A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020): Bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ Tổ quốc và sự vận dụng trong giai đoạn cách mạng mới

Công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về BVTQ trong 90 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, nổi bật như sau:

Một là, luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về BVTQ để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí chiến đấu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT, tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần để chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Kinh nghiệm của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh rằng, muốn giành thắng lợi nhất thiết phải xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ sở để xây dựng LLVT, phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Chủ trương ấy chỉ có thể tiến hành khi quần chúng nhân dân được giác ngộ, hiểu biết và quyết tâm hành động theo đường lối do Đảng xác định.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các cấp ủy đảng và hệ thống chính quyền trong cả nước đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân hiểu rõ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần to lớn, nhân tố quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1959) đã đề ra chiến lược và nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng miền Nam. Nghị quyết Trung ương 15 được phổ biến kịp thời đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT cách mạng miền Nam, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới cho phong trào đấu tranh. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, xuyên suốt cuộc kháng chiến, công tác tuyên truyền, giáo dục cùng với các mặt công tác khác đã làm cho đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng đi vào thực tiễn chiến đấu của quân và dân ta, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí chiến đấu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần to lớn, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt, có tính quyết định.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn. 

Vận dụng bài học kinh nghiệm trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần bám sát tư duy mới, nội dung BVTQ trong tình hình mới để tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục. Cần vận dụng đa dạng các phương pháp, hình thức để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT nhận thức sâu sắc và tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; hiểu rõ quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp BVTQ được Đảng ta xác định trong các nghị quyết, chỉ thị, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để toàn dân nắm vững nội dung các quan điểm: Nền quốc phòng ở nước ta là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là nòng cốt; sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD) là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận QPTD với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh (QPAN) và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng QĐND và CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Hai là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về BVTQ, nhất là trong những bước ngoặt quan trọng của cách mạng.

Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, do điều kiện tổ chức và phương tiện giao thông, liên lạc khó khăn, lệnh Tổng khởi nghĩa không thể truyền nhanh chóng tới tất cả các địa phương, trong khi thời cơ thuận lợi hiếm hoi và ngắn ngủi, tình thế cách mạng chuyển biến rất nhanh chóng. Thấm nhuần Chỉ thị Nhật -Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, lại trong điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, mặc dù chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, nhưng ở nhiều địa phương, các cấp bộ đảng và Việt Minh đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời kêu gọi, tổ chức quần chúng đứng lên khởi nghĩa. Tính chủ động, sáng tạo đó đã giúp Đảng và nhân dân ta không bỏ lỡ thời cơ, nhanh chóng giành chính quyền ở từng địa phương, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy cao tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, cổ động nhân dân tham gia kháng chiến. Từ đó, các địa phương trên cả nước đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương “Cả nước đánh giặc” với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ", “Mỗi xóm làng là một pháo đài”, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân trên từng địa phương, hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trên cả nước.

Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, ác liệt của các cuộc kháng chiến, Đảng ta đã chú trọng xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, SSCĐ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng; đồng thời là đội ngũ tiên phong, gương mẫu, đi đầu, dẫn dắt quần chúng đấu tranh làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Trong tình hình hiện nay, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc; tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các địa phương cần chủ động xây dựng thế và lực mới trong thế trận QPTD...

Thực tiễn chứng minh rằng, không thể có phong trào cách mạng quần chúng mạnh nếu như đội ngũ cán bộ, đảng viên yếu. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiêu biểu, có kiến thức và trách nhiệm cao đối với công việc nói chung và công tác quân sự, quốc phòng nói riêng, là tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, những nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bệnh công thần, xa rời quần chúng.

Ba là, thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức tuyên giáo các cấp và bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên truyền, giáo dục.

Để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng đến với quần chúng nhân dân, giác ngộ họ, làm cho họ tin tưởng và đi theo Đảng làm cách mạng, ngay sau Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930), Đảng ta đã thành lập Ban Tuyên truyền và Cổ động (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay). Trước yêu cầu khách quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các giai đoạn phát triển của cách mạng, tổ chức tuyên giáo các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo thường xuyên được kiện toàn và phát triển mạnh mẽ.

Cùng với sự phát triển về tổ chức và lực lượng, Đảng ta đặc biệt quan tâm lựa chọn nhân sự, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp-lực lượng chuyên trách công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3-1931), nói về vấn đề cổ động tuyên truyền, Đảng ta xác định: “Công việc cổ động tuyên truyền rất phiền phức, vậy nên cần phải tổ chức một bộ máy riêng để thực hành công tác cho xác đáng. Ở Trung ương, các Xứ ủy và Tỉnh ủy phải tổ chức ra bộ cổ động và tuyên truyền, ở các miền công nghệ lớn và ở các sản nghiệp lớn (mỏ ở Bắc Kỳ, máy sợi Nam Định...) cũng cần phải có bộ ấy. Bộ cổ động tuyên truyền là một bộ làm việc chuyên môn, của một cấp đảng bộ do đảng bộ chỉ định lấy người chớ không phải bầu cử” và “Lựa chọn người bổ sung vào bộ ấy thì cần phải đặc biệt chú ý về nền tư tưởng và cái xu hướng của họ. Không nên giao trách nhiệm cho những người có tư tưởng hoặc xu hướng không hợp với tư tưởng và con đường chánh trị của Đảng”.

Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, trong các thời kỳ khác nhau của cách mạng, càng trong khó khăn, gian khổ, tình thế khẩn trương, tổ chức tuyên giáo các cấp và đội ngũ cán bộ tuyên giáo càng phát huy cao vai trò trách nhiệm, kịp thời tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng để thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã lăn lộn trong các phong trào cách mạng để vừa tuyên truyền, cổ vũ quần chúng đấu tranh vừa nắm bắt tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng đề ra đường lối cách mạng phù hợp với thực tiễn.

Trong giai đoạn cách mạng mới, trước tác động đa chiều của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và các vấn đề về kinh tế-xã hội đối với tâm tư, tình cảm, cuộc sống của mỗi người dân, công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về BVTQ nói riêng càng trở nên khó khăn, phức tạp. Là lực lượng chuyên trách công tác tuyên truyền, giáo dục, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành tuyên giáo của Đảng cần tiếp tục được kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng ngày càng cao. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần tiếp tục được bồi dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh kiên định, vững vàng, đạo đức trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát thực tế, say mê với công việc, có kiến thức toàn diện, năng lực chuyên môn tốt, tư duy nhạy bén, sắc sảo, có khả năng phân biệt đúng-sai rõ ràng. Ngành tuyên giáo cần chủ động tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời tích cực định hướng thông tin, tuyên truyền, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đến với các tầng lớp nhân dân, đi vào cuộc sống và có hiệu lực thực tế trong cuộc sống.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục với công tác tổ chức và phát động phong trào cách mạng quần chúng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, BVTQ.

Thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng và rất nhanh chóng. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung, tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về BVTQ nói riêng cần phải thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng và đối tượng được tuyên truyền, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng đến với đông đảo quần chúng. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng (tháng 10-1930) chỉ rõ: “Đảng phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động ra (báo sách, truyền đơn, diễn thuyết...). Tài liệu huấn luyện phải viết cho rõ ràng, dễ hiểu và cho sạch sẽ”.

Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, cùng với việc xây dựng, hợp nhất các tổ chức cơ sở đảng, Đảng ta còn chú ý tập hợp tổ chức quần chúng trong các đoàn thể Công hội, Nông hội, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Tương tế, Hội Cứu tế... Đến giữa tháng 2-1930, các tổ chức quần chúng ở Bắc Kỳ có 2.747 hội viên, ở Nam Kỳ có 327 hội viên. Số lượng hội viên các tổ chức quần chúng sau đó tăng nhanh cùng sự phát triển của cao trào cách mạng 1930-1931, đặc biệt là ở Trung Kỳ. Như vậy, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, giáo dục và công tác tổ chức được Đảng ta tiến hành song song kể từ khi mới thành lập. Thông qua tuyên truyền, giáo dục để làm cho tổ chức được thống nhất về tư tưởng và hành động; ngược lại, thông qua tổ chức để tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả thiết thực, đó cũng là hai tiền đề cơ bản để phát động phong trào cách mạng quần chúng.

Ngày 10 và 11-9-1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Hội nghị xác định chủ trương: “Mở rộng các tổ chức để thu hút các từng lớp nhân dân vào tổ chức thành một lực lượng lớn để ủng hộ chính quyền nhân dân”. Xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tổ chức và phát động phong trào cách mạng quần chúng luôn được kết hợp chặt chẽ, hiệu quả, trực tiếp cổ vũ, động viên và tổ chức đông đảo quần chúng hăng hái đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc.

Hiện nay, trước tác động của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ và sự bùng nổ của internet, mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông, người dân có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó đáng lưu ý có nhiều nguồn thông tin không chính thống, tạo ra hiện tượng “thật-giả lẫn lộn”. Tình hình đó đặt ra cho công tác tuyên truyền, giáo dục cần thường xuyên được đổi mới cả về nội dung và hình thức, tận dụng mọi phương tiện (báo chí, internet, mạng xã hội...) để truyền tải thông tin chính thống đến sớm, đến trước với người dân, kịp thời ổn định tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo “hệ miễn dịch” trước khi những thông tin xuyên tạc, sai lệch bị “tiêm nhiễm” trong quần chúng, nhất là những thông tin liên quan đến tình hình biên giới, biển, đảo, các điểm nóng về an ninh chính trị, các chủ trương, quyết sách mới của Đảng, Nhà nước. Quan tâm đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng.

Cùng với đó, cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục với công tác tổ chức, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cả hệ thống chính trị ra sức xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố QPAN; đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Năm là, chú trọng công tác thông tin đối ngoại quốc phòng, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ tính chất chính nghĩa của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh BVTQ và chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp BVTQ của nhân dân ta.

Sau khi giành được chính quyền cách mạng, ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh cần coi trọng công tác tuyên truyền quốc tế để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Một trong những nội dung quan trọng khi bàn về nhiệm vụ tuyên truyền huấn luyện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng của Đảng (tháng 1-1948) xác định: “Mở rộng tuyên truyền ở nước ngoài làm cho thế giới hiểu ta và giúp ta hơn”. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 1-1949), nói về ngoại giao, Đảng ta chỉ rõ: “Ra sức tuyên truyền quốc tế, giành thêm sức ủng hộ của các lực lượng dân chủ thế giới”.

Thực tiễn trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đã làm sáng tỏ tính chất chính nghĩa trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta, góp phần rất quan trọng trong thực hiện đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn với tăng cường đoàn kết quốc tế kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, nhất là Quốc tế Cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em; cùng với làn sóng phản đối chiến tranh của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Pháp và Mỹ, tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác thông tin đối ngoại quốc phòng cần làm cho các nước trên thế giới hiểu hơn về chính sách quốc phòng của Việt Nam, đó là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, được xây dựng và củng cố trên nền tảng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân nhằm bảo đảm vững chắc cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuyên truyền về các chủ trương nhất quán của Việt Nam về quốc phòng như: Giải quyết các vấn đề tồn tại, bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tuyên truyền về những chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông...

Đồng thời, công tác thông tin đối ngoại quốc phòng cần chú trọng quảng bá thành tựu của Việt Nam trong công tác đối ngoại quốc phòng, như tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh... và những đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, BVTQ của nhân dân ta.

Thành tựu và những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc nói riêng một lần nữa khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục là mũi nhọn xung kích, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Những bài học kinh nghiệm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, đòi hỏi tiếp tục được vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện mới, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN của Đảng và nhân dân ta ngày càng thu được những thành tựu to lớn hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam

Nguồn BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tác giả: Nguồn Báo QĐND
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội