A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Lộ trình" thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4: Bắt đầu từ "yên dân"

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT – QP) 4, Quân khu 4 thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố thế trận quân sự, quốc phòng, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đây là những địa phương thuộc 62 hai huyện nghèo của cả nước. Xác định việc thực hiện tốt nhiệm vụ của Đoàn KT – QP 4 có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/7/2023 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, ngay khi Nghị quyết ban hành, Đảng ủy Đoàn KT – QP 4 đã xác định "lộ trình" thực hiện với từng bước đi cụ thể.

Bài 1: “Yên dân” vấn đề cấp bách

Năm 2002, Đoàn KT – QP 4 đến đóng quân đứng chân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn vùng dự án Kinh tế - Quốc phòng Kỳ Sơn, Quế Phong. Hơn 20 năm qua đơn vị đã phối hợp cấp ủy, chính quyền, các lực lượng giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng ngày càng ổn định. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/7/2023 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT – QP 4 nhận thấy còn một số vấn đề cấp bách cần giải quyết để “yên dân”, tạo tiền đề góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trên địa bàn do Đoàn đảm nhiệm.

Tuyến quốc lộ 7 qua thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn tan hoang sau cơn lũ quét tháng 10 năm 2022.

 

Bất an vì thiên tai

Đại tá Chu Huy Lương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: Địa hình hai huyện Kỳ Sơn, Quế Phong phần lớn là núi cao, địa bàn có nhiều sông suối chảy qua. Do vậy, vào mùa mưa lũ hàng năm luôn xẩy ra tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Từ thực trạng đó, đã gây bất an cho các cơ quan, đơn vị, lực lượng đứng chân trên địa bàn và người dân địa phương.

 

Căn nhà một hộ dân ở xã Bảo Nam, Kỳ Sơn tan hoang sau cơn lũ đi qua.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn và Quế phong trong 5 năm qua, trên địa bàn hai huyện đã xảy ra hàng chục đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của người dân. Điển hình, trận lũ quét tháng 10 năm 2020, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Ước tính thiệt hại do trận lũ quét gây ra trên 215 tỷ đồng. Cụ thể, lũ quét đã làm 1 người chết, 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng, trong đó 55 nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập hoàn toàn; 49 nhà ở Tà Cạ và Nậm Cắn bị thiệt hại nặng; số còn lại là thiệt hại từ 50% trở xuống.

Bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong bị ngập cục bộ sau đợt mưa lớn tháng 9 năm 2023.

 

Năm 2023, mới bước vào mùa mưa nhưng trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong liên tục xảy ra các vụ sạt lở đất dá, ngập lụt gây thiệt hại đến tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống Nhân dân. Chỉ tính riêng tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong đợt mưa lũ cuối tháng 9 năm 2023 đã ảnh hưởng đến đời sống 300 hộ dân. Nhiều khu vực như xã Bảo Thắng, Chiêu Lưu cấp ủy, chính quyền đã phải sơ tán hơn 200 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn.

Ông Mong Phò Tình, người dân xã Bảo Thắng nói: Cả đời lam lũ làm được căn nhà nhưng trong phút chốc tất cả đã nằm dưới đống bùn đất do sạt lở núi. Rất may, gia đình chúng tôi kịp sơ tán trước khi khối lượng đất đá khổng lồ đổ sập xuống căn nhà.

 Một điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 543D qua địa bàn xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

 

Thực tế ở huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, chúng tôi nhận thấy do điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi cao nên rất nhiều điểm dân cư, hộ dân sinh sống bên các vách núi và sông suối. Tiềm ẩn nguy cơ do sạt lở đất đá và lũ ống, lũ quét là rất cao. Mặc dù, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động và tạo điều kiện để người dân di dời đến nơi an toàn nhưng do điều kiện quỹ đất hạn hẹp, kinh tế địa phương không cho phép nên nhiều khu vực bà con sống trong bất an.

Ông Lô Văn Bá ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong nói: Bao đời nay người dân chúng tôi sống gắn bó, yên bình nơi mảnh đất này. Vậy nhưng, những năm qua thiên tai nơi vùng đất này diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, cả bản chìm trong biển nước. Có những gia đình chỉ trong tích tắc cả quả đồi đổ ập xuống vùi lấp cả căn nhà và tất cả tài sản cả đời lam lũ, tích cóp. Người dân chúng tôi hết sức bất an khi phải liên tiếp đối mặt với các loại hình thiên tai.

Hiện trường một ngôi nhà người dân ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn sau vụ hỏa hoạn.

 

Bên cạnh thiên tai, nhân tai cũng là một trong hiểm họa để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với đời sống bà con Nhân dân huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Đặc thù, đời sống đồng bào xưa nay quen với việc đốt rừng làm nương rẫy. Còn ở các bản làng đồng bào dân tộc H' Mông với phong tục luôn giữ bếp lửa đỏ suốt cả ngày. Trong lúc đó, nhà của đồng bào chủ yếu làm bằng các vật liệu dễ bắt lửa như gỗ, tre, nứa... người lớn chủ yếu lên nương rẫy, số trẻ em ở nhà thường hay nghịch lửa. Bà con hầu như không được trang bị về kiến thức phòng cháy, chữa cháy. Từ những nguyên nhân đó, những năm qua trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Quế Phong nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay do hỏa hoạn cháy nhà.

Công an huyện Kỳ Sơn phá thành công chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng và thu giữ 20 kg ma túy dạng đá, 20 bánh hêrôin và 4 kg ketamin

 

Tiềm ẩn những nguy cơ...

Cùng với đặc điểm điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, địa bàn Đoàn KT- QP 4 đứng chân thực hiện nhiệm vụ có 265,3 km đường biên giới tiếp giáp và có một số cửa khẩu, đường tiểu ngạch thông thương với nước bạn Lào. Địa hình hết sức hiểm trở, nên các loại tội phạm thường lợi dụng hoạt động buôn bán ma túy, sử dụng vũ khí nóng, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ họ hàng và một số nơi bà con vẫn sống theo thói du canh du cư và kết hôn không giá thú. Đặc biệt, lợi dụng tình trạng nhận thức của một số người dân hạn chế, các thế lực thù địch thường xúi dục, lôi kéo bà con di dịch cư tự do. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với Đoàn KT- QP4 và cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc “yên dân”.  

Nạn chặt phá rừng ở Kỳ Sơn.

 

Theo số liệu thống kê, trong thời gian 10 năm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Quế Phong đã có hàng trăm lượt người di cư tựu do trái phép. Việc di dịch cư tự do đã để lại hậu quả nặng nề đối với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Hệ lụy từ việc di cư tự do không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị mà để lại gánh nặng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức nắng. Bởi sau một thời gian nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu đến miền “đất hứa” nhưng cuộc sống khổ cực bà con quay về buộc cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp lo nơi ở, cuộc sống sinh hoạt cho nhiều người.

Cùng với đó, tác hại của việc buôn bán, sử dụng ma túy đã gây ra bất ổn về tình hình an ninh chính trị và nảy sinh nhiều loại tội phạm. Người nghiện ma túy không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe, kiệt quệ kinh tế gia đình mà còn trở thành các loại tội phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Bác sỹ Bệnh xá Đoàn KT- QP 4 cấp cứu một nạn nhân ăn lá ngón.

 

Còn đó, những nỗi lo thường nhật

Địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong nơi Đoàn KT-QP 4 đứng chân, thực hiện nhiệm vụ phần lớn đồng bào dân tộc thiêu số gồm: Khơ Mú, Thái, H’ Mông… sinh sống.  Do trình độ nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế và một số địa phương còn tồn tại các hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan; nạn tảo hôn và việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm; khi gặp bí bách trong cuộc sống thường tìm đến cái chết.

Thực tế khảo khảo sát ở một số bản làng ở Kỳ Sơn, Quế Phong nhất là đồng bào H’Mông không khó để bắt gặp các thiếu nữ chỉ mới 15 – 16 tuổi đã lập gia đình. Rất nhiều em đang học phổ thông nhưng đã bỏ học về lấy vợ, lấy chồng. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn, tổng số người tảo hôn trên địa bàn huyện năm 2021, 2022 lần lượt là 147 và 171 trường hợp. Chỉ tính riêng quý I-2023, toàn huyện đã ghi nhận 150 trường hợp tảo hôn (131 trường hợp là người dân tộc Mông), vượt qua tổng số trường hợp tảo hôn của cả năm 2021. Đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ...

Các thiếu nữ mới 15 - 16 tuổi ở huyện Kỳ Sơn đã có con nhỏ.

 

Một vấn đề khó khăn đặt ra đối với việc thực hiện Nghị quyết số 39 trên địa bàn các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn đó là một bộ phận Nhân dân nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Trong đó, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người dân khá phổ biến. Lợi dụng bản làng heo hút lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết, nhiều người dân sử dụng mô tô xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định ...

Ngoài ra, hậu quả tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón mỗi khi gặp bí bách trong cuộc sống cũng để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, hàng năm trung bình huyện Kỳ Sơn và Quế Phong có hơn 10 người tìm đến cái chết bằng việc ăn lá ngón. Việc tìm đến kết thúc sự sống bằng ăn lá ngón của một số người không chỉ để lại nỗi đau cho người thân, gia đình mà còn ảnh hưởng lối sống tiêu cực trong xã hội, nhất là giới trẻ.

"Yên dân" là làm cho Nhân dân không còn những nỗi lo, không còn những bất an trong cuộc sống. Từ các vấn đề trên đòi hỏi phải “yên dân” bằng các biện pháp phù hợp, Đảng ủy Đoàn KT – QP 4 xác định đây là những khâu đột phá dể lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện, đặt nền móng cho "lộ trình" thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/7/2023 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài 2: Nâng cấp độ chi bộ xóa nghèo

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội