A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Những dòng nhật ký tri ân

Bài 2: "Cuộc chiến" mới giữa rừng Lào

Vượt qua những gian khó những ngày đầu hành trình đi tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi, cán bộ, nhân viên Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã đúc rút thêm kinh nghiệm thực tiễn, quen dần địa bàn và hiểu thêm phong tục tập quán của Nhân dân Lào. Đặc biệt, với tinh thần ý chí, quyết tâm cao và bằng sự tri ân sâu nặng đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả, cán bộ, nhân viên Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực mỗi người làm việc bằng hai, tích cực tìm kiếm đưa hài cốt các liệt sĩ về yên nghỉ trong lòng đất Mẹ Việt Nam.

Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ CHQS Hà Tĩnh vượt sông đi tìm đồng đội.

 

Rừng Lào mùa khô hết sức khắc nghiệt. Dưới cái nắng như thiêu, như đốt cán bộ, nhân viên Đội còn đối mặt với bao hiểm nguy, khó khăn. Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh mà địa bàn thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Đội chủ yếu rừng rậm, núi cao. Dụng cụ để làm công việc cất bốc hài cốt liệt sĩ chỉ là những chiếc cuốc, xẻng, con dao, cây rựa. Mỗi động tác phải hết sức cẩn trọng, đến độ sâu khoảng 60 - 70 cm lại càng phải nhẹ nhàng, khéo léo hơn, chủ yếu dùng đôi tay để gạt đất. Khi tìm kiếm nếu gặp hài cốt liệt sĩ bọc bằng ni lông thì dễ lấy. Nếu hài cốt an táng bằng bao bọc vải hoặc không có gì bọc khi an táng thì xương cốt bị phân hủy, do đó thời gian dành cho những ngôi mộ này nhiều hơn. Theo kinh nghiệm tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ thì những ngôi mộ an táng bằng cách bao bọc ni lông phần xương cốt tương đối đầy đủ hơn so với những mộ an táng bằng vải.

Tại bản Xám Xoọc, tỉnh Bô Ly Khăm Xay Đội tìm kiếm được 01 mộ liệt sĩ mà hài cốt được bọc hai lớp ni lông cho nên thi hài hầu như nguyên vẹn. Để bảo đảm cho quá trình di chuyển, hài cốt liệt sĩ được rửa sạch bằng cồn hoặc rượu, sau đó lau bằng vải trắng sạch trước khi gói. Mộ nào cũng được Đội quy tập ghi lại đầy đủ thông tin vào sổ như, địa điểm, thời gian cất bốc, tình trạng hài cốt, hiện vật an táng có tên tuổi, địa chỉ hay chỉ có một phần hoặc hoàn toàn không. Quá trình tìm kiếm, quy tập phát sinh nhiều tình huống, chẳng hạn có sự chênh lệch giữa nguồn tin cung cấp và thực địa, thời tiết có mưa rừng đột xuất hoặc xuất hiện bom mìn gần nơi cất bốc. Khó khăn nhất là tìm kiếm các mộ liệt sĩ mai táng độc lập, nơi vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.

Cán bộ, nhân viên Đội và người dân Lào trao đổi thông tin về mộ liệt sĩ.

 

Mùa khô năm 2000 – 2001, trên hướng tỉnh Bô Ly Khăm Xay, 40 cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh có nhiệm vụ tìm kiếm tại các bản: Xám Xoọc, Na Nhao, Huội Kẹo, Xốp Ngom, Hạt Pa Kha, Khôn Tào, Thung Pạ Kha, Phồn Mường, Văng Hín, Phù Phà Thấu, Phù Thẩm Hạng, Mường Xuồng, Xiêng Men. Trên hướng tỉnh Viêng Chăn, 37 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các bản Na Thoong, Huy Don, bản Mục, Chu La Khôm, Na Xăng, Pạc Ngua, Na Khưa, Văng Xổng, Nậm Pha Nai, Nọong Bua, Phông Thoong, Bản Bò, Na Kham, Pa Lay, Xiêng Men.

Cũng như lần trước đợt tìm kiếm cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ lần này mỗi tổ đều có 2 đến 3 cán bộ và người dân Lào trực tiếp dẫn đường, đồng thời khi đến nghĩa trang bản nào đều có cán bộ bản đó bảo vệ và cùng tham gia giúp đỡ. Trung tá Nêng Nụ Lò Vàng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Viêng Thoong; Trung tá Bua Vàng Vang, cán bộ cơ sở; Thiếu tá Xing Khư Xay Nhan Ta, Chính trị viên; đồng chí Út Đa Nhăn; Chủ nhiệm Chính sách huyện Viêng Thoong. Theo quy trình, khi có thông tin về mộ liệt sĩ, một tổ 02 đến 03 người dùng xe máy mang theo bản đồ, vũ khí đến địa điểm nguồn tin cung cấp để xác minh kỹ. Nếu đúng, báo cáo cho chỉ huy Đội cử lực lượng phù hợp với khối lượng công việc để tìm kiếm và cất bốc.

  Về công tác phục vụ bảo đảm hậu cần, nơi nào nghĩa trang ở gần bản thì dựa vào nhà dân để bảo đảm, cất hành lý, nghỉ ngơi. Còn nghĩa trang nào xa dân bản thì tổ chức dựng lán tạm, bảo đảm ăn nghỉ tại chỗ. Còn ngủ nghỉ thì mắc võng, căng bạt tổ chức canh gác chặt chẽ. Thông tin liên lạc đảm bảo giữa các tổ với nhau bằng máy 2W, các tổ với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bằng máy 15W.

Khi phát hiện được mộ, công việc đầu tiên là dựng tạm lán che. Với mộ có nấm thì đào theo phương pháp rãnh chè, nếu không có nấm thì đào dọc, ngang, xiên, chéo, các chữ V, chữ Z. Khu vực nào mà có đường xe cơ giới vào được thường hài cốt nằm sâu trong đất, do địch dùng máy ủi, máy đào để lấp, còn dùng sức người để đào huyệt thường độ sâu vừa phải.

 

Cán bộ, nhân viên Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Bô Ly Khăm Xay.

 

Theo nguồn tin do bạn Lào cung cấp, tại bản Nậm Phèn, huyện Mường Mẹt, tỉnh Viêng Chăn có mộ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong những năm đầu chống Pháp. Vậy là Đội quy tập lại khẩn trương lên đường. Sau một đêm nghỉ tại Trường Quân sự Viêng Chăn, sáng ngày 05 tháng 02 năm 2001, Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh hành quân đến địa điểm tìm kiếm để khai quật. Đường từ Trường Quân sự Viêng Chăn đến huyện Mường Mẹt dài hàng trăm cây số. Dốc nhiều, thác lắm, có chỗ phải hành quân bộ, có chỗ phải đi thuyền. Cùng tham gia vào cuộc hành trình này có các ông Son Chay, Chủ tịch huyện Mường Mẹt, Chánh văn phòng Huyện ủy, Trưởng phòng Lao động phúc lợi xã hội cùng 5 người dân dẫn đường và bảo vệ. Từ huyện về bản phải đi thuyền, thác chảy cuồn cuộn, đá lô nhô, nhiều đoạn phải xuống đẩy. Sau gần 8 giờ đồng hồ thì lực lượng tìm kiếm đến ngã ba Pạc Phèn (giao điểm gặp sông Mê Kông). Đêm xuống, toàn đội nghỉ lại bản Khỉ Hét (còn gọi Pạc Mẹt). Nhờ có thông tin trước nên đội đã tìm gặp được ông Hải - người được coi là "Liệt sĩ còn sống". Ông Hải tên thật là Đặng Uy, sinh 1939, quê xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Ông Hải gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1963 thuộc Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 335. Năm 1964 trong một lần đi trinh sát tại Viêng Chăn, không may bị địch bắt và giam tại đây đến năm 1974 thì được thả. Sau khi được thả ông Hải đã quyết định ở lại sinh sống trên đất Lào, cưới vợ, sinh con trở thành công dân Lào và đổi tên khác. Chính ông Hải là người cung cấp thông tin về các phần mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại địa bàn bản Nậm Phèn, huyện Mường Mẹt. Muốn đến Nậm Phèn phải qua Pạc Ngừng được Trưởng bản Khăm Bun Xi Ma Mi vui vẻ tiếp. Ông trưởng bản cho người dẫn đường đến địa điểm khai quật mộ, trực tiếp là ông Khăm Phon, 75 tuổi, bố ông là người Việt Nam, mẹ là người Lào biết rõ phần mộ 2 liệt sĩ có tên là Phong và Phú. Liệt sĩ có tên là Phong, hy sinh năm 1946, an táng tại bản Nậm Phèn, huyện Mường Mẹt, tỉnh Viêng Chăn. Các thành viên trong đội cho biết, di vật còn lại trong mộ liệt sĩ Phong có một đồng bạc trắng ngậm ở miệng, 1 chiếc đài Radiô đã hoen gỉ. Còn phần xương cốt thì rất trắng. Không hiểu vì sao cả 2 liệt sĩ Phong và Phú cùng an táng một mộ mà phần xương cốt của liệt sĩ Phú đã bị phân hủy nhiều, riêng xương cốt hình hài của liệt sĩ Phong lại rất đầy đủ. Các bậc cao niên trong bản cho biết: Liệt sĩ Phong là cán bộ thuộc c111 (thông tin này trùng khớp với tư liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).

Tiến hành cất bốc hài cốt liệt sĩ tìm thấy.

 

Khi an táng liệt sĩ, những hiện vật quen thuộc để dùng hàng ngày như lược chải tóc, bật lửa, dầu sao vàng, dao con, đồng hồ đeo tay cũng được đồng đội an táng cùng. Tại Phù Phà Thầu, bản Văng Hin, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô  Ly Khăm Xay, mộ liệt sĩ được cất bốc còn có hiện vật là chiếc bút có chữ “Mậu”, một hộp dầu cao sao vàng bằng nhựa Hải Phòng. Từ tên khắc trên hiện vật cho ta biết tên liệt sĩ. Tại Phù Pha Thầu, bản Văng Hím, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, mộ liệt sĩ được cất bốc, hiện vật trong đó là chiếc ví da có ảnh chân dung liệt sĩ (hoặc ảnh người thân) cỡ 2x3. Tại Phù Thẳm Hạng, bản Mường Nọi, Xám Xọc, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, thông tin còn lại cho biết liệt sĩ là chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện, vì hiện vật an táng cùng là một đoạn dây thông tin, hy sinh  năm 1971, thuộc tiểu đoàn 48A (d48). Nghiên cứu tư liệu lịch sử cho biết, tỉnh Bô Ly Khăm Xay thuộc Trung Lào. Địa bàn Trung Lào và Hạ Lào có các đơn vị quân tình nguyện thuộc Quân khu 4 làm nhiệm vụ. Trung đoàn 27 đứng chân từ năm 1967 đến nhiều năm sau, cùng với Tiểu đoàn 3 đơn vị độc lập của Quân khu 4 và Tiểu đoàn 5. Tỉnh Hà Tĩnh có tiểu đoàn 48A do đồng chí Lương Hữu Phùng làm Tiểu đoàn trưởng (Hà Tĩnh có 2 Tiểu đoàn 48A vừa chiến đấu ở Quảng Trị sau được điều sang Lào và 48B đều hoạt động ở Lào). Ngày 22 tháng 12 năm 1972, Đại đội 1 của tiểu đoàn 48A do đồng chí Nguyễn Xuân Hệ (sau này là Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) chỉ huy đã tập kích sân bay Pha Hom (thuộc huyện Mường Mày, sau đổi thành huyện Pha Thoong, nay là huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay).

Kết thúc mùa khô 2000 - 2001 Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 79 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 01 liệt sĩ xác định đầy đủ danh tính, địa chỉ, đó là liệt sĩ Trần Hậu Luân, quê xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh năm 1949 tại bản Đôn Me, huyện Pạc Ka Đinh, tỉnh BôLyKhămXay và 14 liệt sĩ có một phần thông tin (13 liệt sĩ chỉ có tên, 1 liệt sĩ có họ tên).

Ngày 03 tháng 5 năm 2001, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Nầm thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể.

 Bài 3: Thắm đượm nghĩa tình trên đất nước Triệu Voi

Bài, ảnh: MAI THANH HẢI - CTV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội