A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Bài 3: Quyết liệt ứng phó, không chủ quan, lơ là

Những năm qua, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu khiến một số địa phương trên địa bàn Quân khu 4 thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân và các đơn vị Quân đội. Trước hình thái thiên tai nguy hiểm này, thời gian qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương 6 tỉnh chủ động phối hợp triển khai nhiều biện pháp để dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả… Tuy nhiên, về lâu dài cần sớm có những giải pháp căn cơ, thiết thực cùng với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân.

Những năm trước đây, khu vực sông Lam đoạn chảy qua địa bàn xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra hết sức nghiêm trọng, mỗi năm địa phương lại mất một diện tích lớn đất sản xuất. Nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở được xác định có nhiều yếu tố, trong đó do tác động một số công trình thủy điện phía trên thượng nguồn xả lũ vào những đợt mưa lớn kéo dài khiến lưu tốc dòng chảy lớn, cùng với đó có sự ảnh hưởng từ tình trạng khai thác khoáng sản trên sông gây thay đổi dòng chảy… Giải quyết vấn đề này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp như, tăng cường ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Lam, phối hợp với Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tổ chức trồng tre tạo thành hành lang chống sạt lở bờ sông...

Theo ông Nguyễn Tài Quý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tường Sơn thì trong các giải pháp chống gây sạt lở bờ sông, việc trồng tre tạo thành “bức tường xanh” thực sự là giải pháp hữu hiệu mang tính chiến lược lâu dài. Bởi rễ tre phát triển bám vào đất tạo thành bức tường vững chắc góp phần chống lại sự xói lở của dòng nước. Cùng với đó, ở các thôn xóm thành lập “tổ phản ứng nhanh” kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Với người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), trận lũ quét ngày 3/7/2019 đã san phẳng gần như toàn bộ 51 căn nhà luôn là ký ức kinh hoàng đối với bà con. Nguyên nhân xác định do một lượng lớn gỗ củi từ thượng nguồn nước bạn Lào đổ về gây ách tắc dòng chảy sông Luồng tạo thành “túi nước” khổng lồ gặp phải mưa lớn gây ra lũ quét. Sau trận lũ kinh hoàng đó, cùng với việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo lũ ống, lũ quét; giúp Nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền đã hỗ trợ xây dựng một bản tái định cư ở nơi cao ráo cùng hệ thống hạ tầng phụ trợ như: Điện, đường, nhà văn hóa… được xây dựng cơ bản, kiên cố. Hay 34 hộ dân bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) trong đợt lũ cuối năm 2020 toàn bộ nhà cửa bị ngập sâu trong nước, nhiều nơi bị sạt lở. Sau lũ, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội, 34 căn nhà mới đã được xây dựng và bàn giao cho người dân trong tháng 7 vừa qua. Cùng với đó, công trình điểm trường và nhà tránh lũ cộng đồng được xây dựng, dự kiến đến cuối tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào bàn giao cho bà con bản Sắt sử dụng.

Bản Na Sá, xã Na Mèo được xây dựng tại vị trí an toàn với hệ thống tường bao kiên cố chống sạt lở. Ảnh: C.T.V

 

Anh Hồ Biên, người dân bản Sắt cho biết: “Chỗ ở trước đây của gia đình cứ mùa mưa đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, chuyển các hộ dân trong bản về khu tái định cư, còn xây cho nhà chắc chắn nữa nên mừng lắm. Có nhà mới, dân bản không lo nguy hiểm bởi sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nữa. Ai cũng yên tâm sản xuất để thoát cái đói, cái nghèo”.

Được biết, hai mô hình tái thiết khu dân cư mới tại bản Sa Ná và bản Sắt là những mô hình hay, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra. Tuy nhiên, thực tế để triển khai mô hình này cần một nguồn lực rất lớn, có bước đi phù hợp và chiến lược lâu dài, với sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành.

Qua khảo sát trên địa bàn Quân khu 4 hiện có hàng trăm điểm dân cư, doanh trại Quân đội nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Trước thực tế trên, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các

 cơ quan chức năng liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra đề xuất phương án di chuyển các đơn vị có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến vị trí an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn thường xảy ra thiên tai lũ lụt làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân, phối hợp với địa phương khảo sát, xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, vị trí di dời dân đến các nơi an toàn khi có tình huống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đối với các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng thực hiện có hiệu quả các dự án di giản dân cư, đưa đồng bào ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất đến định canh, định cư ở những khu vực an toàn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để người dân yên tâm sinh sống; tăng cường tuyên truyền người dân không chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy; cùng với địa phương ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản ở các lưu vực lòng sông, hồ đập để không làm thay đổi hướng dòng chảy, trồng cây xanh dọc các tuyến sông, đê để hạn chế sạt lở đất…

Theo Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, hàng năm đơn vị phối hợp với huyện Mường Lát, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành đánh giá những vùng bị ngập lụt, nơi có nguy cơ sạt lở đất. Tuy nhiên, do kinh phí, quỹ đất, cơ chế, pháp lý trong tái định cư của địa phương còn hạn chế, vướng mắc nên địa phương mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá và cảnh báo, tuyên truyền là chính. Hoặc khi có thiệt hại thì chính quyền phối hợp với các đơn vị Quân đội, LLVT hỗ trợ một phần vật chất và ngày công để khắc phục tạm thời chứ chưa thể khắc phục triệt để được. Về lâu dài, cần có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành xây dựng phương án, kế hoạch hỗ trợ di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ sạt lở đã được cảnh báo.

Thực tế hậu quả các đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn một số tỉnh thuộc Quân khu trong những năm qua bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan đó là do sự tác động của con người. Do vậy, cần hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về nguyên nhân nguy cơ dẫn tới sạt lở đất, lũ quét. Hạn chế thấp nhất việc tác động, gây ảnh hưởng đến môi trường sống như chặt phá rừng, khai thác khoảng sản làm thay đổi dòng chảy của hệ thống sông suối và tầng địa chất… Đồng thời, tăng cường giáo dục kỹ năng ứng phó, thích nghi của người dân với thiên tai và biến đổi khí hậu; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về cách thức, phương án đối phó, sẵn sàng di dời tới nơi an toàn trong các tình huống khẩn cấp... Cùng với đó, cần có biện pháp kiên quyết với những người dân không tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại các khu vực xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa chiến lược đối với an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một “cuộc chiến” lâu dài cần sự chung tay, vào cuộc của các ban, ngành và mọi người dân với các giải pháp đồng bộ. Trong đó các cơ quan, đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân khi tình huống xảy ra.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội