A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
LLVT Thừa Thiên Huế chung tay giúp bà con khắc phục hậu quả bão số 13

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế giúp Nhân dân khắc phục hậu quả bão số 13

Cơn bão số 13 đã đổ bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản một số địa phương ở Thừa Thiên Huế. Thống kê bước đầu, một số nhà dân và trường học bị tốc mái, ghe thuyền bị chìm; nhiều nơi vẫn còn ngập hoàn toàn. Kịp thời giúp bà con giảm thiểu thiệt hại, ổn định cuộc sống, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ tỉnh Thừa Thiên Huế giúp Nhân dân khắc phục hậu quả.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Điền giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 13.

* Thừa Thiên Huế là dịa phương bão số 13 đổ bộ vào địa bàn nên bị thiệt hại tương đối lớn. Đặc biệt là các huyện có nhiều xã giáp biển như huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền. Ngay khi bão qua, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban CHQS 9 huyện, thị xã, thành phố kịp thời cử cán bộ, nhân viên nhanh chóng cơ động xuống địa bàn để nắm tình hình, đồng thời phối hợp với các lực lượng của địa phương, huy động lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) về các địa bàn để khẩn trương giúp nhân dân.

Trong sáng ngày 15/11, chúng tôi có mặt tại hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền, đây là hai địa phương nằm sát với bờ biển nên bị thại hại nặng do bão số 13 gây ra; theo thống kê xã Quảng Công có 141 ngôi nhà và xã Quảng Ngạn có 230 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng mái, hàng ngàn cây xanh ngã, đỗ, gẫy cành. Ngay sau khi bão tan, Ban CHQS huyện Quảng Điền đã cử 10 cán bộ, nhân viên, trên 30 chiến sĩ lực lượng DQTV nhanh chóng cơ động về địa bàn phối hợp với các lực lượng của địa phương triển khai giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.

Với tinh thần trách và nhiệm cao nhất, quyết tâm không để một người dân nào phải chịu ảnh hưởng do bão, chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, ngay sau khi có mặt tại địa phương, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Điền và các lực lượng đã khẩn trương bắt tay vào công việc giúp dân; đến 16 giờ chiều cùng ngày các nhà bị hư hỏng, tốc mái ở hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn đã cơ bản được sửa chữa xong.  

Trung tá Nguyễn Xuân Thiện, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Điền, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Quảng Điền là địa bàn ảnh hưởng nặng nề của bão; do đó, trong ngày 14 trước khi bão số 13 đổ bộ vào, Ban CHQS huyện đã huy động toàn bộ Bộ đội thường trực, lực lượng DQTV phối hợp với lực lượng của địa phương giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản lên cao; đồng thời sơ tán, di dời gần 2.000 hộ dân với trên 4.700 khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Sau khi bão tan, chúng tôi tiếp tục cử toàn bộ cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện và huy động trên 200 chiến sĩ lực lượng dân quân của 11 xã, thị trấn khẩn trương về các địa bàn để giúp bà con lợp lại nhà bị tốc mái, cắt cây ngã đổ ở các trục đường, trường học, dọn dẹp thu gom rác, làm sạch vệ sinh môi trường.

Địa bàn thành phố Huế cũng chịu ảnh hưởng rất nặng từ cơn bão số 13, hàng trăm ngôi nhà của người dân bị tốc mái, trong đó có 1 nhà ở phường Phú Thuận bị tốc mái hoàn toàn và sập tường. Hàng ngàn cây xanh, cây cổ thụ ở các trục đường chính của thành phố ngã, đổ. Để khẩn trương giúp nhân dân và địa phương khắc phục hậu quả sau bão, Ban CHQS thành phố Huế đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện đến các khu vực để giúp nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Điền giúp nhân dân xã Quảng Công lợp lại mái nhà.

 

Thượng tá Lê Đức Hiệp, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Huế, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Sau khi bão qua, Ban CHQS thành phố Huế đã cử 25 đồng chí cán bộ, nhân viên của Ban chỉ huy chia thành 3 tổ về các địa phương để nắm tình hình thiệt hại cũng như giúp đỡ nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi huy động Ban CHQS các phường mỗi đơn vị từ 10 đến 15 đồng chí chiến sĩ DQTV phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão. Trong sáng nay cây xanh ngã, đổ đã được cưa cắt, thu gom, các tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế đã giải phóng thông suốt. Hiện các lực lượng của Ban CHQS thành phố đang tiếp tục đi giúp nhân dân khắc phục nhà cửa hư hỏng tốc mái.

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, công tác giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra đang được Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhanh chóng và khẩn trương. Ngay trong ngày 15/11, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố đã cử trên 150 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội thường trực, gần 1 ngàn chiến sĩ DQTV, cùng với phương tiện xe ô tô, dụng cụ cưa máy, dao, rựa cơ động về các địa bàn để kịp thời giúp người dân và địa phương khắc phục sau bão. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tích cực, khẩn trương, làm việc nhanh nhất để giúp đỡ nhân dân địa phương sớm ổn định cuộc sống.

*Tại T.X Hương Trà: Chủ tịch UBND xã Hải Dương - Lê Xuân Hướng cho hay, tối qua, do sóng dâng cao, nước biển tràn vào khu dân cư gây ngập úng cục bộ, đến sáng nay, nước đã rút. Hiện Hải Dương có một số nhà tốc mái, ghe thuyền bị chìm. “Đợt này, khu vực bờ biển không bị sạt lở, tuy nhiên, rác thải dồn về đây quá nhiều. Xã đang tính phương án, sau bão lũ sẽ huy động lực lượng dọn dẹp”.

Ghe thuyền ở xã Hải Dương bị chìm được bà con huy động người kéo lên.

Hiện, các xã vùng thấp trũng, như Hương Phong, Hương Xuân, Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Vân nước vẫn còn ngập ở nhiều thôn, tổ dân phố. Trong đó, tại Hương Toàn, nước ngập toàn bộ 11/11 thôn, có hàng chục nhà bị tốc mái, trong đó, có 1 nhà tốc mái hoàn toàn.

Tại xã Hương Phong, công an xã phát hiện 1 thi thể nam trung niên, xác định ban đầu đã chết 2-3 ngày, trên người có chứng minh nhân dân địa chỉ xã Phong Hải. Công an xã đã báo cáo lãnh đạo thị xã và thông báo về địa phương, hiện thân nhân đã đến xã xác minh, nhận thi thể và đang làm thủ tục đưa về địa phương mai táng.

Trong sáng nay, người dân đi sơ tán đã trở về nhà để dọn dẹp, trở lại sinh hoạt bình thường.

*Trong khi đó, tại TX. Hương Thuỷ, nhờ chủ động trong công tác tránh trú, di dời, giằng chống nhà cửa, nên sau bão số 13, các địa phương trên địa bàn này không có người chết và bị thương, không có thiệt hại đáng kể về tài sản.

Cưa dọn cây gãy đổ ở Thuỷ Lương, Hương Thuỷ.

Thống kê đến 9h30 sáng 15/11, ngoài xã Thủy Phù ngập lụt toàn bộ thôn 10 từ 40 – 60cm; 1 trụ điện bị gãy, 4 trụ điện nghiêng ở xã Phú Sơn;10 cây đô thị đổ ngã ở Phú Bài, toàn TX. Hương Thủy có 118 nhà, mái hiên và công trình phụ bị tốc mái từ 30 đến trên 70%, trong đó 90 nhà bị tốc mái dưới 30%.

Đến thời điểm này, cây, cành gãy đổ ở các tuyến đường trên địa bàn TX. Hương Thủy cơ bản đã được dọn dẹp. Hiện, các địa phương đang tiếp tục phụ giúp người dân khắc phục, lợp lại mái nhà, mái hiên, vệ sinh môi trường ở các đơn vị, cơ quan, trường học...

* Tại huyện A Lưới, sau 11 giờ trưa (thời gian Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo cho phép người dân A Lưới đi lại bình thường) các đơn vị và lực lượng chức năng tại các xã, thị trấn sẽ hỗ trợ người dân trở về nhà.

Lực lượng chức năng sẵn sàng hỗ trợ người dân trở về nhà sau bão.

Trước cơn bão số 13, toàn huyện A Lưới đã di dời 2.649 hộ/9.147 khẩu, trong đó di dời tập trung 1.843/6.475 khẩu. Theo thống kê bước đầu từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới, trong đêm 14/11 và sáng 15/11, tại huyện A Lưới có mưa và gió không quá lớn, chưa ghi nhận về thiệt hại. Đến nay, sự cố mất điện cũng đã được khắc phục.

Theo đại diện UBND huyện A Lưới, sau 11 giờ trưa, các đơn vị và lực lượng chức năng tại các địa phương bắt đầu hỗ trợ người dân, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ ở tại các điểm tập trung trở lại nhà, dọn dẹp vệ sinh và tiếp tục công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão, ổn định cuộc sống người dân.

*Huyện Nam Đông không có thiệt hại về người và tài sản

Người dân Nam Đông tại các điểm trú bão đã sẵn sàng quay về nơi ở.

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông cho biết, do bão số 13 di chuyển dọc ven biển nên từ tối qua đến sáng nay trên địa bàn huyện không có gió và mưa lớn, người dân cũng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, tránh bão nên chưa ghi nhận bất cứ gây thiệt hại nào.

Hiện lực lượng chức năng tại các xã, thị trấn đang hỗ trợ người dân trở về nơi ở, dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định lại cuộc sống.

* Tại huyện Phú Vang, thông tin ban đầu từ thị trấn Thuận An, ảnh hưởng cơn bão số 13, có 11 tàu, thuyền của ngư dân neo đậu trong bờ bị chìm. Nhiều tàu, thuyền đâm va, mắc cạn.

Tàu đứt dây neo buộc đâm sập nhà dân.

Đặc biệt, do gió to, nước lên cao nên tàu TTH.99911. TS của ngư dân Nguyễn Cường (trú tại tổ dân phố Tân Bình, đang neo đậu tránh bão tại tổ dân phố Hải Tiến) bị đứt dây neo buộc, đâm vào nhà bà Lê Thị Xuyến, làm nhà bà Xuyến sập tại chỗ. Toàn huyện không có người chết. Có 2 người bị thương, trong đó 1 người ở tại thị trấn Phú Đa, 1 người ở xã Vinh Thanh.

Nhiều nhà dân bị tốc mái. Nhiều trường học ở xã Phú Thuận, Phú Hải,  Phú Dương, Phú Hồ bị bay mái, hư hỏng nhà vệ sinh, trụt ngói, hư hỏng phòng học, bay nhà xe đường nội bộ, hành lang, cửa kính. Cây cối gãy đổ. Trong đó, xã Phú Thanh ngập nặng, chính quyền địa phương và các lực lượng phải di chuyển bằng ca nô để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp khắc phục ban đầu.

Bờ biển Thuận An về Vinh An tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, chiều rộng xâm thực vào bờ từ 5- 20 mét. Đặc biệt là tại Vinh An và Vinh Thanh trong các đợt mưa bão trước không bị sạt lở, nhưng trong cơn bão số 9 và số 13 bị sạt ở nghiêm trọng.

Hiện, các lực lượng tại xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An, xã Phú Dương và các địa bàn khác trên toàn huyện đang khắc phục, dọn cây ngã, đổ để khơi thông các tuyến đường.

* Riêng các địa phương dọc Quốc Lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc có nhiều nhà bị tốc mái, cây rừng gãy đổ. Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin, toàn xã có 42 nhà tốc mái, trong có 5 tốc mái trên 30%. 65 ha keo tràm bị gãy đổ nhiều nhất ở thôn Phú Gia, Thổ Sơn, Trung Kiền. Hiện địa phương đang huy động lực lượng khắc phục bước đầu.

 

Nhiều ghe thuyền bị chìm.

Tại thị trấn Thuận An (Phú Vang) vào lúc 3 giờ 30 ngày 15/11, gió mạnh khiến chiếc tàu cá  số hiệu TTH -99911TS bị đứt néo khi đang neo đậu ở phá Tam Giang đoạn qua tổ dân phố Hải Tiến.

Tàu bị sóng đánh đẩy lên phía bờ, đâm sầm vào căn nhà bà Lê Thị Xuyên ở gần đó khiến căn nhà bị sập đổ hoàn toàn. Tàu bị mắc kẹt lại bờ sau cú va chạm. Rất may lúc này nhà không có người. Vào thời điểm này cũng có nhiều tàu cá neo đậu tại đây bị đứt dây, đâm vào bờ.

Tại xã Phú Thuận, thống kê  ban đầu cho biết gió mạnh đã làm nhiều nhà,  trường học tốc mái,  tàu cá bị đứt néo  trôi  dạt vào bờ. Bà Lê Thị Sinh (thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) kinh hãi kể lại: “Lúc 3 giờ sáng  đang ngủ thì có gió lớn, gió quật luôn cả mái tôn căn nhà, hai vợ chồng bỏ chạy khỏi nhà còn mái tôn bị cuốn ra đường bay vút lên không trung”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, kiểm tra bước đầu toàn xã có 10 nhà bị tốc mái hoàn toàn, Trường tiểu học cơ sở 1 Phú Thuận bị tốc mái 4 phòng học và 2 tàu có trôi dạt vào bờ có va đập, mắc cạn nhưng không thiệt hại nặng. Địa phương đang thống kê thiệt hại và triển khai phương án khắc phục.

Một số hình ảnh thiệt hại và khắc phục bước ban đầu nhóm PV và CTV ghi nhận được:

Tàu 50 CV của ngư dân Nguyễn Văn Sanh ở Thuận An bị đánh chìm.

Tốc mái, ngổn ngang sau bão lớn.

Nhà bà Lê Thị Sinh (thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) tốc mái lúc rạng sáng.

Người dân bắt tay dựng lại nhà cửa.

Lợp lại nhà bị tốc mái tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc).

Cây rừng thôn Phú Gia, Lộc Tiến gãy đổ.

Tin, ảnh: Nhóm PV-CTV 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội