A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Những hội nghị Diên Hồng về văn hóa và khát vọng non sông

Bài 3: Văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn hóa dân tộc

Từ khi Quân đội Việt Nam ra đời đến nay, nói đến văn hóa quân sự phải lấy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ làm tiêu điểm để quy chiếu mọi giá trị cao cả nhất của văn hóa quân sự trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện kháng chiến kiến quốc, cùng với quan điểm "văn hóa hóa kháng chiến", "văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận" theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đòi hỏi cao về sự thống nhất chặt chẽ của văn hóa dưới sự lãnh đạo của Ðảng, tạo thành một chiến tuyến nhằm "phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân".

Tiếng hát át tiếng bom

“Tiếng hát át tiếng bom” là một tên gọi đã đi vào lịch sử của một đoàn văn công ở thời kỳ mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đó là năm 1967.

Lúc đó Phó thủ tướng Chính phủ Phan Trọng Tuệ với mục đích lấy nghệ thuật làm đòn bẩy và là mũi nhọn tấn công vào kẻ địch, ông đã quyết định thành lập đội văn công có tên gọi mà tên gọi này nêu rõ mục đích và hành động cụ thể đó là “Tiếng hát át tiếng bom” nhằm hướng về mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, động viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên tại Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 1973. Ảnh tư liệu 

Những người nghệ sĩ trong thời kỳ đó đã đứng vào vị trí là người truyền lửa. Ở đây là truyền lửa cho phong trào hết mình vì tiền tuyến, truyền lửa để chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu. Ngọn lửa vẫn cháy lên ngay khi thể xác các anh đã hòa vào đất mẹ, và ngọn lửa của tình yêu quê hương, đất nước đã hòa vào những bài ca bất hủ mà bây giờ gọi là những bài ca cách mạng.

Trong cuộc tọa đàm “Văn hóa quân sự Việt Nam” do Thư viện Quân đội tổ chức, nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống, giảng viên bộ môn Lịch sử quân sự (Học viện Quốc phòng) khẳng định:

 “Không phải nước nào cũng có văn hóa quân sự như ở Việt Nam. Do điều kiện lịch sử mà dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập dân tộc. Theo tôi, văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước Việt Nam”.

Những giai điệu có sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, từ những tiếng hát của các nghệ sĩ trong đoàn văn công. Chính vì vậy ở thời điểm đó, cứ ở tuyến đường nào mà địch đánh phá ác liệt nhất thì tiếng hát lại được cất lên từ đó. Cầu bị đánh sập: Hát; đường bị phá hủy vẫn hát; xe pháo bị sa lầy thì vừa kéo vừa hát…

Hơn nữa, ngay cả những lúc cam go nhất, tức là khi các chiến sĩ bị thương phải cắt đi một phần thân thể mình mà không có thuốc gây mê thì tiếng hát cũng được cất lên để xoa dịu nỗi đau của người chiến sĩ. Chính vì tinh thần văn nghệ sôi động đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho người chiến sĩ bước vào cuộc chiến đấu chống quân thù.

Đánh giá về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Chưa bao giờ trong thời kỳ chiến tranh của chúng ta lại được chứng kiến sự lãng mạn được cất cánh từ những nơi mà sự sống và cái chết không còn ranh giới. Chiến trường càng ác liệt thì sự thăng hoa trong tinh thần của các chiến sĩ càng lên cao và mặt trận chính là nơi nuôi dưỡng những tiếng hát bay bổng đó. Đến nay, nền văn hóa nghệ thuật nói chung hay phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của các văn nghệ sĩ vẫn vẹn nguyên giá trị là truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng: Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” là một phong trào song hành cùng với sự chiến đấu của quân dân ta ngay tại mặt trận. Tiếng hát đó song hành cùng với tiếng súng của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ đất nước.

“Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới, tôi thường xuyên ở ngoài mặt trận, những khi trên đường hành quân, đến trận địa phục kích, thì tiếng hát rất quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp, những bài hát của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Văn Cao, Huy Du, Lương Ngọc Trác với những ca khúc như “Lô Giang”; “Sông Lô” “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Hành quân xa”, “Chiến thắng Điện Biên”…đã góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các chiến sĩ bước vào cuộc chiến đấu”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Văn nghệ tại mặt trận. Ảnh: Tư liệu.

Theo nhạc sĩ Doãn Nho, mỗi bài hát như mỗi “trận đánh”, tất cả  hợp thành sức mạnh và cuối cùng đi đến ngày toàn thắng. Chẳng hạn như Chiến dịch Điện Biên Phủ có mốc về thời gian, rồi cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…đó là những chiến dịch lớn đều có những ca khúc được ra đời trong khói lửa chiến tranh. Còn đi sâu vào từng trận đánh thì mỗi trận đánh từ nhỏ đến lớn đều có cái hay và nếu những ca khúc nào gắn liền với những trận đánh đó thì có thể thời gian qua đi, nhưng tác phẩm vẫn sống mãi trong lòng độc giả. Với giới văn nghệ sĩ thì khi hát lại những tác phẩm gắn với những trận đánh đều được các ca sĩ, nhạc sĩ thể hiện với niềm trân trọng quá khứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

Lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong văn hóa nghệ thuật

Là nhạc sĩ Quân đội, nhạc sĩ Doãn Nho rất tâm đắc với câu “sức mạnh mềm” để nói về tầm quan trọng của văn hóa. Ông cho rằng: Văn hóa chính là sức mạnh, không có tiếng súng nổ súng đùng, đoàng nhưng đem lại ý chí, sự đoàn kết quân dân, góp phần quan trọng chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được khắc họa đậm nét trong nhiều loại hình nghệ thuật. Cho đến nay những nét đặc sắc về văn hóa quân sự trong thời đại Hồ Chí Minh lại tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.

Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức ngày 24-11-1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì thì văn hóa của Quân đội những năm qua luôn được kế thừa và phát triển.

Tiết mục "Ơn nước nhớ Người" của Đoàn văn công Quân khu 4 trong Lễ kỷ niệm ngày truyền thống.

Cho đến ngày nay, trong lòng các nghệ sĩ trong quân đội nói riêng và các văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung vẫn vẹn nguyên giá trị và vai trò là người truyền lửa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh giá trị hiện hữu đó, rất nhiều tác phẩm, lời ca, tiếng hát đã ngợi ca những người lính trong chống dịch; sự vượt khó, vượt lên số phận để sống, của Nhân dân trong đại dịch.

Trong thời gian đại dịch hoành hành ở nước ta, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kịp thời phát động sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống Covid-19. Theo đánh giá của nhạc sĩ Doãn Nho, sau khi phát động, Hội Nhạc sĩ đã nhận được nhiều tác phẩm và trao giải cho một số tác giả. Một số tác giả đã nhận được giải thưởng như: Phạm Ngọc Khôi, Hồ Trọng Tuấn…Đây là mặt trận mới, chiến dịch mới, nếu không có những bài hát, tác phẩm văn học nghệ thuật góp sức vào thì làm sao Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, cơ bản chúng ta làm chủ được “trận đánh” chống giặc Covid.

Trong cuộc chiến với Covid, ca sĩ mang màu xanh áo lính, Thiếu tá Hoàng Viết Danh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) đã thực hiện 2 MV ca nhạc chủ đề phòng chống dịch Covid-19. Đây là những ca khúc góp phần cổ vũ tinh thần của những chiến sĩ, bác sĩ đang ngày đêm tham gia vào trận chiến “chống dịch như chống giặc”.

Đoàn văn công Quân khu 4 biểu diễn phục vụ bộ đội tại huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Thiếu tá Hoàng Viết Danh tâm sự: Khi các chiến sĩ, bác sĩ đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu vất vả quên mình nơi tuyến đầu thì bản thân tôi là một nghệ sĩ cũng mong muốn được góp một chút gì đó dù nhỏ thôi nhưng chứa đựng cả tấm lòng biết ơn, động viên cũng như kêu gọi toàn dân đứng lên đoàn kết một lòng chống dịch, đó là điều mà tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc.

“Tôi luôn tự hào bởi mình là người nghệ sĩ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt kịp thời ở những nơi gian khó nhất để giúp đỡ Nhân dân. Lực lượng của quân đội luôn tiên phong đi đầu, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bằng những việc làm, những chia sẻ khó khăn với đồng bào, cố gắng cùng Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Trong gian khổ mới thấy rõ được vai trò cũng như tầm quan trọng của quân đội, đó là sự chỉ đạo chặt chẽ, kỷ luật, sự đoàn kết một lòng của toàn quân, khẳng định được niềm tin yêu mà Đảng,  Nhân dân dành cho những người lính”, ca sĩ Hoàng Viết Danh nhấn mạnh.

Văn hóa quân sự không chỉ tỏa sáng trong thời chiến và thời bình mà còn để lại dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tại đấu trường Army Games. 

Các tiết mục của Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam Army Games 2021.

Là Đội trưởng Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam Army Games 2021, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh cho biết: Mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam tham gia vào Hội thao quân sự quốc tế từ năm 2019 đến nay, chúng tôi  thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng ta về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó có một nội dung nhấn mạnh là chủ động hợp tác, quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa; góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tại buổi Lễ tổng kết nhiệm vụ Đội tuyển “Đội quân văn hóa” tham gia Army Games 2021 diễn ra đầu tháng 11, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Việc Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2021 thể hiện sự chủ động của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, là một hoạt động thiết thực để xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước cũng như quảng bá đất nước, con người Việt Nam; tôn vinh hình ảnh, uy tín, thể hiện sự tích cực, trách nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng nói riêng trong hội nhập quốc tế.

“Tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại Việt Nam. Vì thế, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là thủ trưởng Tổng cục Chính trị, chúng tôi được vinh dự xây dựng đội tuyển Đội quân văn hóa để tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games các năm. Năm nay, chúng tôi tiếp tục mang những giá trị văn hóa truyền thống quảng bá tại Hội thao. Tại đây, những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận rất trân trọng và nhiệt tình ủng hộ”, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh cho biết.

Theo đánh giá của Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, qua những trải nghiệm, trình bày, rồi những trang phục truyền thống đến ẩm thực và những câu chuyện về lịch sử văn hóa thì bạn bè quốc tế ngày càng hiểu hơn về một đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập ra sao.

“Văn hóa là nét đặc trưng không bao giờ mất đi mà được biến đổi, biến chuyển và tồn tại vĩnh cửu để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, chúng tôi đã mang giá trị văn hóa truyền thống và kế thừa, phát huy để phù hợp với hội nhập, để lan tỏa làm cho bè quốc tế ngày càng trân trọng hơn, hiểu hơn về đất nước Việt Nam sau những năm đổi mới, phát triển đúng theo đường lối chỉ đạo của Đảng và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh nhấn mạnh.

Dấu ấn văn hóa của quân đội Việt Nam với bạn bè quốc tế, đó chính là hình ảnh, phong cách Bộ đội Cụ Hồ tại đấu trường quốc tế. Trong mỗi tiết mục, Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật phải trình diễn tổng hợp, mô tả thông qua cả màn hình led, chẳng hạn như bài “Sông Lô” thì khi biểu diễn nhạc cách mạng, từ câu hát đến hình ảnh trên màn hình là một câu chuyện của người chiến sĩ, người lính Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ chống Pháp. Tiết mục này đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế.

Thông qua các tiết mục trình diễn ở Nhà hoạt động Hữu Nghị và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khách tham quan hiểu hơn về giá trị nghệ thuật của quân đội, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, về sự anh dũng, kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các tiết mục múa biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu phục vụ bộ đội.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi” xuyên suốt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc đến ngày nay. Từ sự chỉ đạo của Bác đã biến thành hiện thực và phát triển trong một thời gian dài. Trong dòng chảy phát triển văn hóa nước nhà có sự đóng góp vô cùng quan trọng của văn hóa quân sự. Sự lan tỏa của hình ảnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào đều để lại những nét đặc trưng riêng, thấm đẫm hồn dân tộc. 

 Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng:  Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dệt nên bản sắc văn hóa, soi sáng tầm nghệ thuật quân sự, kết tinh thành tư tưởng-đọng lại ở giá trị văn hóa quân sự nhân văn của chiến tranh Nhân dân Việt Nam; thể hiện rõ nhất cái tâm, cái tầm người cách mạng trọn đời đi theo Đảng; giá trị chân-thiện-mỹ của văn hóa đạo đức-chính trị-quân sự thời đại Hồ Chí Minh.

 

 GS, TS Đại tá Lê Văn Quang, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị (Học viện Chính trị): Văn hóa quân sự Việt Nam chỉ tỏa sáng khi được hiện thực hóa trong cuộc sống, môi trường và hoạt động quân sự ở nước ta hiện nay. Giá trị và tinh hoa văn hóa quân sự không chung chung, trừu tượng, khó hiểu, mà nó được biểu hiện cụ thể ở mỗi quân nhân, mỗi đơn vị và trong mọi hoạt động Quân sự.

 

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội