Đồng chí Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XV
Với 475/475 số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100%, tại Phiên làm việc chiều nay, 20/7/2021, Quốc hội Khóa XV đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV, làm Chủ tịch Quốc hội Khóa XV.
Mở đầu Phiên làm việc chiều nay, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Đúng 15 giờ, Chủ tịch Quốc hội Khóa XV Vương Đình Huệ tuyên thệ.
Phát biểu tại Lễ Tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XV. “Đây vừa là vinh dự, vừa là trọng trách nặng nề đối với cá nhân tôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ảnh: Quang Khánh
Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri.
Chặng đường phát triển vẻ vang 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định là nơi tập trung trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình. Khẳng định điều này và trên tinh thần quán triệt sâu sắc bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc sáng nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Cá nhân tôi sẽ cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội nguyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu không ngừng, cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, phát huy dân chủ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan; củng cố niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các nhân sỹ trí thức, bạn bè quốc tế, cùng sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Với sức mạnh tổng hợp to lớn đó, tôi tin tưởng rằng Quốc hội Việt Nam khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó”.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội tiến hành bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trước đó, sáng cùng ngày, với 466/466 đại biểu Quốc hội (chiếm 93,39% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về số thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận