A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953 - 2023)

Đặc sắc nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Thượng Lào

Sau thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, vùng giải phóng của ta được mở rộng, buộc thực dân Pháp phải tăng cường lực lượng về củng cố tuyến phòng thủ ở Thượng Lào, tạo điều kiện để giành lại thế chủ động trên chiến trường Đông Dương.

Thực hiện kế hoạch đã xác định, thực dân Pháp phân Thượng Lào thành hai khu (miền núi và đồng bằng), ráo riết sắp xếp, củng cố tổ chức, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị. Riêng ở thị xã Sầm Nưa, thực dân Pháp bổ sung khoảng 2.500 quân, một đại đội pháo. Ở Xiêng Khoảng, địch bố trí một tiểu đoàn ngụy Lào, xây dựng Sầm Nưa thành tập đoàn cứ điểm mạnh (tương đương với Nà Sản ở Tây Bắc Việt Nam) làm khu vực phòng thủ chủ yếu. Sử dụng lực lượng cơ động (quân Pháp) ở chiến trường Bắc Bộ (Việt Nam) sẵn sàng ứng cứu, giải tỏa bằng đường không khi bị tiến công. Trên cơ sở phân tích tình hình địch, địa hình, thực lực của ta, Tổng Quân ủy Việt Nam đã đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp với quân và dân bạn Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào). Chiến dịch diễn ra từ ngày 13/4 đến 3/5/1953 và giành thắng lợi vang dội, với nét nghệ thuật quân sự đặc sắc.

Một là, đề ra mục đích chiến dịch đúng đắn.

Mục đích chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai; giúp Chính phủ Kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng các căn cứ du kích, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Phân tán lực lượng, phá âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp, đẩy mạnh phát triển chiến tranh du kích của ta.

Sơ đồ Chiến dịch Thượng Lào năm 1953.

Trong chiến dịch, liên quân Việt-Lào đã diệt và bắt gần 2.800 tên (chiếm 23% lực lượng địch ở Lào), thu hơn 1.700 súng các loại, 36 xe ô tô, 70 tấn đạn, 100 tấn quân trang, quân dụng; giải phóng tỉnh Hủa Phăn, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện của tỉnh Phông Sa Lỳ (khoảng 35.000 km2), với 40 vạn dân, mở rộng căn cứ kháng chiến Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo thế trận chiến lược có lợi cho ta và bạn Lào trên chiến trường Bắc Đông Dương: Cửa ngõ tiến vào Thượng Lào rộng mở, phá vỡ bàn đạp án ngữ, uy hiếp vùng tự do của ta ở Tây Bắc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Vị trí Nà Sản (nơi địch coi là “con đê ngăn sóng” bảo vệ Thượng Lào) bị cô lập và vô hiệu hóa hoàn toàn, mở đường cho liên quân Việt-Lào tiến sâu vào hậu phương địch; củng cố, mở rộng vùng tự do của hai nước, tạo ra thế trận thuận lợi để ta triển khai thế trận tiến công địch trên nhiều hướng.

Hai là, tích cực, chủ động chuẩn bị chiến trường.

Trên cơ sở phân tích địa hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, Trung ương Đảng quyết định thành lập hội đồng cung cấp mặt trận từ Trung ương đến các địa phương, nhằm huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Đồng thời, phối hợp với bạn Lào tổ chức các đoàn công tác đến từng bản, từng bộ tộc, nắm tình hình, vẽ lại thực địa, vận động nhân dân Lào tích cực tham gia cùng Quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào, củng cố đường giao thông, vận chuyển hàng hóa đến các vị trí tập kết, kho tàng. Kết quả, trong thời gian ngắn, ta và bạn Lào đã chuẩn bị được khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật; điều tra nắm chắc tình hình địch, địa hình, thời tiết; hoàn thành bản vẽ chi tiết thực địa khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng; củng cố, sửa chữa một số tuyến giao thông, bảo đảm cho bộ đội hành quân, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thô sơ và xe cơ giới...

Ba là, chủ động, linh hoạt chuyển phương án tác chiến từ tiến công tập đoàn cứ điểm sang truy kích tiêu diệt địch, giành thắng lợi.

Thực hiện kế hoạch tác chiến, ngày 8/4/1953, các đại đoàn chủ lực Việt Nam nhận lệnh hành quân sang chiến trường Thượng Lào theo 3 cánh: Cánh chủ yếu, gồm các đại đoàn 308, 312 (2 trung đoàn), 316 (1 trung đoàn), từ Mộc Châu theo Đường số 6 hành quân lên biên giới Việt-Lào sang Sầm Nưa. Cánh thứ hai gồm Đại đoàn 304, từ Nghệ An theo Đường số 7 tiến sang Xiêng Khoảng. Cánh thứ ba gồm Trung đoàn 148, từ Điện Biên tiến vào lưu vực sông Nậm U. Các đơn vị tham gia chiến dịch của Việt Nam và bạn Lào triển khai đội hình tiến công theo 3 hướng: Hướng Sầm Nưa (chủ yếu); hướng Xiêng Khoảng (thứ yếu); hướng khu vực sông Nậm U thuộc tỉnh Luông Pha-băng (phối hợp).

Trong quá trình hành quân từ Việt Nam sang Thượng Lào tiến về phía Sầm Nưa, địch phát hiện được ý định tiến công của liên quân Việt-Lào. Đêm 12/4/1953, khoảng 1.900 quân địch vội vã rút khỏi Sầm Nưa, đến trưa 13/4 địch rút hết về Mường Hàm. Trên cơ sở phân tích tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Quân địch đang ở vào thế bất lợi, hoang mang, không có quân tăng viện, ứng cứu, nhanh chóng hạ quyết tâm truy kích địch trên đường rút chạy, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lực lượng thành các tiểu đoàn, đại đội gọn nhẹ, bám đuổi, truy kích địch rút chạy. Những đơn vị còn lại của các đại đoàn cùng bạn Lào tiến công giải phóng thị xã Sầm Nưa, các địa bàn lân cận; tổ chức truy kích địch trên các hướng khác. Với sự chỉ huy sáng suốt, nhạy bén và linh hoạt của Bộ tư lệnh chiến dịch, liên quân Việt-Lào thực hành vận động truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy (trên đoạn đường khoảng 270km, từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum). Ngày 3/5/1953, chiến dịch kết thúc thắng lợi.

Nguồn: Báo QDND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội