“Mắt thần” góp phần giữ bình yên phố biển
Phố biển Cửa Lò được ví như hòn ngọc Viễn Đông. Với vẻ đẹp hoang sơ do thiên nhiên ban tặng cùng sự thân thiện mến khách của người dân nơi đây, những năm qua thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng an toàn đối với du khách gần xa. Và ai đã từng một lần đến với Cửa Lò sẽ không quên hình ảnh những con người xứ biển chân chất thật thà, giọng nói mặn mòi như biển cả và lưu giữ những khoảnh khắc, hình ảnh về hòn Ngư, hòn Mắt cùng với những người lính ngày đêm thầm lặng giữ cho phố biển bình yên.
Trong chuyến công tác về xứ Nghệ đúng vào dịp Hè năm 2019, anh bạn tôi công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Cửa Lò thiết tha mời tôi bớt chút thời gian ghé thăm phố biển. Bỏ lại sự oi bức, ngột ngạt của phố thị, nhân ngày nghỉ cuối tuần, sau 30 phút từ thành phố Vinh, tôi có mặt ở phố biển Cửa Lò. Ấn tượng đầu tiên với tôi đó là những con người phố biển chân chất thật thà cùng bãi cát trắng trải dài hòa cùng làn nước biển xanh trong. Phía xa hòn Mắt, hòn Ngư như hai nàng tiên đang ngủ. Sau bữa tiệc với các món hải sản đậm chất Cửa Lò, cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, mặt biển lung linh những ánh đèn của bà con ngư dân đánh bắt hải sản. Trong hơi men lâng lâng, anh bạn tôi như một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về vẻ đẹp bí ấn của phố biển Cửa Lò.
Theo như lời anh bạn tôi kể, đảo Mắt cách đất liền 24km, cao 218m so với mực nước biển, diện tích 2,2km2 và đảo Ngư cách bờ 4km, gồm hai hòn lớn nhỏ, hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mực nước biển, diện tích 2,5km2. Cả đảo Mắt và đảo Ngư đều có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An và Bắc Trung bộ. Trên hai hòn đảo này, có những người lính ngày đêm vững chắc tay súng, được ví như những đôi “mắt thần” bảo vệ biển trời Tổ quốc, giữ vững bình yên phố biển. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hai hòn đảo này còn được biết đến như những pháo đài bảo vệ đất liền trước sự tấn công của kẻ thù. Hòa bình lập lại, hai hòn đảo này không chỉ có giá trị về an ninh, quốc phòng mà là điểm tựa của bà con ngư dân trong những tình huống bất trắc trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Đặc biệt, với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng những năm gần đây đảo Ngư còn là điểm đến của du khách khi về du lịch, nghĩ dưỡng tại Cửa Lò. Qua lời anh bạn, cuốn hút trí tò mò, “máu” khám phá, tìm hiểu trong tôi trỗi dậy. Tôi nhờ anh bạn kết nối để ngày mai ra thăm đảo Ngư.
Cũng là cán bộ Quân đội nên việc ra thăm đảo Ngư với chúng tôi không khó khăn lắm. Sáng ngày Hè dưới ánh nắng ban mai, trong làn gió Tây Nam nhè nhẹ, sau 15 phút tàu của chúng tôi đã cập cảng đảo Ngư. Bước chân lên đảo trước mắt tôi hiện ra những kỳ tích thiên nhiên hùng vĩ qua những công trình, những nét hoang sơ do thiên nhiên ban tặng. Tọa lạc giữa đảo là ngôi chùa Song Ngư; chùa được xây dựng từ thời Trần và mới được trùng tu rất khang trang. Đây là chùa thờ Phật, đồng thời thờ những người có công giữ biển, giữ đất, trong đó có tướng quân Hoàng Tá Thốn - người có công lập nên vùng đất Cửa Lò. Chùa linh thiêng nằm trên tuyến đường biển nối liền Bắc - Trung - Nam, nên từ xa xưa, các nhà buôn và ngư dân khi đi qua đây đều vào chùa dâng hương cầu xin thuận buồm xuôi gió. Những ngày gió bão, bãi Chùa còn gọi là nơi trú ngụ của tàu thuyền từ xa tới. Phía trước chùa là có 2 cây lộc vừng cổ thụ ước chừng 600 năm tuổi. Ở chính giữa sân chùa là giếng Ngọc. Nguồn nước vừa ngọt vừa mát, chuyên dùng để nấu rượu Song Ngư ngon nổi tiếng.
Sau khi tham quan và dâng hương tại ngôi chùa Ngư cổ kính, chúng tôi lên thăm doanh trại của những người lính đảo Ngư. Những nụ cười rạng rỡ tươi tắn trên khuôn mặt sạm đen rắn rỏi vì sóng gió của những người lính nơi đây như khẳng định sự kiên cường của hòn đảo anh hùng hiên ngang trước bom đạn, bão giông. Con đường từu bãi Chùa lên doanh trại phải bước qua hàng trăm bậc đá cao dốc.
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là dù ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng doanh trại được xây dựng khá quy củ, xen lẫn những ngôi nhà vàng cao gần trăm mét so với mặt nước biển là những vườn rau mơn mởn và những ghế đá dưới tán cây xanh. Không khí ở đây thật yên bình và trong lành. Sau khi hỏi thăm đôi ba câu chuyện, chúng tôi được nghe những người lính kể về lịch sử hoạt động của đơn vị trải qua các thời kỳ.
Qua lời giới thiệu của Đại úy Lương Văn Quyết, Chính trị viên đảo Ngư, chúng tôi được biết, ngay từ những năm 1930 – 1931, đảo Ngư là căn cứ bí mật của các chiến sỹ hoạt động cách mạng. Năm 1958, một đơn vị Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được điều ra đảo cùng cán bộ Trạm khí tượng Thủy văn làm nhiệm vụ bảo vệ đảo và cung cấp số liệu thời tiết cho tàu thuyền ra vào an toàn. Đến năm 1960 -1963, trước nguy cơ đế quốc Mỹ đưa máy bay ra phá hoại miền Bắc, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị Quân khu 4 thành lập đơn vị đảo Ngư vào ngày 10/8/1963, thay cho đơn vị hải quân với tên gọi là Đại đội hỗn hợp 33 đảo Ngư. Năm 1970, đại đội được Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho Tỉnh đội Nghệ An (Nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) trực tiếp quản lý cho tới nay.Ngoài phục vụ an ninh quốc phòng, đơn vị còn giúp địa phương phát triển du lịch biển đảo.
Qua lời kể của Chính trị viên Lương Văn Quyết, chúng tôi ngược thời gian trở về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ bi thương và hào hùng đó. Giai đoạn từ năm 1963, đế quốc Mỹ điên cuồng phá hoại miền Bắc. Chúng nhắm vào các đầu mối giao thông quan trọng của ta nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 11/7/1968, máy bay Mỹ mở đầu chiến dịch đánh vào cảng Bến Thủy – Vinh. Lúc bấy giờ, tàu các nước chở hàng viện trợ vào cho Quân đội ta không thể cập cảng Bến Thủy được nữa. Tất cả đều đậu ở đảo Ngư rồi tìm cách chuyển tải hàng hóa vào bờ. Trong muôn trùng gian khó như vậy, bộ đội đảo Ngư đã nghĩ ra cách vô cùng đơn giản và thông minh đó là: toàn bộ gạo và lương thực thuốc men được cho vào bao ni lông bọc kín, rồi thả xuống biển. Lợi dụng chiều gió và quy luật lên xuống của thủy triều mà hàng vạn tấn hàng hóa của chúng ta đã vận chuyển vào bờ an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện được điều này thì đảo Ngư trở thành điểm bắn phá vô cùng ác liệt của quân Mỹ. Chúng không tiếc hàng vạn tấn bom đạn dội xuống đây, chúng thả nhiều thủy lôi phong tỏa vùng biển Song Ngư. Đảo Ngư chìm trong khói lửa, đạn bom.
Bộ đội đảo Ngư ngày ấy mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các anh đã chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu lược, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đảo và cùng với các lực lượng khác bảo vệ chuyển tải hàng từ tàu biển vào đất liền, lập được rất nhiều chiến công xuất sắc. Bộ đội đảo Ngư đã đập tan 26 lần biệt kích xâm nhập vào đảo và các xã ven biển, bắn hạ 11 báy bay, 9 tàu chiến của địch, bắn bị thương hàng trăm máy bay và tàu chiến khác. Với những chiến công to lớn đó, đại đội hỗn hợp 33 đảo Ngư đã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” năm 1969, được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 31/12/1973.
Có cuộc chiến nào lại không có mất mát, hy sinh. Có hòa bình nào không đánh đổi bằng máu xương của đồng bào mình. Những người lính đảo Ngư ngày ấy, cũng như bao anh “Bộ đội Cụ Hồ” trên dải đất Việt Nam trong chiến tranh đã chiến đấu như những người anh hùng. Trong đó, đã có nhiều người đã mãi mãi nằm xuống khi vừa tròn mười tám, đôi mươi. Máu xương hòa lẫn với biển đảo, tô thêm màu xanh cho biển khơi, cho đảo xa. Hôm nay có dịp đến đây, chúng tôi được các cán bộ chiến sỹ dẫn lên Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công thắp nén hương thơm cho thế hệ cha anh những người lính giữ đảo Song Ngư – những người sống mãi ở tuổi đôi mươi.
Tiếp nối cha anh, những người lính đảo Ngư thời bình cũng luôn phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất. Các anh không chỉ bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc mà còn giúp đỡ tàu thuyền khi có gió bão, cũng như giúp đỡ địa phương phát triển du lịch biển đảo. Dạo thăm đảo, chúng tôi gặp ngư dân Hoàng Thái Phiên ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đang khai thác gần đảo mang hải sản vào biếu bộ đội. Trong câu chuyện với chúng tôi, ngư dân Hoàng Thái Phiên nói rằng, với bộ đội đảo Ngư là ân nhân của gia đình ông. Những năm qua, mỗi dịp đánh bắt trên biển đi qua đảo, ông đều ghé thăm bộ đội đảo Ngư. Được biết, tháng 8 năm 2008, đang đánh bắt trên biển tàu ông bị cơn gió lốc quật tung đứt neo, chết máy trôi dạt vào gần đảo Ngư. Nhận được tín hiệu cứu hộ, Ban Chỉ huy đảo Ngư đã huy động bộ đội dùng ca nô ra cứu người bị nạn. Có sự cứu hộ kịp thời của bộ đội đảo Ngư, 5 người trên tàu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Và từ đó đến nay, ông và các ngư dân trên tàu luôn xem bộ đội đảo Ngư như những vị “cứu tinh” của mình.
Mặc dù không xa đất liền là bao, nhưng cuộc sống những lính đảo Ngư vẫn có những khó khăn nhất định. Vượt qua sự thiếu thốn về cơ sở vật chất thiết yếu như: điện, nước ngọt, vượt qua cả những cơn bão và gió lốc khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, trên tất thảy là tinh thần lạc quan và hào sảng của bộ đội đảo Ngư. Khi thì rét run người với cái lạnh hay lúc nóng rám da của mùa hè vùng biển đảo. Và trong tất cả những khó khăn ấy là nỗi nhớ gia đình. Tuy vậy, những người lính đảo Ngư đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thiêng liêng mà Quân đội giao.
Sóng gió giữa trùng khơi không thể làm vơi đi tình yêu quê hương tha thiết và sự vững vàng, niềm tin yêu mà những người lính dành trọn cho đất nước. Tình yêu ấy được vun đúc và kế thừa qua bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ đảo Ngư. Trên mỗi bước đường tuần tra đã hằn in không biết bao nhiêu dấu chân chiến sỹ trên những ghềnh đá, bờ biển nơi đây. Mặc cho đối mặt với bao khó khăn nhưng những người lính đảo Ngư vẫn luôn là những đôi “mắt thần" ngày đêm vững chắc tay súng giữ cho biển trời Tổ quốc và phố biển Cửa Lò luôn yên bình. Không những vậy, trong thiên tai, bão lụt, bộ đội đảo Ngư như những vị cứu tinh và là điểm tựa bình yên cho ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Chia tay các anh trở về đất liền, chúc cho những người lính đảo Ngư luôn vững chắc tay súng và là điểm tựa của bà con ngư dân và mãi mãi là hình ảnh mến yêu, tin cậy và vững chắc của Nhân dân và du khách gần xa.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG - CTV
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận