Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường. Bài 3: Hiện thực sống động từ Thành cổ Quảng Trị
Phải có bằng được hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Bởi, cả nước muốn nhìn thấy họ sống và chiến đấu ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52 Mỹ. Với tinh thần sục sôi, Đoàn Công Tính đã “thuyết phục” được cấp trên và may mắn gặp hai o du kích dẫn đường, ông trở thành nhà báo duy nhất lọt vào Thành Cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm, để lại cho lịch sử những bức ảnh quý giá.
Bài 3: Hiện thực sống động từ Thành cổ Quảng Trị
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính kể: Bắt đầu từ ngày 28-6-1972, pháo lửa từng cơn trút xuống Thành cổ Quảng Trị. Địch đã huy động hơn hai sư đoàn lính thủy đánh bộ và nhiều đơn vị khác, tiến theo sau vệt bom rải thảm của B52, hòng giành giật lại mảnh đất liên quan Hội nghị Paris mà thế giới hết sức chú ý. Từ ngày 12-7-1972, chúng tôi tăng cường thêm bộ binh và hỏa lực các loại.
Nhằm phá nát Thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới, phá nát các hầm hố, rồi chất độc hóa học kéo từng vệt dài mầu vàng trên vòm trời tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ một thứ khói vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên Báo Quân đội nhân dân và một số báo khác có mặt tại trận, nhìn làn khói chết chóc, chốc chốc lửa bom đạn chớp lóe lên dữ dội, đều muốn biết chiến sĩ chúng ta sống ra sao trong cảnh bom đạn ngút trời đó!
Nhưng con đường vào Thành cổ chẳng dễ dàng. Có lời khuyên từ Bộ Chỉ huy mặt trận: Không nên để phóng viên vào Thành cổ. Có điều gì thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách vào đó cho bằng được.
Tôi tìm đến vị trí người ta chỉ dẫn, nhưng trước mắt tôi là một bãi dày đặc hố bom, cây cối đổ ngổn ngang. Một lúc trấn tĩnh lại thì nghe có tiếng người từ dưới lòng đất vọng lên. Mừng quá, tôi men theo hào và đi vào căn hầm. Sau khi biết tôi muốn tìm đường vào Thành Cổ, tôi nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu.
Nhưng tôi là phóng viên ảnh, không thể lấy tài liệu gián tiếp. Ống kính của tôi đã gắn bó từ đầu với chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh anh hùng của chiến sĩ đánh sụp “Hàng rào điện tử McNamara”, ghi được phút lịch sử các chiến sĩ cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu, hình ảnh cả Trung đoàn 56 của quân ngụy phản chiến trở về với cách mạng.
Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống và chiến đấu ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52 Mỹ.
Nghe tôi trình bày, một nữ chiến sĩ du kích thường làm liên lạc ra vào Thành cổ nói: Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào Thành cổ thì em xin dẫn đường!
Hai nữ du kích tự nguyện dẫn đường là cô Lệ và cô Hảo. Các cô cho biết: “Vượt qua sông Thạch Hãn trong đêm rất khó khăn, nguy hiểm. Có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng...”.
Tôi đã từng chụp những hình ảnh lúc Thành cổ mới giải phóng, Dinh Tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn Thành cổ, ngày 16-8-1972, Dinh Tỉnh trưởng đã nát tan tành và Thành cổ cũng sụt lở. Chỉ còn nụ cười của những người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ là nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: “Có thể ngày mai một số anh em tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của Tổ quốc”.
Từ lời nói thiêng liêng như “di chúc”, tôi cũng cảm thấy thêm trách nhiệm nặng nề. Trước khi rời Thành Cổ, mang tài liệu, phim ảnh về Hà Nội, tôi đã viết một lời “di chúc”, phỏng theo lời chiến sĩ: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ 10 cuốn phim này về giao cho Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân”.
Đây là những hình ảnh của những người con quê hương Quảng Trị và cả nước đã chiến đấu anh hùng bảo vệ thị xã Quảng Trị, những nụ cười bất diệt của họ sẽ sống mãi với Thành cổ anh hùng.
Nhưng thật may mắn, tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt, với những cuốn phim mà tôi đã giữ làm “của gia bảo” cho đến hôm nay gần như nguyên vẹn.
Với sự gan dạ và mưu trí của phóng viên chiến trường, Đoàn Công Tính trở thành nhà báo duy nhất lọt vào Thành cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Mỗi bức ảnh ra đời trong bối cảnh ấy, đã trở thành những tác phẩm được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Người xem cũng cảm nhận một cách sâu sắc, để có những tác phẩm ấy và nhất là để đưa được chúng kịp thời lên mặt báo ở những thời điểm nóng bỏng, nhiều khi người chụp phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận