A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Nghệ An:

Bài 2: Nở rộ mô hình “Dân vận khéo”

Từ sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân. Thông qua hoạt động phong trào đã nở rộ nhiều mô hình “Dân vận khéo” góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng bền chặt.

Ban CHQS huyện Kỳ Sơn tặng bò hộ ông Lữ Văn Nhưn, ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm theo mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”. ​ 

 

Khác với những năm trước đây, hệ thống đường giao thông vào các bản thuộc xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn được vệ sinh phong quang sạch sẽ; tình hình an ninh trật tự giữ được sự ổn định. Trong các bản làng, người dân phấn khởi chăm lo lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn minh giàu mạnh. Nhiều gia đình hộ nghèo được Ban CHQS huyện Kỳ Sơn và các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Theo bà con xã Hữu Lập có được sự đổi thay đó, một phần nhờ vào mô hình  “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” của Ban CHQS huyện phát động, thực hiện. Thực hiện mô hình, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn giúp đỡ bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập xây dựng bản nông thôn mới; hỗ trợ hộ nghèo, giúp đỡ các em học sinh, dân quân, tự vệ có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với xã làm đường nông thôn mới, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho bà con trong phát triển kinh tế; trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn... Vừa qua, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn huy động lực lượng cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Hữu Lập thực hiện chương trình nông thôn mới, hỗ trợ 2 tấn xi măng, đổ hơn 1km đường bê tông liên thôn, liên bản thuộc bản Xốp Thạng và bản Na với gần 50 ngày công.

Hằng tháng, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn trích một phần kinh phí để gây quỹ, vận động cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị tự nguyện đóng góp ủng hộ với tinh thần “tiết kiệm bản thân để phần người khó”, mỗi người ủng hộ 20.000 đồng/tháng từ tiền lương của bản thân để gây quỹ thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ về vật chất và kinh phí hỗ trợ hai hộ gia đình ở xã Hữu Lập và xã Na Ngoi làm nhà kiên cố thay nhà tạm tranh tre.

Đáp lại những tình cảm của Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, chính quyền và Nhân dân xã Hữu Lập và bản Xốp Thạng kịp thời trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã và bản, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo vệ an toàn các hạng mục quân sự...

Các đơn vị phối hợp tặng quà, hỗ trợ học sinh khó khăn trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

 

Đi trên con đường bê tông mà Ban CHQS huyện Kỳ Sơn phối hợp với chính quyền, Nhân dân xã Hữu Lập xây dựng, đồng chí Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập chia sẻ: “Xã Hữu Lập có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại hiểm trở, kinh tế-xã hội chưa phát triển... Đúng như tên gọi và mục tiêu của mô hình là “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, mô hình góp phần giúp đời sống đồng bào có nhiều đổi thay.

Nhiều hộ dân có điều kiện xây dựng nhà ở, học sinh tiếp sức đến trường, an ninh chính trị ổn định, tệ nạn xã hội giảm bớt, người dân một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và thêm trân quý tình cảm Bộ đội Cụ Hồ. Tin rằng, trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, giúp đỡ địa phương và nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, bà con có cuộc sống ấm no, để tình nghĩa quân dân nơi biên cương ngày càng thắm thiết, bền chặt”

Bộ CHQS tỉnh Nghệ An  tặng quà cho các cháu học sinh nghèo trong chương trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tại thị xã Cửa Lò.

 

Còn với bà con ngư dân các địa phương ven biển ở tỉnh Nghệ An những năm qua luôn đón nhận sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức với phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, tặng cờ Tổ quốc và hỗ trợ ngư dân đi biển. Tại chương trình, “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tặng cờ Tổ quốc và trao hỗ trợ ngư dân thị xã Cửa Lò do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An phối hợp với một số ban, ngành tổ chức, chúng tôi mới thấy rõ hơn ý nghĩa chương trình.

Ngư dân Phùng Bá Thu, ở phường Nghi Thủy chia sẻ: Thông qua chương trình đã góp phần thiết thực động viên, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Không những vậy, qua đây đã giúp cho bà con ngư dân thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Không chỉ có các mô hình “Dân vận khéo” về an sinh xã hội mà trên lĩnh vực kinh tế, ở các địa phương có nhiều mô hình đã vận động hội viên, đoàn viên, các thành phần kinh tế tham gia, qua đó phát huy được thế mạnh của địa phương, huy động được nguồn lực và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tham gia khởi nghiệp, tạo sản phẩm xanh, sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, gắn với thực hiện phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cách làm mới được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động, tăng doanh thu cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng; các doanh nghiệp tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất kinh doanh; công tác an sinh xã hội, các chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh… được cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia.

 Điển hình là các mô hình: Mô hình vận động Nhân dân tham gia xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi hươu, nai ở Thái Hòa, Hoàng Mai, Tân Kỳ; mô hình vận động Nhân dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao ở Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu; mô hình nuôi trồng thủy sản theo công nghệ hữu cơ vi sinh ở Yên Thành…

Mô hình Tổ liên kết nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Tương Dương; mô hình Hiệp hội nghề cá ở Cửa Lò; mô hình tổ nghề nghiệp trồng mía phát triển kinh tế ở Quỳ Hợp; mô hình liên kết chăn nuôi lợn đen sinh sản ở Quỳ Châu…

Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn gắn với sinh hoạt cộng đồng ở Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh; mô hình vận động nhân dân triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao xuất khẩu trên diện tích lớn và ký kết bao tiêu sản phẩm ở Diễn Châu; mô hình phát triển kinh tế trang trại cơ sở sản xuất nông hộ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học giai đoạn 2021 – 2025 ở Thanh Chương; mô hình sản xuất lúa nếp hương với 100 ha, lúa TBR 225 với 70 ha liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân; mô hình cánh đồng mẫu 40 ha gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Nghi Lộc …

Mô hình vận động Nhân dân giả phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn ở Nghi Lộc, Đô Lương; mô hình xây dựng vườn chuẩn NTM ở Hưng Nguyên, Diễn Châu; vận động nhân dân đóng góp tài lực, vật lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Nghĩa Đàn; khéo trong hiến đất, hiến cây xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới ở Quỳ Châu…

Các đơn vị trên địa bàn huyện Kỳ Sơn phối hợp tuyên truyền nâng cao đời sống văn hóa cho học sinh và Nhân dân.

 

Mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”, mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” tại xã Tam Quang, Tương Dương, mô hình “Ánh sáng vùng biên”, mô hình “tủ thuốc biên cương” ở xã Tam Quang do Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng; mô hình khéo trong tuyên truyền vận động Nhân dân duy trì thực hiện mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp” ở Nghĩa Đàn; mô hình vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Con Cuông, Kỳ Sơn; mô hình câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Thái ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ; mô hình đường cây dân vận kết hợp đường  đèn  cờ " đại  đoàn kết", mô hình về Số hóa thông tin cơ bản về di tích lịch sử Đền Đức Hoàng, hương ước các xóm bằng biển mã QR ở Yên Thành…

Mô hình vận động bà con giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo ở Nam Đàn; mô hình vận động giáo dân xây dựng NTM nâng cao Yên Thành; mô hình vận động đồng bào Giáo dân xây dựng “Đường Cờ Đại đoàn kết” ở Cửa Lò; mô hình vận động Nhân dân vùng giáo treo cờ Tổ quốc nhân các ngày lễ lớn của đất nước” mô hình đường điện thắp sáng gắn với đường cờ ở Tân Kỳ…

Mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” tại Bản Bắc Sơn, Nam Sơn và Làng Yên, xã Môn Sơn, Con Cuông và mô hình “Phụ nữ với pháp luật” tại bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, Tương Dương do Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng; mô hình vận động Nhân dân xã hội hóa lắp camera tại các xã, phường” ở Hoàng Mai; mô hình giáo xứ bình yên không có tệ nạ xã hội, Lương - giáo đoàn kết tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở Nghĩa Đàn; mô hình “Giáo lương đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” ở Hưng Nguyên; mô hình tổ tự quản vững mạnh gắn an ninh vùng giáo ở Nam Đàn;  mô hình xây dựng khối tự quản về phòng cháy, chữa cháy ở Vinh; mô hình giáo xứ bình yên, xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Lưu; mô hình xã biên giới sạch về ma túy ở Kỳ Sơn; mô hình lực lượng dân quân tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với bám nắm địa bàn ở Quế Phong...

Ngoài ra còn có các phong trào như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu”, “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” giai đoạn 2021-2025, “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Thi đua phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp”, “Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”, “Thi đua lao động giỏi”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Doanh nghiệp thân thiện với môi trường”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”... Đặc biệt, phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã giúp cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của, chung tay xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 trao hỗ trợ con giống chăn nuôi cho bà con xã Tri Lễ, huyện Quế Phong theo mô hình "Dân vận khéo".

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Đức, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai xây dựng mới các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhằm khơi dậy nguồn lực từ Nhân dân hoàn thiện các tiêu chí NTM, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024. Đến nay, đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã đi vào chiều sâu, được tập thể, cá nhân, địa phương, đơn vị tích cực hưởng ứng. Điển hình như các mô hình “Xây dựng tuyến đường hoa”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản”, “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, “Nhà sạch - vườn xanh - đường, sông không rác”, “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Dạy tốt, học tốt”... Trong quá trình thực hiện từng tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu, Nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi nội đồng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Từ nguồn vốn huy động, huyện và các xã, thị trấn tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường.

Cùng với huyện Nam Đàn, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng đã phát huy được sức mạnh từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh theo nghị quyết đại hội Đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Toàn tỉnh, đến nay đã có đã có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,62% tổng số xã; 83/319 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12/319 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả cao.

Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, phong trào “Dân vận khéo” cũng góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế. Nổi bật là các mô hình: “Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo”, “Xóm văn hóa NTM”, “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”, “Tuyến phố sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh”, “Vận động Nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, “Học không bao giờ cùng”, “Xây dựng trường chuẩn quốc gia xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, “Xây dựng cơ sở y tế sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Đoàn KInh tế - Quốc phòng 4 tổ chức "Bữa cơm dinh dưỡng" hỗ trợ học sinh trên địa bàn.

 

Điển hình như mô hình “Vận động Nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, sau thời gian ngắn thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân đồng thuận hưởng ứng. Các khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước, người dân đã tự nguyện thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Nhiều đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh, không phô trương, kéo dài, thực hiện làm cỗ không chia phần và ăn cỗ không lấy phần. Việc tổ chức đám tang cơ bản được rút ngắn, bỏ các hủ tục lạc hậu...

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các mô hình “Dân vận khéo” được thể hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy được truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Các mô hình tiêu biểu như: “Tiếng loa an ninh”, “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư văn hóa tiêu biểu”, “Lắp đặt camera giám sát an ninh”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”; “Khu dân cư phòng chống ma tuý, tội phạm”, “Hòm thư tố giác”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, "Sửa chữa nhà Đại đoàn kết, nhà mái ấm biên cương", “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đi biển”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”… Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình trên đều rất thiết thực, gắn với từng nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như các mô hình “Lắp đặt camera giám sát an ninh”; “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy” tại khu dân cư là những mô hình mới thích ứng với việc đảm bảo an ninh trật tự trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển cũng như yêu cầu cấp bách phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ cơ sở, từ phút đầu phát cháy. Triển khai mô hình, lực lượng Công an phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; vận động mỗi hộ dân tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy cầm tay; tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Hay tại khu vực có đồng bào theo đạo đã hình thành nhiều mô hình hay trong bảo vệ an ninh Tổ quốc như: “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Dòng họ tự quản”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”... các mô hình đã phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm của đồng bào có đạo trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở từng khu dân cư, góp phần đảm bảo an ninh tôn giáo trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Nghệ An giúp các địa phương theo phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới".

 

Trong xây dựng hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó nêu cao trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. MTTQ đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tiến hành bầu trưởng xóm (thôn), tổ trưởng tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố đảm bảo theo quy định. Hay trong thời gian gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh đến người dân, đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo được triển khai hiệu quả như mô hình: “Chuyển đổi số tại các nhà trường”, "Tuyến đường 4.0", “Hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử”, “Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, “Tổ công nghệ số cộng đồng”... Ngoài ra, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã góp phần quan trọng giúp Nghệ An tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân để ủng hộ chủ trương di dời, giải tỏa và bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài 3: Nhân lên những mô hình "Dân vận khéo" 

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội