A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục sai lệch chuẩn mực xã hội của Quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội hiện nay

Trong suốt quá trình gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng với các lực lượng khác như sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tô thắm truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Quân nhân chuyên nghiệp là khái niệm để chỉ một nhóm quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Họ là “lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Quân đội”. Quân nhân chuyên nghiệp gồm có tại ngũ và dự bị.

Từ khái niệm trên thấy rằng, quân nhân chuyên có những đặc biệt cơ bản là đa dạng về thành phần xuất thân, thành phần dân tộc, cơ cấu vùng miền và lứa tuổi; được hình thành, phát triển từ nhiều nguồn, với phương thức tuyển chọn mang tính đặc thù quân sự; có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ được đào tạo trong và ngoài Quân đội ở nhiều bậc khác nhau như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học; có môi trường, điều kiện làm việc gắn với đặc thù quân sự, có tính kỷ luật cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ Tổ quốc.

Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm cao, quân nhân chuyên nghiệp đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ vươn lên làm chủ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ huy trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội. Họ chính là những quân nhân lao động trong các công binh xưởng chế tạo vũ khí trong những ngày đầu thành lập Quân đội; là những y sĩ, y tá làm nhiệm vụ cứu thương phục vụ chiến trường, chăm sóc sức khỏe bộ đội; là những quân nhân làm nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, những chiến đấu viên trong các quân, binh chủng của Quân đội hiện nay.

Đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng đảm nhiệm các nhiệm vụ ngày càng quan trọng về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và chiến đấu viên trong các binh chủng đặc biệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Quân nhân chuyên nghiệp hiện nay có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ ngày càng cao. Chính họ đã khai thác, sử dụng và làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong sự nghiệp  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với những biến đổi của điều kiện kinh tế, xã hội, kéo theo là biến đổi các giá trị, chuẩn mực xã hội. Biến đổi chuẩn mực xã hội diễn ra theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực làm phát sinh sai lệch chuẩn mực xã hội của các cá nhân, nhóm xã hội. Trong đó, có sai lệch chuẩn mực xã hội của một bộ phận quân nhân chuyên nghiệp và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật, với nhiều vụ việc nghiêm trọng của quân nhân chuyên nghiệp hiện nay.

Theo cách hiểu thông thường, sai lệch chuẩn mực xã hội của quân nhân chuyên nghiệp và biểu hiện về nhận thức, thái độ, hành vi của quân nhân chuyên nghiệp vi phạm các chuẩn mực hoặc quy tắc của pháp luật, điều lệnh, điều lệ, quy định và truyền thống tốt đẹp của Quân đội, có ảnh hưởng đến phẩm chất quân nhân cách mạng, uy tín, danh dự “Bộ đội Cụ Hồ”. Sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp bắt nguồn từ những sai lệch chuẩn mực xã hội nói chung có tác động đến nhận thức, thái độ và biểu hiện ở hành vi của quân nhân chuyên nghiệp. Các sai lệch chuẩn mực đó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như, xuất thân, vùng miền lãnh thổ, học vấn; sự quản lý, giáo dục của tổ chức; điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương nơi đóng quân; hoàn cảnh gia đình; ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện; yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và của cơ quan, đơn vị.

Đánh giá sai lệch chuẩn mực được thể hiện ở ba hình thái là nhận thức, thái độ và hành vi. Đây là, cách đánh giá mang tính chất tổng thể cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu định tính và định lượng, thường đi cùng từ khi xuất phát tới kết thúc của quá trình nghiên cứu sai lệch xã hội của quân nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu các tiêu chí nghiên cứu sai lệch chuẩn mực thường phải tập trung, nhấn mạnh tới mặt định lượng của vấn đề nghiên cứu, những biểu hiện có thể “cân, đong, đo, đếm” được. Điều này thể hiện rõ qua thái độ, hành vi của quân nhân chuyên nghiệp, vì có bộc lộ ra ngoài, để lại dấu vết trong đời sống, sinh hoạt và hoạt động quân sự. Vì vậy, tiêu chí đánh giá sai lệch chuẩn mực chủ yếu, cơ bản gắn với mức độ biểu hiện thái độ, hành vi của quân nhân chuyên nghiệp.

Sai lệch chuẩn mực xã hội của quân nhân chuyên nghiệp hiện nay rất đa dạng, phức tạp nếu không kịp thời ngăn chặn dễ dẫn tới hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân và tập thể. Tuy đa dạng và diễn ra trên nhiều lĩnh vực, song có thể nhận diện sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp ở một số nội dung chính như:

Trước hết là sai lệch chuẩn mực tư tưởng, chính trị. Đây là biểu hiện nhận thức không đầy đủ về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Biểu hiện phai nhạt lý tưởng, ngại học tập chính trị, bản lĩnh chính trị tư tưởng không thực sự vững vàng; còn biểu hiện dao động, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Chưa thực hiện nghiêm túc việc nói và làm theo Nghị quyết của Đảng, chưa tích cực, chủ động trong đấu tranh tư tưởng, lý luận; chưa giữ vững niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai đất nước, niềm tin chiến thắng của Quân đội.

Sai lệch chuẩn mực đạo đức, lối sống, là biểu hiện chưa quán triệt sâu sắc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Chỉ thị 87 – CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chưa thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và đề cao giá trị truyền thống, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”; biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống buông thả, thiếu rèn luyện về tư cách, đạo đức trong cuộc sống và công tác. Biểu hiện ở việc đam mê các trò tiêu khiển không lành mạnh như, rượu chè, cờ bạc, vay và cho vay nặng lãi, vay nợ không đủ khả năng chi trả, dây dưa, quan hệ với xã hội đen, tham gia các tệ nạn xã hội…

Cùng với đó, là sai lệch chuẩn mực trong xây dựng đơn vị chính quy, nền nếp, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật. Nghĩa là biểu hiện chấp hành chế độ, nền nếp chưa nghiêm, chưa đề cao ý thức tập thể và thái độ, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng đơn vị; tư thế, tác phong thiếu chính quy, mẫu mực, chấp hành không nghiêm khẩu hiệu “Toàn quân hành động theo điều lệnh”. Không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, có biểu hiện vi phạm kỷ luật thông thường; biểu hiện không tuân thủ nghiêm túc mệnh lệnh cấp trên; được nhắc nhở thì không tiếp thu, sửa chữa. Có một số cậy quyền “con cha, cháu ông, nhà có điều kiện” để thao túng hoạt động của đơn vị; kết bè phái, tham gia nhóm phi chính thức để tạo áp lực với đồng chí, đồng đội.

Sai lệch chuẩn mực định hướng nghề nghiệp quân sự, động cơ phục vụ Quân đội. Đây là những biểu hiện động cơ phục vụ Quân đội không rõ ràng, không toàn tâm, toàn ý; dao động trong lựa chọn nghề nghiệp quân sự, “chân trong, chân ngoài” với động cơ thuận lợi, an nhàn thì ở, khó khăn, vất vả xin ra quân, chuyển ngành. Biểu hiện dựa dẫm, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ; nhận thức không đầy đủ về chế độ, chính sách, thường đòi hỏi, chê bai, lúc nào cũng muốn cống hiến ít, hưởng thụ nhiều.

Ngoài ra, còn có sai lệch chuẩn mực về nhận thức và giải quyết các mối quan hệ xã hội. Đây là vấn đề sai lệch chuẩn mực đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Quân nhân chuyên nghiệp hiện nay có rất nhiều mối quan hệ phức tạp cả trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, xuất hiện các mối quan hệ trên không gian mạng bao gồm quan hệ kinh tế, quan hệ cùng nhu cầu, sở thích, quan hệ nam nữ bất chính, quan hệ với các thành phần bất hảo… Nhưng nhận thức và phương pháp giải quyết không thấu tình, đạt lý nên dễ dẫn tới những mâu thuẫn, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó giải quyết, hậu quả khó lường trong quan hệ của quân nhân chuyên nghiệp.

Sai lệch chuẩn mực một nguyên nhân quan trọng làm biến chất và dẫn tới vi phạm kỷ luật, pháp luật của quân nhân chuyên nghiệp. Bắt đầu từ những sai lệch chuẩn mực thông thường nếu không được quản lý, giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng và kịp thời ngăn chặn sẽ gây hậu quả khó lường, nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian gần đây của quân nhân chuyên nghiệp có nguyên nhân từ những tiểu tiết sai lệch chuẩn mực.

Để khắc phục sai lệch chuẩn mực nhằm góp phần hạn chế vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật của quân nhân chuyên nghiệp cần tập trung tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Trước hết là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng trong quản lý quân nhân chuyên nghiệp. Hoạt động có tổ chức, hoạt động trong tổ chức là một đặc trưng của xã hội hiện đại và con người hiện đại. Khi một tổ chức xã hội hoạt động chặt chẽ, trong tổ chức và các thành viên ít xảy ra các hành vi sai lệch chuẩn mực và ngược lại bởi vì “Tác động đến hành vi cá nhân còn có cả các thiếu sót của chuẩn mực, những rối loạn của các thể chế xã hội và sự xuyên tạc những định hướng giá trị trong ý thức của xã hội”. Do đó, để phòng ngừa, hạn chế, khắc phục hiện tượng sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn, hội đồng quân nhân ở các cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân chuyên nghiệp.

Thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho quân nhân chuyên nghiệp về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ cao nhất của sự phát triển đạo đức nhân cách là ở sự thấm nhuần sâu sắc, tự giác tuân theo những chuẩn mực xã hội tiến bộ. Do vậy, việc nhận diện và kiểm soát, khắc phục hành vi sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp đòi hỏi phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xây dựng đơn vị, xây dựng Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ nhận thức, thái độ, hành vi mà quân nhân chuyên nghiệp tự giác tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục các biểu hiện sai lệch chuẩn mực. Để hạn chế, ngăn ngừa sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp, trước hết, phải chú trọng kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục hệ thống chuẩn mực gắn với phát huy tính tích cực, tự giác, tự quản lý, tự rèn luyện của từng cá nhân.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” để khắc phục sai lệch chuẩn mực quân nhân chuyên nghiệp. Sai lệch chuẩn mực xã hội có tính chất lây lan giữa các cá nhân và nhóm xã hội. Sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp và các đối tượng khác luôn có mối liên quan biện chứng. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là chủ thể trực tiếp giáo dục, rèn luyện, quản lý, có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành, phát triển nhân cách của quân nhân chuyên nghiệp. Do đó, việc quản lý, rèn luyện cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” để khắc phục sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp.

Chủ động phối hợp giữa gia đình, bạn bè, tập thể để khắc phục hành vi sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp. Thực tiễn chứng minh, gia đình, nhóm bạn bè, tập thể là những yếu tố luôn có tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách cá nhân. Thái độ, hành vi của quân nhân chuyên nghiệp bị chi phối bởi yếu tố gia đình, bạn bè và tập thể quân nhân. Hiện tượng sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp có tính chất, quy mô, mức độ phức tạp hơn hiện tượng vi phạm kỷ luật của quân nhân chuyên nghiệp, vì thế, nó khó nhận diện, khó khắc phục hơn. Nếu không tìm hiểu đầy đủ nguyên nhân nảy sinh sai lệch, không tận dụng ưu thế của gia đình, của tập thể trong việc theo dõi, phát hiện, hạn chế hiện tượng sai lệch chuẩn mực quân nhân chuyên nghiệp thì việc hạn chế, khắc phục sẽ không triệt để, toàn diện. Kết hợp phát huy vai trò của gia đình, nhóm bạn bè, tập thể quân nhân trong quá trình hạn chế, khắc phục hiện tượng sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp là giải pháp quan trọng trong Quân đội hiện nay.

Chăm lo đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi để khắc phục sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp. Hiện nay, tình trạng vi phạm kỷ luật của quân nhân chuyên nghiệp gia tăng có nguyên nhân từ những biến đổi của đời sống; sai lệch chuẩn mực của họ là một biểu hiện để đánh giá công tác quản lý, xây dựng môi trường đơn vị. Trong Quân đội, việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự chuẩn mực trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng quản lý, rèn luyện và bảo đảm hạn chế, phòng ngừa sai lệch chuẩn mực quân nhân. Chuẩn hóa môi trường đơn vị chính là nội dung xây dựng môi trường văn hóa quân sự, có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế các hành vi sai lệch chuẩn mực của quân nhân chuyên nghiệp. Để thiết thực góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, rèn luyện, hạn chế, phòng ngừa sai lệch chuẩn mực quân nhân chuyên nghiệp, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm chuẩn hóa toàn diện, đồng bộ quy trình, nội dung, phương pháp quản lý, giáo dục; hệ thống quy chế, quy định và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy,… đối với quân nhân chuyên nghiệp.

Đại tá, ThS ĐẶNG VĂN THI


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội