A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa chim én bay

Chẳng biết tự bao giờ, tiếng máy bay lên xuống ở sân bay Vinh đã trở thành âm thanh không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nó thân thuộc như tiếng kẻng, tiếng còi gọi những người lính thức dậy, làm việc, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu… Giữa mùa Xuân Giáp Thìn này, mỗi lần ngước mắt lên bầu trời thành Vinh, đón đợi những chiếc máy bay mang trên thân mình ngôi sao vàng đỏ thắm cất cánh, hạ cánh, chở người đi xa, đón người trở về, tôi thấy bình yên đến lạ. Và tôi nhẩm tính kể từ ngày 15 tháng 1 năm 1973 - ngày kẻ thù chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta, thời gian trôi qua đã hơn 5 thập kỷ, bầu trời thành phố Vinh luôn thanh bình…

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 huấn luyện phương án SSCĐ.

 

Trời xanh và mây trắng. Nắng vàng và thành phố Đỏ…  gợi cho tôi nhớ đến những trận địa pháo cao xạ và lời nói của Đại tá Võ Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 283: “Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, những đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Phòng không 283 là Đoàn Phòng Thành, Đoàn Đống Đa, Trung đoàn 214, Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân đã anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội: Bảo vệ các mục tiêu quan trọng, bắn rơi nhiều máy bay, góp phần cùng quân và dân cả nuớc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Viết tiếp truyền thống cha anh, trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ bình yên bầu trời quê hương Bác Hồ kính yêu”…

Cựu chiến binh Lữ đoàn giáo dục truyền thống cho bộ đội bên mâm pháo.

 

Tháng Ba, khi hoa gạo nở rợp trời đỏ thắm, chúng tôi đến với những người lính pháo canh giữ bầu trời quê hương Bác Hồ kính yêu. Nhìn hoa gạo thắp lửa, chúng tôi cứ liên tưởng đó là dòng máu nóng chảy trong tim, dâng lên bầu nhiệt huyết thi đua lập công chào mừng 45 năm ngày truyền thống Lữ đoàn Phòng không 283 (30/3/1979 – 30/3/2024) của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Đi bên cạnh Đại tá Trần Xuân Hòe, Lữ đoàn trưởng, chúng tôi nghe anh trải lòng: Vào mùa nắng, vùng đất này hứng trọn cái nóng, cái gió của thiên nhiên. Nắng làm héo cây lá và làm cho đất cát như bị rang lên. Lúc trời mưa dông, sấm sét nổ ầm ầm, rất nguy hiểm cho người và vũ khí. Mùa mưa, nước dềnh lên trên đất cát, suốt ngày đôi dày dưới chân pháo thủ lúc nào cũng ướt sũng nước… Thiên nhiên khắc nghiệt đã đành, đóng quân giữa lòng thành phố, đồng lương bộ đội tính toán chi ly vẫn luôn thiếu trước, hụt sau vì giá cả đắt đỏ và hơn thế, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể khó thoát ra những cám dỗ đời thường… Để cho cán bộ, chiến sĩ vững vàng bám đơn vị, bám trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì tình cảm cán binh, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, luôn là mạch nguồn chảy suốt, được các thế hệ tiếp nối trân trọng, giữ gìn…

Những ánh mắt không rời phạm vi quan sát, quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

 

Trận địa trực chiến của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân, quanh những ụ pháo là những khóm hoa tươi thắm. Hoa nở tràn bên đường cơ động chiến đấu, bên những mâm pháo xanh… Trong không gian xanh ấy, có đàn én chao lượn theo vòng quay của nòng pháo, có lúc tưởng chừng như sà lên vai áo làm bạn cùng pháo thủ… Hôm ấy, chúng tôi thật may mắn khi được gặp Đại tá Nguyễn Duy Dĩnh là Chính ủy Trung đoàn Pháo cao xạ Phòng không 283 từ ngày đầu thành lập, nay mặc dù tuổi đã cao vẫn ra trận địa động viên chiến sĩ trẻ luyện tập. Trên trận địa chan hòa ánh nắng, người cựu chiến binh rưng rưng mái đầu tóc bạc kể cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn nghe câu chuyện về tình cảm mà Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân dành cho đồng đội và cấp dưới. Khi chiến sĩ mới về đơn vị, Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân hỏi han từng người, trực tiếp bố trí cơm nước, chỗ ăn, ở và hướng dẫn anh em ra khu vực tắm rửa. Biết anh em vất vả lại chưa quen với cuộc sống xa nhà, đêm nào Chính trị viên cũng đích thân xuống tận phòng hỏi thăm và bao giờ anh cũng là người đi ngủ cuối cùng… Trong một trận đánh máy bay Mỹ vào ngày 18/11/1964, Chính trị viên nguyễn Viết Xuân bị thương nặng, anh bảo đồng đội cắt nốt phần thịt ở chân, bỏ đi cho đỡ vướng và không quên dặn lại “Dấu đừng để anh em biết mình bị thương”. Dù đau đớn nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ ở trận địa chỉ huy đến khi trận đánh kết thúc. Đến lúc sắp hy sinh anh vẫn gắng gượng bàn giao lại công việc, sổ biên bản chi bộ, hỏi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ... Đôi mắt của Đại tá Dĩnh, của cán bộ, chiến sĩ trên trận địa đầy nước mắt… Đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 3, xúc động mãi mới cất lên lời bài hát “Cùng anh tiến quân trên đường dài”… để rồi sau đó mọi người đều hát. Tiếng hát cất lên từ trái tim, ngân rung, xúc động, tự hào “… Trận địa đây, đất nước của mình đây. Lời anh vẫn vang lên nồng cháy…”.

Đại tá Võ Xuân Sơn, Chính ủy Lữ đoàn động viên bộ đội.

 

Vừa đưa tay lau nước mắt, Đại tá Trần Xuân Hòe vừa xúc động nói: Noi gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân và thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn xem nhau như anh em một nhà, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tất cả cùng chung một mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Lời nói của anh Hòe gợi mở cho chúng tôi tìm hiểu và biết được rất nhiều về sự nêu gương, tình thương, trách nhiệm đối với đồng chí, đồng đội của những người lính phòng không canh giữ bầu trời quê hương Bác Hồ…

Nói về tình đồng chí đồng đội, tình cảm cán binh trong đơn vị mình, Đại tá Võ Xuân Sơn, Chính ủy Lữ đoàn khẳng định đó là sự chân thành, mối đoàn kết, thương yêu như một gia đình. Anh Sơn cho rằng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng muốn đạt kết quả tốt, cần phải nắm chắc và hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng cán bộ, chiến sĩ. Phải gần gũi, yêu mến, thực sự thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của đồng đội, đừng nên áp đặt một cách máy móc “uy thế” của người lãnh đạo, chỉ huy cấp trên…

Hoa nở trên bàn tay người lính bên trận địa.

 

Nơi nào khó khăn, gian khổ nơi đó có cán bộ lãnh đạo chỉ huy Lữ đoàn đồng lòng, chung sức. Với các chiến sĩ Bộ phận tiêu đồ ở Đại đội 10, nhiệm vụ thời bình cũng như thời chiến thừng xuyên canh trực 24/24 giờ. Để giúp anh em thức xuyên ngày đêm rẽ mây phát hiện không để sót lọt mục tiêu, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn đã trở thành người anh của tiểu đội, kề vai, sát cánh cùng chiến sĩ trong nhiều kíp trực.

Tôi không nhớ rõ đã có bao nhiêu lần đến công tác ở Lữ đoàn Phòng không 283. Mỗi lần đến, tôi đến xem từng khẩu pháo, không hề vương một hạt bụi, tất cả đều xanh ánh thép. Vào mỗi buổi chiều, cán bộ, chỉ huy đơn vị thường tổ chức những trò chơi… cho bộ đội. Buổi tối, là những chương trình văn hóa văn nghệ, tiếng hát lính trẻ vang xa, hòa quyện cùng ánh trăng… Và khi ấy tôi càng thêm hiểu, điều gì đã làm nên sức mạnh giúp người lính cao xạ trụ vững và vượt qua khó khăn, gian khổ… để xây dựng Lữ đoàn Phòng không 283 luôn cơ động nhanh, trình độ tác chiến không ngừng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu, thách thức của chiến tranh hiện đại với thực tiễn qua các lần diễn tập chiến đấu đều “tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu”.

Tháng Ba, đến với những người lính phòng không áo xanh, trên mâm pháo cao xạ canh giữ bầu trời quê hương Bác Hồ, tôi thấy đôi mắt họ, trái tim họ… tình yêu của họ đều hướng lên bầu trời, không ngơi nghỉ đêm, ngày, mưa gió, bão giông. Và những cánh én trên trận địa mùa Xuân, như những nốt nhạc ngân vang lời bài hát :“Khi gió đồng ngát hương. Rợp trời chim én lượn. Cây nẩy đầy chồi xanh. Mây trắng bay yên lành…”.

Bầu trời xứ Nghệ “Mây trắng bay yên lành” và tôi lại nhớ đến những “Mùa chim én bay” của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 283.

Vinh, tháng 3 năm 2024

Ghi chép của Hồ Lĩnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội