A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 -  01/3/2023)

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên với lực lượng vũ trang Quân khu 4

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ra trên quê hương xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, vùng đất “khói lửa” của Quân khu 4 anh hùng; năm 16 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc và truyền thống quê hương, đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, vì sự nghiệp chung và sự phân công của tổ chức, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiều trọng trách khác nhau; trong đó, có hai giai đoạn đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu, đó là: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Việt Minh, Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình; trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 565 thuộc Quân khu 4. Trưởng thành từ hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, hiệu quả, nói đi đôi với làm; trên cơ sở tư duy luôn đổi mới, sáng tạo, tinh thần quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vì vậy, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn giành nhiều tình cảm, trách nhiệm với quê hương Quảng Bình và lực lượng vũ trang Quân khu 4.

Phát triển đi lên từ thực tiễn cơ sở cho đến khi giữ cương vị chỉ huy của lực lượng vũ trang Quân khu 4, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với  Quân khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào những vấn đề chính như:

1. Tổ chức chống chiến tranh phá hoại, xây dựng lực lượng, phương án đối phó với tình huống địch liều lĩnh tấn công bộ binh ra địa bàn Nam Quân khu 4.

Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ ra lệnh cho không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, tập trung vào địa bàn trọng điểm Quân khu 4. Chiến sự diễn ra ác liệt, địa bàn Quân khu 4 cần có người lãnh đạo chỉ huy tài năng, sâu sát cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Quân khu 4 lo xây dựng lực lượng, vừa tổ chức chống chiến tranh phá hoại và có phương án đối phó nếu địch liều lĩnh tấn công bộ binh ra địa bàn Nam Quân khu 4. Vì vậy, đầu năm 1965, khi đang giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Chính trị cử vào làm Chính ủy Quân khu 4.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên động viên bộ đội. 
Ảnh: TƯ LIỆU

 

Vào nhận công tác mới trong điều kiện phong trào đấu tranh của quân và dân Trị - Thiên ở Nam Vĩ tuyến 17 đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thốn lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men; các tỉnh ở Bắc vĩ tuyến từ khu vực Vĩnh Linh ra đến Nghệ An cũng đang ngày đêm đương đầu với sự đánh phá ác liệt qua các chiến dịch “Mũi lao lửa I”, “Mũi lao lửa II”, Chiến dịch “Sấm Rền” của không quân và hải quân Mỹ. Vì vậy, sau một thời gian ngắn nhanh chóng nắm bắt công việc ở cơ quan Quân khu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã giành nhiều thời gian đi xuống cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế ở các địa phương, các đơn vị pháo phòng không và pháo bờ biển để chỉ đạo xây dựng phương án phòng thủ tốt nhất. Qua tìm hiểu thực tế, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên nhận thấy tình hình chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu rất tốt và nhịp nhàng, các nhà máy, công trường, xí nghiệp, nông dân đã kết hợp tốt giữa “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”, vừa sản xuất vừa chiến đấu, toàn Quân khu đã chủ động đánh địch và chủ động phòng tránh địch. Tuy nhiên, trước sự đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt của không quân, hải quân Mỹ, đã gây cho ta nhiều thiệt hại, nhiều nơi sản xuất ngưng trệ, hệ thống cầu cống, đường sá một số nơi bị hư hỏng nặng, nhiều nơi chưa đánh giá đúng những điểm mạnh yếu về chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, chưa rút ra được kinh nghiệm trong chủ động phòng tránh, đánh địch.

Sau khi phân tích, đánh giá đúng tình hình thực tế ở địa bàn Quân khu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã bàn với các đồng chí trong Thường vụ Quân khu ủy chỉ đạo tổng hợp những kinh nghiệm rút ra, hoàn chỉnh thành văn kiện gồm 7 nội dung cơ bản:

1. Đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn hoạt động đánh phá của không quân, hải quân Mỹ, thấy rõ sự tàn phá của bom đạn kẻ thù là rất lớn, đặc biệt đối với hệ thống giao thông, đường sá, cầu cống, nhà máy, kho tàng, doanh trại, trận địa phòng không…

2. Chủ động công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn Quân khu nhằm làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch; chỗ mạnh, chỗ yếu của ta; chủ động phòng tránh, đánh địch…

3. Lực lượng vũ trang ba thứ quân, nòng cốt là lực lượng phòng không, pháo bờ biển phải xây dựng lại hệ thống trận địa vững chắc, có trận địa chính, có trận địa dự bị ở các trọng điểm; có trận địa cấu trúc sẵn ở những nơi dự kiến cơ động phục kích, có trận địa giả nghi binh. Thực hiện linh hoạt phương châm tác chiến trận địa, kết hợp với cơ động phục kích, ứng xử kịp thời với những thay đổi của đối phương.

4. Chủ động đánh và chủ động tránh là hai mặt của một vấn đề; cả bộ đội và Nhân dân cùng thực hiện. Nhưng với Nhân dân, chủ động phòng tránh là chủ yếu, để bảo vệ tính mạng, tài sản, duy trì sản xuất, sinh hoạt, phục vụ chiến đấu…

5. Phải bảo đảm mạch máu giao thông, tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam, đường Trường Sơn đi qua địa bàn Quân khu luôn thông suốt, đặc biệt là các trọng điểm, bến vượt sông, các tuyến đường độc đạo, đường đi qua địa bàn trống trải. Ở những trọng điểm phải tổ chức lực lượng tổng hợp gồm công binh, công nhân giao thông, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và Nhân dân tại chỗ để thường trực khắc phục kịp thời hậu quả đánh phá của địch, giải quyết ách tắc, thông đường kịp thời.

6. Xây dựng thời gian biểu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ cho phù hợp với điều kiện chiến tranh, với hoạt động đánh phá của địch, hạn chế tối đa thương vong…

7. Vừa chiến đấu, vừa chăm lo phát triển lực lượng về mọi mặt. Đặc biệt, phải có phương án tổ chức lực lượng đối phó với tình huống địch liều lĩnh tấn công ra Nam Quân khu.

Những vấn đề rút ra được Thường vụ Quân khu ủy và đồng chí Tư lệnh Quân khu nhất trí cao và cho hoàn chỉnh thành văn kiện trình Hội đồng Quốc phòng Quân khu, sau đó tiếp tục được Hội đồng bổ sung ý kiến và chỉnh lý thành Nghị quyết chính thức của Quân khu ủy để triển khai thực hiện rộng rãi trong toàn Quân khu. Sau khi đã có Nghị quyết lãnh đạo, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng thống nhất với đồng chí Nam Long - Tư lệnh Quân khu cho triển khai thực hiện những vấn đề trước mắt, chỉ đạo thi công địa đạo ở núi Quyết và cho di chuyển Bộ Tư lệnh Quân khu vào làm việc trong địa đạo. Tổ chức xây dựng các trận địa phòng không nghi binh theo các tuyến trọng điểm dọc trục đường số 1, cầu Phủ, rú Nài, gần thị xã Hà Tĩnh; đồng thời, tăng cường hỏa lực áp dụng chiến thuật phục kích trong tác chiến phòng không, tạo bí mật, bất ngờ để tiêu diệt địch. Kết quả ngày 26 tháng 3 năm 1965, ba tiểu đoàn cao xạ rú Nài - Hà Tĩnh được bố trí phục kích đã bắn rơi 2 máy bay F4 “thần sấm” khi chúng đang bổ nhào đánh phá vào trận địa giả; đây là trận phục kích mẫu mực được nhiều đơn vị trong toàn quân phổ biến, học tập.

Trong chỉ đạo tác chiến, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cũng nhiều lần có những ý kiến đề xuất, bàn bạc với đồng chí Nam Long - Tư lệnh Quân khu, sử dụng các phương án táo bạo, hiệu quả như: Dùng đèn pha có công suất lớn do Liên Xô viện trợ để chiếu sáng quét máy bay tầm thấp, giúp pháo thủ bắn máy bay ban đêm; hoặc như tổ chức Đại đội pháo 37mm cơ động tăng cường bảo vệ cầu Cấm - một trong những trọng điểm bị địch thường xuyên đánh phá, đi vào ban ngày, nếu địch phát hiện công kích thì vừa cơ động vừa bắn; kết quả Đại đội pháo 37mm đã cơ động chốt đón đúng hướng bổ nhào của máy bay địch, phối hợp cùng các trận địa có sẵn tổ chức chiến đấu, bắn rơi hai máy bay và bắn bị thương một chiếc khác; thắng lợi này là cơ sở để ta nghiên cứu nghệ thuật tác chiến đánh máy bay địch trong hành tiến ban ngày. Về chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển đánh tàu chiến địch, sau những ngày thực tế cơ sở, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu chọn 5 vị trí là các mỏm núi nhô ra biển rải đều từ Nghệ An vào Vĩnh Linh để cấu trúc trận địa pháo đất đối hải, khi phát hỏa sẽ tạo thành lưới lửa đan chéo nhau theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, kết hợp với lưới lửa của dân quân ven bờ đánh địch, nếu địch liều lĩnh tiếp cận vào gần đất liền.

Để đáp ứng yêu cầu bổ sung lực lượng cho tiền tuyến đẩy mạnh kháng chiến và bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Quân khu, năm 1965 Quân khu 4 đã bổ sung 22.111 cán bộ, chiến sĩ lên đường vào Nam chiến đấu. Trong số này, có một sư đoàn hoàn chỉnh (Sư đoàn 325B), hai trung đoàn 18 và l01, 12 tiểu đoàn, 7 đại đội. Cũng trong năm đầu chiến tranh, 61.207 thanh niên và quân nhân xuất ngũ, phục viên đã được tuyển gọi hoặc động viên vào bộ đội. Riêng lực lượng phòng không chủ lực đã xây dựng được 12 trung đoàn, 16 tiểu đoàn cao xạ và 300 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, được tổ chức thành các đại đội độc lập là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ các mục tiêu quan trọng như cụm Hàm Rồng, đập Bái Thượng, Bara Đô Lương, khu vực Vinh - Bến Thủy, Linh Cảm, khu vực Gianh - Xuân Sơn - Long Đại. Lực lượng đánh máy bay tầm thấp của dân quân tự vệ được củng cố về tổ chức, tăng cường về quân số và bố trí rộng khắp; vũ khí bắn máy bay trong dân quân tự vệ có 48.227 súng trường, 250 đại liên, 1.027 trung liên. Bên cạnh bộ phận “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” và lực lượng trực chiến không thường xuyên, các địa phương tự tổ chức 584 đội dân quân tự vệ trực chiến thường xuyên, sẵn sàng đánh trả các đợt tấn công của không quân Mỹ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động thi đua đặc biệt kỷ niệm 100 năm
Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023). 
Ảnh: LAN ANH

 

Những ngày cuối tháng 3 năm 1965, không quân Mỹ oanh tạc hệ thống cầu cống lớn trên trục đường sắt và các tuyến đường bộ số 1, 7, 8, 12 và Đường 15; tập trung đánh phá các mục tiêu như bến đò, bến phà, bến vượt dọc các địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các lực lượng phòng không và dân quân tự vệ đã kiên cường đánh trả bảo vệ mục tiêu, hạ 22 chiếc, đưa tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lên hơn 100 chiếc, trong đó quân và dân các tỉnh Quân khu 4 đã hạ 53 chiếc. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 01 tháng 4 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho quân và dân Quân khu 4.

Qua một năm trên cương vị Chính ủy, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh giữ vững niềm tin, đánh trả mạnh mẽ không quân và hải quân Mỹ, bắn rơi 454 máy bay, bắn chìm, bắn cháy hàng chục tàu, thuyền biệt kích.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, đẩy mạnh sản xuất kịp thời chi viện nhân tài, vật lực cho các chiến trường.

Trước những hoạt động đánh phá có tính ngăn chặn của không quân và hải quân Mỹ, bảo đảm giao thông tăng cường sự chi viện cho miền Nam trở thành nhiệm vụ trọng yếu của quân và dân miền Bắc. Trong hai ngày 31 tháng 5 và ngày 01 tháng 6 năm 1965, Hội đồng quốc phòng Quân khu 4 họp quán triệt một số vấn đề trong công tác giao thông vận tải ở các tỉnh trên địa bàn; Hội nghị nhấn mạnh: “Làm cho mọi người hiểu rõ bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ cách mạng của mình, bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo đảm cho được tuyến đường số 1, đường số 15, các đoạn đường số 8, đường số 12 thông suốt”. Tiếp đó, ngày 26 tháng 8 năm 1965, liên Bộ Quốc phòng - Giao thông vận tải họp với Quân khu 4 quyết định mở chiến dịch vận chuyển trong tháng 9 năm 1965; nhiệm vụ và chỉ tiêu về bảo đảm giao thông vận tải được Hội đồng Chính phủ giao cho Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh và coi đó là pháp lệnh thời chiến.

Từ giữa năm 1965, quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường; bằng lực lượng mạnh, kết hợp với việc phát huy ưu thế về phương tiện chiến tranh hiện đại, địch đã gây cho ta nhiều tổn thất; trên mặt trận đảm bảo giao thông có hiện tượng ùn tắc, hàng vận chuyển vào chậm so với yêu cầu của chiến trường. Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định “quân sự hóa” tuyến vận tải, giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy thống nhất các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải trên các tuyến đường số 1, 7, 8, 12 và 15 thuộc địa bàn Quân khu 4. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã nhanh chóng thống nhất trong Quân khu ủy, tổ chức vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện vào điều kiện cụ thể trên địa bàn, khẩn trương chấn chỉnh lại tổ chức biên chế cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Lực lượng vận tải tập trung của Quân khu từ một đại đội xe 36 chiếc đã nhanh chóng phát triển thành 6 binh trạm, biên chế hơn 1.000 người với 130 xe ôtô, 22 ca nô, 35 xà lan cơ động làm nhiệm vụ trên các hướng. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện bao gồm 26 đại đội được lệnh chuyển thành lực lượng chuyên trách giao thông công binh do tỉnh đội, huyện đội chỉ huy. Lực lượng này có ba nhiệm vụ: Bảo đảm cầu đường, đánh địch và phòng tránh bảo vệ mình. Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức thêm 182 đội công binh Nhân dân gồm 2.580 người; Quảng Bình tổ chức đội xung kích bảo đảm giao thông vận tải ở từng xã, gồm thanh niên và dân quân tự vệ; Thanh Hóa tổ chức thêm 4 đại đội công binh. Quân khu 4 hoàn toàn đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông và ứng cứu trên các tuyến đường chiến lược đi qua địa bàn Quân khu.

Những ngày cuối 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Quân khu 4 bước vào chiến dịch bảo đảm giao thông vận tải mang tên “Chiến dịch Quang Trung”. Hàng trăm nghìn lượt người lên mặt đường, tập trung lấp hàng nghìn hố bom, làm hàng trăm km đường vòng tránh. Hàng chục nghìn mét khối đá được vận chuyển lên các tuyến đường phục vụ yêu cầu hàn vá, nâng cấp mặt đường. Hà Tĩnh huy động hơn 90.000 lượt người. Đoạn đường Hạ Trạch ở Nam phà Gianh bị đánh bật đi 300m, 1.000 cán bộ, bộ đội và nhân viên các cơ quan đảm nhận hàn gắn xong kịp phục vụ chiến dịch. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh hình thành thêm một hệ thống cầu phao song song với cầu phà ở các bến trên tuyến Đường 1. Trong dịp này, ta còn phá thêm hàng chục thác nước trên rào Trố, từ Kỳ Lâm (Kỳ Anh) đi Minh Cầm (Tuyên Hóa) dài 50km, mở thêm một tuyến vận chuyển hàng hóa và chở thương binh. Công binh các bến phà trực suốt ngày đêm với khẩu hiệu “Phà chờ xe, không để xe chờ phà”. Kết thúc “Chiến dịch Quang Trung”, hàng vào Vinh thực hiện được 115% kế hoạch (36.781 tấn so với kế hoạch đề ra là 33.210 tấn); hàng vào Quảng Bình, thực hiện được 25.396 tấn so với yêu cầu 25.222 tấn, đạt 59% kế hoạch cả năm 1966; hàng vào Vĩnh Linh, thực hiện được 123,5% chỉ tiêu (2.470 trên 2.025 tấn). Vòng quay xe từ Vinh đi Quảng Bình từ sáu đêm rút xuống còn hai ngày.

Trong đạn bom đánh phá khốc liệt của quân thù, các hoạt động của quân và dân Quân khu 4 càng trở nên khẩn trương. Các địa phương và đơn vị tập trung khắc phục mọi khó khăn, triển khai toàn diện công tác bảo đảm giao thông, chi viện tiền tuyến. Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh xác định bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ trung tâm đột xuất số một của Đảng bộ và Nhân dân địa phương. Nhiều cán bộ của Bộ Giao thông vận tải và của Quân khu được điều về các tỉnh, các địa phương triển khai thực hiện công tác bảo đảm giao thông vận tải. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy thông suốt, những đoàn tàu, đoàn xe đêm ngày vẫn lăn bánh hướng vào Nam, kịp thời cung cấp nhân lực, vật lực cho các chiến trường đánh to, thắng lớn.

Các đại biểu tham quan triển lãm sách, ảnh về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trung tướng
Đồng Sỹ Nguyên tại Quảng Bình. 
Ảnh: C.T.V

 

3. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế, phối hợp, liên minh chiến đấu với bạn Lào, đánh thắng kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược.

Tháng 5 năm 1965, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Trung - Hạ Lào (ký hiệu là Mặt trận 565) thuộc Quân khu 4, nhằm phối hợp cùng bộ đội Pa-thét Lào đánh bại các cuộc càn quét, tiến công của địch hòng lấn chiếm vùng giải phóng; xây dựng, củng cố, tăng cường lực lượng vũ trang, khôi phục đẩy mạnh phong trào vùng sau lưng địch. Phạm vi hoạt động của Mặt trận 565 từ Trung đến Hạ Lào. Lực lượng gồm: Trung đoàn 29, Trung đoàn 27, Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện ở Hạ Lào, Tiểu đoàn 1 quân tình nguyện, 3 đại đội công tác cơ sở (7, 8, 9), 6 trung đội địch hậu và 4 trung đội cán bộ làm công tác xây dựng cơ sở. Phía Bạn có năm tiểu đoàn chủ lực bộ binh, một tiểu đoàn pháo mặt đất, một tiểu đoàn pháo cao xạ; mỗi tỉnh có từ một đến hai đại đội độc lập, bộ đội địa phương huyện và du kích. Ngoài ra, Mặt trận thành lập thêm các đại đội binh chủng: Thông tin, trinh sát, công binh, trung đội vệ binh và hệ thống trạm. Sau khi Mặt trận được thành lập, cuối tháng 6 năm 1965, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Quân ủy Trung ương quyết định làm Chính ủy Mặt trận, vừa vào chiến trường nhận nhiệm vụ, đồng chí nhận điện của Bộ Tổng Tư lệnh quyết định làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận 565 thay đồng chí Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Mặt trận được trên giao nhiệm vụ khác.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh, Mặt trận Trung - Hạ Lào phải mở chiến dịch sớm, tạo điều kiện cho Tuyến 559 mở đường vận tải cơ giới, đưa vận tải cơ giới vào Trường Sơn. Ngày 31 tháng 10 năm 1965, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên quyết định mở đợt hoạt động trên Đường 12, phá vỡ hệ thống phòng ngự Na Đu - Xê Băng Phai, thu hút chủ lực địch ở các nơi đến, đặc biệt là chủ lực ở Đường 9, phá kế hoạch của địch lấn chiếm Đường 9, bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển của ta. Sau một loạt trận đánh phục kích, tập kích ở bản Khen, Khát Khan, Kê Peng, Na Đon, Noọng Bua, tập kích phỉ Mẹo ở Văng Viêng, tháng 11 năm 1965, Tiểu đoàn 927 được giao nhiệm vụ phối hợp với một đại đội thuộc Tiểu đoàn 15 của Bạn, tổ chức trận đánh táo bạo tiêu diệt cứ điểm Pha Hom nằm sâu trong tung thâm phòng ngự của địch, án ngữ Đường 12, được bố trí theo kẹt núi, sát chân núi đá. Khắc phục khó khăn gian khổ, Tiểu đoàn 927 đã dòng dây, bắc thang qua những mỏm đá tai mèo, dốc núi dựng đứng, mang vác vũ khí vào vị trí tập kết và tổ chức nổ súng đúng thời gian quy định. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt, đến 15 giờ ngày 11 tháng 11, địch núng thế phải bỏ chạy, Tiểu đoàn 927 cùng các đơn vị Bạn tổ chức truy kích, phục kích diệt thêm một số địch. Trận Pha Hom giành thắng lợi đánh dấu sự tiến bộ về chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội ta trong tiến công đột phá vị trí hiểm yếu, đánh vỡ thế phòng ngự của địch.

Tháng 1 năm 1966, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục chỉ đạo sử dụng một số đơn vị tiến xuống Hạ Lào. Các đơn vị quân tình nguyện Quân khu 4 đã phối hợp với lực lượng vũ trang của Bạn chiến đấu ở Noọng Xây, Pheng Đeng, Pha Nom, Na Đon, Hin Bun, đông bản Xanh, bản Bung, điểm cao 164, đánh thiệt hại nặng bọn lính Vàng Pao ở bản Khoe. Trong mùa khô 1965 - 1966, Mặt trận 565 của Quân khu 4 đã hỗ trợ cho lực lượng của Bạn loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, bắt 77 tên, thu 6 xe (có 2 xe bọc thép), 16 khẩu ĐKZ, 14 súng cối, 295 súng bộ binh, 131 tấn đạn, 19 đài vô tuyến điện, giải phóng hoàn toàn Xê Con Đan, đẩy lùi địch về Xê Đăng Xoi. Tiếp đó, ta giải phóng vùng Cheng-ra-tê-pơ, buộc địch bị động phân tán lực lượng đối phó, bỏ dở kế hoạch lấn chiếm Đường 9, không thực hiện được kế hoạch “bình định” vùng Lào Ngam và Salavan. Cuối tháng 1 năm 1966, trong chuyến thị sát kiểm tra công tác chuẩn bị mở chiến dịch, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn xe bị máy bay địch bắn phá bị thương, được Quân khu 4 đón về điều trị tại Quân y Viện 4 và chuyển tiếp ra Quân y Viện 108, sau đó được cấp trên bổ nhiệm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương… Những vị trí công tác thử thách trên cương vị mới, trọng trách mới của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đều gắn liền với quê hương “tuyến lửa” Quân khu 4 anh hùng.

Ngày nay, trong quá trình đi lên xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 4 nói riêng, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, phấn đấu, rèn luyện, học tập, công tác theo tấm gương tiêu biểu của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân và dân Quân khu 4 luôn ghi nhớ và tự hào có đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, người con quê hương, người cán bộ xuất sắc của Đảng, Nhà nước, một vị tướng đức độ, tài năng đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tô thắm thêm trang sử truyền thống hào hùng của lực lượng vũ trang Quân khu 4 và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trung tướng HÀ THỌ BÌNH, Tư lệnh Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội