A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2022):

Người tìm đường đi cho dân tộc

Cách đây 111 năm (5-6-1911/5-6-2022), trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đi tìm đường cứu nước.

Chính nhờ sự ra đi này mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước, giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta.

Tháng 8-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, bắt đầu chính thức xâm lược Việt Nam. Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược giành lại độc lập cho nước nhà là một đòi hỏi bức thiết của dân tộc ta. Các phong trào yêu nước chống Pháp theo các khuynh hướng chính trị khác nhau đã diễn ra mạnh mẽ, liên tục nhưng đều thất bại. Cách mạng nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt đó, xuất hiện một con người của lịch sử: Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này).

Quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thể hiện một bản lĩnh vượt lên chính mình. Trước hết, Người đã vượt qua phương thức chống giặc cứu nước truyền thống. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, sớm thông tỏ đạo Thánh hiền, nhưng Nguyễn Tất Thành đã không tìm con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến (nho giáo) - vốn đã lỗi thời, kìm hãm, làm chậm bước tiến của dân tộc.

Kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2022): Người tìm đường đi cho dân tộc
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. 
Ảnh tư liệu/TTXVN. 

 

Trong hành trang của những người đi tìm đường cứu nước lúc bấy giờ đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước sâu sắc, với ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp. Nhưng ở Nguyễn Tất Thành là tình cảm yêu nước gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Ngay từ đầu, Người đã xác định mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cuộc ra đi của Người là phải tìm con đường để vừa giành được độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Thứ ba, quyết định đó thể hiện khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại, muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình có. Nguyễn Tất Thành đi rất nhiều nước vừa lao động để sống, để học tập, để hoạt động cách mạng. Cơ hội lớn đầu tiên để Người - một người dân thuộc địa nói tiếng nói của mình trong thế giới tư bản phương Tây là vào năm 1919, tại Hội nghị Véc xây (Pháp), nơi các nước đế quốc thắng trận họp nhau để phân chia thuộc địa. Với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị, đòi quyền bình đẳng về mặt pháp lý và đòi các quyền tự do, dân chủ. Bản Yêu sách không được chấp nhận nhưng đã giúp Người hiểu rằng không thể trông cậy vào lòng thương của những nhà tư bản, của giới cầm quyền thực dân.

Một sự kiện lớn tiếp theo, tháng 7-1920, được đọc bản Sơ thảo Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo L’Humanite số 16 và 17-7, Nguyễn Ái Quốc như bừng tỉnh: Chân lý là đây, hạnh phúc đây rồi! Người đã nhận được ánh sáng tư tưởng vĩ đại của Lênin về cách mạng của các dân tộc thuộc địa, dù ánh sáng tư tưởng ấy chỉ mới từ trang giấy. Ngồi một mình trong phòng kín mà Người như đang nói to trước đồng bào bị đầy đọa đau khổ: "Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta".

Bước tiến xa hơn, đó là sự kiện Nguyễn Ái Quốc chính thức tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc. Quả là cả một hành trình lớn lên, như Người đã nhìn nhận lại sự kiện này 40 năm sau đó: “…  nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý Chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa… ”.

Từ khi có lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi gắn kết chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã được khơi dậy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong gần một thế kỷ nô lệ, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thủ đô Hà Nội trở thành điểm sáng, thành ngôi sao đỏ đầu tiên của châu Á. Cả châu Á bị áp bức, cả loài người tiến bộ ngước nhìn, lắng nghe Hà Nội: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa – Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta – Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó – Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, của “nghìn tinh hoa sâu rộng” đã “nâng lên thành trí tuệ của toàn dân”. Thực tiễn chứng tỏ rằng chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của Việt Nam. Con đường chân lý đó là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là sự lựa chọn của chính nhân dân mà lịch sử mãi mãi ghi nhận và tôn vinh.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội