Học tập Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quân phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu chiến lược trong tình hình mới
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương là biểu tượng sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo trí tuệ, mẫu mực về đạo đức cách mạng; tấm gương cao đẹp, trọn đời cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc mãi mãi được cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng như các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam tôn vinh, kính trọng và học tập, noi theo.
Gần 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt về quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và định hướng giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Với tư duy sắc sảo, tác phong sâu sát, hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, đi đến tận cùng vấn đề, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng làm sáng rõ bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới.
Trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; trên cơ sở nắm vững những thời cơ, thách thức của cách mạng Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội nói chung và Bộ Tổng Tham mưu nói riêng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, kịp thời tham mưu chiến lược ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước còn chưa nguy”; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và toàn quân đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, từ đó đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp trong việc hoạch định các chính sách, đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là các tình huống diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, phức tạp, không để bị động, bất ngờ. Đây là điều rất căn bản để giữ được “trong ấm, ngoài êm” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt như hiện nay, không phải quốc gia nào cũng làm được”. Đó cũng vừa là sự ghi nhận của đồng chí Tổng Bí thư đối với Quân đội, vừa là biểu dương những thành tích của Bộ Tổng Tham mưu trong công tác tham mưu chiến lược để giữ vững những thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh mới giành lại được.
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng ta, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu kỹ lưỡng, gợi mở, nêu vấn đề để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống; chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và những bài học kinh nghiệm để Trung ương phát triển, hoàn thiện, ban hành nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI và XIII). Cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận về chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia..., nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là bước phát triển mới về tư duy, lý luận của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Các chiến lược quân sự, quốc phòng là nền tảng để Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và ngành tham mưu toàn quân làm tốt công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng xây dựng QĐND Việt Nam theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; đề xuất xử trí thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Khi triển khai Kết luận số 16-KL/TW ngày 7/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam đến năm 2021 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và cơ quan chức năng các cấp phải có quyết tâm chính trị rất cao, phương pháp đúng, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để có kế hoạch, lộ trình và bước đi phù hợp...”. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, với trách nhiệm cơ quan xây dựng tổ chức biên chế; với quyết tâm chính trị cao và giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đến nay, về cơ bản tổ chức Quân đội được điều chỉnh phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Trong đó, cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch được điều chỉnh theo hướng giảm các đơn vị phục vụ, đầu mối trung gian và từng bước khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Noi gương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam nói riêng nguyện ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng phấn đấu, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, xử trí thắng lợi các tình huống chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các cơ quan và đội ngũ cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tinh thần “5 quyết tâm, 5 chủ động” theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu chiến lược. Thường xuyên nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực; xác định rõ đối tác, đối tượng và sự chuyển hóa của đối tác, đối tượng để chủ động, nhạy bén nghiên cứu, dự báo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định các chủ trương, sách lược đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp. Tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật tác chiến phù hợp với các loại hình chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, xu hướng các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới những năm gần đây để chủ động tham mưu, đề xuất điều chỉnh thế bố trí chiến lược, các phương án, kế hoạch phòng thủ đất nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng. Duy trì nghiêm chế độ ứng trực, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, an toàn, hiệu quả. Tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Quyết tâm điều chỉnh tổ chức lực lượng tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị. Tổ chức lại, ban hành biểu tổ chức, biên chế và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của một số cơ quan, đơn vị gắn với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, tập trung xây dựng Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong cơ quan tham mưu chiến lược.
Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, bảo đảm nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp, đồng thời tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về sử dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; bảo đảm đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ toàn diện, giàu tâm huyết, mưu lược, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bốn là, quán triệt, vận dụng sáng tạo nghệ thuật “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng; Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 53-KL/TW ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; đồng thời, bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đối ngoại quốc phòng với các ban, bộ, ngành Trung ương để tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, đối sách phù hợp và những vấn đề về quan hệ quốc phòng, góp phần xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã đi xa. Với lòng tiếc thương vô hạn, tri ân sâu sắc, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quân sẽ biến đau thương thành hành động cách mạng, quán triệt và thực hiện tinh thần “7 dám” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương, không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận