"Các anh ơi về với đất Mẹ!"
Trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược đầy gian khổ và hào hùng, cùng với sự anh dũng chiến đấu trên các chiến trường trong nước, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh cùng quân và dân Lào anh em chiến đấu chống kẻ thù chung, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào. Sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của cả hai nước; nhưng nỗi đau thương, mất mát vẫn còn day dứt vì đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã nằm lại trong lòng đất bạn mà chưa được trở về với quê hương đất mẹ. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn coi công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào là một nhiệm vụ chính trị thiêng liêng đặc biệt quan trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người con ưu tú đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Lịch sử ùa về từ lòng đất
Đầu mùa khô 2024–2025, tại một hang đá sâu trong rừng rậm tỉnh Khăm Muộn, từ thông tin quý báu của ông Kẹo Vi Lay Vông Ma Ni, người dân bản Thả Thật, huyện Nhôm Mạ Lạt, Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã tìm thấy hài cốt cùng nhiều di vật còn nguyên vẹn. Những kỷ vật ấy không chỉ là chứng tích chiến tranh, mà còn là hiện thân của tình cảm, của sự gắn bó keo sơn Việt – Lào từ những ngày máu chiến đấu chống kẻ th, võng, vỏ đạn súng K54, hộp thịt hộp, đế giày bộ đội Việt Nam…
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình kể lại. “Chúng tôi phát hiện hài cốt ở một hang đá sâu hun hút, giữa rừng già Khăm Muộn. Nơi đó hiểm trở lắm, chỉ cần sẩy chân một bước là rơi thẳng xuống vực. Lối vào hang thì nhỏ đến mức từng người phải cúi rạp mình, lách qua khe đá, tay bám vào vách trơn nhớp rêu, lòng thì cứ thắt lại mỗi lần nghe tiếng đá rơi lách tách đâu đó trong tối.”Giọng ông chậm lại: “Để lên được đến nơi chôn cất, cả đội phải leo gần 50 mét vách đá dựng đứng. Có đoạn chỉ một mỏm đá nhỏ bám chân, hai tay tôi sờ vào vách lạnh buốt như đá băng. Trần hang cao và gồ ghề, chẳng khác nào nóc một căn nhà đã sụp từ lâu, nơi từng nhịp thở cũng nghe rõ. Chúng tôi cứ thế vật lộn với đá, với bóng tối, với mùi ẩm mốc của thời gian. Và rồi, ở nơi cao nhất, sâu nhất ấy, chỉ còn lại hài cốt nằm chênh vênh, lặng lẽ…”
Giây phút thắp nén nhang đầu tiên giữa bóng tối thăm thẳm, khói trầm nhẹ bay trong làn gió lặng, cả đội bỗng lặng người. Trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, ai cũng cảm tưởng như đang chạm vào linh hồn của người lính đã nằm lại nơi đây suốt mấy chục năm qua, một người đồng đội không tên, không tuổi, nhưng lại thân quen đến lạ lùng. Những giọt nước mắt hòa cùng mồ hôi mặn chát rơi xuống nền đá, vỡ òa trong niềm xúc động linh thiêng. Một người con ưu tú của Tổ quốc đã được tìm thấy. Giọng anh Bình nghẹn ngào: “Chúng tôi đứng giữa lòng hang lạnh buốt, ánh đèn pin mờ mờ quét lên từng lớp đất cứng, từng tảng đá xếp chồng lên nhau như một lời thách đố thời gian. Gùi theo ba lô, cuốc xẻng, dụng cụ… mà bước chân vẫn phải dò từng chút một. Không ai kêu than, không ai bỏ cuộc. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu mình đang trả một món nợ ân tình với những người đã gửi lại cả tuổi xuân trên đất bạn. Mỗi viên đá được nhấc lên, mỗi tấc đất được cào xới là một bước chân trở về với các anh hùng. Đây không chỉ là công việc, là một lời hứa danh dự, là sự tri ân sâu sắc của những người lính hôm nay với thế hệ cha anh đã khuất.”
Thiếu tá Đinh Lương Thịnh, Đội Quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Huế chia sẻ: “Ngày đầu sang đất bạn, mọi thứ đều xa lạ, không quen địa hình, hồ sơ liệt sĩ lại quá ít ỏi. Nhưng tôi luôn nghĩ: mỗi nắm đất được lật lên là một hy vọng. Mỗi bước chân đi là một lời gọi các anh về.”
Cùng đồng hành với các đội quy tập là những người dân Lào hiền lành, chất phác. Họ không chỉ xem bộ đội Việt Nam là ân nhân, mà còn coi việc chỉ mộ, hỗ trợ tìm kiếm hài cốt như một bổn phận thiêng liêng. Già làng Kẹo Vi Lay Vông Ma Ni kể: “Bố tôi kể lại rằng năm 1967, có bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại đây. Các anh được chôn cất tạm trong hang Thăm Hay. Nay bộ đội Việt Nam trở lại, tôi dẫn đường. Tôi nghĩ, đây là việc cần làm để tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì quê hương tôi.”Trong ký ức của ông và nhiều người dân bản Thả Thật, thời khắc không thể nào quên, khi ấy, các đơn vị bộ đội Việt Nam từng đóng quân ở các hang Thậm Phụ Căng, Thăm Hay để phối hợp chiến đấu. Ông kể: “Năm 1967, tôi từng làm liên lạc cho một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Đến năm 1970, nhiều anh đã hy sinh trong các trận chiến quyết liệt.”
Đại tá Ngô Nam Cường, Phó Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ: "Trong những năm tháng chiến tranh gian khó, với tinh thần quốc tế trong sáng và lòng thủy chung son sắt, những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã vượt núi băng rừng, có mặt trên đất nước Lào anh em, kề vai sát cánh cùng bạn chiến đấu vì độc lập, tự do. Họ không chỉ cùng nhân dân Lào chống lại kẻ thù chung, mà còn góp sức xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng nghìn hài cốt đã được đưa về an táng tại quê nhà. Nhưng vẫn còn rất nhiều Liệt sĩ đang nằm lại nơi rừng sâu xứ bạn. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đưa hết các anh về với đất Mẹ.”
Lời hứa ấy, suốt bao năm qua, vẫn được những người lính hôm nay gói ghém trong từng bước chân qua rừng sâu, núi thẳm. Họ đi qua ký ức, qua những lời kể chắp vá của đồng đội cũ, của người dân bản địa, thậm chí là qua những giấc mơ linh thiêng. Chỉ riêng mùa khô 2024–2025, các đội quy tập Quân khu 4 đã tìm được 118 hài cốt liệt sĩ tại Lào. Nhưng hành trình ấy vẫn chưa dừng lại. Bởi đâu đó trong những cánh rừng im lặng, vẫn còn những người con đất Việt đang chờ ngày trở về.
Ngay từ kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã dành sự hỗ trợ to lớn cho cách mạng Lào, tiêu biểu là việc thành lập “Liên quân Lào – Việt” năm 1949, một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc. Những bước chân người lính Việt đã in dấu trên các vùng biên giới và sâu trong nội địa Lào, sát cánh cùng quân đội Pathet Lào giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn.
Đến kháng chiến chống Mỹ, những đoàn quân tình nguyện tiếp tục lên đường. Họ giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, dựng lên những căn cứ cách mạng, rồi cùng nhau giữ gìn từng vùng giải phóng trước làn bom đạn ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến 1989, người lính Việt vẫn chưa dừng bước. Họ ở lại đất bạn, góp sức giữ gìn an ninh - chính trị, tiếp tục vun đắp cho sự phát triển của Lào trong hòa bình...
“Đã có hàng vạn chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam lặng lẽ hành quân sang đất Lào, chiến đấu và ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng chung. Nhiều người ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp gửi về quê nhà một lá thư hay lời trăng trối cuối cùng. Họ nằm lại giữa rừng sâu, không kèn trống, chỉ còn tiếng vọng của đất trời và ký ức không lãng quên, viết nên một bản tráng ca bất tử trong lòng nhân dân hai nước” – Đại tá Ngô Nam Cường xúc động chia sẻ.
Dấu chân không mỏi giữa rừng thiêng
Vượt lên bao thử thách, cán bộ, chiến sĩ các đội quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 4 vẫn ngày ngày lặng lẽ băng rừng, vượt núi, đi qua những bản làng xa xôi trên đất Lào. Với niềm tin không bao giờ tắt, trái tim không chịu lùi bước, họ lần tìm theo từng dấu tích mờ phai trong hồ sơ, trong lời kể của đồng đội cũ, của những nhân chứng thôn bản, và cả từ những giấc mơ linh thiêng. Bởi hành trình ấy, hơn cả một nhiệm vụ, là cuộc trở về với quá khứ, là sợi dây kết nối thiêng liêng giữa những thế hệ, với những mất mát không thể nào quên.
Thượng tá Phạm Hữu Tiến, Chính trị viên Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Có lần, khi phát hiện dấu vết đầu tiên trong khu rừng heo hút, cả đội gần như vỡ òa. Nỗi xúc động không thể kìm được. Những tiếng gọi ‘các anh ơi, về với đất Mẹ’ vang lên trong nước mắt.” Khi phát hiện hài cốt, công tác cất bốc và hồi hương được tiến hành đầy đủ nghi thức. Hài cốt được bảo quản cẩn thận, bọc trong vải đỏ, đưa về quê hương trong sự đón nhận của người thân và đồng đội. Lễ an táng tổ chức trang trọng tại nghĩa trang liệt sĩ, nơi linh hồn các anh được yên nghỉ trong lòng đất Mẹ. Ông Tiến xúc động: “Chúng tôi sẽ không về khi chưa tìm được anh em mình”, câu nói ấy vang lên dứt khoát giữa núi rừng. Nhưng phía sau quyết tâm ấy, là sự chờ đợi mỏi mòn, là ánh mắt người mẹ, người vợ, người anh, người chị hướng về phía biên cương vô định. Bởi, hành trình đi tìm các anh, không chỉ là nhiệm vụ, mà là tiếng gọi từ trái tim.
Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Huyên (72 tuổi, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ hành trình 50 năm, chỉ mong tìm được mộ anh, để cha mẹ nơi suối vàng yên lòng: “Anh tôi, Nguyễn Khắc Trường là một chiến sĩ trinh sát đặc công, đồng thời cũng là một nhà văn, họa sĩ trẻ đầy tài năng. Anh hy sinh trên đất bạn Lào năm 1972, khi mới 21 tuổi. Từ ngày ấy, gia đình tôi sống trong nỗi day dứt khôn nguôi bởi không biết anh nằm lại nơi đâu…”
Câu chuyện bắt đầu từ nỗi đau chung của biết bao gia đình có người thân ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhưng điều khiến ký ức ấy cứa sâu hơn, chính là sự bặt vô âm tín suốt gần 50 năm, không một manh mối khả dĩ, không nấm mồ để thắp nén nhang. Suốt những năm tháng ấy, người em trai âm thầm lần theo dấu vết. Ông tìm kiếm qua bạn bè đồng ngũ, gửi thư cho chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên VTV2, tra cứu thông tin trên mạng, đi đến tận nơi, dò tìm từng danh sách tại nghĩa trang dọc biên giới Việt – Lào, tra cứu thông tin trên mạng… nhưng tất cả chỉ là những mảnh ghép rời rạc.
Ông kể: “Cha mẹ tôi mất trong sự mong mỏi khôn nguôi. Tôi từng hứa với họ: sẽ bằng mọi giá tìm anh trở về. Đó là điều thôi thúc tôi không dừng lại.” Năm 2018, sau gần nửa thế kỷ, tia hy vọng bừng sáng khi Tổng cục Chính trị cung cấp trích lục hồ sơ, xác định được đơn vị, địa điểm hy sinh và tọa độ chôn cất ban đầu. Nhờ sự phối hợp của Đội quy tập liệt sĩ Quân khu 4 cùng người dân bản địa, ông đã một mình sang Lào – vượt núi, băng rừng, đến được dãy Phu Khé Nam, Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) – nơi anh trai ông từng ngã xuống.
“Khi đến nơi, qua thông tin của đội quy tập và các già làng, trưởng bản, tôi biết mộ anh đã được quy tập về Việt Nam, nhưng tôi vẫn thắp nhang tại điểm chôn cất cũ. Tôi cúi xuống, nhặt một nắm đất nơi ấy, đã thấm máu anh tôi, mang về đặt trước bàn thờ gia đình. Đó là mảnh ký ức, là chứng tích thiêng liêng nối liền người sống và người đã khuất.” Hiện nay, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Khắc Trường đang yên nghỉ tại khu B, Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào (Anh Sơn, Nghệ An). Với gia đình, đó không chỉ là một phần mộ, mà là sự trở về của ký ức, của lòng biết ơn và cả niềm yên lòng muộn màng dành cho cha mẹ đã khuất.
Đôi mắt ánh lên đỏ hoe, ông Huyên khẽ bày tỏ hy vọng: “Tôi chỉ mong các anh, những người lính đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, mãi được nhân dân khắc ghi. Và những gia đình như chúng tôi, sẽ có một ngày được thắp nén nhang trước ngôi mộ thật của người thân mình, chứ không chỉ trước những nấm mộ gió lặng lẽ…”.
Đại tá Ngô Nam Cường cho rằng, công tác quy tập không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là biểu hiện sâu sắc của tình cảm quốc tế trong sáng, của mối quan hệ Việt – Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Nhân dân hai nước đã cùng nhau đi qua những năm tháng khói lửa, và nay tiếp tục đồng hành trong hành trình tìm lại dấu vết của những người đã hy sinh. Từ việc phối hợp tìm kiếm, xác minh thông tin, tổ chức lễ truy điệu…, mỗi hoạt động đều góp phần thắt chặt thêm sợi dây nghĩa tình giữa hai dân tộc. Việc đưa các anh trở về không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là cách để giáo dục thế hệ hôm nay, để thế hệ sau hai bên biên giới hiểu rằng: tình bạn giữa hai dân tộc này không chỉ được viết bằng văn bản, mà được hun đúc bằng máu, bằng xương và cả nước mắt.
Những dấu chân không mỏi vẫn miệt mài giữa rừng Lào, tiếp tục chuyến hành hương ngược thời gian. Và những lời thầm gọi “các anh ơi, về với đất Mẹ” mãi ngân vang như một khúc tráng ca bất tử.
Bài, ảnh: HỒ VIỆT, HOÀNG OANH
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận