Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không nên chỉ quy định sử dụng đất quốc phòng, an ninh để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang ở vùng sâu, vùng xa
Cho ý kiến vào việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 25/8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm về việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm nên phân định rạch ròi nhà ở thương mại, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội là loại nhà ở chủ yếu theo hình thức cho thuê hoặc thuê mua, do Nhà nước có trách nhiệm phát triển thông qua chính sách và nhà đầu tư là chủ thể triển khai thực hiện. Loại nhà ở thương mại giá rẻ là loại giao thoa giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội để bán cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…
Về vấn đề sử dụng đất quốc phòng, an ninh để làm nhà ở cho lực lượng vũ trang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, đất quốc phòng, an ninh nhưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho lực lượng vũ trang là trường hợp đặc thù. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm không nên chỉ quy định sử dụng đất quốc phòng, an ninh để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang ở vùng sâu, vùng xa, miễn là đã có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để làm nhà ở đáp ứng ứng nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ. “Cứ chính sách này trói buộc chính sách kia thì rất khó”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên tách riêng phần quy định về sử dụng đất quốc phòng, an ninh để xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, không gộp chung với quy định về dự án nhà ở xã hội.
Về quản lý đất quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo luật đang quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về đất quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị đảo ngược lại là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về đất quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ý kiến tập trung thảo luận thêm về nội dung này.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tháng 8/2023 mở rộng so với quy định tại Luật Nhà ở hiện hành và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm về điều kiện tiếp cận đất đai là một chính sách mới có tính chất thuận lợi cho việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Theo đó, không chỉ được sử dụng quyền sử dụng đất đang có đối với tất cả các loại đất mà còn được thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Trong khi đó, đối với dự án nhà ở thương mại chỉ được thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sử dụng quyền sử dụng đất đang có đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng, thống nhất quan điểm chính sách về nội dung này, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tiếp cận đất đai thực hiện dự án các loại nhà ở để quy định cụ thể tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận