“Chung sức” cùng đồng bào miền Tây Nghệ An xóa nghèo bền vững
Bài 3: Cần sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị
“Chung sức” cùng đồng bào xóa nghèo bền vững là một chủ trương hết sức thiết thực, do đó cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nghệ An và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 luôn "xem việc của người dân như chính việc của gia đình mình". Do vậy, bằng cả trái tim, với sự nhiệt huyết của “Bộ đội Cụ Hồ”, các cơ quan, đơn vị đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đẩy mạnh công cuộc xóa nghèo, theo đó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở miền Tây tỉnh Nghệ An từ 24,04 % năm 2016 xuống còn gần 8% năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020); tỷ lệ đồng bào di dịch cư năm sau giảm so với năm trước. Kết quả đó khẳng định, công cuộc xóa nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ đang có những bước đi phù hợp, đúng hướng. Vậy nhưng, để công cuộc xóa nghèo thật sự bền vững các cấp, các ngành và từng địa phương cần có chiến lược căn cơ, quyết liệt phù hợp với sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân.
Có thể khẳng định rằng, việc “chung sức” bằng cả tình cảm, trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 đã giúp Nhân dân nhiều địa phương ở miền Tây xứ Nghệ từng bước vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh những thành công cũng có không ít những thất bại, còn có những mô hình tính hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, một số gia đình từ sự hỗ trợ, chung sức của các cơ quan, đơn vị đã vươn lên thoát nghèo nhưng một thời gian lại tiếp tục tái nghèo. Rút kinh nghiệm từ những vấn đề đó, qua khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn miền Tây xứ Nghệ chúng tôi nhận thấy việc đổi mới hình thức tuyên truyền sát thực tế, phù hợp với trình độ nhận thức, ý thức của người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo là yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Với đặc thù ở địa bàn miền Tây xứ Nghệ có địa hình rừng núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí của bà con có mặt còn hạn chế, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu bám rẽ trong đồng bào từ bao đời nay... Do đó, để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo không chỉ “một sớm, một chiều” mà phải linh hoạt, đa dạng trong cách tuyên truyền, vận động để bà con dễ nghe, dễ hiểu, tin và dễ làm theo.
Nhiều lần được cùng đoàn công tác của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn các xã biên giới ở huyện Kỳ Sơn và Quế Phong chúng tôi thấy rõ hiệu quả của các đợt tuyên truyền này. Trong các nội dung tuyên truyền được thực hiện bằng các video clip thông qua những việc làm cụ thể ở địa phương. Đồng thời, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền các nội dung, sự kiện với giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế, xã hội và khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Sau buổi tuyên truyền, hướng dẫn mô hình, đơn vị đã tổ chức cấp cây con giống cho người dân... Qua đó đã tạo niềm tin để người dân tin tưởng, làm theo.
Hay trong tuyên truyền cho bà con không nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, đơn vị đã xây dựng phóng sự về những tác hại của việc nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn đến sức khỏe con người, một số căn bệnh thường gặp do ô nhiễm môi trường sống. Đồng thời, đơn vị cũng cử cán bộ, nhân viên trực tiếp đến từng hộ gia đình hướng dẫn, giúp các gia đình di dời chuồng gia súc, gia cầm, hố vệ sinh ra xa nhà ở. Để tuyên truyền được toàn dân thực hiện, đơn vị cũng xác định chọn một số hộ nòng cốt làm trước rồi hướng dẫn những người dân trong bản, cứ như vậy nhân rộng ra.
Đại tá Chu Huy Lương, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho biết: “Rút kinh nghiệm những năm trước đây, công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chúng tôi đã có nhiều đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin. Trong đó, chú trọng tuyên truyền bằng hình thức trực quan, sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện và nhận thức của người dân để nâng cao hiệu quả”.
Chung sức cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những yếu tố quan trọng là đội ngũ cán bộ các cấp phải nhìn thấy được những gì dân cần, những cái dân đang thiếu để mang đến cho người dân một cách bền vững. Để làm được điều đó, trước hết lãnh đạo, chỉ huy - người đứng đầu đơn vị phải là người am hiểu phong tục tập quán địa phương, nắm chắc điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng của từng địa phương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, đơn vị và Nhân dân chứ không chỉ làm theo những mô hình, dự án do trên triển khai.
Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn cho biết: “Xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Do vậy, không ít người thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản, đánh bắt thú rừng; thậm chí nhiều người còn bị kẻ xấu mua chuộc, lôi kéo làm việc xấu... dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương. Từ thực tiễn đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xây dựng mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” và lấy xã Hữu Lập làm thí điểm để nhân rộng ra những địa phương khác. Sau thời gian thực hiện, mô hình đã thể hiện rõ tính hiệu quả. Cuộc sống người dân đã được nâng lên và việc chấp hành pháp luật, quy định của địa phương cũng nghiêm túc hơn”.
Còn Thiếu tá Nguyễn Quang Sơn, Phó Đội trưởng Đội Chế biến, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho rằng, để các mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, trước khi triển khai các mô hình chúng tôi đã nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tính chất của các loại cây trồng, vật nuôi có phù hợp với thực tiễn của địa phương hay không? Tiếp đó, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm tại đơn vị nhiều lần để tính toán tính hiệu quả của mô hình, đầu ra cho sản phẩm... Khi thành công mới đưa về giới thiệu cho người dân thực hiện. Chúng tôi luôn xác định làm mô hình nào phải chắc mô hình đó, phải mang lại tính hiệu quả cao, không triển khai ồ ạt để tạo niềm tin cho Nhân dân.
Trong trận chiến đánh “giặc” đói nghèo ở các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn xác định đây là cuộc chiến của toàn dân, toàn diện, trường kỳ, khó khăn. Chỉ có quyết tâm, ý chí người lính là chưa đủ mà phải luôn kiên trì, nhẫn nại, đồng hành với đồng bào bằng cả tình cảm, tấm lòng tri ân và trách nhiệm, xem việc giúp dân như giúp người thân của mình. Thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương, các tổ chức, cá nhân trong mọi hoạt động, triển khai đa dạng, đồng bộ, chất lượng các cách làm, mô hình để chung sức, đồng hành cùng Nhân dân dần dần thực hiện hiệu quả “5 xóa” (xóa đói cái ăn, xóa đói cái mặc, xóa đói chữ, xóa đói thông tin, xóa đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch), đặc biệt xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo cho đồng bào..
Đánh “giặc” đói nghèo là cuộc chiến nhiều cam go, quyết liệt. Do vậy, trong từng bước đi không được nôn nóng mà phải thận trọng, chắc chắn, huy động sự vào cuộc quyết liệt của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức đoàn thể xã hội. Còn nhớ đầu những năm 2002, khi những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hành quân vượt núi, băng rừng, lội suối vào cùng bà con chiến đấu với “giặc” đói nghèo. Nói là vào giúp bà con xóa đói, giảm nghèo nhưng những ngày đầu không phải ai cũng hiểu được, hiểu đúng việc bộ đội làm. Làm sao để bà con nghe mình dần bỏ lối canh tác “phá, đốt, cốt, trỉa”, bỏ các hủ tục lạc hậu, không di dịch cự tự do, về định canh, định cư tập trung là cả một bài toán nan giải không chỉ một sớm, một chiều. Nhận thức được điều đó, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, phải nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin, ngoài việc “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng) thì đơn vị còn mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ để có thể “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con nhằm tạo ra sự đồng cảm về ngôn ngữ; học các phong tục, tập quán của địa phương, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và đời sống của Nhân dân.
Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho biết: “Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con. Làm được điều đó phải bắt đầu cái dân cần, cái dân thiếu, cái dân muốn để đổi mới từ cách tuyên truyền, vận động là việc làm thường xuyên, hàng ngày bằng những công việc cụ thể. Khi thực hiện các mô hình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế phải luôn gắn với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, làm trước cho bà con thấy hiệu quả, rồi cung cấp giống vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật, “cầm tay, chỉ việc”, từ đó bà con mới tin và làm theo để thoát nghèo…”.
Việc ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi được anh Thắng mô tả là nét “đột phá” quan trọng để dần chuyển “thế trận” giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Để làm được điều đó, lúc đầu đơn vị chọn những giống cây trồng, vật nuôi quen thuộc, lợi thế dễ làm để người dân có thể tiếp cận trong thời gian sớm nhất. Đơn cử như chè shan tuyết, bí Lào, dong riềng, lợn đen… là những giống cây trồng, vật nuôi quen thuộc lâu năm của bà con huyện Kỳ Sơn và rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Tuy nhiên, trước đây bà con có thói quen nuôi, trồng tự nhiên, tự phát, không chăm sóc, do đó năng suất, chất lượng thấp. Nhận thấy đây là những cây trồng, vật nuôi có thể trở thành chủ lực thoát nghèo, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, ươm giống, nuôi, trồng thử nghiệm. Khi thấy hiệu quả, Đoàn đã chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống cho người dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra để chế biến thành phẩm. Đến nay, những thương hiệu như Chè shan tuyết, miến dong Phu Xai Lai Leng đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước. Được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ trong quá trình nuôi, trồng, sản phẩm làm ra được bao tiêu, không bị tiểu thương ép giá, có thêm thu nhập ổn định, bà con phấn khởi ngày càng mở rộng diện tích, quy mô nuôi trồng.
Nhớ hôm ngược núi để vào gặp vợ chồng anh Lầu Bá Giờ ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn đang gùi cỏ voi về cho trâu, bò với nụ cười rạng rỡ khi trò chuyện. Bá Giờ kể “Bộ đội Đoàn 4 giúp ta nhiều lắm, cấp cho 100 tấm fibro xi măng để lợp nhà, cấp bò giống, giúp ươm giống cây trồng. Nay nhà ta có 3 con bò, 1 con trâu, lại còn 5 sào gừng, 1 sào dong riềng. Gia đình ta giờ không những thoát nghèo mà con cái được học hành đầy đủ”. Theo tay Lầu Bá Giờ chỉ về nơi ở cũ, chúng tôi phải ngước mắt lên mới thấy những đỉnh núi mờ hút, xa xôi. Bá Giờ là một trong các hộ gia đình bà con người H’Mông xứ này nghe theo lời nói nghĩa tình của bộ đội Đoàn 4 để có một cuộc sống ổn định, no ấm như hôm nay.
Nặng nghĩa đồng bào, "Bộ đội Cụ Hồ" luôn trăn trở trước những khó khăn, vất vả, đói nghèo, lạc hậu của người dân. Các cơ quan, đơn vị của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 không ngừng tìm tòi, đổi mới các cách thức, cách làm giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo. Từ việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế ngày càng phát triển đến việc tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Để nuôi sống, nhân rộng mô hình, các đơn vị có con em là người đồng bào đang học tập, công tác còn thường xuyên hướng dẫn, cập nhập kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, định hướng, động viên bởi lực lượng này sau khi xuất ngũ trở về địa phương sẽ là những trụ cột để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các đơn vị còn thực hiện mô hình “Mỗi chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo” để gắn trách nhiệm của từng đảng viên, tổ chức đảng trong việc giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Công cuộc giúp Nhân dân xóa đói nghèo ở miền Tây xứ Nghệ còn nhiều gian nan, thử thách nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh và sự đồng hành bằng ý chí, nghị lực, nghĩa tình, trách nhiệm, có hiệu quả của “Bộ đội Cụ Hồ”, dải biên cương xứ Nghệ ngày một khởi sắc.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận