Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp trong các lĩnh vực hoạt động của UNESCO
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021), Báo Quân khu 4 điện tử xin trích đăng bài phát biểu của bà Katherine Muller-Marin, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” (diễn ra vào tháng 5-2010). Bài phát biểu đã nêu bật những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động của tổ chức UNESCO.
Với 7 năm công tác tại Việt Nam (2009-2016), bà Katherine Muller-Marin, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã thực hiện xuất sắc vai trò là sứ giả của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc. Bà đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa trên lĩnh vực hoạt động UNESCO tại Việt Nam, đặc biệt, bà đã dành rất nhiều tình cảm cho đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta thấy Hồ Chí Minh bên cạnh tư cách là một nhà thơ, rất quan tâm đến việc bảo vệ và bảo tồn di sản. Sắc lệnh số 65 được Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành tháng 11/1945 quy định rằng, việc bảo tồn di tích lịch sử là một nhiệm vụ rất cần thiết để xây dựng nước Việt Nam. Quyết định này còn cấm phá hủy đình, chùa, đền đài, điện thờ, hoặc những nơi thờ cúng, các lâu đài, thành quách, và lăng mộ, cũng như các đồ vật, sắc chỉ, văn bằng, tư liệu, sách báo có giá trị cho lịch sử, dù có tính tín ngưỡng hoặc không. Người cũng quan tâm đến việc khôi phục nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trên khắp đất nước.
Bảo vệ và bảo tồn là những nhiệm vụ rất quan trọng trong UNESCO. UNESCO khuyến khích việc nhận diện, bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa cũng như di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên khắp thế giới – những di sản được coi là có giá trị nổi bật đối với nhân loại, như đã được thể hiện trong Công ước của UNESCO liên quan đến việc Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và trong Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Một ví dụ khác của Hồ Chí Minh liên quan đến công tác bảo vệ và bảo tồn này là Sắc lệnh công nhận Lễ hội Giỗ tổ Hùng vương, một sự kiện yêu nước nhằm mục đích ghi nhớ công lao to lớn của ông cha, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh tinh thần của một dân tộc thống nhất.
Từ thuở ban đầu, Hồ Chí Minh đã nhận ra bản chất hỗn hợp của nền văn hóa Việt Nam. Người nói: “Văn hóa Việt Nam là kết quả của sự tác động qua lại giữa Đông và Tây”. Người cũng tin rằng, văn hóa là kim chỉ nam cho mọi dân tộc với ý nghĩa là nó giúp nâng cao nhận thức của công chúng, phục hồi sức sống của dân tộc, và đảm bảo các quyền con người, trong khi khẳng định các quyền kinh tế, chính trị; Người cũng quan tâm đặc biệt tới mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị và tin rằng, văn hóa phải thẩm thấu vào toàn xã hội và đến với từng thành viên để phát huy tiềm năng sáng tạo của họ.
Trong lĩnh vực Truyền thông và Thông tin, vai trò của Người trong việc phát triển báo chí. Chẳng hạn như: Người đã lập ra tờ báo riêng của mình, tờ Le Paria, có nghĩa là “Người cùng khổ” vào năm 1921, và sáng lập ra Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, vào năm 1925 và trở thành Tổng biên tập đầu tiên của ấn phẩm này. Người cũng lập ra tờ báo quốc gia chính của Đảng Cộng sản Việt Nam – Báo Nhân Dân, được xuất bản tại Hà Nội và là cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã đưa một phong cách làm báo mới ở Việt Nam, lấy dân tộc và người dân làm chủ đề thời sự chính. Viết cho giai cấp lao động, các tờ báo cách mạng phải lột tả thực tế đời sống của người lao động và hướng dẫn họ trong cách cư xử và hành động nhằm giúp họ cải thiện điều kiện sống của mình.
Một số người nói rằng, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam, một giả định hợp với logic bởi suốt đời mình, Người là một nhà báo. Người viết nhiều thể loại văn chương và báo chí: Bút ký, truyện thời sự, xã luận, thơ, cùng các thể loại khác. Các bài báo của Người đi thẳng vào vấn đề và được viết một cách giản dị, rõ ràng và súc tích, rất dễ hiểu với độc giả đông đảo của Người.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khởi đầu chỉ với 200 hội viên, nhưng giờ đây đã lên đến hơn 16.000 người.
Tôi nhận thấy một điều lý thú là vào năm 1946, trên cương vị Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Kinh tế Quốc gia, trong đó có một đơn vị thống kê chịu trách nhiệm tập hợp các số liệu về dân số, tình hình tài chính, kinh tế, chính trị, và lý thú hơn nữa là cả các số liệu về văn hóa.
Giờ đây, chúng ta đang làm việc với sự hỗ trợ của Viện Thống kê UNESCO cùng Tổng cục Thống kê và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam để xây dựng một Khung hành động cho Thống kê Văn hóa Việt Nam nhằm trợ giúp cho việc xây dựng và triển khai chính sách dựa vào thực tiễn, bởi lẽ văn hóa đang trở thành một nhân tố chủ chốt của phát triển bền vững.
Trên những lĩnh vực khác, tôi nhận thấy trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý đến các vấn đề của phụ nữ. Người cho rằng, để giúp chị em tham gia vào các hoạt động xã hội, sự phân biệt giữa nam và nữ cần xóa bỏ và chính phủ cần phải có chính sách khuyến khích phụ nữ cùng nam giới tham gia vào sản xuất, quản lý kinh tế và hoạt động văn hóa. Người cũng viết trong Di chúc là: Đảng và Chính phủ nên có những kế hoạch để đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả lãnh đạo, và rằng chị em cần phải phấn đấu vươn lên.
Đối với UNESCO, bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người, một giá trị chung, và cũng là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế, trong đó có tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Suy cho cùng, việc nâng cao quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới là những vấn đề chính trị cần có sự hưởng ứng và cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới, những người làm chính sách.
Liên quan đến Khoa học Xã hội và với những khái niệm về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới được UNESCO quảng bá, Việt Nam đang ra sức đóng góp cho khu vực và thế giới. Một phong cách mới của ngoại giao Việt Nam đã xuất hiện khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Bộ Ngoại giao được thành lập trong tháng Tám năm 1945 khi nội các lâm thời được công bố. Ý thức được tầm quan trọng của ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao cho đến tháng Ba năm 1947.
Về Khoa học Tự nhiên, Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện sự quan tâm của Người đối với các vấn đề liên quan đến môi trường và tới mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong sự phát triển của một quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, thủy lợi và cải thiện chất đất.
Sự quan tâm của Người đối với việc trồng cây và bảo vệ môi trường đã vượt qua biên giới tới mức, trong các chuyến thăm nước ngoài hoặc mỗi khi tiếp đón khách ngoại quốc, Người hay tổ chức lễ trồng cây và gọi những cây này là “cây hữu nghị”, biểu tượng cho quan hệ giữa Việt Nam và thế giới, cũng thể hiện thái độ tích cực đối với môi trường. Tôi có thể hiểu được tại sao chúng tôi luôn được mời tới các lễ trồng cây. Ngay cả trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh khuyến nghị những người viếng thăm trồng cây tưởng niệm.
Người còn kêu gọi mọi người “trồng và bảo vệ rừng, như bảo vệ ngôi nhà của mình”. Để nêu gương, Người đã tạo ra một môi trường tự nhiên tuyệt vời quanh nơi ở của mình và chăm sóc cây cối, hồ cá, và chim chóc, nhấn mạnh là chúng cần được bảo vệ bởi chúng là những báu vật của thiên nhiên.
Trong lĩnh vực Giáo dục, tôi nhận thấy điều thú vị là Người cho rằng, xóa bỏ nạn mù chữ có nghĩa là tạo nên một phong trào giáo dục đại chúng. Người chỉ ra rằng, học đọc và học viết có thể được tiến hành ở bất cứ đâu, dùng than, mặt đất, hoặc lá chuối làm bút và giấy. Người sáng suốt khi chỉ ra rằng, một người đã biết đọc, người đó cần tiếp tục học tập bởi người biết chữ có thể quên cách đọc nếu họ không có gì để đọc. Người tuyên bố rõ ràng rằng Chính phủ và Bộ Giáo dục có nhiệm vụ cung cấp sách báo phù hợp với từng cấp độ của người đọc.
Từ khi được thành lập vào năm 1946, UNESCO đã đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ nạn mù chữ trên toàn cầu với những chương trình như Giáo dục cho mọi người. Đây là một yếu tố cần thiết cho việc xóa nghèo, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em, kiềm chế sự phát triển dân số, đạt được sự bình đẳng giới, và đảm bảo phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. Hơn thế, thật thú vị khi đọc trong Công báo Quốc gia Việt Nam 1945 thấy rằng, Bộ Giáo dục được thành lập ngay sau khi Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có một mối tương liên giữa ý nghĩ của Hồ Chí Minh rằng “mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành con người theo đúng nghĩa của từ này'' với bốn trụ cột của việc học đã được Ủy ban về Giáo dục cho Thế kỷ XXI xác định trong báo cáo của họ trình lên UNESCO trong thập kỷ 1990 như là những nguyên tắc cơ bản cho việc định hình lại giáo dục. Ủy ban cảm thấy là giáo dục suốt đời dựa trên bốn trụ cột:
Học để biết, ngụ ý cung cấp những công cụ nhận thức cần có dễ hiểu thế giới và những điều phức tạp của nó một cách tốt hơn, để có nền tảng đủ và phù hợp để học tập trong tương lai.
Học để làm, có nghĩa là cung cấp các kỹ năng giúp các cá nhân tham gia một cách có hiệu quả vào nền kinh tế và xã hội toàn cầu.
Học để làm người có nghĩa là cung cấp những kỹ năng tự phân tích và kỹ năng xã hội để giúp các cá nhân phát huy đầy đủ nhất tiềm năng của mình về mặt tâm lý - xã hội, về tình cảm cũng như thể chất, để trở thành một “con người toàn diện” về mọi mặt.
Học để chung sống ngụ ý là hướng các cá nhân vào những giá trị tiềm ẩn trong các nguyên tắc dân chủ, sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, tôn trọng và hòa bình ở mọi cấp bậc xã hội và quan hệ giữa người với người nhằm giúp cho các cá nhân và các xã hội cùng sống trong hòa bình và hòa thuận.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình với những ý nghĩ sau:
Nếu một con thuyền ra khơi mà không định trước bến đỗ, thì gió thổi hướng nào là không quan trọng? Con thuyền có thể cập bất kỳ bến nào. Biết được bến đỗ mà ta muốn đến có nghĩa là ta có một tầm nhìn rõ ràng về nơi đó. Điều đó có nghĩa là kiểm soát tốc độ gió và sức lực để tới được bến đỗ đó.
Có được một vị Chủ tịch như Hồ Chí Minh – Người được nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới tôn vinh như anh hùng dân tộc giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có được một tầm nhìn, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn. Và hơn thế, một lãnh tụ như thế cũng chỉ cho ta cách kiểm soát phong ba bão táp thông qua lòng tự hào, lao động cần cù và quan hệ hòa hiếu.
Chủ tịch như Hồ Chí Minh đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và trong lịch sử của đất nước này.
KATHERINE MULLER-MARIN
Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận