Hội thảo khoa học “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”
Sáng ngày 20/5/2022, tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (21/5/1972 - 21/5/2022). Dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Tiến sĩ Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Tiễn sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện Trưởng Viện lịch sử quân sự; Đồng chí SẻngPết Hung un-huong, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tại Việt Nam và đồng chí tùy viên Quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành tỉnh Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào.
Đầu năm 1972, thực hiện quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương ta quyết định tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và vũ khí trang bị tổ chức tiến công địch trên 3 hướng: Đông Nam Bộ, Trị - Thiên và Tây Nguyên. Đồng thời, phát huy thế liên hoàn chiến trường, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào thống nhất: Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972, ta và Bạn chủ động tổ chức phòng ngự, kiên quyết không để địch tái chiếm địa bàn chiến lược quan trọng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, giữ vững thế chiến lược của cách mạng Việt Nam và Lào ở Thượng Lào, bảo vệ “sườn phải” cho hai chiến dịch của ta diễn ra ở Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Thực hiện chủ trương đề ra, đầu tháng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương ta và Bạn quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Lực lượng tham gia chiến dịch: Về phía Việt Nam, gồm có 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh; phía Lào, gồm có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội địa phương. Đây là lần đầu tiên ta và Bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào. Về phía địch, mặc dù thất bại nặng trong mùa khô 1971 - 1972, nhưng chúng ra sức tăng cường lực lượng, hòng thực hiện cuộc tiến công chiến lược vào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, địch đã tập trung ở Quân khu 2 tới 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, được không quân Mỹ chi viện. Từ ngày 21 tháng 5 năm 1972, không quân địch đánh phá dữ dội vào các điểm cao trọng yếu ở khu trung gian. Đến ngày 25 tháng 5, bộ binh địch chính thức mở cuộc tiến công vào khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Dựa vào thế trận phòng ngự được ta và Bạn chuẩn bị khoa học, vững chắc, có chiều sâu, bằng cách đánh mưu lược, sáng tạo, trải qua 179 ngày đêm (21.5 - 15.11.1972) liên tục chiến đấu, liên quân Việt Nam - Lào đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh đồng Chum. Liên quân Việt Nam - Lào đã đánh tổng cộng 244 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch; đánh bại 8 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại… Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 đánh dấu bước trưởng thành lớn về nhận thức, tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật và cách đánh trong điều kiện phòng ngự kéo dài suốt mùa mưa, khả năng tiếp tế khó khăn. Việc tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trong mùa mưa năm 1972 đã làm thay đổi cục chiến trường có lợi cho cách mạng Lào, tạo thế phối hợp hiệu quả với chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 là sự kiện lịch sử đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược, một biểu tượng sinh động về sức mạnh liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã diễn ra cách đây nửa thế kỷ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các cơ quan, đơn vị, các tướng lĩnh, nhà khoa học trong và ngoài nước, thông qua việc sưu tầm, khảo cứu nhiều nguồn tư liệu và cách tiếp cận mới, cho phép chúng ta nhận thức, đánh giá sâu sắc hơn, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để kế thừa, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị vĩ đại, mẫu mực, hiếm có giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, binh chủng; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; đặc biệt, có sự tham gia của ngài Đại sứ quán, Tuy viên quốc phòng nước CHDCND Lào.
Nội dung của các tham luận và ý kiến thảo luận đã tập trung luận giải nhiều nội dung cụ thể, với nguồn tư liệu phong phú, tiếp cận đa chiều, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, khẳng định thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng; rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tại cuộc Hội thảo, các tham luận đã tập trung đi sâu phân tích và làm sáng rõ những nội dung chủ yếu sau đây: Một là, Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 - Một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam – Lào. Hai là, Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 đánh bại thêm một bước cơ bản Học thuyết Níchxơn ở Lào, tạo ra thế và lực thuận lợi thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi quyết định. Ba là, Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 là biểu tượng sinh động về tình đoàn kết vĩ đại, trong sáng, thủy chung giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Bốn là, thắng lợi Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đánh dấu bước phát triển nghệ thuật chiến dịch, góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật quân sự của Quân đội ta. Đặc biệt, chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, nhạy bén của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước trong phân tích, đánh giá đúng cục diện chiến trường, chủ động chuyển sang loại hình chiến dịch phòng ngự đúng thời cơ; nghệ thuật lựa chọn chính xác các khu vực phòng ngự, chủ động lập thế trận phòng ngự vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu; nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý và vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả; sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả giữa Quân đội ta với Quân Giải phóng nhân dân Lào. Đó còn là bài học thành công của công tác Đảng, công tác chính trị và bảo đảm giao thông, hậu cần, kỹ thuật trong một chiến dịch phòng ngự qui mô lớn, liên tục, dài ngày.
Hội thảo khoa học là dịp chúng ta tôn vinh, tri ân những công lao, cống hiến, hy sinh của những người con ưu tú của dân tộc đã góp phần làm nên chiến thắng; khơi dậy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng 1972; kỷ kiệm “Năm hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào” - 60 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022); là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và cao cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực hiện thắng lợi phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào hôm nay và mai sau.
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời tiếp tục tăng cường củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới. Kết quả Hội thảo tạo cơ sở để các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, ta và bạn Lào, tiếp tục nghiên cứu, làm phong phú và sâu sắc thêm nội dung sự kiện lịch sử quan trọng này trong thời gian tới.
Tin, ảnh: HỒ VIỆT
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận