A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng viên trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo ở Quân khu 4

Bài 3: Đảng viên tiên phong hết lòng vì dân, đồng bào vững niềm tin theo Đảng (Tiếp theo và hết)

Biên giới là phên dậu Tổ quốc. Để bảo vệ biên giới, phải xây dựng "Thế trận lòng dân" vững chắc. Nòng cốt để xây dựng "Thế trận lòng dân" nơi biên cương chính là cán bộ, đảng viên các đơn vị lực lượng vũ trang. Họ như những “cột mốc sống”, “lá chắn” nơi phên dậu. Mỗi khi nhắc đến những “cột mốc sống” ấy, những người cầm bút chúng tôi luôn trào dâng một nỗi niềm thật khó tả, một tình cảm da diết, sâu thẳm tận đáy lòng cứ dội lên thôi thúc. Nhiều mảnh đời không chỉ đói nghèo mà còn có hoàn cảnh éo lé, khốn khó được cán bộ, đảng viên các Đoàn KT-QP thuộc Quân khu 4 quan tâm, giúp đỡ. Việc làm đó càng làm tăng thêm tình quân dân cá nước, làm lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần để Nhân dân càng thêm vững niềm tin theo Đảng.

 Những người con của bản làng

Trong chuyến đi trở lại Đoàn KT-QP 337 lần này, tôi được gặp lại nhiều “người con của bản làng”, cách gọi trìu mến của bà con dành cho cán bộ, đảng viên của Đoàn. Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Phó bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 và Thiếu tá Lầu Bá Thông, Đội trưởng Đội sản xuất 3, Trung đoàn 52, như cách gọi của đồng bào là "người con của bản làng tốt lắm". Anh Phong quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh nhưng phần lớn đời binh nghiệp của anh lại gắn bó với bà con giữ đại ngàn Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị này. Ngày Đoàn KT-QP 337 về đây đứng chân cũng đã hơn 20 năm. Anh Phong là một trong những người đầu tiên của Đoàn mở đầu hành trình giúp đồng bào các dân tộc 5 xã Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) thuộc Khu KT - QP Khe Sanh (Quảng Trị) chinh phục đói, nghèo, cũng từng ấy thời gian anh đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất và người nơi đây. Anh Phong kể với chúng tôi: “20 năm về trước, trên vùng đất này hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, đời sống của đồng bào nghèo nàn, lạc hậu. Để giúp bà con đuổi cái đói, cái nghèo chúng tôi cứ cần mẫn, “mưa dầm thấm lâu”, nói ít, làm nhiều, làm hiệu quả để bà con làm theo”.

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong (thứ hai phải sang) hướng dẫn người dân thôn Tri cách sử dụng nguồn nước sạch..

Trong chiến tranh đồng bào các dân tộc trong Khu KT - QP Khe Sanh một lòng, một dạ theo Đảng, Bác Hồ… Điều đó làm cho những người như anh Phong, anh Thông cùng đồng đội thêm vững tâm xa gia đình, người thân để bám trụ nơi rừng sâu, núi thẳm để tri ân đất và người nơi đây. Anh Phong ít nói về mình, ngồi với tôi cả buổi chiều, anh chỉ nói về đồng đội và tâm niệm một điều là làm sao để đồng bào thoát nghèo và không bị “con ma rừng” ám ảnh. Trưởng thành từ cán bộ đội sản xuất đến chỉ huy Trung đoàn, anh biết từ nói cho dân hiểu, làm cho dân tin rồi cầm tay chỉ việc và cuối cùng là đẩy đuổi đói nghèo, “con ma rừng” khỏi cuộc sống, nhận thức của đồng bào là cả một chặng đường kiên trì, kỳ công và bền bỉ.

Đi sâu tìm hiểu về các anh, chúng tôi càng cảm phục, khi tron cuộc sống đời thường, các anh đã nén lại, vượt qua nỗi đau để ở lại vùng đất khó cùng bà con "đuổi" cái đói, cái nghèo. Thiếu tá Lầu Bá Thông là người con của đồng bào H’Mông quê ở Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An đã có vợ và hai con. Vợ anh trước đây là giáo viên, ngày ngày dạy chữ cho trẻ em vùng xuôi còn anh lại rong ruổi với đại ngàn Trường Sơn từ những ngày còn là chiến sĩ quân báo, giống vợ, anh cũng ngày đêm gắn bó dạy chữ cho đồng bào. Sự gặp gỡ tình duyên của họ cũng giống như sự tương thân, tương ái giữa anh với bà con, giữa người H’Mông với người Kinh hay Pa Kô, Vân Kiều như lời Bác Hồ từng dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.

Cán bộ, đảng viên Đội sản xuất 3, Trung đoàn 52 , Đoàn KT - QP 337 giúp bà con thôn Sóc, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị thu hoạch lúa.
Thiếu tá Lầu Bá Thông, Đội trưởng Đội sản xuất 3 hướng dẫn em Hồ Hưng (mồ côi cha mẹ) học bài.

Với người lính ở biên cương, hậu phương quan trọng biết bao, nhưng với anh Thông có thời điểm tưởng chừng hậu phương ấy không đứng vững khi cậu con trai thứ hai của anh bị tai nạn qua đời lúc mới 2 tuổi, cú sốc quá lớn khiến vợ anh bị trầm cảm nặng. Nén nỗi đau thương, mất mát, anh Thông vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị, vừa là nguồn động viên cho vợ con. Hôm nào anh cũng gọi điện về để chuyện trò với cô con gái nhỏ nay đã lên lớp 6. Vợ chồng xa nhau, đứa con như một cây cầu, với bộ đội vùng biên, có những cây cầu dài hàng trăm cây số. Giọng anh trầm xuống khi nói: “Nhiều lần mình thất hứa đưa cháu đi chơi, hè con rảnh thì bố bận, trước đây hai chị em nó quấn quýt nhau lắm, giờ thì chỉ mong sao cháu cứng cáp để mẹ nó vững lòng”. Tôi như thấy nước mắt mình chực trào ra. Anh nở nụ cười hiền từ chia sẻ, được sự quan tâm của cấp trên, vợ chồng đang cố gắng cho cháu nó có chị có em. Tôi mỉm cười nhìn anh, chỉ mong sao niềm vui nho nhỏ ấy bừng sáng giữa rừng núi xanh nơi dòng Sê Băng Hiêng chảy qua này, các anh như cây trong rừng, như nước không ngừng tuôn chảy của dòng sông. Họ sẵn sàng bỏ lại nỗi niềm riêng tư, bám trụ nơi phên dậu Tổ quốc, chính họ chứ không phải ai khác mới là những “cột mốc” vững chắc nhất.

Lan tỏa nghĩa tình

Sau những lời tâm sự, anh Thông mời chúng tôi đến thăm Đội 3 còn anh Phong điều chiếc xe U oát ì ạch, xóc nảy leo ngược con đường nhựa đầy “ổ voi” đưa chúng tôi trở lại Cu Vơ, bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị). Không còn những ánh mắt ngại ngùng, đồng bào Vân Kiều giờ đây thấy cán bộ, đoàn viên thanh niên tay bắt, mặt mừng; lũ trẻ thì háo hức đón nhận sách vở, quần áo mới… Tôi vẫn nhớ như in niềm vui của 3 anh em Hồ A Ran, Hồ A Nhàn, Hồ Thị Han cùng bà nội lũ trẻ là Hồ Thị Theo trong lần đi cùng bộ đội, TTTTN Đoàn 337 đến tặng gạo, áo mới, sách vở đợt tháng 3/2017.

Niềm vui của Hồ A Ran, Hồ A Nhàn được mặc quần áo mới do cán bộ, đảng viên, nhân viên Đoàn KT-QP 337 mua tặng.

Lần đến thăm này không thấy bà Theo và đứa út, tôi hỏi hai người đi đâu thì Ran rưng rưng nước mắt nói lơ lớ tiếng Kinh: “Bà cháu mới mất do tuổi cao, sức yếu, còn em Han do hiếu động, bất cẩn, không may bị cây gỗ đổ đè lên người không qua khỏi, may có bác Phong và các chú bộ đội nói với dân làng "Bà và em cháu mất không phải do con ma rừng bát đi" nên chúng cháu không bị xa lánh như trước đây, các chú bộ đội còn cho ăn, cho học”. Ran vừa dứt lời, tôi vội ngoảnh mặt cố ngăn giọt nước mắt chực trào. Chuyện là, khi 3 chị em còn nhỏ, bố bị phát bệnh lạ, buồn chán bỏ đi biệt tích, mẹ thì bỏ về bên ngoại, để lại ba đứa trẻ bơ vơ sống lay lắt cùng bà nội. Bà con dân bản ai cũng xa lánh vì sợ “con ma rừng” đang quanh quẩn mấy đứa bé. Sau lần đi bám bản, nắm địa bàn, anh Phong về báo cáo với chỉ huy Đoàn. Thấu hiểu hoàn cảnh của 4 bà cháu, nhằm giúp 4 bà cháu ổn định cuộc sống, Đoàn quyết định sửa lại ngôi nhà và nhận đỡ đầu ba anh em với số tiền 1,3 triệu đồng/tháng”.

Hồ A Nhàn trong giờ học chữ.

 Anh Hồ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh nói:  Trước đây, những đứa trẻ mất đi cha mẹ vì bạo bệnh đã là bất hạnh nhưng bất hạnh hơn khi các cháu bị dân làng xa lánh bởi suy nghĩ chúng là những “con ma rừng”, là nguồn cơn gieo rắc cái chết, bệnh tật cho dân làng. Nhưng giờ đây, nhờ các việc làm như những chuyện những đảng viên ở Đội sản xuất 3 nhận nuôi nấng, chăm sóc 3 chị em không nơi nương tựa  ở thôn Cợp (xã Hướng Lập) là Hồ Thị Huê, Hồ Hưng và Hồ Dưng khi ông nội, bố, mẹ, chú, bác ruột đều lần lượt mắc bạo bệnh và qua đời chỉ trong một thời gian ngắn đã làm lay động, thức tỉnh bà con. Hay như chuyện thường xuyên đến nhà giúp đỡ, hỗ trợ, vận động bà con không xa lánh 3 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi đã khó, vận động bà con không xa lánh khi bà nội và đứa út gặp tai nạn qua đời ở bản Cu Vơ (mà bộ đội vẫn bình yên khỏa mạnh, không bị con ma rừng bắt đi - PV) đã làm cho bà con thừng bước thay đổi suy nghĩ, tin vào lời nói, việc làm của bộ đội.… Giờ đây, người dân không những thấu hiểu và cảm thông mà ngoài hai em A Ran, A Nhàn, họ còn chung tay, góp sức cùng Đoàn nuôi dưỡng thêm hai chị em mồ côi cha mẹ là Hồ Thị Nghé học lớp 11 và Hồ Thị Nghê 6 tuổi ở thôn Hoong”.

Để giúp đỡ những cảnh đời thiếu may mắn, một trong những việc làm cụ thể thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đoàn khuyến khích cán bộ, đoàn viên thanh niên đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo động lực xây dựng các mô hình thiết thực, nhân lên những việc làm nghĩa tình để những đứa trẻ bất hạnh được sống trong yêu thương, sự đùm bọc của cộng đồng. Từ khi triển khau thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan, đơn vị thuộc Đoàn KT-QP 337 đã có nhiều mô hình ý nghĩa, tiêu biểu như: “Hũ gạo tình thương”; “Đỡ đầu các trẻ mồ côi”; “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”; “Đội xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”... 

Những giấc mơ có thật

Trở lại thôn Cợp, xã Hướng Lập, nơi Đội sản xuất 3 đóng quân theo lời mời của Thiếu tá Lầu Bá Thông, chúng tôi thấy nhiều bà con đến trò chuyện. Câu chuyện nghĩa tình “Năm cha, ba con” ở Đội sản xuất 3 vẫn được người dân nơi đây kể lại với lòng tin yêu, mến phục. Dễ có đến hàng chục tác phẩm báo chí viết về tình “cha con” của họ. Năm 2013, người dân thôn Cợp xôn xao chuyện 5 cán bộ Ðội sản xuất 3 đón ba em nhỏ mồ côi là Hồ Thị Huê, Hồ Hưng, Hồ Dưng bị dân bản xua đuổi chỉ vì người thân chết không rõ lý do. 3 chị em không được vào làng, sống chui lủi, bơ vơ giữa rừng sâu được cán bộ Đội 3 đưa về nuôi nấng. Một thời gian sau, cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn 337 quyên góp xây tặng ba chị em ngôi nhà tình nghĩa ba gian kiểu mới. Hết giờ đến trường, ba chị em lại về ăn cơm cùng 5 “cha” rồi về nhà học bài, ngủ nghỉ.

Ngôi nhà tình nghĩa do Đoàn KT-QP 337 xây tặng ba chị em Hồ Thị Huê, Hồ Hưng, Hồ Dưng.
Hồ Dưng trong giờ học bài.

 

Hết giờ đi học, chị em được các "cha" hướng dẫn tăng gia sản xuất.

Từ đó đến nay, giữa núi rừng biên giới, gia đình “năm cha, ba con” sống chan hòa, tình cảm bên nhau, câu chuyện nghĩa tình đó như mạch nguồn dòng Sê Băng Hiêng chảy mãi, làm lay động lòng người, thức tỉnh nhận thức của đồng bào. Với bàn tay chăm bẵm của “năm cha”, hai trong số 3 chị em đã trưởng thành. Chị cả Hồ Thị Huê đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và yên bề gia thất năm 2019; Hồ Hưng đã tốt nghiệp cấp 3, được đơn vị giao lại cho địa phương học nghề. Còn em út Hồ Dưng ngoài giờ lên lớp đã biết làm việc nhà, phụ các “cha” trồng rau, chăm gà. Chia sẻ với tôi, Huê nói: “Đã quen sống trong sự đùm bọc, yêu thương của các chú, các anh, các chị TTTTN nên khi học cao đẳng dưới xuôi rồi khi lấy chồng em rất nhớ các “cha”, nhớ các em. Nhưng nhờ các chú chăm sóc cho em Dưng chu đáo nên em rất yên tâm. Em sẽ noi gương các “cha”, đùm bọc, dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh côi cút như các “cha” từng chăm bẵm ba chị em”.

Theo lịch hẹn, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà cấp 4 của mẹ con A Viết Thị Xum, sinh năm 1995, người dân tộc Tà Ôi ở thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới... Ngôi nhà được thi công với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Trong đó, Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ 75 triệu đồng; cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 tự nguyện đóng gióp ủng hộ một ngày lương trị giá 18 triệu đồng tiền mặt và 320 ngày công xây dựng.

Niềm vui trong tôi như nhân lên vì quyết tâm mà Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 nói với tôi những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã thành hiện thực. Hoàn cảnh éo le của ba mẹ con A Viết Thị Xum không chỉ tôi mà ai đã từng tiếp xúc đều không kìm nén được cảm xúc. Tôi nắm tay Xum thật chặt như thay lời chúc mừng, còn Xum thì nghẹn ngào không nên lời: “Mẹ con em đã có nhà mới. Đúng là giấc mơ có thật anh ạ”. 

Niềm vui của mẹ con A Viết Thị Xum đón nhận những bữa cơm nghĩa tình.

Chuyến công tác đến Đoàn KT - QP 92 trước Tết Canh Tý, tôi khá tò mò khi thấy một số cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện cứ trước giờ ăn lại chuẩn bị cặp lồng cơm đưa ra cho ba mẹ con Xum. “Gọi thế nào cho đúng nhỉ?”, trong đầu tôi suy nghĩ như vậy khi ngày hôm sau đứng trước nơi ở của ba mẹ con, bởi đây không hẳn là túp lều mà gọi là nhà thì hơi quá của ba mẹ con A Viết Thị Xum.

Đặt chân vào nơi “chui ra, chui vào” của hai mẹ con Xum, tôi đã cố gắng kìm nén cảm xúc của mình nhưng khi nghe kể về những gì mà số phận đã thử thách cô gái trẻ này thì cây bút trên tay tôi cứ khựng lại. Sinh ra lớn lên, như bao bạn bè đồng trang lứa, Xum được học hết lớp 12, đến năm 2016, Sum lập gia đình với Ra Pát Băng, sinh năm 1993. Băng vốn khỏe mạnh nhưng không có công việc ổn định mà chủ yếu đi rừng hoặc ai kêu gì làm nấy, nhờ chịu khó cũng đủ ngày ba bữa cơm. Nhưng trớ trêu thay, một ngày tháng 5/2018, khi đang làm ruộng thì trời đổ trận mưa giông kèm sét giăng trắng trời đã cướp đi trụ cột gia đình Xum. 23 tuổi Xum trở thành góa phụ khi đang mang bầu đứa thứ hai.

Sức khỏe yếu, không có thu nhập, Xum phải gửi đứa đầu nhờ ông bà nội cũng nghèo khó chăm sóc, còn mình về ngoại chờ sinh nhưng đứa bé chào đời được mấy tháng thì mẹ Xum bị nhiễm trùng gan không qua khỏi. Ám ảnh về cảnh đi hai người thân, mẹ con Xum dắt díu nhau ra ở nhờ túp lều của chị gái ở tạm qua ngày trong ánh mắt như xua đuổi “tà ma” của không ít người dân. Tôi nhìn cậu bé hơn 1 tuổi đang vô tư chơi đùa hỏi:

- “Khó khăn thế em lấy gì nuôi con?”.

Xum thật thà nói:

- “Em lấy một ít hoa quả về ai mua thì bán, khi con ngủ thì tranh thủ dệt zèng”.

- “Thổ cẩm chắc được giá lắm?”, tôi thăm dò.

Ngoảnh mặt giấu đi giọt nước mắt, Xum nghẹn nghào: “Hơn 1 tháng mới được 1 tấm, em làm thô nên mỗi tấm thương lái chỉ trả 200-300 nghìn đồng”. Chao ôi! Số tiền ấy thì làm sao đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong thời buổi bão giá này.

Dừng câu chuyện với tôi giây lát, Sum đến cảm ơn cán bộ của Đoàn đang soạn cơm và thức ăn từ cặp lồng ra mâm. Bữa cơm đầy đủ thịt, cá, trứng, rau, canh được thằng bé đánh chén ngon lành sau buổi chiều vui đùa khắp xóm. Xum nói: “Biết hoàn cảnh hai mẹ con, các anh, các chị TTTTN ngày nào cũng luân phiên thay nhau mang cơm ra tận nơi. Từ khi được ăn cơm bộ đội nấu, thằng bé nhà em có da có thịt, khỏe mạnh hẳn lên, không quấy khóc như trước, nhờ đó em có thời gian dệt được nhiều zèng hơn”. Đại úy Nguyễn Mậu Anh, Trợ lý Tuyên huấn của Đoàn cho biết: “Hoàn cảnh của Sum thì cả xã đều biết nhưng không có điều kiện giúp đỡ vì ai cũng khó khăn cả. Trước mắt chúng tôi đề xuất với chỉ huy Đoàn hỗ trợ gạo, thực phẩm, hàng ngày sau khi nấu xong, nhà bếp sẽ trích lại một phần thức ăn để chúng tôi mang ra cho ba mẹ con”.

Đại tá Nguyễn Trọng Phương trầm ngâm nói thấu suy nghĩ của tôi: “Về lâu, về dài phải là “chiếc cần câu”, không thể mãi cho “con cá” được. Cũng như người dân trong vùng dự án, Đoàn sẽ lựa chọn một mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với hoàn cảnh để cháu Xum có thể tự lo cho các con ăn học. Tôi có thể hiểu được vì sao suốt buổi nói chuyện vui vẻ rôm rả nhưng đôi mắt Xum lại ầng ậc nước, chỉ trực trào ra. 

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 92 trao tặng Nhà tình nghĩa cho A Viết Thị Xum. Ảnh: XUÂN BÍNH

Những năm qua, bằng chính đồng lương tự nguyện quyên góp, cán bộ, nhân viên các Đoàn KT-QP thuộc Quân khu 4 đã giúp nhiều mảnh đời côi cút chốn rẻo cao biên cương vơi đi phần nào nỗi bất hạnh. Nghĩa cử nhân văn đó không chỉ để lại nhiều tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương mà điều quan trọng, họ chính là những người giúp đồng bào dân tộc thiểu số hóa giải nỗi sợ “con ma rừng”. Đồng hành cùng những mảnh đời côi cút, họ còn là chiếc cầu nối, nối dài hành trình yêu thương đến các tổ chức cơ quan, đoàn thể, những “mạnh thường quân” có tấm lòng thiện nguyện muốn đến với đồng bào, bởi trong tiềm thức của mình, cán bộ, đảng viên các Đoàn KT-QP luôn thấu hiểu rằng, mảnh đất nơi phên dậu vốn đói nghèo lạc hậu vẫn cần nhiều hơn nữa những việc làm như thế. Và tấm lòng tri ân đồng bào của họ vẫn chưa dừng lại…

Miền Trung chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ. Cũng như mẹ con A Viết Thị Xum, chắc chắn hàng trăm hộ được xây tặng nhà tình nghĩa, được hỗ trợ thoát nghèo, tái định cư trên khắp địa bàn Quân khu bớt đi lo lắng khi mưa lũ đến và đói nghèo đeo bám nữa, để họ tập trung phát triển kinh tế. Họ sẽ không bị bỏ lại phía sau. Từ thành công chung ở các thôn bản dọc dài Đông Trường Sơn có thể khẳng định: “Không thể thiếu vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ đảng viên, bởi họ là những người mang ánh sáng của Đảng chiếu rọi khắp mọi miền biên viễn. Đảng viên tiên phong hết lòng vì dân chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng vững chắc trận địa lòng dân của Đảng nơi phên dậu Tổ quốc".

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG – ĐÌNH TRUNG


Tác giả: mạnh hùng - đình trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội