A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Hướng tới Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Đại biểu Quốc hội là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội?

Đại biểu Quốc hội là người được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu của Nhân dân tại Quốc hội thông qua cuộc tổng tuyển cử. Vậy, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào ?

1. Quy định chung về Đại biểu Quốc hội

Ở các nước tư sản, đại biểu Quốc hội được gọi là nghị sĩ Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở thượng nghị viên gọi là các thượng nghị sĩ, đại biểu ở hạ nghị viện gọi là hạ nghị sĩ (hay dân biểu).

Đai biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam, không chỉ đại diện cho Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho Nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội có địa vị pháp lí đặc biệt, họ vừa là đại diện chính thức của Nhân dân vừa là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lựcNhà nước cao nhất; đại biểu quốc hội là cầu nối quan trọng giữa chính quyền Nhà nước với Nhân dân.

Ảnh: Minh họa

Đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên, có quyển ứng cử, được hiệp thương và đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức và được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; trong cuộc bầu cử Quốc hội theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã được cử trí tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội. Ở Việt Nam hiện nay có đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu quốc hội không chuyên trách (Xt. Đại biểu Quốc hội chuyên trách; Đại biểu quốc hội không chuyên trách).

Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội được Nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do. Đó là những đại biểu chân chính của Nhân dân. Các đại biểu Quốc hội là những người được bầu ra để thay mặt Nhân dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Các đại biểu Quốc hội nước ta theo tinh thần của Lênin là những người:

Đại biểu Quốc hội có địa vị pháp lý đặc biệt. Đó là người đại diện của Nhân dân đồng thời là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc hội là cầu nối quan trọng giữa chính quyền Nhà nước với Nhân dân. Đại biểu Quốc hội vừa chịu trách nhiệm trước cử tri, vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, không chỉ đại diện cho Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho Nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Vì vậy, trong khi làm nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ lợi ích chung của cả nước đồng thời cũng phải quan tâm thích đáng đến lợi ích của địa phương đã bầu ra mình, phải căn cứ vào pháp luật của Nhà nước và những quy định của chính quyền Nhà nước ở địa phương.

Địa vị pháp lý đặc biệt của đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 2013Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, bao gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hình thức hoạt động của đại biểu Quốc hội.

2. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội

Được cử tri tín nhiệm bầu ra, đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước cử tri đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Để cử tri có thể thực hiện được sự giám sát đó, đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan Nhà nước hữu quan đồng thời phải báo cáo với cử tri không những về hoạt động của mình mà cả về hoạt động của Quốc hội. Mỗi năm ít nhất một lần đại biểu phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kì họp Quốc hội, tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tích cực làm cho các kì họp đạt kết quả tốt. Trong kì họp của Quốc hội, đại biểu có nhiệm vụ tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của tổ hoặc đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tuyên truyền, phô biến Hiến pháp, luật, các nghị quyết của Quốc hội và pháp luật của Nhà nước, động viên Nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý nhà nước.

Tiếp công dân là nhiệm vụ thường xuyên của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp dân theo định kì, theo lịch tại trụ sở tiếp dân và tiếp dân tại nhà ở, tại nơi công tác. Đại biểu Quốc hội tiếp dân để nghe nhân dân góp ý xây dựng Nhà nước đồng thời giúp dân giải quyết những thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại và tố cáo. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đó trong thời hạn quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thoả đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan đó giải quyết.

Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội theo chương trình và lịch của đoàn.

Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ tham gia hoạt động, hoàn thành các phần việc được giao, tham gia sinh hoạt đều đặn theo chương trình và kế hoạch của Hội đồng dân tộc và các ủy ban đó của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ giữ mối quan hệ và thông báo tình hình hoạt động của mình với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương.

3. Quyền hạn của đại biểu Quốc hội

Quyền hạn quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại các kì họp Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia thảo luận, tranh luận hoặc tham gia về các vấn đề ghi trong chương trình kì họp hoặc những vấn đề được đưa ra để thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, tại các cuộc họp tổ, đoàn hoặc các tổ chức khác của Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội là thành viên. Khi phát biểu, đại biểu Quốc hội có thể được ủy nhiệm thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội, thay mặt toàn thể tổ chức của mình hoặc nhân danh cá nhân với tư cách là đại biểu của nhân dân. Ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội được ghi vào biên bản, tổng hợp và sử dụng. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu của mình. Đại biểu Quốc hội không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những lời phát biểu của mình trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền sáng kiến lập pháp, tức là quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Người bị chất vấn phải trả lời và trả lời nghiêm túc về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt những hành vi trái pháp luật đó. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết. Quá thời hạn nói trên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên, đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Quốc hội có quyền gặp gỡ và yêu cầu các cơ quan nhà nước, Ưỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Mặt trận, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ hang cung cấp tình hình và tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động của đại biểu. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp và đáp ứng những yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia bầu cử và có thể được bầu vào các cơ quan Nhà nước, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội đều bình đẳng trong bầu cử.

Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết về các dự án luật, các nghị quyết, các dự án, các báo cáo... Các đại biểu Quốc hội được quyền tự do thể hiện quan điểm của mình về một vấn đề được đưa ra Quốc hội quyết định bằng cách biểu quyết thông qua các vấn đề đó. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc bỏ quyền biểu quyết.

Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự các ki họp Hội đồng Nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền phát biểu ý kiến nhưng không biểu quyết. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân các cấp thông báo cho đại biểu Quốc hội ngày họp Hội đồng Nhân dân cấp mình, mời đại biểu Quốc hội tới dự và cung cấp tài liệu cần thiết. Đại biểu Quốc hội tham dự các kì họp của Hội đồng Nhân dân nhằm mục đích nắm tình hình và tìm hiểu nguyện vọng của Nhân dân địa phương; tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý Nhà nước và các vấn đề có quan hệ đến đời sống của Nhân dân địa phương; tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước, thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của Hội đồng Nhân dân...

PV (sưu tầm)


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội