Thứ bảy, 11/05/2024 - 16:05
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023)

Hiệp định Paris 1973 - Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký chính thức. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, của sự phối hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán, là điển hình của việc kết hợp chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Độc lập, tự chủ - Quan điểm xuyên suốt

Trong các cuộc kháng chiến, Việt Nam luôn coi trọng giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự cường, tự lực cánh sinh, khi phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù ngoài tiền tuyến, cũng như khi đối diện với đối phương trên bàn đàm phán. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), chúng ta chủ trương dựa vào sức mình là chính để “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, chứ không ỷ lại, trông chờ bên ngoài.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975); Việt Nam lường trước được hệ lụy từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những hậu quả của cuộc khủng hoảng tên lửa Caribê năm 1962, mà nạn nhân là nước nhỏ, nước yếu. Do đó, chúng ta không muốn để đất nước Việt Nam trở thành “đấu trường” giữa các nước lớn, càng không muốn để nước lớn định đoạt vận mệnh của dân tộc mình. Thậm chí, có một vài quốc gia muốn đưa quân vào giúp đỡ nhân dân Việt Nam, nhưng Đảng, Nhà nước ta chỉ đồng ý để họ làm nhiệm vụ như: Huấn luyện, sửa đường xá... vì chúng ta muốn tự lực cánh sinh, độc lập, tự chủ trong thực hiện đường lối kháng chiến của mình.

Từ năm 1965 đến cuối năm 1966, đế quốc Mỹ vừa tăng cường leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, vừa tung luận điệu “hòa bình giả hiệu”, yêu cầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi vào đàm phán. Các nước anh em, bạn bè trên thế giới, trong đó có Liên Xô và 14 nước thuộc “Phong trào không liên kết” kêu gọi ta ngồi nói chuyện với Mỹ để giải quyết chiến tranh. Một số nước khuyên ta tiếp tục đấu tranh quân sự cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Những ý kiến đóng góp của bạn bè trên thế giới đều được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trân trọng, nghiên cứu; nhưng Trung ương Đảng ta cũng giải thích, trao đổi để bạn bè thế giới hiểu rõ đường lối đấu tranh độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1968, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam (lấy đô thị là hướng tiến công chủ yếu), buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán chính thức giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra đối với Việt Nam: Đọ sức trên chiến trường đồng thời với đọ sức trên mặt trận ngoại giao - Cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Hiệp định Paris 1973-Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm
Toàn cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Âm mưu cô lập Việt Nam của đế quốc Mỹ

Trong suốt quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, phía Việt Nam đấu tranh trên mọi phương diện liên quan đến cuộc chiến, nhưng tập trung vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi Mỹ rút hết quân viễn chinh và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Chủ trương này được chính phủ nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Dư luận thế giới cho rằng phía Việt Nam đã tỏ rõ “thiện chí hòa bình”, đòi Chính phủ Mỹ sớm chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tại Hội nghị Paris, ta thường xuyên tận dụng các diễn đàn công khai với những bài phát biểu chính thức, những bài chính luận sâu sắc, nhằm tranh thủ dư luận. Ta hết sức coi trọng công tác vận động báo chí. Trong gần 5 năm đàm phán, Hội nghị Paris đã tiến hành gần 500 cuộc họp báo, xem đây chính là cơ hội quý để tranh thủ tố cáo sự ngoan cố của Mỹ cùng chính quyền tay sai Sài Gòn, đồng thời, nêu cao lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình, góp phần tích cực vào khối đoàn kết của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam, cô lập mạnh mẽ Mỹ - chính quyền Sài Gòn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, phía Mỹ luôn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có mặt tại miền Nam) “cùng rút quân”, đồng thời, ra sức thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn, thỏa hiệp với Liên Xô, Trung Quốc để gây sức ép với ta.

Đỉnh điểm chính sách ngoại giao nước lớn của Mỹ diễn ra vào tháng 5-1972. Ngày 1-5-1972, Richard Nixon triệu tập Henry A. Kissinger đến văn phòng làm việc của ông ta để bàn bạc về thủ đoạn đối phó cho lần đàm phán sắp tới. Dù chịu những thất bại to lớn trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam (đặc biệt là nhận được tin báo cáo việc đối phương đã kiểm soát tỉnh Quảng Trị và đang chuẩn bị tiến công vào Thừa Thiên Huế), nhưng Richard Nixon vẫn tin rằng có thể “trao đổi, thỏa hiệp” với Liên Xô để ép Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhượng bộ. Từ đó, Richard Nixon chỉ thị cho Henry A. Kissinger: “Dù cho bất kỳ việc gì xảy ra, thì trong các cuộc đàm phán vẫn không được thay đổi gì cả. Tôi không muốn ông nhượng bộ người Bắc Việt Nam chút nào. Do những tin tức như thế này, họ sẽ bốc lên như diều. Ông sẽ phải kéo họ xuống đất bằng cách ứng xử của mình. Không đa cảm, không nhã nhặn, không lịch sự. Vậy chúng ta sẽ cho các ông bạn Xô viết của chúng ta biết rằng tôi đã sẵn sàng bỏ rơi Hội nghị thượng đỉnh, nếu như đó chính là cái giá họ muốn bắt ta phải trả. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng sẽ không đến Hội nghị thượng đỉnh nếu như chúng ta vẫn còn gặp những khó khăn ở Việt Nam”.

Trong cuộc gặp ngày 2-5-1972 tại Paris, Henry A. Kissinger vẫn giữ thái độ lập trường thương lượng trên thế mạnh, đồng thời, đề cập đến việc Mỹ cũng đã trao đổi thảo luận với Liên Xô về những giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước thái độ lập trường đó của Henry A. Kissinger, Cố vấn Đặc biệt Lê Đức Thọ tỏ rõ kiên quyết: “Từ trước tới nay chúng tôi đã nói nhiều lần rằng có vấn đề gì các ông nói chuyện trực tiếp với chúng tôi, và chúng tôi trực tiếp nói chuyện với các ông. Chúng tôi không qua một người thứ ba nào cả. Bây giờ có gì thì chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các ông”. Mặt khác, ta kiên trì trao đổi, giải thích, thông tin về tiến trình đàm phán cho bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của bạn, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực từ chính sách ngoại giao nước lớn của Mỹ.

“Học thuyết Nixon” và cái gọi là “hòa bình trong tầm tay”

Năm 1969, Richard Nixon trúng cử lên làm Tổng thống Mỹ. Ngày 18-4-1969, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Nixon nói rằng ông cảm thấy triển vọng hòa bình ở Việt Nam đã “cải thiện đáng kể” từ khi ông nhậm chức. Ông viện dẫn sự bình ổn chính trị lớn hơn của chính quyền Sài Gòn.

Tuy nhiên, ngày 8-6-1969, Tổng thống Nixon công bố chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương tìm một con đường khác chứ không phải thông qua đàm phán để rút được quân Mỹ ra khỏi chiến tranh mà vẫn giữ được chính quyền và quân đội Sài Gòn. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ triển khai một kế hoạch toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế, trong đó quan trọng nhất là chuyển giao vũ khí hiện đại cho quân đội Sài Gòn, củng cố chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ngăn chặn mọi âm mưu đảo chính. Trên chiến trường, Mỹ tiến hành bình định quyết liệt, đồng thời mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào ngăn chặn tiếp tế của miền Bắc vào miền Nam, cô lập lực lượng cách mạng miền Nam từ bên ngoài. Về ngoại giao, chính quyền Nixon xây dựng một chiến lược toàn cầu mới trong khuôn khổ “Học thuyết Nixon”, tìm cách lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung trong quan hệ với Việt Nam, tìm kiếm một giải pháp thương lượng theo điều kiện có lợi cho Mỹ. Có thể nói, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã thật sự đẩy cuộc đàm phán trong Hội nghị Paris vào chỗ bế tắc. Những năm 1969 - 1972 là những năm giằng co quyết liệt giữa ta và địch trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán Paris.

Quân ta thắng lớn trên chiến trường

Năm 1971, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp với quân đội cách mạng Lào và Campuchia đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” tại khu vực Đường 9 - Nam Lào, cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” và cuộc hành quân “Quang Trung 4” của quân đội Sài Gòn ở Đông Bắc Campuchia và ở Tây Nguyên Việt Nam. Ngày 30-3-1972, quân và dân Việt Nam mở cuộc tiến công chiến lược, đánh địch trên mặt trận lớn từ Trị - Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long. Sau ba tháng tiến công, quân và dân Việt Nam giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và làm tan rã hơn 11 vạn tên địch, trong đó diệt 2 sư đoàn, 11 trung đoàn bộ binh, 6 trung đoàn thiết giáp, đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và một phần các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Bình Long và Phước Long; mở ra nhiều vùng quan trọng ở Khu V, Đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng gần 1 triệu dân.

Trước đòn tiến công mãnh liệt và bất ngờ của quân và dân miền Nam, Mỹ và quân đội Sài Gòn lúng túng, vội vàng bỏ tuyến phòng ngự bên ngoài co về phòng thủ tuyến trong. Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân miền Nam nổ ra ngày càng mạnh và đều khắp khiến Mỹ nhận thấy rằng quân đội Sài Gòn - xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ đổ vỡ.

Ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam, và tháng 5-1972, ra lệnh thả bom mìn bao vây, phong tỏa các sông ngòi, hải cảng ở miền Bắc Việt Nam. Đi đôi với các hoạt động quân sự trên chiến trường, Nixon tuyên bố hoãn không thời hạn các phiên họp của Hội nghị Paris; đồng thời tiến hành các hoạt động ngoại giao như đi thăm Trung Quốc, Liên Xô nhằm cô lập Việt Nam, ép Việt Nam phải đàm phán theo điều kiện có lợi cho Mỹ.

Không dừng lại ở đó, ngay phiên đầu tiên của đợt đàm phán mới vào ngày 20-11-1972, đại diện Chính phủ Mỹ đã đưa ra một số điều kiện mới theo yêu cầu và có lợi cho phía Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn, trong đó có nội dung: Phủ nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam; hai miền tôn trọng lãnh thổ của nhau, tôn trọng khu phi quân sự; yêu cầu ngừng bắn ở Lào và Campuchia cùng lúc với ngừng bắn ở Việt Nam; đòi các lực lượng vũ trang các nước Đông Dương phải ở trong biên giới quốc gia… Tại phiên họp ngày 24-11-1972, H. Kissinger đọc bức điện của Nixon trong đó có đoạn viết: “Tôi ra lệnh cho ông (Kissinger) cắt đứt nói chuyện và chúng ta phải hoạt động quân sự trở lại cho đến khi đối phương phải đàm phán nghiêm chỉnh”. Thực hiện ý đồ đó, từ ngày 18-12 đến ngày 29-12-1972, Nixon ra lệnh cho không quân và hải quân Mỹ mở trận tập kích chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với ý định gây sức ép, buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ… Quyết tâm bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ vào Hà Nội kéo dài suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và văn hóa Việt Nam, đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ, tạo thế vững mạnh cho hai đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi bước vào vòng cuối cùng của cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris.

Hiệp định Paris 1973-Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973. Ảnh: Lưu trữ Bộ Ngoại giao

 

Ngoại giao chủ động tiến công, “ra đòn” quyết định

Cuộc đám phán Việt Nam - Mỹ giữa Bộ trưởng Xuân Thủy và Đại sứ Harriman diễn ra hơn 5 tháng từ ngày 13-5 đến cuối tháng 10-1968 với 28 phiên họp công khai và 12 lần gặp bí mật cấp cao và nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ riêng ở các cấp khác. Đến ngày 27-10-1968, hai bên đã thỏa thuận được những vấn đề cơ bản như Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, đại diện của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng tham gia đàm phán. Ngày 31-10-1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấp nhận họp Hội nghị Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thừa nhận đại diện chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị.

Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25-01-1969, Hội nghị đàm phán bốn bên về vấn đề Việt Nam khai mạc tại Thủ đô Paris. Các cuộc đàm phán diễn ra từ năm 1969 đến năm 1973 là sự kết hợp giữa diễn đàn công khai bốn bên với gặp riêng cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ. Chủ trương của phía Việt Nam là phối hợp đấu tranh ngoại giao với hoạt động quân sự, chính trị, phá chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, bảo đảm cho quân và dân miền Nam tiếp tục chiến đấu mà dư luận vẫn đồng tình ủng hộ với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, do mỗi bên đều có ý đồ và mục tiêu riêng nên các cuộc đàm phán vẫn không đi đến kết quả cuối cùng. Phía Việt Nam kiên trì mục tiêu của mình là đòi Mỹ rút nhanh và rút hết quân đội viễn chinh và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, công việc ở Việt Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần chủ động đưa ra các giải pháp, cũng như dự thảo Hiệp định nhằm kết thúc Hội nghị. Song, phía Hoa Kỳ luôn tìm cách trì hoãn, đồng thời tiến hành các biện pháp quân sự nhằm ép Việt Nam phải ký kết hiệp định theo các điều khoản có lợi cho Mỹ.

Với sự kiên quyết và khôn khéo đấu tranh của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cùng việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, ngày 23-1-1973, tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được ký tắt giữa đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và đại diện Hoa Kỳ - Cố vấn H. Kissinger.

Hiệp định Paris được ký kết mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Với việc Mỹ rút quân viễn chinh và quân các nước đồng minh; nhưng lực lượng chính trị và vũ trang Việt Nam vẫn ở nguyên miền Nam đã tạo ra so sánh lực lượng mới, tạo thuận lợi cho việc đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đánh giá thắng lợi của Hiệp định Paris, trong “Lời kêu gọi” ngày 28-01-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định: “Với việc Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”. “Hiệp định Paris được ký kết là cơ sở chính trị và pháp lý đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, đảm bảo quyền tự quyết thiêng liêng của đồng bào ta ở miền Nam. Thắng lợi này là cơ sở để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước”.

Theo QĐND Điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội