A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

Quân khu 4 bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, là khu vực quan trọng của đất nước, kết nối miền Bắc với miền Nam.

Phía Tây giáp Lào, có nhiều tuyến đường quan trọng kết nối với đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh), tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Phía Đông giáp Biển Đông, giúp tiếp nhận viện trợ từ bên ngoài và triển khai lực lượng hải quân, bảo vệ vùng duyên hải. Quân khu 4 là hậu phương trực tiếp quan trọng của miền Bắc, cung cấp nguồn nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, Quân khu 4 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ miền Bắc, là lá chắn phòng thủ ngăn chặn quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến công từ phía Nam ra. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Quân khu 4 thường xuyên nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đã lập nhiều chiến công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. 

1. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương, chuyển hướng đấu tranh (1954-1965)

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo những điều khoản của hiệp định, thực dân Pháp phải rút quân và tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước: Việt Nam, Campuchia và Lào. Là nước trực tiếp giúp Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương và là thành viên của Hội nghị Geneva, nhưng đế quốc Mỹ không ký vào bản tuyên bố chung của hiệp định. Với ý đồ chia cắt lâu dài nước ta nên khi Hiệp định Geneva vừa có hiệu lực, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam làm thủ tướng bù nhìn. Ngày 8-9-1954, Mỹ lôi kéo các nước: Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Thái Lan, Philippines và Pakistan lập khối quân sự Đông Nam Á (gọi tắt là SEATO) và đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự bảo hộ của khối này. Cùng trong tháng 9, chính phủ Mỹ quyết định viện trợ trực tiếp cho Diệm không qua Pháp, nhằm xây dựng một chính quyền tay sai thân Mỹ ở miền Nam. Với mưu đồ sâu xa và những hoạt động trực tiếp của Mỹ-Diệm, Vĩ tuyến 17-giới tuyến quân sự tạm thời đã cắt đôi địa bàn Khu 4. Các tỉnh Nam và Bắc vĩ tuyến từ đây trở thành nơi đụng đầu trực tiếp giữa lực lượng cách mạng và thế lực phản cách mạng.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Các chiến sĩ Quân giải phóng đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ảnh tư liệu 

 

Được Mỹ nuôi dưỡng, trợ giúp, Ngô Đình Diệm tổ chức xây dựng đội quân ngụy tay sai gồm 10 sư đoàn chính quy, đồng thời cho giải ngũ những sĩ quan thân Pháp, gạt bỏ những người không ăn cánh. Mỹ-Diệm điều 3 trung đoàn Âu-Phi, 6 tiểu đoàn ngụy từ các nơi về Thừa Thiên, Quảng Trị, tập trung đánh phá phong trào cách mạng. Chúng mở rộng các sân bay Đông Hà, Phú Bài, xây dựng hệ thống hầm hào, công sự phòng thủ Nam giới tuyến và khu vực Đường số 9, tung các toán gián điệp, biệt kích ra Vĩnh Linh, Quảng Bình móc nối với các ổ, nhóm phản động nằm vùng, phá hoại hậu phương ta và tiến hành các hoạt động quân sự với âm mưu vượt giới tuyến tiến công ra Bắc. Diệm ban hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập “khu trù mật”, “khu dinh điền” và bộ máy “tố cộng, diệt cộng” từ Trung ương đến cơ sở. Địch chọn Thừa Thiên-Huế là một trong những trọng điểm “tố cộng, diệt cộng” và liên tiếp mở các chiến dịch đánh phá cách mạng ở nơi đây. Đỉnh cao của hành động đàn áp cách mạng là việc Ngô Đình Diệm ban hành Luật “l0-59”, lê máy chém đi khắp nơi, lập phiên tòa xử chém tại chỗ cán bộ, đảng viên ta. Trên tuyến biên giới Việt-Lào, Mỹ tích cực can thiệp, lôi kéo Vương quốc Lào vào thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam.

Đất nước tạm thời bị chia cắt, BTTM đã chủ động đẩy mạnh việc chỉ đạo củng cố quốc phòng, xây dựng hậu phương, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) lên một bước cao hơn. Xác định tác chiến bảo vệ miền Bắc là vấn đề lớn nên được BTTM tập trung nghiên cứu và xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ. Trên cơ sở kế hoạch phòng thủ chung, BTTM hướng dẫn cho Quân khu 4 triển khai kế hoạch phòng thủ trong Quân khu, chuẩn bị tích cực để đề phòng tình huống địch khiêu khích, quấy rối, phá hoại. Đồng thời, tăng cường công tác biên phòng, xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền, lãnh thổ.

Dưới sự chỉ đạo của BTTM, Quân khu 4 tích cực xây dựng LLVT, củng cố thế trận quốc phòng, SSCĐ. Trong giai đoạn 1954-1965, Quân khu 4 đã tập trung phát triển lực lượng dân quân tự vệ, tăng cường phòng thủ biên giới, giới tuyến, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tổ chức, bố trí lực lượng phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhiệm vụ của từng khu vực trên địa bàn. Do yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ phòng thủ tại giới tuyến nên ngay từ tháng 4-1956, Trung đoàn 270 đã được thay đổi toàn bộ vũ khí, trang bị. Quân khu điều chỉnh bố trí Trung đoàn 269 đứng chân ở Hà Tĩnh, Trung đoàn 271 đứng chân ở Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa. 4 tiểu đoàn biên phòng 923, 925, 927 và 929 chốt giữ vị trí cửa khẩu 4 đường giao thông qua Lào. Đồng thời điều 5 đại đội ra canh giữ các đảo: Hòn Mê, Hòn Mắt, Hòn Ngư và Cồn Cỏ. Tỉnh đội các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khu đội Vĩnh Linh được tăng cường cán bộ và thành lập thêm các đơn vị bảo vệ trực thuộc tỉnh đội.

Để tăng cường lực lượng phòng thủ, năm 1957, Bộ Quốc phòng điều động Sư đoàn 325 và Sư đoàn 324 về thuộc quyền chỉ huy của Quân khu 4. Cuối tháng 6-1960, kế hoạch động viên hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị năm đầu chiến tranh đã được hình thành. Căn cứ kế hoạch chung, Quân khu được giao nhiệm vụ động viên để khôi phục 1 trung đoàn, 5 tiểu đoàn, cơ sở hậu phương. Mở rộng 1 lữ đoàn, 2 trung đoàn bộ binh và các lữ đoàn, trung đoàn binh chủng. Phát triển các trung đoàn tỉnh; các tiểu đoàn, đại đội huyện. Công tác tổ chức, bố trí lực lượng các đơn vị trên địa bàn Quân khu bước đầu vừa bảo đảm phòng thủ tại chỗ, vừa nâng cao khả năng cơ động khi tác chiến xảy ra.

Đồng thời, với chỉ đạo xây dựng, bố trí lực lượng, BTTM chỉ đạo Quân khu 4 đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội, sẵn sàng đối phó với tình hình căng thẳng leo thang của Mỹ ở miền Nam và âm mưu phá hoại miền Bắc. Được sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của BTTM, Quân khu 4 đã đẩy mạnh huấn luyện đầy đủ, toàn diện. Năm 1958, Quân khu đã tổ chức diễn tập phòng ngự một bên hai cấp của Sư đoàn 324 và Sư đoàn 325 ở Nam Quân khu 4, năm 1961 diễn tập chỉ huy và cơ quan về “Chiến dịch phòng ngự Quân khu trong thời kỳ đầu chiến tranh” đạt kết quả tốt. Kết quả huấn luyện trên đã chứng minh bước tiến bộ rõ rệt của Quân khu cả về tổ chức, phương pháp huấn luyện và trình độ hiệp đồng tác chiến của bộ đội.

Cùng với phát triển lực lượng, huấn luyện quân sự, dưới sự chỉ đạo của BTTM, Liên khu ủy 4 phát động toàn dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneva, giữ vững đấu tranh chính trị ở Quảng Trị, Thừa Thiên, bảo vệ cơ sở cách mạng, tổ chức LLVT bí mật, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Để hỗ trợ đấu tranh chính trị, BTTM đã trực tiếp chỉ đạo Quân khu 4 đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, xây dựng LLVT trên địa bàn Trị-Thiên. Thực hiện chỉ đạo trên, Quân khu 4 đã điều một số cán bộ vào Quảng Trị, Thừa Thiên làm nòng cốt thành lập LLVT và phát triển phong trào chiến tranh du kích. Đến cuối năm 1959, một số nơi ở miền núi Trị-Thiên đã có tiền đề trực tiếp cho những cuộc nổi dậy của nhân dân các dân tộc phá bỏ ngụy quyền, lập chính quyền cách mạng. Căn cứ địa miền núi Trị-Thiên trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc khôi phục lại phong trào cách mạng ở đồng bằng. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, những cuộc đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ của nhân dân Trị-Thiên không còn ở thế thụ động, chính trị. Kết quả, đến cuối năm 1960, miền núi Quảng Trị, Thừa Thiên căn bản được giải phóng đã trở thành địa bàn đứng chân cho lực lượng cách mạng. Thắng lợi của phong trào đấu tranh ở Trị-Thiên là niềm cổ vũ lớn lao đối với quân và dân miền Bắc, trực tiếp là các tỉnh tuyến đầu hậu phương.

Nhờ những nỗ lực này, Quân khu 4 không chỉ củng cố vững chắc thế trận phòng thủ miền Bắc mà còn là cơ sở làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

2. Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo Quân khu 4 cùng cả nước từng bước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ

Trước tình hình ngụy quân, ngụy quyền không đủ sức đương đầu với thế tiến công của cách mạng miền Nam trên khắp cả 3 vùng chiến lược, ngày 1-4-1965, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định đưa vào miền Nam từ 18.000 đến 20.000 quân Mỹ và tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), BTTM đã chỉ đạo Quân khu 4 chuyển sang trạng thái sinh hoạt thời chiến, tăng cường công tác phòng không nhân dân, nhất là xung quanh các mục tiêu trọng điểm, hạn chế tụ họp đông người; có kế hoạch vận chuyển phân tán hàng hóa ở các nhà ga, kho tàng, bến, cảng và ngụy trang che giấu. Đối với Phân khu Trị-Thiên, đẩy mạnh tiến công, lấy nông thôn đồng bằng là hướng tiến công chủ yếu, đánh tiêu diệt địch ở đồng bằng, kết hợp giữa đánh địch và phát động quần chúng gây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích và đưa chủ lực về hoạt động ở đồng bằng mở rộng phong trào, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Để bảo đảm cho Quân khu 4 giữ vững tuyến đầu, ngay trong những tháng cuối năm 1964, BTTM đã ưu tiên tăng cường lực lượng phòng không cho Quân khu. Nhiều tiểu đoàn cao xạ thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân khu 3 và của các sư đoàn: 308, 312, 320... được điều động vào Khu 4 làm nhiệm vụ chiến đấu.

Thực hiện chỉ đạo của BTTM, Bộ tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo 100% lực lượng cao xạ 37mm trở lên từ Vinh trở vào triển khai nhiệm vụ chiến đấu; lực lượng súng máy phòng không 12,7mm bố trí tại các trọng điểm. Các đơn vị pháo bờ biển bảo đảm 100% quân số và vũ khí SSCĐ. Bộ đội Công binh sẵn sàng ứng cứu và bảo đảm giao thông ở các khu vực trọng điểm. Đồng thời, Bộ tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Phòng không-Không quân triển khai hoạt động bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559 trên địa bàn Quân khu.

Ngày 2-3-1965, không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch “Sấm rền”; đánh rộng ra toàn miền Bắc với cường độ ngày càng ác liệt. Địa bàn Khu 4 trở thành tuyến lửa ngăn chặn thường xuyên và khốc liệt không quân, hải quân Mỹ. Sau 3 tháng leo thang chiến tranh, tập trung đánh phá ác liệt các tỉnh Khu 4, đế quốc Mỹ vẫn không làm suy giảm được quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta, không ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trên chiến trường Trị-Thiên, chấp hành sự chỉ đạo của BTTM, quân và dân Trị-Thiên mở đợt hoạt động thu-đông năm 1965. Kết thúc đợt hoạt động thu-đông, Trị-Thiên đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Theo dõi tình hình hoạt động quân sự và chính trị của ta trong mấy tháng đầu mùa hè năm 1966 trên chiến trường Trị-Thiên, BTTM nhận thấy tuy có bước phát triển mới nhưng chưa làm cho địch phải tập trung lực lượng lớn đối phó. BTTM xác định: Với ta, Trị-Thiên vừa là tuyến đầu của miền Bắc khi Mỹ, ngụy mở rộng “chiến tranh cục bộ” tiến công ra miền Bắc từ hướng Nam Khu 4, vừa là yết hầu quan trọng của hành lang tuyến chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam và Trung-Hạ Lào. Trị-Thiên sẽ trở thành nơi thu hút và giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ và quân ngụy, làm giảm áp lực của địch và hỗ trợ tích cực cho các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Bộ nên đã đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh mở Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (gọi tắt là Mặt trận B5), nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng lên chiến trường rừng núi.

Để Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, BTTM điều động tăng cường cho mặt trận này toàn bộ Sư đoàn Bộ binh 324, Trung đoàn Bộ binh 31 của Quân khu 4. Sau một thời gian chuẩn bị chiến trường, ngày 26-6-1966, ta mở cuộc tiến công ở Mặt trận Đường 9. Những hoạt động quân sự có hiệu quả của ta ở Đường 9-Bắc Quảng Trị đã buộc Mỹ phải rút bớt lực lượng ở các chiến trường phía sau để tăng quân cho mặt trận tiền tiêu, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ-ngụy trên toàn Vùng chiến thuật 1 của chúng.

Trước thất bại của địch trong mùa khô 1966-1967, BTTM nhận định: Ta có khả năng tiếp tục giành thắng lợi lớn hơn nữa và đẩy Mỹ-ngụy ngày càng lún sâu vào thế bị động. Thừa lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, BTTM đã soạn thảo đề án kế hoạch chiến lược từ hè năm 1967 đến hè năm 1968. Được Bộ Chính trị và Thường trực QUTƯ thông qua, ngày 7-10-1967, BTTM giao nhiệm vụ cho các quân khu; chỉ đạo các chiến trường Khu 5, Trị-Thiên-Huế và Đường 9 xây dựng kế hoạch chiến lược đông-xuân-hè năm 1967. Đồng thời, cử nhiều đoàn cán bộ của BTTM vào các chiến trường nắm tình hình, đôn đốc, kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng, vật chất theo phương hướng mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn.

Xác định Trị-Thiên-Huế là một trong 3 chiến trường trọng điểm của toàn miền Nam, BTTM đã gấp rút xây dựng các phương án tác chiến mở các đợt hoạt động thu-đông năm 1967, đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế bị động, tạo ra thế và lực mạnh cho bước chuẩn bị của kế hoạch tác chiến chiến lược xuân năm 1968. Để tăng thêm khối lượng hàng vận chuyển phục vụ cho các chiến trường trong đông xuân năm 1968, theo yêu cầu của QUTƯ và Bộ Quốc phòng, BTTM chỉ đạo Quân khu 4 tăng cường bảo đảm giao thông và kế hoạch vận chuyển, đặc biệt cần có biện pháp “đột xuất”, trước mắt tập trung vào trọng điểm phía Tây Khu 4, xây dựng thành tuyến vận tải chiến lược vững chắc. Ngoài ra, cần kết hợp xây dựng các khu vực dự trữ mạnh ở Cầu Giát, Phủ Quỳ, Đô Lương.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân khu, bằng các biện pháp kết hợp giữa phương tiện vận chuyển hiện đại với thô sơ, lấy phương tiện vận chuyển bằng cơ giới là chính kết hợp với gùi, thồ bằng cả đường bộ, đường thủy, quân và dân Khu 4 vừa chiến đấu, vừa tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm giao thông vận tải, chuyên chở hàng hóa, vũ khí cho miền Nam.

Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp quyết định: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, QUTƯ và Bộ Tổng Tư lệnh, BTTM chỉ đạo Mặt trận Đường số 9-Quảng Trị đẩy mạnh tiến công; Quân khu Trị-Thiên thành lập Mặt trận thành phố Huế và Mặt trận Trị-Thiên (B4) chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Giữa lúc địch đang dồn tâm trí và lực lượng đối phó ở hướng Đường số 9-Quảng Trị, trưa mồng Một Tết Mậu Thân (ngày 30-1-1968), cùng với các địa phương khác, ta bất ngờ tiến công Huế. Cùng với Huế, khắp nơi ở Trị-Thiên, LLVT ta đồng loạt tiến công các mục tiêu, căn cứ địch. Được đòn tiến công quân sự hỗ trợ, nhân dân nổi dậy phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch ở hầu hết quận trong thành phố Huế và nhiều vùng nông thôn đồng bằng Trị-Thiên, giành quyền làm chủ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên chiến trường Trị-Thiên-Huế góp phần cùng quân và dân ta trên chiến trường miền Nam thực hiện cuộc tổng tiến công chiến lược, giáng một đòn mạnh làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ vào bước ngoặt mới. Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố ngừng ném bom một phần miền Bắc và chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

3. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 phối hợp chặt chẽ với bạn đấu tranh cách mạng, mở rộng vùng giải phóng

Trước tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Neo Lao Hak Sat thỏa thuận tổ chức một đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh QUTƯ và Bộ chỉ huy quân sự tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Theo quyết định của Tổng Quân ủy, tháng 9-1959, Đoàn 959 được thành lập với nhiệm vụ làm chuyên gia giúp Lào. Đồng thời với việc thành lập Đoàn 959, Quân khu 4 được Tổng Quân ủy, trực tiếp là BTTM chỉ đạo củng cố bộ phận công tác C (Lào) để giúp Quân khu chỉ đạo lực lượng chuyên gia và Quân tình nguyện giúp bạn ở khu vực Nam Lào. Từ đây, hệ thống chuyên gia giúp bạn được tổ chức lại trên đất Lào. Với sự giúp đỡ của ta và sự phấn đấu của bạn, chỉ trong một thời gian ngắn, bạn đã nhanh chóng hồi phục được cơ sở, nhen nhóm lại phong trào, phát triển thêm lực lượng, hình thành được hệ thống chỉ đạo từ trên xuống dưới, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của các bộ tộc Lào.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Các đơn vị tham gia diễn tập vòng tổng hợp của Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ảnh: TRẦN DŨNG 

 

Đến cuối năm 1960, lực lượng cách mạng và tiến bộ Lào đã giải phóng một nửa đất nước. Tuy nhiên, các lực lượng phản động đã tìm mọi cách phản kích. Ở Lào, lúc này hình thành thế giằng co giữa các lực lượng yêu nước và phản động. Được sự đề nghị của Trung ương Neo Lao Hak Sat, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh giao BTTM giúp Bộ chỉ đạo lực lượng giúp Lào. Quân tình nguyện Việt Nam của Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc đã kết hợp với bạn tác chiến đánh bại lực lượng phản động ở Lào, buộc phái Hữu phản động Phoumi Nosavan phải đề nghị ngừng bắn. Thắng lợi này làm cho thế và lực của cách mạng Lào phát triển, vùng giải phóng được mở rộng, mở ra điều kiện thuận lợi cho ta phát huy tác dụng đường chiến lược 559 nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Trung-Hạ Lào.

Do lường trước khả năng tráo trở của địch trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn nên khi địch liên tiếp mở các cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng, BTTM đã chủ động, kịp thời chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị Quân tình nguyện của ta hỗ trợ bộ đội Pa-thét Lào và các lực lượng trung lập yêu nước kiên quyết phản công, buộc chúng phải rút bỏ khỏi các khu vực lấn chiếm ở Bắc Lào, để chuyển sang phòng giữ một số nơi trọng yếu dọc tuyến đường 13. Vùng giải phóng của Pa-thét Lào được khôi phục trở lại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Pa-thét Lào trong cuộc đấu tranh với địch trên bàn hội nghị.

Từ năm 1969 đến 1972, chấp hành chỉ đạo của BTTM, Quân khu 4 đã tổ chức nhiều đợt vận chuyển lương thực, vũ khí, trang bị quân sự theo Đường Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ quân và dân Lào chống lại các cuộc hành quân của Mỹ-ngụy, góp phần tạo thế trận chiến lược chung của 3 nước Đông Dương. Dưới sự chỉ đạo của BTTM, Quân khu 4 đã phối hợp chặt chẽ với LLVT cách mạng Lào trong các chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, tạo điều kiện cho quân và dân Lào mở rộng vùng giải phóng, làm thất bại các cuộc phản kích của địch. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của BTTM và tinh thần đoàn kết chiến đấu, Quân khu 4 đã cùng quân, dân Lào mở rộng vùng giải phóng, tạo thế chiến lược vững chắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng 3 nước Đông Dương.

4. Dưới sự chỉ đạo của BTTM, Quân khu 4 tham gia giải phóng hoàn toàn Trị-Thiên, dốc sức cùng cả nước giành toàn thắng

Mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết (tháng 1-1973) nhưng địch liên tục vi phạm, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng. Trước tình thế mới, BTTM đã khẩn trương tổng hợp tình hình, đánh giá thực trạng chiến trường miền Nam, báo cáo lên QUTƯ, đề xuất một số nhiệm vụ trước mắt của các LLVT là đánh địch lấn chiếm, giữ vững và củng cố vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược... Từ giữa năm 1973, BTTM đã tập trung nỗ lực chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, BTTM tiếp tục chỉ đạo Tổ Trung tâm tiếp thu nội dung nghị quyết để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đến Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, “Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976” đã được thông qua. Để thực hiện kế hoạch chiến lược, BTTM đã chỉ đạo Quân khu 4 tập trung tiến hành công tác bảo đảm.

Thực hiện chỉ đạo của BTTM, Quân khu 4 đã huy động hàng chục nghìn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích cùng với cán bộ và nhân dân làm mới, tu sửa và nâng cấp các con đường số 15N, 71, 72, 73A, 73B và 74. Cuối năm 1974, ta đã có mạng đường tương đối hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam, từ miền Tây xuống miền Đông Quân khu, bảo đảm cho việc cơ động lực lượng các đơn vị pháo binh, xe tăng, vận tải và tác chiến hiệp đồng binh chủng. Cùng với việc xây dựng mạng đường, công tác bảo đảm hậu cần cũng được triển khai (chuẩn bị hệ thống kho tàng, trạm dự trữ xăng, dầu, trạm sửa chữa xe cơ giới, vũ khí, khí tài) và tổ chức tiếp nhận hàng từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường Trị-Thiên. Đồng thời, lực lượng vận tải Quân khu cùng với Đoàn 559 chuyển hàng chục nghìn tấn vật chất cho các lực lượng hoạt động trên các hướng chiến dịch và vùng sâu đồng bằng ở Trị-Thiên, bảo đảm kịp thời và đầy đủ cho chiến đấu theo yêu cầu của kế hoạch năm 1975.

Về hoạt động tác chiến, BTTM đã chỉ đạo Quân khu vừa chiến đấu, vừa củng cố tổ chức và tiến hành một chiến dịch tổng hợp, nhằm tiêu diệt và làm tan rã một phần quan trọng sinh lực địch, tạo điều kiện đánh bại về cơ bản bình định của chúng ở đồng bằng, giành phần lớn nhân dân, giành quyền làm chủ, chớp thời cơ tiến lên hành động mạnh bạo, giành thắng lợi to lớn nhất.

Nhận sự chỉ đạo của BTTM, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu xác định: Tập trung toàn bộ lực lượng, tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị-Thiên. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, LLVT Quân khu duy trì các hoạt động quân sự trên toàn tuyến giáp ranh, nhất là ở khu vực Đường số 14 thuộc Tây Nam Huế để thu hút, kìm chế, tiêu hao sinh lực địch. Trên toàn chiến trường Trị-Thiên, ta vẫn bám trụ đồng bằng, tăng cường các hoạt động tạo lực, tạo thế. LLVT Quân khu và Quân đoàn 2 đã được bố trí trên các địa bàn chiến lược quan trọng ở miền núi, vùng giáp ranh, hình thành thế xen kẽ với địch, tạo thế uy hiếp chuẩn bị cho thời cơ lớn.

Ngay trong khi Chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra, BTTM đã chỉ đạo các địa phương ở Trị-Thiên và Quân khu 5 thực hiện những chiến dịch địa phương và các đợt hoạt động mạnh, coi đây là hướng phối hợp chiến lược quan trọng. Thực hiện kế hoạch tác chiến, ngày 8-3-1975, Chiến dịch Xuân-Hè 1975-Trị-Thiên-Huế bắt đầu. Cuộc tiến công bất ngờ, đồng loạt diễn ra ở khắp nông thôn đồng bằng Trị-Thiên vừa kết hợp đánh địch với vũ trang tuyên truyền, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ.

Trước sự chuyển biến mau lẹ của chiến trường, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển “Kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975” thành cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975”. Tiếp đó, Bộ Chính trị, QUTƯ hạ quyết tâm mở Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn và giao cho BTTM trực tiếp chỉ huy Chiến dịch giải phóng Trị-Thiên-Huế. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, làm Chính ủy. Do thời điểm đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch chưa có điều kiện trực tiếp tổ chức chỉ huy chiến dịch nên BTTM đã giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch nắm tình hình, chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch.

Chấp hành sự chỉ đạo của BTTM, đêm 18 rạng ngày 19-3-1975, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, dũng mãnh của lực lượng chủ lực của Bộ và LLVT Trị-Thiên kết hợp với đòn nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng. Sau 22 ngày đêm cùng Quân đoàn 2 chiến đấu liên tục, khẩn trương, quân và dân Trị-Thiên-Huế đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Ta đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở đây.

Thời cơ lịch sử đã tới, đòi hỏi hậu phương phải dốc sức tăng cường lực lượng cho chiến trường. Thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 của Bộ Chính trị, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh và sự chỉ đạo trực tiếp của BTTM, ngày 27-3-1975, Đảng ủy Mặt trận và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên đã quyết định tăng cường phần lớn các đơn vị chủ lực của Quân khu cùng vũ khí, trang bị và lương thực cho Quân đoàn 2 để tiếp tục tiến công địch. Nhiều đơn vị bộ đội của Quân khu được điều động lên đường vào miền Nam chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BTTM đã chủ động, tích cực, linh hoạt, nhạy bén tham mưu cho Bộ Chính trị, QUTƯ, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng kháng chiến, trong đó có Quân khu 4. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của BTTM, Quân khu 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quân khu không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ miền Bắc mà còn là hậu phương vững chắc, quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam; phối hợp với bạn Lào mở rộng vùng giải phóng và trực tiếp tham gia các chiến dịch quyết định, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc năm 1975. BTTM và Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra cho Quân đội ta những nhiệm vụ hết sức nặng nề, là cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, BTTM cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo các LLVT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) nói chung và chỉ đạo Quân khu 4 nói riêng, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, QUTƯ về tăng cường quốc phòng, an ninh; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế; kinh tế với quốc phòng, an ninh. Chủ động phối hợp nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình; tham mưu với Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh phi truyền thống, có chủ trương, đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. 

Hai là, duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ; chuẩn bị các phương án tác chiến phù hợp, xử lý linh hoạt các tình huống chiến lược, chiến dịch. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp cho các đơn vị trong toàn quân.

Ba là, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan BTTM vững mạnh toàn diện, tổ chức biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; có đủ khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng dự báo và xử lý tốt các tình huống, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, chiến tranh công nghệ cao.

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, thu hút, phát triển và trọng dụng nhân tài, đáp ứng với sự phát triển, hiện đại hóa vũ khí, trang bị. Thực hiện tốt phương hướng xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, theo quan điểm “người trước, súng sau”. Theo đó, cần đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh quân sự, bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội, coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ở các học viện, nhà trường Quân đội. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo, phương pháp dạy học hiện đại ở các học viện, nhà trường; thực hiện tốt phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”. Tăng cường huấn luyện chiến đấu nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và năng lực làm chủ vũ khí, trang bị. Trong đào tạo cán bộ phải hướng tới việc phát triển toàn diện cả tri thức quân sự, kỹ năng, kỹ xảo, đi đôi với tập trung xây dựng năng lực trí tuệ, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ năng sử dụng thành tựu công nghệ thông tin để chống chiến tranh điện tử, chiến tranh tin học... Quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng NGUYỄN VĂN NGHĨA, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội