A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Quân khu 4: Tích cực giúp Nhân dân ứng phó, phòng, chống mưa lũ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25/9 đến ngày 28/9/2023, các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn, gây ngập úng cục bộ ở nhiều địa phương. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã kịp thời Điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp và điều động 5.501 lượt người (trong đó bộ đội thường trực 219 đồng chí; dân quân: 1.371 đồng chí và 3.911 lực lượng khác) cùng phối hợp với các lực lượng kịp thời giúp Nhân dân ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tính đến 15 giờ ngày 28/9/2023, mưa lớn, lốc xoáy xảy ra ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 đã làm 2.673 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng 13 công trình và làm 02 dân bị chết, 06 người bị thương. Trong đó, phần lớn huyện miền núi của các tỉnh đều bị ảnh hưởng nặng nề.

 
 
Lực lượng vũ trang huyện Quỳ Châu giúp Nhân dân di chuyển tài sản, vật nuôi khỏi vùng bị ngập nước. 

 

Tại tỉnh Nghệ An có 2.536 nhà dân bị ngập, trong đó có nhiều nhà bị tốc mái. Các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ thuộc địa bàn các huyện Thanh Chương, Con Cuông, Đô Lương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Quế Phong bị ngập và chia cắt ở nhiều nơi.

Thượng tá Lê Xuân Sơn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quỳ Châu thông tin: “Ngay khi mưa lớn gây ra ngập úng, cơ quan đã chủ động triển khai 30 cán bộ, nhân viên và phương tiện; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 250 chiến sĩ dân quân di chuyển người, tài sản, vật nuôi của người dân ra khỏi vùng ngập lụt và túc trực, lập barie ở những tuyến đường bị ngập sâu ngăn không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Trong ngày 26/9/2023, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã điều động 4 cán bộ, nhân viên cùng 01 xuồng, 01 xe và các loại áo pháo để tăng cường cùng lực lượng vũ trang huyện kịp thời giúp Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ…”.

 
Lực lượng vũ trang huyện Quỳ Hợp di chuyển người và vật nuôi của Nhân dân đến nơi an toàn.

 

Còn tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, tính đến 18 giờ ngày 27/9/2023, toàn huyện có  870hộ/3.690 khẩu bị ảnh hưởng, trong đó 685 hộ bị chia cắt, 185 hộ, 12 ha lúa, 250ha mía, 80 ha ao thủy sản bị ngâp; sạt lở kênh mương 450m, đường giao thông 300m, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 10,2 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Khánh Diên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quỳ Hợp thì ngay khi có dự báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới, Ban CHQS huyên đã thành lập 5 đoàn công tác đến các địa phương nắm tình hình. Khi mưa lớn xảy ra trên địa bàn, Ban CHQS huyện đã điều động 25 cán bộ, nhân viên và 200 dân quân các xã kịp thời giúp đỡ Nhân dân phòng, chống, ứng phó với mưa lũ.

Lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn giúp người dân lợp lại mái nhà bị tốc mái.
Lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn giúp Nhân dân ứng phó với mưa lũ.

 

Bà Hồ Đức Bình, ở thôn Thái Lão, xã Yên Hợp nói: “Mưa lớn, nước từ thượng nguồn, dâng nhanh làm nhà tôi ngập gần 1m. Ở nhà chị còn 2 vợ, chồng già chưa biết xoay xở thế nào thì được các chú bộ đội, dân quân xã đến giúp đưa vợ chồng tôi và di chuyển những vật dụng trong nhà cùng vật nuôi đến nơi an toàn…”.

Dân quân xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn dọn dẹp tuyến đường bị sạt lở và cây cối ngã đổ để thông tuyến giao thông.

 

Mưa lớn trong nhiều ngày cũng đã gây thiệt hại nặng nề tới các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, có 287 ngôi nhà bị ngập và 06 hộ dân ở các xã Hương Lâm, Hương Thủy, huyện Hương Khê phải di dời để tránh nguy cơ sạt lở đất. Tại Km82 + 750 tuyến Quốc lộ 8A qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn xảy ra 2 lần sạt lở đất làm chia cắt giao thông; một số tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn bị ngập sâu…

Dân quân xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê làm rào chắn những nơi bị ngập lụt.

 

Đại tá Hoàng Anh Tú, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trước khi xảy ra mưa lớn, Bộ CHQS tỉnh đã cử các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị. Khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Bộ CHQS tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện đến các địa phương phối hợp với các lực lượng giúp Nhân dân ứng cứu, phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đến 11 giờ sáng ngày 28/9/2023, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng các lực lượng đang tiếp tục “đội mưa” gia cố 3 điểm sụt lún tuyến kè biển ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cảm Xuyên...”.

Cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng gia cố tuyến đê kè biển bị sụt lún ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Còn ông Trần Đình Hiền, ở xã Hương Lâm chia sẻ: “Mưa lớn xảy ra, các chú bộ đội, dân quân và chính quyền địa phương đã đến vận động gia đình tôi cùng 05 hộ trong thôn di chuyển đến vị trí khác để tránh nguy cơ xảy ra sạt lở đất từ quả núi phía sau nhà. Các chú ấy đã không quản mưa gió, trắng đêm giúp các hộ gia đình chúng tôi di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn…”.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở đất ở một số địa phương của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có 67 nhà dân bị tốc mái (thành phố Huế 38 nhà; huyện Quảng Điền 29 nhà); tỉnh Quản Trị 70 nhà bị tốc mái ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.

Với sự chủ động, tích cực trong triển khai các biện pháp, phương án ứng phó, phòng, chống mưa lũ đến 15 giờ ngày 28/9/2023, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã giúp Nhân dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo thông tin từ chỉ huy các đơn vị, đến nay tại một số địa phương nước đã rút, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang tiếp tục triển khai các phương án giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: ĐỨC CƯƠNG VÀ CỘNG TÁC VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội