A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Nói không với tiêu cực từ những công trình ý Đảng, lòng dân

Bài 3: “Hóa giải” khó khăn, nhân lên hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng (KT-QP), cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP: 5, 4, 337, 92 thuộc Quân khu 4 đã có nhiều biện pháp triển khai các dự án KT-QP, góp phần cùng Nhân dân từng bước “đánh thắng” đói nghèo, lạc hậu. Trong “cuộc chiến” đó, “từng đồng, từng cắc” tiền vốn ngân sách Nhà nước đã được giải ngân kịp thời, sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức, các đơn vị KT-QP cần có thêm các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, nhằm “hóa giải” khó khăn, nhân lên hiệu quả các công trình, dự án “ý Đảng, lòng dân” nơi biên cương Tổ quốc.

Khó khăn cần “hóa giải”

Qua thực tiễn khẳng định rằng: Việc xây dựng các khu KT-QP ở các địa bàn chiến lược là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước. Cùng với làm tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới dài hơn 1.337 km giáp với 7 tỉnh của nước bạn Lào, các đơn vị KT-QP của Quân khu 4 đã triển khai đồng bộ có hiệu quả nguồn kinh phí của hàng loạt các chính sách, dự án xóa đói, giảm nghèo ở tất cả các cấp, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo nông thôn địa bàn vùng biên giới.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra tiến độ triển khai các dự án KT-QP trên địa bàn Quân khu 4.

 

Tuy nhiên, những năm qua, nhất là ba năm trở lại đây (2019, 2020, 2021), địa bàn miền Trung nói chung, tuyến biên giới nói riêng đã và đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức, cả về kinh tế, xã hội, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… Điển hình là các trận mưa lũ lịch sử từ năm 2018 đến nay có thể nói đã xóa sổ toàn bộ nỗ lực hàng chục năm trời xóa đói, giảm nghèo ở một số vùng dự án. Nếu không có sự chung sức của toàn xã hội, vai trò tiên phong của các đơn vị KT-QP, không biết đến khi nào những nơi này mới được hồi sinh. Trước khó khăn chung đó, các đoàn KT-QP của Quân khu 4 còn đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù như mở rộng địa bàn (Khu KT-QP Khe Sanh, nơi Đoàn 337 đóng quân, từ 5 xã mở rộng lên 13 xã, gồm 8 xã biên giới và 5 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); di chuyển đến triển khai ở vùng dự án mới (Đoàn 92 triển khai dự án Khu KT-QP Minh Tuyên ở Quảng Bình)…

Thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho địa bàn các khu KT-QP của Quân khu.
Ảnh trên: Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng địa bàn Khu KT-QP Mường Lát. Ảnh dưới: Sạt lở đất vùi lấp doanh trại Đoàn KT-QP 337.

 

Khó khăn trong triển khai các dự án kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn biên giới là thực trạng chung ở các Đoàn KT-QP hiện nay. Làm thế nào để vừa triển khai có hiệu quả, vừa không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, trì trệ kéo dài là vấn đề trăn trở của tất cả các cấp ủy, tổ chức Đảng, người chỉ huy ở các đơn vị KT-QP. Tuy nhiên, do nguồn vốn bảo đảm còn ít nên việc triển khai thực hiện mục tiêu giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở một số địa bàn vùng biên giới còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, một số dự án di dãn dân được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng do khó khăn nguồn vốn, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh nên đến nay một số hộ dân không mặn mà bám trụ lại.

Cán bộ Đoàn 5 tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát, Thanh Hóa tham gia các dự án xóa đói, giảm nghèo.

 

Cán bộ Đoàn 337 họp bàn lấy ý kiến Nhân dân trước khi triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo.

 

Với Khu KT-QP Mường Lát, Thanh Hóa, nơi Đoàn 5 đảm nhiệm triển khai các dự án, là một trong những địa bàn nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Quân đội với nhiều dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Song, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 34/88 bản, hơn 1.800 hộ dân với hơn 9.500 nhân khẩu chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Điển hình như ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, một trong 5 xã thuộc vùng dựa án, là nơi sinh sống của đồng bào người Thái, dù cách trung tâm xã chỉ vài km, giao thông thuận tiện, nhưng đến nay vẫn chưa có điện. Cùng với Pù Đứa, các bản như Suốt Tút, Quăn Dao, Cò Cài cũng chưa có điện. Do không có nguồn vốn hỗ trợ, cho nên việc giúp người dân chỉ dừng lại là phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục. Vì vậy, đến nay cơ bản các hộ dân ở đây vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, kể cả những hộ có điều kiện kinh tế khá, không thuộc diện hộ nghèo nhưng vì không có điện, không được tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản nên họ vẫn không đủ điều kiện ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo.

Nhờ sự đồng thuận cao, các dự án được triển khai nhanh chóng với sự tham gia đông đảo của người dân.

 

Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KT-QP 5 cho rằng, nguồn kinh phí trên cấp chưa đáp ứng hết so với nhu cầu. Hơn nữa, khu KT-QP địa hình phức tạp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tập quán sản xuất của người dân chưa thay đổi nên công tác vận động còn khó khăn. Một số dự án về xóa đói giảm nghèo triển khai chưa tốt, thiếu sáng tạo, linh hoạt; chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, những năm qua, có một số đơn vị chỉ tập trung phát triển kinh tế đơn thuần, chưa chú ý đến nhiệm vụ dân vận và tổ chức sản xuất cho người dân. Thực tế, ở đâu, đơn vị nào làm nhiệm vụ chỉ nghĩ đến kinh tế đơn thuần thì ở đó không tận dụng hết nguồn lực, còn tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Bởi vì, việc xây dựng địa bàn biên giới trở thành thành trì, pháo đài vững chắc không ai bằng chính nỗ lực của người dân, bắt đầu từ ngôi nhà, mảnh vườn, nương rẫy của họ. Vì vậy “từng đồng, từng cắc” của dự án có vào đến nhà họ hay không thì mới mong mang lại hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí… 

Làng tái định cư thôn Tri - Công trình "ý Đảng, lòng dân" ở xã biên giới Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị do Đoàn 337 triển khai.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số chính là người được thụ hưởng thành quả từ những công trình "ý Đảng, lòng dân" nơi biên cương Tổ quốc. (Trong ảnh: Cán bộ Đoàn 337 hướng dẫn bà con dân tộc Vân Kiều ở thôn Tri sử dụng nguồn nước sạch do Đoàn triển khai xây dựng)

 

Theo Đại tá Ngô Sỹ Tình, Đoàn trưởng Đoàn 92 thì muốn triển khai hiệu quả các dự án phải làm tốt hai vấn đề then chốt đó là phát huy vai trò tiên phong, xông pha vào việc khó, việc mới của cán bộ, nhân viên và vai trò giám sát của chính quyền, người dân, làm sao để những dự án đó phục vụ sát sườn lợi ích người dân, phải để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Trước đây, ở Khu KT-QP A Sho A Lưới việc bố trí vốn ngân sách khó khăn, vốn lồng ghép của địa phương hạn chế, đội ngũ cán bộ có chuyên môn về quản lý dự án ít. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vượt khó của Đoàn 92, đến nay Khu KT-QP A Sho A Lưới đã có rất nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng cao, là Khu KT-QP phát triển nhất trên địa bàn Quân khu, Đoàn 92 cơ bản đã hoàn thành tiến độ triển khai các dự án, sẵn sàng di dời thực hiện nhiệm vụ tại Khu KT-QP Minh Tuyên ở Quảng Bình. 

Đoàn 5 triển khai dự án di dãn dân ở Khu KT-QP Mường Lát.

 

Đoàn 5 cấp phát bò sinh sản, bò giống cho đồng bào dân tộc H'Mông ở vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát.

 

Đoàn 337 triển khai dự án nuôi dê thương phẩm, dê sinh sản ở Khu KT-QP Khe Sanh. 

 

Minh chứng cho việc triển khai hiệu quả các dự án, mô hình có sự giám sát, tham gia của người dân, Đại tá Ngô Sỹ Tình và Trung tá Dương Văn Trung, Trợ lý Phòng Hậu cần - Kỹ thuật dẫn đi tham quan dự án sản xuất cây giống keo, tràm của đơn vị ở thôn Tru Chai, xã Đông Sơn. Nhận thấy cây keo, tràm phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu lớn, Đoàn đã triển khai thành công vườn ươm hơn 1 ha giống keo lai tai tượng bằng phương pháp ươm hạt, cắt hom giâm cành. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, hằng năm Đoàn ươm được 10.000 cây giống có giá thấp hơn thị trường 30%. Người dân được trực tiếp giám sát, được chuyển giao kỹ thuật, nhờ đó họ thấy rõ hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại. Vốn đầu tư ít, nhanh thu hoạch, dự án đã giải quyết hàng nghìn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.

Đồng chí Dương Văn Trung hướng dẫn bà con dân tộc Bru - Vân Kiều kỹ thuật cắt hom giâm cành giống keo tràm.

 

Nhân lên hiệu quả

Thực tế quá trình triển khai các dự án, mô hình cho thấy, để mang lại hiệu quả, không chỉ cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chỉ huy các cấp, có giải pháp đáp ứng kịp thời các nguồn vốn của dự án mà cần có sự phát huy nội lực của các đoàn KT-QP. Bên cạnh ưu tiên mở mới dự án đầu tư xây dựng công trình dân sinh và bố trí tăng vốn thực hiện các dự án khu KT-QP… cần có sự hỗ trợ phương tiện, trang bị, vật chất, kinh phí cho các Đoàn KT-QP; tiếp tục triển khai Dự án 174 nhằm phát huy lợi thế của các lực lượng, nhất là sức trẻ nơi địa bàn gian khó.

Phát huy lợi thế sức trẻ, trí tuệ của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tăng cường cho các khu KT-QP theo Dự án 174 trong triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo.

 

Cùng với đó, muốn nâng cao hiệu quả triển khai các dự án phát triển kinh tế, mô hình giảm nghèo, các đơn vị làm nhiệm vụ KT-QP phải xác định lo cho dân trong vùng dự án ổn định cuộc sống là trước hết. Bởi, nếu đời sống người dân được cải thiện, ấm no, thì họ càng yên tâm làm ăn và phối hợp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Vì vậy, khi chọn cán bộ công tác tại các đoàn KT-QP cần chọn những người không chỉ có kiến thức quân sự, mà còn phải am hiểu địa bàn biên giới, có kiến thức nông lâm ngư nghiệp, biết làm kinh tế, tâm huyết với nhiệm vụ, hiểu dân và biết lo cho dân. Nhằm giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả nguồn vốn ngân sách, quỹ vốn đơn vị, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ KT-QP phải có tầm nhìn, tâm huyết, sáng tạo, vô tư, trong sáng, nội bộ đoàn kết.

Cùng với triển khai có hiệu quả các dự án, các đoàn KT-QP còn có nhiều mô hình giúp người dân nâng cao thu nhập. (Trong ảnh: Cán bộ Đoàn 5 hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng nấm)

 

Mô hình thâm canh lúa nước góp phần đảm bảo lương thực quanh năm cho người dân vùng cao.

 

Tất cả các diện tích ruộng, ao hồ, đầm... trước đây để hoang hóa thì nay được bộ đội hướng dẫn người dân biến thành lợi thế trong trồng trọt, chăn nuôi. (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá trên đồi của anh Lò Văn Ún, Trưởng bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh, Mường Lát mang lại giá trị kinh tế cao)

Đề cập đến vấn đề này, chúng tôi rất tâm đắc về các thế hệ cán bộ ở các Đoàn KT-QP mà chúng tôi đã từng gặp gỡ, làm việc, tìm hiểu. Họ là những con người có mặt ở dọc dài tuyến biên giới từ những ngày đầu xây dựng các khu KT-QP, cùng đồng bào bổ những nhát cuốc đầu tiên khai hoang, vỡ đất, đánh đuổi đói nghèo. Đó là Trung tá Dương Văn Trung, Trợ lý Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Đoàn 92, có hơn 10 năm công tác A Lưới, vốn là kỹ sư lâm nghiệp đã tham mưu triển khai thành công dự án cây lâm nghiệp. Đó còn là những cán bộ đầy tâm huyết đã từng và đang công tác ở các đoàn KT-QP như Đại tá Lê Thế Soái, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 5; Đại tá Uông Đình Tân, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Trung tá Lầu Bá Thông ở Đoàn 337; Đại tá Vi Hiểu, Thượng tá Lương Hải Kiên, Trung tá Nguyễn Sĩ Toàn ở Đoàn 4; Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Đại tá Võ Thanh Hà, Thượng tá Trần Văn Sơn ở Đoàn 92…

Họ là những người có thâm niên lâu năm, gắn bó với địa bàn nên am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng đồng bào, nắm rõ đến ngõ ngách bản làng, tính tình của trưởng bản, người có uy tín đến hoàn cảnh mỗi hộ dân nên công tác dân vận mang lại hiệu quả cao. Do vậy, việc chọn cán bộ là khâu quan trọng nhất, đồng thời cần có chính sách đãi ngộ thiết thực để đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ yên tâm gắn bó lâu dài với vùng đất biên giới. 

Nhiều người dân tham gia dự án trồng cây bời lời do Đoàn 337 triển khai.

 Cùng với đó, cần có cơ chế, tạo điều kiện để các đoàn KT-QP triển khai các dự án vừa và nhỏ, gắn với quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của người dân; tạo nguồn kinh phí để khám, chữa bệnh cho Nhân dân, quan tâm thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... Bởi, công tác dân vận mà tiến hành “suông” sẽ rất khó đi vào lòng dân; đồng thời phải có cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra việc triển khai các dự án, mô hình ở các đoàn KT-QP để tham mưu cho cấp Bộ, Quân khu rút kinh nghiệm, định hướng nhân rộng việc làm hiệu quả.

Các đoàn KT-QP cần kết nối với các bộ, ngành Trung ương lẫn địa phương trong triển khai thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông, khuyến lâm; dự án gắn với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm khảo sát đánh giá đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán, trình độ canh tác, điều kiện bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa đưa các chương trình, dự án đó đến với người dân sao cho thiết thực, hiệu quả.

Các đoàn KT-QP cần nghiên cứu, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho cán bộ, nhân viên có nhiều năm công tác tại các đoàn KT-QP có nguyện vọng lập nghiệp ở địa bàn biên giới. Đây sẽ là lực lượng có bản lĩnh chính trị, tư duy kinh tế, làm nòng cốt để hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế. Một vấn đề then chốt nữa là các đoàn KT-QP cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy tốt mô hình “dịch vụ phát - thu” đó là “hướng dẫn, cấp phát, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật” với “thu mua, chế biến” các sản phẩm người dân trong vùng dự án sản xuất, chế biến ra. Đây là vấn đề mà các đoàn KT-QP ở Quân khu 4 triển khai làm tốt kể từ khi thành lập, nổi bật là các dự án, mô hình trồng thu mua cây lâm nghiệp; mô hình trồng dong riềng, chế biến miến từ dong riềng; mô hình trồng, chế biến, thu mua gừng…

Làm tốt phương châm "3 bám, 4 cùng" trong công tác dân vận là "chìa khóa" để các đoàn KT-QP triển khai có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế.

 

Trong công tác sắp xếp, tổ chức, biên chế các đoàn KT-QP cần theo hướng giảm trung gian, giảm biên chế cơ quan, tăng cường quân số cho các đội sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có kiến thức chuyên sâu về nông - lâm nghiệp, cán bộ là đồng bào dân tộc người địa phương. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động triển khai các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng dự án; phát huy vai trò xung kích của cán bộ, nhân viên trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vừa làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa củng cố và phát huy hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân, xây dựng các khu KT-QP ngày càng phát triển, góp phần xây dựng địa bàn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện; thực hiện chiến lược “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.

Nhóm phóng viên


Tác giả: Nhóm phóng viên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội