Người anh hùng đi qua hai cuộc chiến tranh
Trong tiết trời ấm áp ngày đầu Xuân, trong ngôi nhà nhỏ ở vùng sơn cước xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Cựu chiến binh, Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường cùng người bạn đời của mình thong thả mở từng trang nhật ký, từng kỷ vật ôn lại kỷ niệm chiến trường. Trong câu chuyện với chúng tôi, người Anh hùng đi qua hai cuộc chiến tranh, nhiều lần vào sinh ra tử vẫn nhớ như in những trận đánh từ chiến trường Trị Thiên đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây tròn 40 năm.
Tháng 2 năm 1968, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Trường tình nguyện lên đường nhập ngũ và biên chế vào bộ đội Đặc công thuộc Quân khu Trị Thiên. Vào đơn vị một thời gian ngắn, chiến sĩ Đặc công Nguyễn Xuân Trường xung phong ra trận và trải qua nhiều trận đánh hết sức khốc liệt. Đáng chú ý, trung tuần tháng 9 năm 1968, trong một cuộc tham gia chiến đấu tại cứ điểm Tân Điền, ông đã dùng súng B40 phá hủy 2 lô cốt địch; trong trận tập kích Động Em (Mặt trận Quảng Trị) tháng 3 -1969 chính ông đã trực tiếp phá hủy 2 khẩu pháo địch. Đặc biệt, tháng 5 - 1970, trong một cuộc chiến đấu phục kích, ông đã dũng cảm đột nhập vào đồn địch tại đồi ông Do, bắn cháy 1 xe tăng và tiêu diệt 8 tên Mỹ. Do khoảng cách tiếp cận giữa ông và địch quá gần (chỉ cách nhau khoảng chừng 5m) nên khi đạn B40 nổ, ông đã bị thương. Với chiến công trên, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba ngay tại mặt trận.
Đầu năm 1979, trước yêu cầu bảo vệ biên giới phía Bắc, đồng chí Nguyễn Xuân Trường nhận lệnh lên đường ra mặt trận. Trên cương vị Đại đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 46, Sư đoàn 326, Quân khu 2 trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979, Trung úy Nguyễn Xuân Trường chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy 21 lần tấn công của địch, diệt 500 tên, giữ vững trận địa. Trong chiến dịch này, Nguyễn Xuân Trường được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba.
Bên ly trà trong tiết trời ngày Xuân, trận đánh giữ chốt ở điểm cao 551 (Lai Châu) ngày 20 tháng 2 năm 1979, được ông kể lại một như một cuốn phim quay chậm: Để tấn công, đánh chiếm điểm cao, quân xâm lược đã huy động một lực lượng lớn, có pháo binh bắn yểm trợ mở nhiều đợt tấn công ác liệt. Xét thấy quân địch tấn công bằng một hướng, tôi đã sử dụng một trung đội đánh vỗ mặt vào đội hình của chúng, đồng thời tổ chức một lực lượng xuất kích đánh vào sườn, và phía sau địch giành giật với chúng từng công sự. Kết quả, sau một ngày chiến đấu quân địch thất bại nặng nề, 150 tên bị tiêu diệt. Trong trận đánh đó, một số chiến sĩ trong Đại đội bị thương vong, nhưng những chiến sĩ còn lại vẫn chiến đấu kiên cường, không rời trận địa… Được biết, trong trận đánh đó mặc dù bị thương nặng vào tay nhưng Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Trường vẫn kiên quyết chiến đấu đến cùng.
Nén xúc động, người cựu chiến binh tóc đã hoa râm kể tiếp: Với quyết tâm đánh chiếm bằng được điểm cao, ngày 21 tháng 2 năm 1979, chúng huy động lực lượng lớn hơn hôm trước. Chúng liên tiếp tổ chức nhiều đợt tiến công, nhưng tôi đã động viên anh em quyết tâm chiến đấu giữ bằng được điểm cao. Kết quả trận này, đơn vị tôi đã diệt hơn 300 tên địch, giữ vững trận địa...
Với sự anh dũng không sợ hiểm nguy và những chiến công lập nên, ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Xuân Trường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 1982, do anh hưởng vết thương với tỷ lệ thương tật 41%, ông được cho về theo chế độ mất sức và bắt đầu cuộc sống nông dân ở vùng miền núi Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau hơn 30 năm với tinh thần không ngại khó khăn, người anh hùng trong chiến tranh cùng vợ con gây dựng khu vườn thành trang trại chăn nuôi, trồng trọt trở thành mô hình mẫu để người dân trong vùng làm theo. Khi Nhà nước có chủ trương thành lập Khu kinh tế Vũng Áng, khu vườn gia đình ông nằm trong dự án xây dựng đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng. Gia đình ông không chút đắn đo, bàn giao toàn bộ khu vườn để thực hiện dự án. Là người tiên phong đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ông trở thành tấm gương cho các hộ dân noi theo.
Sau đó, UBND xã cấp cho gia đình ông 2 ha đất trồng rừng trong rú Ngàn Chô, sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, cách nhà vài chục ki lô mét đường rừng, đi bộ nửa ngày mới tới. Ông lại miệt mài khai phá trồng trọt, dựng lán ở luôn trong rẫy có khi mấy ngày mới về. “Mình vào làm, nhiều bà con được phân đất trong nớ cũng học vào theo”, ông cười bảo vậy.
Được biết, Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng quê hương. Mỗi khi địa phương hay gia đình nào trong thôn cần hỗ trợ là Anh hùng Nguyễn Xuân Trường sẵn lòng giúp đỡ. Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, hay các đợt địa phương gặp mặt thanh niên lên đường nhập ngũ… ông đều tham gia nói chuyện truyền thống, tiếp thêm nghị lực cho tuổi trẻ địa phương.
Khi nói về Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường, ông Phan Hoàng Trường, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lạc khẳng định: Bác Nguyễn Xuân Trường không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà trong cuộc sống đời thường bác là đảng viên gương mẫu, cựu chiến binh mẫu mực và luôn là tấm gương sáng để người dân địa phương noi theo. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bác luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương như thực hiện nếp sống mới, xây dựng nông thôn mới... Liên tục nhiều năm liền bác Nguyễn Xuân Trường được các cấp khen thưởng trong các hoạt động.
Cả nước vào Xuân trong không khí sôi nổi kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường nhắn nhủ: “Lúc sinh thời, Bác Hồ nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ…”. Để giành được chiến thắng, giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển như hôm nay, các thế hệ cha anh của chúng ta đã không quản gian khổ, hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, vì vậy, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cần trân trọng giữ gìn, bảo vệ và phát huy để đất nước ta mãi mãi bình yên”.
Bài, ảnh: TIẾN QUỐC và CTV
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận