tốt trách nhiệm, thu xếp hợp lý công việc gia đình, để phục vụ tốt nhất bữa ăn cho công dân cách ly.

Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hòa chia cơm cho công dân.

​Được các chị em phục vụ tận tình, chu đáo, Chị Trần Thị Mỹ Hà, mang bầu 9 tháng tuổi, cùng con gái Nguyễn Thị Kim Anh ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, công dân từ vùng dịch trở về cách ly tại Trung đoàn 996, sau khi hoàn thành thời gian cách ly trở về quê sinh hạ bé trai mẹ tròn, con vuông vẫn không thể nào quên sự quan tâm, chăm sóc của các anh, các chị tại khu cách ly. Chị Hà chia sẻ: “Thời gian cách ly tại Trung đoàn 996 tôi luôn đón nhận được sự chăm sóc, tận tình của các anh, chị em nơi đây. Tôi có bầu nên 2 ngày một lần được các chị em nấu cháo dinh dưỡng và thường xuyên nhắc nhở tôi ăn uống bảo đảm sức khỏe. Tôi luôn cảm nhận được tình cảm như chính chị em trong gia đình. Mẹ con tôi biết ơn đơn vị và các chị bộ đội luôn rắn rỏi, yêu thương tôi trong thời gian cách ly”.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Phượng, Nhân viên Quân y, Trung đoàn 841, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh là “bông hồng” duy nhất tham gia phục vụ tại Khung cách ly Trường Quân sự tỉnh cũ do Trung đoàn 841 quản lý. Tạm gác việc gia đình, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Phượng ngày đêm thầm lặng chăm lo từng bữa ăn cho 122 sinh viên Lào đang cách ly tại đây. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chuẩn bị món ăn ngon, chu đáo cho công dân cách ly chị còn tích cực, chủ động vệ sinh sạch sẽ các khu vực, sẵn sàng thăm khám sức khỏe cho công dân khi cần thiết. Cùng với đó, chị Phượng còn làm nước giải khát, hoa quả tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế để tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Phượng đo thân nhiệt cho công dân cách ly.

Có chồng công tác ở Ban CHQS huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Đại úy, QNCN Bùi Thị Hồng Phương, Nhân viên Hậu cần, Ban CHQS huyện Anh Sơn vẫn một mực xin thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung trên địa bàn. Chị Phương chia sẻ: “Vì sức khỏe cộng đồng, nhiều công dân đã tự giác khai báo y tế, tự giác vào cách ly tập trung. Là quân nhân, là một đảng viên tôi phải có trách nhiệm cùng anh chị em chung tay, góp sức thực hiện tốt nhiệm vụ tại khu cách ly, để mọi người nhanh chóng khỏe mạnh về với gia đình. Đó là niềm vui của tôi”.

Đại úy, QNCN Bùi Thị Hồng Phương chuẩn bị bữa ăn cho công dân cách ly.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thị Khánh Ngọc, Trợ lý Phụ nữ Quân khu cho biết: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ yêu thương chị em phụ nữ Quân khu 4 đã luôn sát cánh cùng bà con nhân dân trong khu cách ly, triển khai thực hiện nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, cùng cán bộ, chiến sĩ tiên phong phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, các cấp hội Phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã kiêu gọi, quyên góp, ủng hộ gần 2 tỉ đồng cùng hàng nghìn vật dụng, thiết bị y tế, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly. Những việc làm đó của những “bông hông” lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã làm tỏa sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Thời gian tới, phụ nữ Quân khu 4 tiếp tục cùng với các lực lượng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”.

Hai vợ chồng cùng "ra trận"

Về huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Binh chúng tôi vẫn được nghe cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn kể câu chuyện “anh vòng trong, em vòng ngoài" cùng chống dịch của vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Thành Long, cán bộ Ban CHQS huyện Bố Trạch và cô giáo Nguyễn Thị Lan Hoa, giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, huyện Bố Trạch tại cơ sở cách ly tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Bố Trạch. Mặc dù, 2 con còn nhỏ nhưng với tình cảm và trách nhiệm, anh chị đã bàn bạc gửi hai con nhờ ông bà ngoại chăm sóc tình nguyện góp sức phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thời gian qua, cứ mỗi sáng sớm, cô giáo Lan Hoa chạy xe máy gần 20km từ nhà đến cơ quan Ban CHQS huyện để cùng với tổ phục vụ chế biến thực phẩm, gói ghém cẩn thận, vận chuyển  phục vụ cho bà con ở 2 điểm cách ly trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Thành Long (ngồi thứ hai từ trái qua) cùng đồng đội hướng dẫn công dân làm thủ tục hoàn thành cách ly tập trung.

Cứ đều đặn, mỗi ngày, chị Hoa đến làm việc từ sáng sớm, trưa ở lại cùng với anh chị em trong đơn vị. Sau khi chế biến, sắp xếp cơm nước lên xe chuyển đi cho bà con dùng bữa tối, chị Hoa cùng bộ phận phục vụ tổng vệ sinh, chuẩn bị cho ngày sau. Khi chị Hoa rời đơn vị trở về nhà bao giờ cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. “Dù ở nhà còn bố mẹ già, con thơ, nhưng anh Long, chị Hoa đã không quản vất vả, khó khăn, sắp xếp việc gia đình, toàn tâm toàn ý cùng nhau “ra trận”, đồng hành và góp phần cùng chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ cách ly công dân, làm cho cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện xúc động và cảm phục” - Thượng tá Nguyễn Văn Huyên, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bố Trạch nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hoa cùng với tổ hậu cần chuẩn bị bữa ăn cho bà con ở các khu cách ly của huyện Bố Trạch.

Chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện vợ chồng gác việc riêng, đồng lòng chống dịch, như Thiếu tá Phan Thanh Hiệp, Trợ lý Chính trị, Ban CHQS huyện Yên Định (Thanh Hóa) và vợ là chị Đỗ Thị Anh, Nhân viên y tế, Trạm y tế xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Gửi hai con nhỏ cho bà nội và chị gái chăm sóc, vợ chồng anh xung phong lên tuyến đầu. Gần 4 tháng anh cùng đồng đội tăng cường cho Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh bám chốt chống dịch. Vợ anh Hiệp là chị Đỗ Thị Anh, Nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tình nguyện gia nhập lực lượng phục vụ khu cách ly tại Ủy ban Nhân dân xã Thọ Thắng (cũ). Những ngày chị phục vụ ở khu cách ly, cũng nằm trong khoảng thời gian anh Hiệp đang chống dịch ở biên giới. Vì nhiệm vụ phòng, chống dịch cấp bách, gia đình tạm thời mỗi người một nơi. Chồng chống dịch ở biên cương, vợ phục vụ khu cách ly y tế; hai cháu trai đưa 10 tuổi, đứa 6 tuổi gửi nhờ bà nội và chị gái chồng chăm sóc...

Thiếu tá Phan Thanh Hiệp kiểm tra thân nhiệt người dân qua chốt.

Những câu chuyện, những hình ảnh về họ khiến chúng ta vừa trào nước mắt xúc động, vừa cảm phục và biết ơn biết nhường nào. Họ đã và đang hy sinh những lợi ích riêng tư, đón nhận phần khó khăn, vất vả về mình để chung tay đẩy lùi giặc Covid-19.

Toàn dân cùng "ra trận"

Chứng kiến hình cảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 không kể ngày đêm, nắng gió, mưa bão, tuần tra, chốt chặn, chăm sóc sức khỏe, phục vụ công dân cách ly tận tình, chu đáo, đầy trách nhiệm, nghĩa tình đã làm lay động, thôi thúc mọi người dân khu 4, từ người già, trẻ nhỏ, các bác cựu chiến binh, thầy cô giáo đến mọi tầng lớp Nhân dân đồng sức, đồng lòng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều tổ chức, cá nhân phát và tặng khẩu trang miễn phí cho khu cách ly; ủng hộ tiền và hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và những người ở khu cách ly tập trung. Nhiều hình ảnh đã làm rung động bao trái tim người con đất Việt.

Cụ bà chống gậy, mang gạo, tiền ra đình làng góp ủng hộ đồng bào chống dịch.

Ông Trần Huy Hoàng, ở phường Quảng Long, Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) dưới cái nắng chói chang, đã đạp xe đạp mang theo 02 thùng sữa được đóng gói cẩn thận để trao tặng lực lượng làm nhiệm vụ. Ông nói: “Tôi đi thu gom phế liệu, thấy mấy chú bộ đội làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung rất vất vả, ngày đêm ứng trực, phục vụ cho khu cách ly, tôi thấy rất cảm phục nên đã dành dụm số tiền từ việc thu gom phế liệu để mua sữa tặng cho các chú...”. Còn ông Hà Khoa ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã viết đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện mong muốn hiến tặng lô đất mặt tiền ủng hộ phòng, chống dịch. Bà Lê Thị Sen, ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong đã gần 100 tuổi dành dụm được 1 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch... Hay cụ bà Vi Thị Mão (103 tuổi), cụ Hoàng Thị Nhâm (101 tuổi) tại Thanh Hóa và cụ Trần Thị Nhung (100 tuổi) trú tại Nghệ An chống gậy đến ủng hộ tiền và gạo cho đồng bào đang gặp khó khăn vì dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh được cộng đồng mạng chia sẻ đã làm rất nhiều người xúc động, lan tỏa hình ảnh đẹp cho các bạn trẻ học tập, noi theo.

Bà Lê Thị Sen ủng hộ phòng chống dịch.

Chung tay phòng, chống dịch Covid -19, Hội cựu chiến binh phường Quang Trung, thành phố Vinh (Nghệ An) đã chung tay góp sức, góp của tổ chức “Nồi cháo thành Vinh yêu thương” phục vụ các chốt kiểm dịch, khu cách ly và bệnh viện. Hơn 1.000 suất cơm và 1.200 suất cháo tiếp tế cho tuyến đầu và hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Các cựu chiến binh phường Hà Huy Tập thì góp phần đắc lực ở hàng chục điểm chốt kiểm soát dịch; chuyển hàng tiếp tế cho bà con ở các khu phong tỏa; tham gia tuần tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định cách ly.

Nhiều Cựu chiến binh ở TP. Vinh tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch.

Trong đó, nhiều người thực sự cảm kích khi đọc lá đơn tình nguyện của cựu chiến binh Nguyễn Gia Thủy (sinh năm 1958) ở thôn Mỹ Lương, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương: “Tôi thấy các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng toàn dân đã vào cuộc quyết liệt để phòng chống, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng… Là một hội viên cựu chiến binh với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi làm đơn này gửi tới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Thanh Mỹ xin tình nguyện được cùng tham gia với các tổ chốt chặn hoặc việc gì đó trong công tác phòng, chống dịch…”. Tinh thần chiến đấu, sự nhiệt tình và tấm lòng thơm thảo ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ giữ vững quyết tâm và niềm tin chiến thắng.

Tổ Văn nghệ CCB phường Quang Trung và câu lạc bộ “Nồi cháo thành Vinh yêu thương” nấu ăn tiếp tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

 Nhằm góp phần chung tay cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chia sẻ khó khăn với các lực lượng đang ngày, đêm căng mình chống dịch, bằng tấm lòng và trách nhiệm với cộng đồng, chị Đặng Ngọc Bội Ngọc, trú tại thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định để địa phương trưng dụng khu nhà nghỉ của gia đình làm khu cách ly công dân. Khu cách ly tại nhà nghỉ của gia đình chị Đặng Ngọc Bội Ngọc đã kịp thời đón 76 công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.

Bên cạnh việc bỏ tiền túi mua các nhu yếu phẩm cho người dân và tham gia kêu gọi, chi viện cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến ở Hải Lăng, Quảng Trị còn dành toàn bộ tiền thưởng ủng hộ mua vắc-xin phòng dịch Covid-19. Anh Lê Trương Ngọc Ân, Mai Xuân Tuấn thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm thực hiện chương trình hỗ trợ 6.000 suất cơm cho các khung cách ly trên địa bàn; mỗi ngày 300-350 suất, mỗi suất 25.000 đồng...

Anh Lê Trương Ngọc Ân, Mai Xuân Tuấn đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm thực hiện chương trình hỗ trợ 6.000 suất cơm cho các khung cách ly trên địa bàn.

Với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, rất nhiều tấm lòng vàng của các em học sinh khiến những người đang ở tuyến đầu chống dịch càng thêm ấm lòng, đoàn kết và cố gắng mỗi ngày. Những món quà của các em học sinh dù không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa, là tình cảm, là trách nhiệm, là sự gửi gắm niềm tin về ngày đất nước chiến thắng trước đại dịch Covid-19. Đó là em Ngô Thảo Ngân, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học số 2 Ba Đồn đã tặng toàn bộ số tiền được mừng tuổi 3 triệu đồng để mua khẩu trang, nhu yếu phẩm cho khu cách ly. Các em với ý thức vì cộng đồng đã tự nguyện quyên góp những đồng tiền nhỏ của mình để cùng các cấp, các ngành, địa phương chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các em cũng mong muốn cùng tham gia làm việc tốt để cùng nhau chống lại dịch bệnh.

Cháu Ngô Thảo Ngân lớp 5A, Trường Tiểu học số 2 Ba Đồn tặng số tiền mừng tuổi cho lực lượng phòng chống dịch

Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, miền quê thanh bình xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An bỗng xôn xao, lo lắng khi có người trong thôn Tân Minh dương tính với virus SARS-CoV-2. Là F1 phải đi cách ly tập trung, bà Hoàng Thị Phượng, trú tại thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai không khỏi lo lắng khi con cái đi làm ăn xa, chồng ốm đau, đàn gia súc, gia cầm không biết lấy ai chăm sóc. Song vào khu cách ly, được cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế tận tình chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ; dân quân xã còn cử người hằng ngày về gia đình bà hỗ trợ chồng chăm sóc đàn gia súc, gia cầm bà hết sức cảm động. Qua điện thoại zalo, hình ảnh đàn lợn, đàn gà gia đình được các chú dân quân chăm sóc chu đáo; ruộng lúa trước nhà được lực lượng dân quân và đoàn thanh niên xã nhà đến gặt giúp giúp bà an tâm hoàn thành tốt thời gian cách ly của mình.

Bà Hoàng Thị Phượng nói chuyện qua điện thoại trên Zalo với lực lượng dân quân xã Quỳnh Lập.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; hình ảnh chống dịch đầy trách nhiệm, nghĩa tình của "Bộ đội Cụ Hồ" đã tạo sức lan tỏa lớn, có sức lay động, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch; huy động được sức mạnh và nguồn lực của xã hội; tạo thành "pháo đài" vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân vững vàng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng đại dịch.

HOÀNG TRUNG - HOÀNG THÁI - CTV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội