A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nghĩa tình quán nước quân nhân

Những ngày tháng Tư lịch sử, được tham quan Triển lãm lưu động “Mùa Xuân đại thắng” do Bảo tàng Quân khu 4 tổ chức tại Lữ đoàn Pháo binh 16, chúng tôi được chiêm ngưỡng những kỷ vật, hình ảnh thể hiện nghĩa tình quân dân xứ Nghệ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt là kỷ vật “Sổ ghi cảm tưởng quán nước quân nhân Hợp tác xã Đại Xuân, Quỳnh Lưu”. Mặc dù những trang giấy đã úa màu, mờ chữ nhưng tình cảm các mẹ nơi hậu phương dành cho bộ đội cùng lời hứa “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” của các chiến sĩ vẫn nguyên vẹn.

Trung tá Nguyễn Hữu Hoành, Nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 giới thiệu “Sổ ghi cảm tưởng quán nước quân nhân" với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 16.

 

"Sáng 17/10/71. Qua quán nước Quỳnh Châu lòng con như phơi phới. Được các mẹ đón tiếp các con, là người con của quê hương đã lên đường đi chống Mỹ. Mẹ thương con mời con nghỉ, mẹ cho uống chè xanh, lòng các con vô cùng xúc động. Hãy ra công tập luyện chuyên cần để xứng đáng là người con Tổ quốc và nhớ lấy cả mẹ hiền. Hoàng Thanh H.T"

“…Trong lúc đang trên đường công tác mệt nhọc với bát nước chè xanh thắm tình quân dân như cá với nước, chúng tôi rất sung sướng và vinh dự vô cùng. Chúng tôi xin chúc mẹ và những người phục vụ trong quán nước này lời chân thành sức khỏe…”

“Ngày 24 tháng 9 năm 1971, nay qua Tuần, bát nước chè xanh đượm tình cá nước đã thôi thúc chúng con hãy hăng say luyện tập giỏi - quyết tâm cao, chờ tiếng gọi của quê hương, Tổ quốc lên đường xẻ dọc Trường Sơn vào Nam diệt Mỹ. Nguyện chiến đấu quên mình vì nhân dân”…

Đó là những dòng chữ trong “Sổ ghi cảm tưởng quán nước quân nhân Hợp tác xã Đại Xuân, Quỳnh Lưu” mà các chiến sĩ ghi lại trên đường hành quân được mẹ Tam (tên thật là Tôn Nữ Lệ Hà, người gốc Huế) và mẹ Nguyệt, người địa phương mời vào uống nước chè xanh. Những trang giấy đã úa màu, mờ chữ; những người lính năm xưa không rõ còn sống hay đã hy sinh; mẹ Tam, mẹ Nguyệt cũng đã qua đời, nhưng tình cảm hai mẹ nơi hậu phương dành cho bộ đội cùng lời hứa “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” của các chiến sĩ vẫn nguyên vẹn.

 
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 16 tham quan “Sổ ghi cảm tưởng quán nước quân nhân".

 

Tình cảm của mẹ Tam, mẹ Nguyệt đã gieo vào lòng những người lính trẻ sự ấm áp và ý chí quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Bát nước chè xanh đong đầy yêu thương của người mẹ xứ Nghệ là chất xúc tác mãnh liệt để chiến sĩ Nguyễn Ngọc Cầu cảm tác nên bài thơ:

"Mẹ ơi trong buổi hành quân/ Mồ hôi ướt áo, bàn chân mỏi nhừ/ Đường xa con có quản chi/ Chè xanh bốc khói hương nồng/ Con đây nhớ mãi trong lòng mẹ ơi/ Mẹ già nhưng mắt sáng ngời/ Nồng nàn đón tiếp những người chúng con/ Tấm lòng tình nghĩa sắt son/ Con ra tiền tuyến diệt thù/ Ngày mai đất nước sương mù mây tan".

Tình thương yêu, sự động viên, quan tâm của các mẹ đã trở thành động lực để các anh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù: “Chúng con không biết lấy gì để đền đáp lại tấm lòng quý giá đó. Chúng con chỉ biết quyết tâm đánh đế quốc Mỹ đến cùng. Các mẹ hãy chờ tin chiến thắng của các con sau này. Các con xin hứa đánh tan giặc Mỹ mới trở về quê hương” - Chiến sĩ Trần Anh Dũng (C26-K7) ghi lại.

Bìa "Sổ ghi cảm tưởng quán nước quân nhân" Hợp tác xã Đại Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An”

 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với đặc điểm địa hình bán sơn địa, ngã ba giao thông giữa vùng Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn và vùng duyên hải Bắc - Nam, vùng đất Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là địa điểm huấn luyện tân binh để bổ sung cho chiến trường miền Nam, điểm dừng chân trong các đợt hành quân của bộ đội vào chiến trường miền Nam. Thương bộ đội hành quân vất vả, mẹ Tam, mẹ Nguyệt tình nguyện chuyển quán cơm của mình tại Ngã ba Tuần (còn gọi là Ngã ba Tam Lệ) thành quán nước phục vụ bộ đội miễn phí.

Ngày đó, máy bay Mỹ đánh phá Ngã ba Tuần ngày đêm nên người dân phải vào núi trú ẩn, các đơn vị bộ đội dựa vào núi triển khai trận địa. Giữa ngã ba bom đạn địch ném xuống như trút ấy chỉ còn lại mỗi quán nước của hai mẹ. Đây là nơi dừng chân, nghỉ ngơi của những thanh niên vừa rời xa gia đình lên đường vì nghĩa lớn. Rời vòng tay yêu thương của gia đình, các anh được hai mẹ nơi hậu phương yêu thương bằng những bát nước mát lòng.

 
 
Những trang giấy đã úa màu, mờ chữ nhưng tình cảm hai mẹ nơi hậu phương dành cho bộ đội cùng quyết tâm "Đánh thắng giặc Mỹ” của các chiến sĩ vẫn nguyên vẹn.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, cuối năm 1975, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 đã tìm về quán nước quân nhân của mẹ Tam, mẹ Nguyệt để sưu tầm và tiếp nhận toàn bộ những cuốn sổ lưu bút, nhật ký, thư và các vật dụng của quán nước để lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 và mở các cuộc triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc, Quân đội cho bộ đội và Nhân dân.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội