A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo ở tỉnh Nghệ An

Kỳ 3: Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, đồng chí Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết cốt lõi của công tác dân vận là tạo sự đồng thuận. Đồng thuận trong Nhân dân, đồng thuận giữa các tổ chức, cá nhân, đồng thuận từ chủ trương đến thực tiễn cuộc sống thì mô hình có sức sống, sức lan tỏa và dễ dàng nhân rộng.

 

Đồng chí Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An trao đổi về kinh nghiệm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo.

 

Công tác dân vận đi trước, đi cùng, về sau

Để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đòi hỏi công tác dân vận phải đi trước, nắm bắt thông tin, nhu cầu thực sự của người dân, thực tiễn tại địa phương từ đó tham mưu chính xác địa chỉ, nội dung thực hiện mô hình. Cán bộ dân vận phải đi sâu, đi sát để tuyên truyền cho Nhân dân biết, hiểu về các chủ trương, kế hoạch đề ra, định hướng các nội dung thực hiện để Nhân dân đồng lòng, thông suốt nhận ra mình là chủ thể thực hiện và cũng là chủ thể thụ hưởng mô hình.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An làm việc với cơ sở.

 

Quá trình thực hiện, công tác dân vận phải xây dựng các kế hoạch, lập các tổ tuyên truyền vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các phần việc, nhiệt tình đóng góp vật chất, ngày công, hiến tài sản, đất đai… để thực hiện mô hình. Để Nhân dân thấy, tin và làm theo, cán bộ dân vận đã tích cực gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo”. Công tác tuyên truyền, vận động còn hướng tới các tổ chức, đơn vị để kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành cùng Nhân dân trên địa bàn thực hiện mô hình.

Mô hình gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tại thôn tổ 4, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn được cán bộ hệ thống dân vận toàn tỉnh đóng góp, hỗ trợ kinh phí.

 

Sau khi hoàn thành các nội dung công việc đề ra, cán bộ dân vận lại tuyên truyền, vận động nhân dân giám sát, gìn giữ, bảo vệ thành quả của mô hình. Công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện mô hình được triển khai bài bản, từ đó tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân rộng mô hình tại địa bàn khác.

Đồng bào Thái tại thôn tổ 4, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn vui hội kết đoàn.

 

Phù hợp với thực tiễn, đặc trưng vùng, miền, tập quán

Cán bộ dân vận phải nắm rõ tình hình, nhu cầu của người dân, xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, khảo sát, đánh giá cụ thể các thuận lợi, khó khăn từ đó xây dựng kế hoạch với các nội dung công việc cụ thể, phân công tổ chức, cá nhân phụ trách, thời gian hoàn thành và kết quả cần phấn đấu.

Mô hình “Dân vận khéo” phải có địa chỉ cụ thể với những phần việc rõ ràng, phù hợp với đặc điểm vùng miền, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Quá trình xây dựng mô hình, hệ thống dân vận các cấp không chỉ chú trọng đến nội dung vật chất mà còn quan tâm triển khai thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.

Đồng chí Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghẹ An dự sinh hoạt tổ dân vận Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

 

Đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình “Dân vận khéo” thường hướng đến các nội dung hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống di dịch cư trái phép, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, buôn bán người, buôn bán ma túy, gìn giữ và phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số…

Mô hình đèn thắp sáng – con đường cờ tại bản Nhang Thắm, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp.

 

Đối với vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, mô hình “dân vận khéo” thường hướng đến các mục tiêu chung của tôn giáo và xã hội như xây dựng đường cây xanh, đường cờ, điện sáng, thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn, phối hợp truyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa tại khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự vùng giáo...

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An trao đổi về mô hình “Dân vận khéo”
với hội đồng mục vụ Giáo xứ Dị Lễ.

 

Huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc

Nguồn lực xây dựng mô hình bao gồm cả kinh phí lẫn nhân lực tổ chức, thực hiện rất lớn. Ban chỉ đạo phong trào thi đua “dân vận khéo” các cấp đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị trong thực hiện các nội dung, phần việc; trong vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên ủng hộ chủ trương, đóng góp nguồn lực tập trung xây dựng mô hình.

Đại diện các tổ chức tham gia hỗ trợ mô hình trong lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống nước tự chảy tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.

 

Bên cạnh các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy kĩ năng dân vận khéo của mình, cán bộ dân vận còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn đóng góp phần việc, kinh phí hỗ trợ mô hình.

Để thực hiện thành công các mô hình, công tác dân vận cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tranh thủ sự ủng hộ của chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu trong vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.

Lãnh đạo ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An thăm, tặng quà người có uy tín tại huyện Quỳ Châu.

 

Ban Chủ nhiệm điều hành mô hình được thành lập để vận động nhân dân tham gia xây dựng, giám sát, bảo quản thành quả của mô hình; tổ chức cho các tổ dân cư kí cam kết thực hiện tiêu chí của mô hình, đánh giá các hộ thực hiện tốt, hộ chưa nghiêm túc thực hiện từ đó có giải pháp cải thiện, nâng cao ý thức của người dân.

Giáo dân xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành trồng hàng cây dân vận.

 

Sức lan tỏa trong cộng đồng

Từ  năm 2020 đến năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An đã vận dụng hỗ trợ gần 500 triệu đồng để xây dựng 35 mô hình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo; cấp huyện, cơ sở đã huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân để cùng xây dựng mô hình. Mặc dù số tiền hỗ trợ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy không lớn nhưng đã tạo “cú hích” cho cơ sở xây dựng và nhân rộng, lan tỏa mô hình tại địa phương. Nhiều mô hình vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo được duy trì trong thời gian dài, kinh phí ban đầu hàng chục triệu đồng nay lên tới hàng trăm triệu đồng, lan tỏa ra nhiều địa bàn trong huyện, trong tỉnh như: Mô hình “Bảo vệ nguồn lợi cá mát” tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương; mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu gắn với xóa đói, giảm nghèo tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong; mô hình “Vận động Nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng đường điện an ninh, phấn đấu xây dựng bản đạt chuẩn nông thôn mới” tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu; mô hình “Xứ đạo an lành – văn minh” tại Giáo xứ Vạn Thủy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp” tại xóm Trang Đen (Giáo xứ Trang Đen), xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn; mô hình đường hoa tại Giáo xứ Quy Hậu, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ; mô hình “Đường cây dân vận” tại giáo xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành …

Mô hình đường cây dân vận tại Giáo xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành.

 

Mô hình “Dân vận khéo” không chỉ mang lại hình ảnh mới khang trang, đẹp đẽ mà còn tạo sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các dân tộc thiểu số, với chức sắc, chức việc tôn giáo, giữa đồng bào theo và không theo tôn giáo trên địa bàn, khích lệ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng dân tộc, vùng giáo.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng dân tộc, vùng giáo là nội dung không mới, nhưng hệ thống dân vận các cấp đang có cách làm mới. Từ những mô hình nhỏ như hỗ trợ thiết chế nhà văn hóa đã lan tỏa, nhân rộng thành mô hình lớn có giá trị hàng trăm triệu đồng; từ một nội dung nhân lên thành nhiều nội dung trong một mô hình; từ một địa bàn nhỏ lan tỏa ra nhiều địa bàn khác, ngày một quy mô hơn; từ một vài ngành tham gia nhân lên thành cả hệ thống chính trị tại cơ sở và chức sắc, chức việc vào cuộc cùng chung tay xây dựng mô hình…

Mô hình đường cờ đại đoàn kết tại khối 7, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.

 

“Dân vận khéo việc gì cũng thành công”

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, hệ thống dân vận toàn tỉnh đã thực hiện 5 phương châm "khéo" và 5 phương pháp "khéo":

Thực hiện 5 phương châm "khéo": Khéo dựa vào sức dân; Khéo vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị trọng tâm và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để lựa chọn, chỉ đạo xây dựng mô hình phù hợp, có ý nghĩa thiết thực; Khéo phát huy dân chủ bám sát và kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Khéo động viên, khuyến khích dân tích cực tham gia thực hiện phong trào, theo dõi, cố vũ các ý đúng, cách làm hay của dân, phát huy vai trò gương mẫu, nòng cốt của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tăng cường sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện; Khéo huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, lợi thế của dân để triển khai thực hiện mô hình đạt kết quả cao nhất.

Thực hiện 5 phương pháp "khéo": Khéo nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân; Khéo chọn việc phù hợp; khéo chọn khâu để đột phá; khéo truyên truyền và khéo tổ chức thực hiện.

TRẦN THANH HÀ

(Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội