Tìm đồng đội nơi núi rừng Hủa Phăn
Cuối mùa khô năm 2004, tôi đi theo đội hình của Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sư (CHQS tỉnh Thanh Hóa). Đó là chuyến công tác đi sâu vào tâm khảm tôi. Năm ấy, theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị Quân khu 4, Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa hoàn thành chỉ tiêu được giao khi tìm kiếm, cất bốc, đưa về nước 129 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào về với đất Mẹ trong sự cưu mang đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào.
Về với cao điểm Phá Thí
Mùa khô năm ấy, trước ngày sang Lào đi tìm đồng đội, Đại tá Lê Hữu Phúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu cùng anh em trong Đội được nghe bác Nguyễn Hồng Hà (ở Cẩm Vân, Cẩm Thủy, Thanh Hòa) là cựu binh của Đại đội 23 đơn vị độc lập thuộc Bộ Tư lệnh 559, kể về cuộc chiến đấu của đơn vị mình suốt một tháng ròng (30/11 - 31/12/1968) để đánh trả 11 tiểu đoàn cùng với phi pháo và máy bay của địch trên cao điểm Phá Thí (Lào). Ngày ấy với tinh thần: "Còn người còn trận địa, một mình một súng cũng tiến công, Đại đội 23 đã chiến đấu ngoan cường đánh bật 11 tiểu đoàn địch, bắn rơi 13 máy bay các loại, trụ vững cao điểm”.
Nhưng một nỗi đau day dứt là trong cuộc chiến đấu một mất một còn đó có 13 cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại trên điểm cao Phá Thí gần 40 năm. Đã ngoài 70 tuổi, tấm thân gầy guộc, vết thương sọ não cứ theo năm tháng hành hạ làm cho bác Hà không đủ điều kiện để cùng Đội trở lại cao điểm Phá Thí. Trao lại tấm sơ đồ từng ngôi mộ được phác lại bằng trí nhớ của mình cho Trung tá Nguyễn Minh Thế, Đội trưởng, mà đôi mắt trũng sâu, trắng đục của bác Hà cứ rưng rưng: "Đường lên Phá Thí gian nan lắm đấy mà anh em mình còn trẻ quá". Đại tá Lê Hữu Phúc không giấu nổi xúc động, lặng lẽ lấy khăn chấm vội những giọt nước mắt trên hai khoé mắt của mình, nắm chặt hai bàn tay gầy guộc của bác Hà, nói trong hơi thở bị dồn nén: "Đội sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bác ạ".
Anh Thế đã có một thời gian dài chiến đấu trên đất Bạn Lào, còn anh em trong Đội hãy còn rất trẻ, hầu hết trong số họ đều sinh ra vào thời kỳ đổi mới. Nhưng những gương mặt trẻ trung ấy đã có bao nhiêu lần che mưa, che nắng cho hàng trăm hài cốt và đã bao đêm ngủ bên xương cốt của đồng đội giữa những cánh rừng Lào, không ai nhớ hết. Nhưng khi bác Hà và đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu nắm chặt tay thì niềm khát khao đi tìm đồng đội bùng cháy mãnh liệt trong họ. Anh em trong Đội càng phấn khởi khi biết tin Đại tá Lê Hữu Phúc đã chỉ đạo Phòng Chính sách Quân khu bảo đảm chế độ cho bác Hà.
Hành quân lên cao điểm Phá Thí thật gian nan. Suốt mấy ngày đường anh em phải hành quân mải miết xuyên hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Ngày thứ năm, trong Đội đã có Thượng úy Nguyễn Đức Mạnh và Thượng úy Lê Đình Quân bị sốt rét rất nặng. Anh em đành chặt luồng ghép bè đưa hai đồng đội lội ngược dòng suối Nậm Mét, chỉ có 4 km mà phải vượt qua hàng chục ngọn thác, có thác làm cho cánh bè cứ xoáy tròn. Thế rồi toàn Đội bám được chân cao điểm Phá Thí. Ngọn Phá Thí cao ngút, chìm trong mây. Lên đến đỉnh cao điểm chỉ có một thang dây do một đơn vị bộ đội Lào chốt giữ tự làm, trông thấy đã rùng mình. Anh em cẩn trọng bám nối nhau leo lên từng bước trong cái giá rét của miền sơn cước thế mà quần áo ai cũng ướt đầm mồ hôi.
Mạnh và Quân mới sốt rét trên đường hành quân hôm qua như bừng tỉnh không chịu lùi lại, bám thang dây lên đỉnh cùng anh em. Trại dã chiến của Đội suốt ngày nằm trong gió, quần tụ trong mây, trong sương. Chỉ có cái rét đến cắt da, cắt thịt cứa vào da thịt. Nước phải chắt chiu từng giọt ứa ra từ vách núi. Anh em trong Đội phải hái rau tàu bay, hoa chuối rừng để ăn trừ bữa. Cao điểm qua hàng chục năm thay đổi nhiều, việc xác định vị trí từng ngôi mộ gặp khó khăn hơn nhiều so với sơ đồ bác Hà trao. Mấy đêm anh Thế suy nghĩ, trong chiến đấu có khi thiếu cuốc xẻng để đào huyệt chôn cất hài cốt đồng đội, có khi 13 hài cốt sẽ được chôn cất trên mép hố bom. Đúng như dự đoán, sau một ngày xác định vị trí tìm kiếm, anh em đã cất bốc đầy đủ 13 hài cốt được đơn vị bác Hà chôn cất. Anh em trong Đội ai cũng phấn khởi quên cả mệt nhọc, địu trên lưng hài cốt đồng đội mình rời cao điểm trong niềm vui khôn tả.
Đúng là bộ đội Việt Nam – Bộ đội Cụ Hồ
Đội quy tập tiếp tục hành quân về tìm kiếm hài cốt ở các đại bàn: Na Vít, Mường Nhất, Mường Ngà (huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn). Nhưng lạ thay, dân bản lại coi bộ đội như những người xa lạ, bà con cứ thập thò không ra khỏi nhà. Đội trưởng Nguyễn Minh Thế nghĩ chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, đồng đội nằm rải rác quanh đây dưới màu xanh của cây rừng, tìm đâu ra, nếu dân bản cứ xa lánh mình như thế.
Người dân Lào đã có hàng chục năm sống chết cùng bộ đội Việt Nam, nhiều dân bản đã tự tay mình chôn cất liệt sĩ, chăm sóc phần mộ bộ đội Việt Nam. Thế mà bây giờ không hiểu sao dân bảnh lại xa lánh Đội quy tập. Các anh quyết không chịu lùi bước, cho anh em hạ trại dưới rừng khộp ven bản. Anh em tổ chức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi, quét dọn đường đi lối lại giữa các thôn bản cho phong quang sạch sẽ. Cánh lính trẻ vừa làm, vừa hát bằng tiếng Lào chưa được sõi lắm về những bài hát tình hữu nghị Việt – Lào làm cho không khí đất rừng ấm áp. Thấy bộ đội vui, lũ trẻ đầu tóc bờm xờm quên cả vận áo quần cứ xoắt xuýt lấy bộ đội. Bộ chỉ huy đang họp bàn tìm cách tháo gỡ thì Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Đức Hà chạy vào thông báo với Đội trưởng:
- “Bản trên có người ốm sợ không qua khỏi các anh ạ. Người ốm thì gục bên đống lửa. Còn dân bản đốt hương, đốt lửa rồi thay nhau quất cành cây vào da thịt người ốm đến tuốt hết lá. Tôi ở gần đó nghe tiếng khóc vội chạy đến, may còn kịp”.
Bộ chỉ huy Đội ngừng họp, lấy cân đường, hộp sữa, chăn màn, quần áo đến thăm người bệnh vừa được cứu sống. Đó là vợ của Viêng Khăm, bị sốt xuất huyết đã được bộ đội cứu sống. Viêng Khăm mái tóc đốm bạc đến bên Đội trưởng Nguyễn Minh Thế, nghẹn ngào nói từng lời ngắt quãng: “Đúng là bộ đội Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ rồi. Cái bụng mình không sáng nữa rồi. Mình đã trót nghe bọn phỉ nói xấu bộ đội Việt Nam, không cho bộ đội vào nhà. Chúng còn nói, không phải bộ đội Việt Nam đâu, chúng là bọn xấu giả danh đi tìm hài cốt Mỹ để về bán đó”.
Không chỉ Viêng Khăm mà bà con làng trên, bản dưới đều kéo đến, không khí đến mặn mà. Một già làng tự xưng là Bun Mi nói với dân bản mình: "Bộ đội Việt Nam nó tốt lắm, nó không lấy của dân, nó không hại dân, nó giúp ta làm nhiều việc lắm đó, nó còn chữa bệnh cứu dân nữa. Mời bộ đội về ở với nóc mình thôi".
Thế là từ hôm đó bộ đội chia nhau về ở với từng nóc nhà. Bun Mi và Viêng Khăm là những người giúp bộ đội tìm kiếm được nhiều điểm chôn hài cốt quân tình nguyện Việt Nam. Như ở Mường Nhất có tới 25 mộ, anh em trong Đội quy tập phải đào bật cả một cánh rừng khộp mới cất bốc đầy đủ. Còn ở Na Vít phải lách từng tảng đá to, đến ngày thứ năm mới phát phát hiện phần mộ của đồng đội mình với những di vật kèm theo như bình tông, quân hiệu... Như được tiếp sức mạnh, anh em trong Đội cứ cẩn trọng lần tìm quy tập đầy đủ 91 hài cốt liệt sĩ. Còn ở bản Mường Ngà một cựu chiến binh Bạn đưa cho một sơ đồ chôn cất 34 liệt sĩ, anh em Đội quy tập phải cất công hành quân năm đợt liền mới cất bốc đầy đủ hài cốt liệt sĩ, trong đó hai liệt sĩ có tên. Đó là Liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyệt quê ở tỉnh Sơn La và Liệt sĩ Nguyễn Quốc Duật quê ở tỉnh Thái Bình.
Khi nhắc đến thành tích đó, Đội trưởng Nguyễn Minh Thế không giấu nổi niềm xúc động cho tôi biết về những đồng đội của mình. Đó là Trung tá Trần Tiến Vinh bước vào làm nhiệm vụ thì biết tin bố mất nhưng vẫn chôn chặt nỗi đau buồn vào cõi lòng mình đi tìm hài cốt đồng đội suốt mùa khô mới chịu về để tang bố.
THUẬN THẮNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận