10 dấu ấn tiêu biểu của Việt Nam năm 2022 do Báo Quân đội Nhân dân bình chọn
Năm 2022, thế giới có nhiều biến động khó lường, tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Sau đây là 10 dấu ấn tiêu biểu của Việt Nam năm 2022 do Báo Quân đội nhân dân bình chọn, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Khống chế thành công dịch Covid-19
Với chính sách phòng, chống dịch đúng đắn, hiệu quả; sự quyết liệt, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; nỗ lực cống hiến, hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế, Quân đội, Công an và sự đồng lòng của người dân, năm 2022, sau hơn hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch. Đây là điều kiện quan trọng để nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới.
2. Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, GDP Việt Nam tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022
Với các giải pháp phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt 8,02%, mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra); năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước... Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD, tăng 393USD so với năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Kết quả đạt được nêu trên của Việt Nam được đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung đang rất ảm đạm.
3. Một năm thành công của đối ngoại Việt Nam
Năm 2022 có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia; thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao ASEAN; thăm chính thức Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN-EU... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, New Zealand; tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43)...
Các vị lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế cũng nhộn nhịp tới thăm Việt Nam. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Điều đó một lần nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam và sự ủng hộ của quốc tế với Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
4. Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 4-1 đến 11-1-2022 trở thành kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử 76 năm của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục tiêu quan trọng nhất của kỳ họp là kịp thời ban hành gói chính sách tài khóa trị giá khoảng 347.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thông qua những quyết sách cực kỳ quan trọng cho việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhờ tinh thần làm việc “từ sớm, từ xa”, những quyết sách được quyết định đúng thời điểm, trúng lĩnh vực, góp phần cực kỳ quan trọng để nước ta chớp thời cơ, đạt được những thành tựu nổi bật.
5. Đảng có nhiều quyết sách quan trọng trong định hướng phát triển đất nước
Năm 2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng đã có các nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng có các nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kết luận về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những quyết sách lớn, rất quan trọng định hướng cho sự phát triển của đất nước.
6. Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng
Trong năm 2022, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt. Nhiều vụ đại án tham nhũng, đại án kinh tế đã bị phanh phui, đã hoặc đang trong quá trình tố tụng để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, như: Vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19; vụ án đưa-nhận hối lộ liên quan “chuyến bay giải cứu”; các vụ án thao túng thị trường chứng khoán liên quan tới cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan tới bà Trương Mỹ Lan; vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ..." xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn...
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
7. Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã diễn ra thành công rực rỡ. Công tác tổ chức của đại hội đã để lại những ấn tượng đẹp với đoàn thể thao các nước trong khu vực. Với 205 huy chương vàng (HCV), đoàn thể thao nước chủ nhà Việt Nam đã chính thức thiết lập kỷ lục mới về số HCV tại một kỳ SEA Games; trong đó bảo vệ thành công 2 huy chương vàng môn bóng đá nam và môn bóng đá nữ.
SEA Games 31 thành công trọn vẹn là kết quả của sự quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực của Chính phủ trong việc tổ chức một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường tại khu vực cũng như trên thế giới. Sự kiện này ngoài khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam tại đấu trường thể thao khu vực, còn là dịp quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các quốc gia Đông Nam Á.
8. Tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội) là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia của 174 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm đã đón hơn 60.000 lượt người dân, gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tới tham quan; 52 đoàn khách nước ngoài từ 28 nước tham dự triển lãm và nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao.
Triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng; quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí, trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới...
9. Thị trường xăng dầu có nhiều biến động
Năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, giá cả tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu, tăng công suất sản xuất. Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu để phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu...
Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
10. Lần đầu tiên, Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam vào vòng chung kết World Cup
Năm 2022 ghi dấu ấn thành công vang dội của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, với tinh thần thi đấu quả cảm, kỹ thuật tốt, chiến thuật hợp lý, lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam tiến vào vòng chung kết World Cup 2023.
Đây là dấu ấn lịch sử của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam nói riêng và của bóng đá Việt Nam nói chung.
Theo Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận