A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ tích một tấm lòng

Ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có một bia tưởng niệm 20 liệt sĩ C45 (Đại đội 45) Pháo binh bảo vệ bờ biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn liền với những câu chuyện như huyền thoại về chiến tích và tâm linh của các liệt sĩ.

Một ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, tìm về xã ven biển Xuân Liên để tìm hiểu về các chiến sĩ C45, chúng tôi bồi hồi xúc động khi nghe người dân ở đây kể một câu chuyện như cổ tích về anh Lê Văn Thiện, ở xóm An Phúc Lộc đã cùng đồng đội các chiến sĩ C45 bỏ công, bỏ của, dựng lên tấm bia để tri ân công lao của các anh…

Ngày 12/7 hằng năm, ngày rằm hay đầu tháng, ông Lê Văn Thiện lại đến lau dọn bia tưởng niệm, sắm đồ lễ thắp hương các liệt sĩ C45.

 

 

Đi theo tiếng lành, không khó khăn lắm, chúng tôi tìm đến được nhà anh Thiện. Ngồi trên trận địa pháo năm xưa giờ đã phủ một màu xanh cây tràm và phi lao sát bên bờ biển, tôi lựa lời:

- Tôi nghe nói anh tự bỏ tiền ra cùng anh em cựu chiến binh (CCB) C45 dựng nên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ này. Làm sao anh nghĩ ra được cách làm việc thiện ý nghĩa vậy?

- Thì tôi thấy anh em mình chiến đấu, hy sinh anh hùng quá, bi tráng quá! Tôi muốn làm một việc gì đó để tri ân các anh, những anh hùng liệt sĩ ấy. Các anh biết không, C45 này anh hùng lắm. Đó là đơn vị Pháo 105 ly nòng dài, thuộc Tỉnh đội Hà Tĩnh, cơ động bảo vệ 32 km bờ biển từ Cửa Hội đến Cửa Sót. Những ngày đầu năm 1968, đế quốc Mỹ ném bom hạn chế từ Nghệ An trở vào nên vùng này vô cùng ác liệt. Bom từ máy bay, pháo từ tàu chiến địch bắn vào suốt ngày đêm. Cái đêm bộ đội C45 bắn cháy tàu biệt kích Mỹ ngụy, tôi cùng nhiều người dân cũng chạy ra xem. Tàu giặc bốc cháy đùng đùng, sáng rực cả mặt biển. Có lần như ngày 28/2/1966 hai chiếc khu trục hạm Mỹ chạy vào chỉ cách bờ biển 6-7 cây số, Trung đội pháo 57 ly của dân quân xã tôi với một Trung đội 57 ly nữa của dân quân xã Cương Gián nổ súng bắn chúng. Bọn khu trục hạm giặc bắn trả. Hỏa lực khu trục hạm các anh còn lạ gì, ghê gớm lắm! Hoả lực ba Trung đội pháo 57 ly nhằm nhò chi so với chúng. May mà anh em C45 nổ súng chia lửa cùng, một tàu giặc trúng đạn bốc cháy. Thế là hai chiếc khu trục hạm kéo nhau tháo chạy. Thật sự hôm đó nếu anh em C45 không chi viện, không chừng cả hai khẩu đội pháo chúng tôi bị chúng nghiền nát rồi!

 

Thấy chúng tôi cứ chăm chú nghe kể, anh Thiện dừng lời, chiêu một ngụm nước chè xanh như để nén cơn xúc động. Mãi lúc sau, anh mới kể tiếp được, giọng đầy xa vắng:

- Chuyện các anh hy sinh xảy ra vào ngày 12/7/1968, trước 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc đúng 12 ngày. Đó là một buổi chiều bi tráng, tiết trời cũng oi bức như bữa nay, suốt cuộc đời mình, tôi và người dân ở đây không bao giờ quên! Phát hiện được trận địa pháo của ta, hàng chục máy bay từ A4, AD6, F4 thay nhau quần đảo suốt cả một buổi chiều. Các anh dùng súng máy phòng không 12 ly 7 và súng bộ binh đánh trả quyết liệt, bắn rơi một chiếc F4, nhưng 18 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh như những người anh hùng! Trên bia ghi 20 liệt sĩ là bởi có 2 người hy sinh trong trận đánh trước đó. Thi hài các anh đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện. Nơi trận địa của các anh, cây cối bị bom từ máy bay, pháo từ tàu giặc bắn cho nát nhừ, nhiều năm sau chỉ hoang hoải một màu cát trắng. Cứ nhìn cái màu trắng đến nhức nhối của cát ấy chúng tôi không sao chịu nổi. Thế là hễ trời mưa là dân quân, đoàn thanh niên ra quân trồng lại phi lao trên trận địa. Bây giờ hàng trăm cây tràm, phi lao đã mọc thành rừng, gió cát, sóng biển, thời gian… đã xóa mờ tất cả vết tích đạn bom, nhưng mỗi khi đến đây tôi vẫn không khỏi bùi ngùi.

Chiến tranh đi qua, tôi nghe nói do yêu cầu nhiệm vụ C45 giải thể - Anh Thiện rưng rưng kể tiếp - Thế nhưng nhiều năm sau, cứ mỗi khi đến tháng 7, cứ thấy những người lính già quân phục bạc phếch, tay cầm bó hương đi lại thẫn thờ nơi trận địa ngày ấy. Thì ra đó là anh em lính C45 đã về hưu, phục viên, nhớ đồng đội mà tìm về trận địa cũ thắp nén tâm hương cho anh em. Không có bát nhang, cũng chẳng có bệ thờ, các anh đành cắm hương xuống mặt cát trắng, thầm gọi tên đồng đội, mắt ai cũng nhòe ướt. Nhiều lần thấy thế, lòng đầy xót xa. Những lúc ấy, Đại tá Nguyễn Viết Đức ngày ấy vốn cũng là chiến sĩ Đại đội 45, thời điểm đó là Chủ tịch Hội CCB huyện Nghi Xuân, nay đã nghỉ, vẫn thường đến thắp hương cho đồng đội. Tôi bàn bạc với anh rồi cả hai nảy ra ý tưởng dựng một tấm bia ghi tên các anh, sắm một bát nhang để đến ngày 12 tháng 7 hằng năm là ngày các anh hy sinh, những ngày rằm hay mồng 1 đầu tháng mọi người có nơi dâng nén hương tri ân các anh; đề các anh đỡ quạnh vắng.

May sao đúng thời gian đó, năm 2000, để tái sinh rừng phòng hộ biển, huyện Nghi Xuân có chủ trương cấp đất bãi biển cho người dân tự trồng cây, tự quản. Tôi đăng ký khu rừng nơi trận địa pháo năm xưa và được huyện cấp sổ đỏ. Thế rồi sau nhiều lần bàn bạc với anh Đức và một số đồng đội, tôi tình nguyện hiến một khoảng đất hơn 100 mét vuông trên ngọn đồi cao nhất mà các anh ấy chọn, gần đền thờ Cá Ông, một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng. Anh Đức cũng vận động các đồng đội và anh em CCB kẻ ít, người nhiều đóng góp vào. Thực lòng ai cũng muốn xây lên ở đây một tượng đài ghi công các liệt sĩ, nhưng các anh cũng biết đấy, C45 chỉ là một đại đội, cán bộ, chiến sĩ có bao nhiêu người đâu. Anh em đã về với đời thường, người có sổ lương, người không, hầu hết đã già yếu, thương tật đầy mình. Họ cũng phải vật lộn với cơm áo đời thường nên chẳng ai dư giả gì. Bằng cái tâm với đồng đội đã hy sinh, dù đang gian khó, anh em cũng dành dụm được ít nhiều góp lại. Cầm những đồng tiền ân nghĩa của các anh, nghĩ mình dẫu sao cũng có điều kiện hơn mà đứng ngoài cuộc thì ra là kẻ bội bạc, tôi quyết định góp 20 triệu đồng (thời giá năm 2001) thêm vào, rồi cùng anh Đức thuê người dựng tấm bia đá này. Để có nơi cho đồng đội, cho Nhân dân, cho con cháu tìm đến hương khói; để đừng ai lãng quên một nơi có trận đánh bi hùng mà cha anh đã anh dũng chiến đấu, anh hùng ngã xuống.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ C45 Pháo binh.

 

Nghe anh Thiện nói vậy, tôi không khỏi phân vân:

- Tôi biết với 20 triệu đồng ngày ấy có thể xây được một ngôi nhà cấp 4 ba gian thì dư sức dựng một tấm bia đá. Nhưng vẫn băn khoăn một trận đánh bi hùng như thế xảy ra ngay tại địa phương, trong một buổi chiều 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Thế sao anh em CCB C45 và các anh không báo cáo lên trên, báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để họ quan tâm giúp đỡ?

- Anh em CCB C45 và bản thân tôi cũng đã nhiều lần báo cáo lên trên các anh ạ. Tỉnh, huyện cũng đã có ý tưởng xây dựng một bia tưởng niệm. Khi đồng chí Nguyễn Hải Nam làm chủ tịch huyện, anh ấy đã hai lần tới đây thẩm định. Nhưng nếu xây dựng tượng đài, tầm cỡ ra sao cho xứng tầm, với kinh phí hiện tại cũng có nhiều điều phải bàn anh ạ. Không phải ngày một, ngày hai là làm được.

Chúng tôi đứng dậy, cùng đi lên động cát nơi bia tưởng niệm đứng uy nghi nhìn ra biển. Bia tưởng niệm được đặt trên bệ thờ vững chãi, xung quang có tường bao, được che nắng mưa bằng mái vòm lợp tôn chắc chắn. Chúng tôi thắp nhang kính cẩn cắm vào bát hương. Bỗng một làn gió thổi vào từ phía trận địa pháo làm bụi cát xoáy tròn, mù mịt bay lên, bát hương bốc cháy ngùn ngụt... Quay sang chúng tôi, anh Thiện bùi ngùi:

- Dựng bia tưởng niệm này, tôi, anh Đức và mọi người cũng phải chọn mãi mới được nơi này đấy anh ạ. Con đường nhựa chúng ta vừa đi đến đây cũng vừa được làm mấy năm nay chạy qua ngay trước nơi bia tọa lạc, thế nên mọi người dễ đến, dễ tìm về thắp hương. Mà anh biết không, lần nào tôi và các CCB đến tưởng niệm các anh, hương cũng “hóa” như lúc nãy. Các anh thiêng lắm! Có một chuyện kỳ lạ đến mức khó tin thế này. Anh Đức cũng biết. Ngày ấy chả là tôi có cái nhà canh rừng ngay cạnh bia. Cái ngày bia mới lập xong, khoảng nửa đêm cháu Kỳ con trai tôi đang ngủ trong nhà ấy bỗng choàng thức dậy chạy ra nơi trận địa pháo ngày xưa. Cháu vừa chạy vừa la om sòm: “Bay bỏ sót tên tau rồi! Tại sao tau không có tên trong bia?”. Rồi nó vừa chạy, vừa lảm nhảm: “Tau mô phải tên Tửu, tau tên là Tậu cơ mà”. Tôi liền bấm đèn chạy lên bia thì đúng có một liệt sĩ quê Hoằng Hoá, Thanh Hoá tên là Nguyễn Xuân Tửu. Tôi liền điện thoại hỏi anh Đức, anh cho biết đúng là có người liệt sĩ tên là Tậu ở cùng khẩu đội với anh. Sáng hôm sau, chúng tôi phải thuê thợ đá về đục trả lại tên cho anh. Thế đấy anh ạ.

 

 

Ông Lê Văn Thiện kể về quá trình xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ C45 Pháo binh.

 

Mân mê từng con chữ khắc tên các liệt sĩ trên tấm bia, anh Thiện trầm ngâm tiếp tục câu chuyện:

- Lâu nay tôi cũng tìm đọc nhiều bài báo, nói về việc các địa phương xây tượng đài, dựng bia tưởng niệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, như: Hang 8 cô ở Quảng Bình, 23 chiến sĩ hy sinh tại Ga núi Gôi (Ý Yên, Nam Định); 13 thanh niên xung phong hy sinh ở Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An); 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và nhiều nơi khác… chỉ mong sao các anh cũng có tấm bia hay tượng đài xứng tầm để ghi danh. Theo các đồng chí ở Huyện ủy và UBND huyện Nghi Xuân, 18 cán bộ, chiến sĩ C45 anh dũng hy sinh ở đây rất xứng đáng được dựng tượng đài. Khi tôi dựng bia tưởng niệm này lên, các anh ấy mừng lắm, nhất là anh em CCB huyện, CCB C45 và người dân ở đây càng mừng. Ngày rằm, tôi và bà con vẫn thắp hương cho các anh. Năm nào cứ đến ngày các anh hy sinh 12/7, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, các CCB và mọi người vẫn đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm anh à! 

- Chúng tôi biết Xuân Liên là một xã nghèo của huyện Nghi Xuân. Chúng tôi cũng biết ngày ấy vợ chồng anh còn phải nuôi tới 5 đứa con, chắc cũng chẳng dư dả gì. Thế… thế tiền nong đâu, công sá đâu mà anh đứng ra dựng tấm bia này? Và số tiền anh bỏ ra đến nay chắc chắn không dừng lại ở con số 20 triệu đồng? - Chúng tôi tiếp tục hỏi anh Thiện.

- Mấy chục năm nay, vợ chồng tôi cũng đóng góp thêm để tôn tạo, sơn sửa, mua sắm đồ thờ, làm cái mái tôn, xây tường bao như hiện nay các anh thấy đấy. Tôi chẳng ghi chép gì, đâu như khoảng trên dưới 30 triệu đồng nữa. Số tiền đó là do vợ chồng tôi dành dụm mà có. Với lại, làm việc thiện, việc đền ơn đáp nghĩa thì đâu phải cứ giàu mới làm được. Mà đã làm thì đừng tính chuyện tiền nong, đừng tính công sá. Cốt ở cái tâm của mình, anh ạ. Chỉ mong sao mình góp được chút tấm lòng tri ân các anh. Để các CCB, để mọi người đến với các anh có chỗ thắp nén hương; để con cháu mình mỗi lần đến đây đừng quên những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước, cho cuộc sống hôm nay… thế là toại nguyện lắm rồi!

Những đợt gió nồm nam cồn cào thổi mang hơi biển mặn nồng nàn từ phía biển tràn đến. Trong cái gió đầu Xuân, chúng tôi bỗng thấy ấm áp vô cùng. Nhìn dáng người nhỏ bé của anh Thiện đang áp mình trên bệ thờ cẩn trọng, tỉ mẩn sửa từng chân nhang trong bát hương, lòng chúng tôi rộn lên một niềm cảm phục sâu xa. Giữa đời thường bộn bề mưu sinh, vậy mà vẫn có những con người lặng lẽ bỏ công, bỏ của làm những việc thiện, có ích cho cuộc đời; làm nên một chuyện cổ tích giữa đời thường về một tấm lòng!

Bài, ảnh: XUÂN DIỆU - MẠNH HÙNG
 


Tác giả: xuân diệu - mạnh hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội