A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội: Việc tăng lương là thấu tình, đạt lý

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 27/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, trải qua hơn 2 năm vì dịch bệnh, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý và đây là điều rất đáng trân trọng.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi có thông tin Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, đông đảo cử tri và nhân dân bày tỏ rất quan tâm đến nội dung này.

Đại biểu Quốc hội: Việc tăng lương là thấu tình, đạt lý
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp. Ảnh: VPQH 

 

Tăng lương từ đầu năm 2023 

Lần tăng lương cơ sở gần nhất là vào ngày 1/7/2019 và do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay.

Theo đại biểu tỉnh Bạc Liêu, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời còn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc và chuyển việc thời gian qua.

Nhấn mạnh việc đất nước ta đang trên đà phục hồi kinh tế sau gần 3 năm tập trung toàn lực chống dịch, cử tri và nhân dân đánh giá rằng, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ; bởi lẽ, theo ước tính, để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở, Chính phủ phải cân đối khoản tiền lên đến 44 nghìn tỷ đồng.

“Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế, sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu Nguyễn Huy Thái đánh giá.

Từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ ngày 1/1/2023.

“Chắc chắn rằng đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công, ăn lương đã gần 3 năm qua phải gồng mình chống chọi với đại dịch toàn cầu, cử tri đang rất trông mong đề xuất này của cử tri được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội: Việc tăng lương là thấu tình, đạt lý
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái: Việc tăng lương là thấu tình, đạt lý. Ảnh: VPQH

 

Cải cách tiền lương là giải pháp căn cơ giữ chân người lao động

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bạc Liêu cũng đặt ra một câu hỏi khi lương cơ sở tăng liệu có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không?

“Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Việc đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, điều mà lẽ ra nếu không phải vì phòng, chống dịch thì đã được thực hiện từ năm 2021”, đại biểu nói rõ.

Theo đại biểu, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng thì tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức và người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Người làm công, ăn lương có thêm điều kiện để lo cho cuộc sống.

“Tuy nhiên, với mức tăng trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại thì cũng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương”, đại biểu nhận định.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà mình đóng góp. Bên cạnh đó, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, đó là chưa nói đến tái sản xuất mở rộng và cũng chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo cán bộ, công chức, viên chức để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.

Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình thực hiện cải cách tiền lương và rất trông mong đề án này sớm được thực hiện. Bởi vì cải cách tiền lương đang là vấn đề vô cùng cấp thiết, mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất thì chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.

Đại biểu dẫn lại con số 2,5 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển việc. Bình quân mỗi năm có khoảng 15.800 người nghỉ việc và chuyển việc. Số nghỉ việc và chuyển việc trong ngành giáo dục là hơn 16.400 người và trong ngành y tế là 12.198 người.

Nhấn mạnh đây là một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm và đặc biệt, số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người nghỉ và chuyển việc, đại biểu Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh: Rõ ràng, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư; giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công, bằng chính sách tiền lương phù hợp.

Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả và cử tri đang rất trông chờ điều đó sớm được thực hiện thông qua cải cách tiền lương.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thôi thì giá cả đã “nhanh chân” tăng trước rồi. Do đó, để tránh làm tăng thêm gánh nặng trên đôi vai người lao động, đại biểu nhấn mạnh việc tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG

The QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội