Thứ bảy, 11/05/2024 - 11:38
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023)

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Độc lập, tự chủ mang đến cách tiếp cận độc đáo trong đàm phán Paris

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023 và kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023) được ký kết, phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, được nghe ông chia sẻ về những trải nghiệm, đúc kết từ cuộc đàm phán lịch sử này.

Những ký ức không thể phai mờ

PV: 50 năm sau thành công của ngoại giao Việt Nam tại bàn đàm phán Paris, điều gì khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Nhân dân ta và bạn bè quốc tế phấn khởi, một bầu không khí sôi động, tưng bừng ở Paris và nhiều nơi khác trên thế giới. Đó là cảm nhận vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi trong suốt 50 năm qua.

Sau gần 100 năm Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt ngoại xâm, Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân và chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam; phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đất nước Việt Nam từ đây sạch bóng các thế lực xâm lược nước ngoài. Hiệp định Paris được ký kết giúp miền Bắc có điều kiện hòa bình để khôi phục kinh tế, đồng thời có thêm tiềm lực để hỗ trợ cho quân, dân miền Nam tiến lên giải phóng, thống nhất đất nước. Vị thế quốc tế của đất nước ta cũng được nâng cao.

Tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris năm 1973, tôi được chứng kiến không khí rất sôi động, tưng bừng ở Paris khi hiệp định được ký kết. Nhân dân Pháp, bạn bè quốc tế và đông đảo bà con Việt kiều đổ về kín đặc các tuyến phố xung quanh khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở đại lộ Kleber để chúc mừng phái đoàn Việt Nam. Trên đường về nước, phái đoàn ngoại giao Việt Nam đi qua Moskva, Bắc Kinh được lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc tổ chức chào mừng rất long trọng. Đặc biệt, khi phái đoàn về đến sân bay Gia Lâm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí lãnh đạo cùng với nhân dân khi đó đã có hòa bình nên mặc những bộ quần áo hoa, sáng màu ra đón rất tưng bừng. Về đến Phủ Chủ tịch thì được bác Tôn đón mừng.

Năm 1973, có 15 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Pháp, Anh, Đức, Italy, Australia, Canada, Nhật…. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói chung và Hiệp định Paris nói riêng đã làm thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới, có đóng góp rất lớn cho các lực lượng cách mạng và hòa bình trên toàn cầu. Một điều nữa mà sau này mới thấy “thấm”, đó là những bài học kinh nghiệm quý giá cho ngoại giao nước nhà trong suốt 50 năm qua.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Độc lập, tự chủ mang đến cách tiếp cận độc đáo trong đàm phán Paris
 Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. (Ảnh: TTXVN)

 

Nét độc đáo chỉ có ở nền ngoại giao cách mạng

PV: Ông đánh giá thế nào về sách lược “Tuy hai mà một, tuy một mà hai” của ta trong suốt quá trình đàm phán?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Đây là một nét rất độc đáo. Trong tất cả các cuộc đàm phán quốc tế, điều này chỉ có ở Việt Nam. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng này: Bây giờ, ngoại giao của ta vừa là một mà lại là hai, vừa là hai mà lại là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai đoàn vừa là hai mà lại vừa là một, vừa là một mà lại vừa là hai. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau.

PV: Không lẽ đối phương không biết việc này?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: (Cười) Mỹ biết thừa nhưng không làm gì được. Bởi lúc đó là Mỹ có ba cái “thua”: Thua trên chiến trường, thua trong dư luận và thua trong tương quan lực lượng giữa Mỹ và Liên Xô.

PV: Ông thấy gì về nhân sự cấp cao của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Công tác đàm phán của đoàn Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo tối cao từ Bộ Chính trị. Khi có chủ trương đàm phán với Mỹ, Bộ Chính trị thành lập cơ quan chuyên trách là CP50 dưới sự chỉ đạo trực tiếp đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, đóng vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị chỉ đạo Hội nghị Paris.

Bác Hồ chọn người rất là sáng suốt, nòng cốt là những chiến sĩ cách mạng kiên cường đã trải qua tù đày gian khổ. Trong đó, Bác Hồ chọn một người thật cứng rắn bên cạnh một người thật mềm mỏng. Ông Lê Đức Thọ trong Đảng gọi ông Sáu búa rất mạnh mẽ, còn ông Xuân Thuỷ như một nhà nho, rất điềm đạm dí dỏm kết hợp với nhau tạo thành đội chỉ huy. Hai đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng mà trực tiếp là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, khi thực hiện nhiệm vụ có sự phối hợp, phân vai với nhau rất hiệu quả.

Độc lập, tự chủ - Yếu tố bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc

PV: Rút kinh nghiệm xương máu từ bàn đàm phán Geneva 1954, chúng ta đến Hội nghị Paris với quan điểm xuyên suốt là độc lập, tự chủ trong đàm phán, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Ngay từ cuối năm 1965, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Đảng tại Hà Nội đã bàn đến biện pháp đấu tranh chống lại cuộc “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Kết thúc hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã nêu lên vấn đề “vừa đánh vừa đàm”. Tư tưởng đó không mới, đã được Nguyễn Trãi chỉ ra từ trong lịch sử. Chúng ta phải tính đến phương án đánh xong rồi đàm hay vừa đàm vừa đánh. Cả hai cách tiếp cận này đều phản ánh chiến lược lấy yếu đánh mạnh. Khi Mỹ phát động chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thì vấn đề này đã được tính đến. Đến năm 1967, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 đã lần đầu tiên đặt ra vấn đề bên cạnh đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, Việt Nam cần phải đấu tranh ngoại giao, trong đó đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự có ý nghĩa quyết định, đấu tranh ngoại giao cũng có ý nghĩa rất to lớn. Lần đầu tiên trong văn kiện cao nhất của Đảng đã nhấn mạnh cần giữ tính độc lập.

Điều này được đúc rút từ Hiệp định Geneva năm 1954. Khi đó, giải pháp tạm thời chia cắt đất nước do một số nước lớn dàn xếp với nhau và áp đặt. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tương quan lực lượng lúc đó khiến chúng ta không có sự lựa chọn khác, đành chấp nhận giải phóng đất nước, đuổi quân Pháp đi, còn sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước nối tiếp sau.

Đến Hội nghị Paris, chúng ta hoàn toàn độc lập, tự chủ trong mọi tính toán, chiến lược, sách lược và từng bước đi cụ thể. Chúng ta tự quyết định mọi chuyện, đấu tranh, bàn bạc trực tiếp với Mỹ chứ không qua trung gian nào. Chính điều đó là một nhân tố bảo đảm cho Hiệp định Paris phù hợp với lợi ích của ta. Đây là tư tưởng có từ lâu của Bác Hồ: Đem sức ta mà giải phóng cho ta. Hiệp định Paris chính là biểu hiện đầy đủ của tư tưởng đó.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Độc lập, tự chủ mang đến cách tiếp cận độc đáo trong đàm phán Paris
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân dân Hà Nội chào đón Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Paris thắng lợi, về nước. Ảnh: Tư liệu

Bài học “bốn chữ K”

PV: Từ Hội nghị Paris, chúng ta rút ra được bài học gì cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các vấn đề khi các các nước lớn có sự cạnh tranh hoặc thỏa hiệp về lợi ích?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Từ tư tưởng độc lập, tự chủ đã làm nảy sinh những cách tiếp cận vô cùng độc đáo của chúng ta trong quá trình “vừa đánh vừa đàm”. Đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý cho chúng ta vận dụng sau này:

Thứ nhất, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp các mặt trận để hỗ trợ cho nhau. Đồng chí Trường Chinh viết bài về ba tầng mặt trận, trong đó chỉ ra sự đoàn kết dân tộc hai miền Bắc-Nam; đoàn kết Việt-Miên-Lào trên bán đảo Đông Dương; đoàn kết nhân dân toàn thế giới trước hết là đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình. Ba tầng mặt trận đó tạo nên sức mạnh gấp bội cho chúng ta, trong điều kiện sức mạnh vật chất có hạn, nhưng sức mạnh tinh thần rất lớn. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Bác Hồ đã dạy phải trông vào thực lực, “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Vì vậy, thắng lợi trên mặt trận quân sự đã quyết định quá trình đàm phán. Sức mạnh quân sự là nền tảng, chỗ dựa cho cuộc đấu tranh về ngoại giao. Đó là một bài học lớn. Trong điều kiện đất nước còn thiếu thốn về vật chất, muốn vững mạnh thì phải tạo được sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh đoàn kết quốc tế, sức mạnh tranh thủ lòng dân.

Thứ hai, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Tại bàn đàm phán Paris, chúng ta kiên quyết yêu cầu Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện, quân ta ở lại; Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta phải kiên trì vì đàm phán với một nước lớn, có vị trí quốc tế rất cao, sức mạnh vật chất rất lớn như Mỹ, không thể ngày một ngày hai giành thắng lợi được. Chúng ta chủ trương đánh thắng từng bước, từng bộ phận, tiến lên ta giành thắng lợi hoàn toàn.

Thứ tư, khôn khéo kết hợp giữa chiến lược và sách lược. Chiến lược thì cần giữ vững, trong khi sách lược phải rất linh hoạt. Sách lược của chúng ta trong hội nghị Paris là chưa đòi ngay xóa bỏ chính quyền Sài Gòn. Mà chúng ta lúc đầu chỉ đòi xóa bỏ chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thôi. Đến giai đoạn ký kết, chúng ta cũng không đặt ra yêu cầu đó nữa. Bởi vì khi thực tế tương quan lực lượng thay đổi thì chúng ta sẽ lật đổ được chính quyền đó mà thôi. Việc lựa chọn địa điểm mở hội nghị, thành phần tham sự, hình thức bàn ngồi họp cũng thể hiện sự vững chắc về nguyên tắc, linh hoạt về hình thức của chúng ta khi bước vào thương lượng với Mỹ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đưa quan điểm về đối tác và đối tượng, xác định trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có mặt hợp tác được. Cách tiếp cận đó phản ánh đúng thực tế hiện nay. Trong thời chiến, việc xác địch-ta rất rõ ràng, nhưng trong quá trình hội nhập quốc tế thì các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, nếu chúng ta cứ cứng nhắc quan niệm trước đây thì không phù hợp với thực tế. Cũng nhờ cách tiếp cận đó của Đảng giúp ngoại giao của ta sống động hơn, linh hoạt hơn và ứng phó dễ dàng hơn.

Dù hoàn cảnh, tiềm lực, vị thế quốc tế của đất nước đã khác trước, tình hình thế giới cũng thay đổi, tuy nhiên những nguyên lý đó vẫn là ngọn cờ dẫn dắt chúng ta thực hiện các mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Hình thức có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhưng tinh thần của bài học kết hợp, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo đó cần được giữ vững.

PV: Ông có thể khái quát điều gì về nền ngoại giao cách mạng Việt Nam?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Kế thừa truyền thống hòa hiếu của cha ông, trong thời đại ngày nay, chúng ta không gây thù oán với ai, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, hợp tác. Tinh thần nhân văn ấy thấm nhuần trong tiềm thức con người và ngoại giao Việt Nam. Theo tôi, tinh thần nhân văn Việt Nam có thể khái quát bằng bốn đặc thù: Kiên định về mục tiêu, hòa hiếu về bản chất, nhân văn về cốt cách, khôn khéo trong hành động.

Theo QĐND Điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội