A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiên phong chống dịch: Bài 3: “Vành đai thép” nơi tuyến đầu chống dịch

Làn sóng dịch Covid - 19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp trở lại; trên địa bàn Quân khu, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xuất hiện các ca dương tính. Nhiều người dân lao động, học tập ở Lào, Thái Lan trở về nước khi 2 nước nay dịch Covid – 19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 Quân khu 4 đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyệt liệt các biện pháp phòng, chống; đồng thời cử lực lượng hành quân “thần tốc” lên tuyến biên giới phía Tây để phối hợp ngăn chặn dịch ở tuyến đầu. Giữa trùng điệp khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã phát huy phẩm chất, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Đảng viên “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo thành “vành đai thép” nơi tuyến đầu chống dịch. Tại các điểm chốt, trạm, mỗi đảng viên được ví là “ngọn lửa hồng” bừng sáng suốt canh thâu, giống như ý chí của người đảng viên: Trung thành, tận tụy, bền bỉ, nhiệt huyết và luôn ngời sáng khi Tổ quốc cần.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt số 2 Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên phòng Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ trước lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Gác việc riêng, lên biên cương chống dịch

Sau gần một tiếng đồng hồ vượt qua hơn 20 km đường rừng quanh co với đủ loại ổ voi, ổ gà và liên tiếp các khúc cua tay áo đến chóng mặt, chúng tôi có mặt tại Chốt số 2, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở điểm chốt chỉ có 2 đồng chí đang lúi húi nhen lửa, nấu cơm. Lửa chưa kịp bén, cơn mưa rừng kèm theo gió lớn ào ạt đổ xuống khiến củi khô ướt nhèm. Các anh lại vất vả che chắn để tiếp tục nấu kịp bữa cơm. Trời nhá nhem tối, đồng đội của các anh trở về, ăn vội bát cơm rồi lại tất tả chuẩn bị lên đường tuần tra.

 “Trời mưa to, các anh không nghỉ sao?” - Tôi đặt câu hỏi. Trả lời cho thắc mắc của tôi, Thiếu úy Hồ Bá Ban, Đội trưởng Đội cổ động quần chúng, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Chốt trưởng Chốt số 2 cho biết: “Thời tiết mưa gió, đêm tối là khoảng thời gian các đối tượng thường lợi dụng để vượt biên trái phép. Nên chúng tôi thay phiên nhau tăng cường tuần tra, kiểm sát 24/24 giờ, kiên quyết không để dịch xâm nhập, ảnh hưởng sức khỏe của Nhân dân…”. Trong đội tuần tra của chốt số 2, tôi gặp lại Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Đông, Nhân viên Bảo mật, Ban CHQS thị xã Hương Thủy. Hơn 2 tuần trước, anh xung phong cùng đồng đội lên tuyến biên giới tăng cường cho các tổ, chốt biên phòng kiểm sát, phòng chống dịch. Tất cả vì sức khỏe của Nhân dân, anh Đông đã nhiều lần xung phong phục vụ công dân cách ly phòng, chống dịch Covid - 19 ở Khu cách ly T5 của thị xã Hương Thủy. Vợ anh là Nhân viên Trạm y tế xã, cũng thường xuyên ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Khi “cơn bão” dịch Covid - 19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến khó lường, vợ chồng anh tiếp tục gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội ngoại, xung phong lên đường chống dịch. Theo như anh Đông tâm sự, là Đảng viên, vợ chồng anh phải luôn gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng dấn thân, đi vào những nơi khó khăn, gian khổ để giữ bình yên cho Nhân dân…

Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Đông, Nhân viên Bảo mật, Ban CHQS thị xã Hương Thủy , Thừa Thiên Huế luôn xung kích, tận tụy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Tâm sự của anh Đông, cũng là tinh thần chung của các Đảng viên, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tăng cường lên tuyến giới phối hợp cùng Biên phòng và các lực lượng “ăn suối, ngủ rừng”, ngày đêm bám chốt, không quản ngại vất vả, nguy hiểm, tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, “khóa chặt” biên giới, hình thành “vành đai thép”, “lá chắn sống” kiên quyết không để dịch Covid - 19 xâm nhập vào địa bàn. Trước tốc độ dịch lây lan nhanh, với nhiều biến thể mới, nguy hiểm, diễn biến ngày một khó lường, tinh thần noi gương, tiền phong, dấn thân của các Đảng viên trong cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu lại càng được phát huy, tỏa sáng. Các anh đã phải gác lại việc riêng, nén lại những lo âu cuộc sống, hoàn cảnh gia đình khó khăn, để xung phong lên tuyến đầu. Thượng úy QNCN Nguyễn Hữu Lợi, Nhân viên Ban CHQS huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một trong nhiều người như thế. Anh từng nhiều lần tham gia phục vụ ở các khu cách ly tập trung do Bộ CHQS tỉnh quản lý. Dù 2 con nhỏ của anh bị bệnh co rút chân tay, mỗi khi thời tiết thay đổi, con đau, gia đình lại phải đưa tới bệnh viện để điều trị, nhưng khi có lệnh tăng cường lên tuyến biên giới, anh đã xung phong lên đường. Tại điểm chốt của Đồn biên phòng làng Mô, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ, anh tìm đến những núi cao, có sóng điện thoại để liên lạc động viên gia đình. Nghe tiếng con trẻ bi bô, lòng anh bớt lo lắng: “Anh em Bon ở nhà ngoan, hết dịch ba sẽ về…”. Hết dịch có thể vài tuần, vài tháng hoặc có thể lâu hơn, anh chỉ mong sao vợ con ở nhà mạnh khỏe, để cùng đồng đội yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vượt qua khó khăn, chung tay chống đại dịch

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại Chốt số 8, Đồn Biên phòng A Roòng, Bộ Đội Biên phòng Quảng Trị tích cực tăng gia, sản xuất.

Tháng Năm, đoạn sông Sê Pôn làm ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào chảy qua địa phận xã Tân Thành, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nước rất cạn, người nhập cảnh trái phép dễ lợi dụng đoạn sông này để về Việt Nam nên công tác chốt chặn, kiểm soát phòng chống Covid-19 của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Đồng hồ đã chỉ sang con số gần 24 giờ nhưng các chiến sĩ tại chốt chặn ở Bích La Đông, xã Tân Thành, ở đoạn sông này vẫn không được một phút lơ là, họ thay nhau trực 24/24 giờ mỗi ngày để hạn chế thấp nhất số người cố tình nhập cảnh trái phép từ Lào về. Các chiến sĩ phải sử dụng ống nhòm hồng ngoại để tăng cường tuần tra đêm dọc tuyến biên giới.

Trung tá Lê Văn Hiếu, Đồn trưởng Biên phòng Cửa khẩu La Lay thông tin, trên suốt cả tuyến biên giới đơn vị quản lý, bảo vệ có địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở nên chỉ cần sơ suất một tí là có ngay những người nhập cảnh trái phép. Trong khi đó, 2 tỉnh Savannakhet và tỉnh Salavan của nước bạn Lào đã có hàng chục trường hợp dương tính với Covid – 19, dẫn đến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp, gây ra nguy cơ dễ lây lan dịch bệnh. Từ khi có lực lượng tăng cường của Bộ CHQS tỉnh và dân quân các xã, biên phòng Quảng Trị đã lập ba vành đai ba lớp tại vùng biên giới. Tại lớp đầu tiên là những chốt chặn ngay dọc tuyến đường biên do lực lượng biên phòng trực tiếp phụ trách; lớp thứ hai được đặt ở  khu vực phía sau, thuộc vành đai biên giới sẽ do biên phòng cùng lực lượng quân sự, dân quân...thường xuyên tuần tra, kiểm soát; lớp thứ ba, biên phòng phối hợp với lực lượng Ban CHQS, công an các huyện trên tuyến, thành lập tổ kiểm soát cố định để kiểm tra, kiểm soát phương tiện vào nội địa; kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn... 

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình tăng cường các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên tuyến biên giới.

Phần lớn các chốt, trạm mà cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đều ở cheo leo trên những đỉnh núi cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn rộng, địa hình tuần tra trắc trở, khó khăn. Nhiều vị trí, các anh tếu táo rằng, điểm chốt   “không điện, không nước, không sóng điện thoại”. Dù khó khăn, thiếu thốn, song những Đảng viên Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương luôn lạc quan, yêu đời, động viên nhau vượt qua thử thách, quyết tâm không để dịch xâm nhập qua địa bàn. Họ luôn coi trách nhiệm với công việc, tinh thần vì Nhân dân phục vụ là “nguyên lý” sống của người đảng viên. Đằng sau nhịp sống bình lặng, chậm lại của người dân trước “cơn bão” Covid – 19 là sự “thần tốc”, căng mình làm việc của những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, bởi như các anh tâm sự, tốc độ dịch đợt này lan nhanh, diễn biến ngày một khó lường. Nếu lơ là dù chỉ một phút để người nhiễm bệnh lọt qua biên giới thì hậu quả khôn lường.

Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu làm nhiệm vụ trên đỉnh cao biên giới heo hút, không có điện, không có nước, sóng điện thoại chập chờn, Binh nhất Phạm Đình Luân, Chiến sĩ Trung đội Súng máy phòng không 12,7 mm, Tiểu đoàn hỗn hợp huyện đảo Cồn Cỏ, đang thực hiện nhiệm vụ tại Chốt số 5, Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Mọi thứ ở đây khó khăn hơn những gì bọn em tưởng tượng. Ở trên này không khí ẩm ướt và “đặc sản” là mưa nhiều; ba hôm rồi tôi chưa giặt được quần áo, vì không có nước. Hơn thế, ở đây nằm cách xa khu dân cư, hàng ngày có ít người qua lại nên thiếu thốn  nhiều thứ. Tuy nhiên, nhìn các anh, các chú ở đây, nhiều người từ trước Tết đến giờ không được về thăm vợ con mà vẫn lạc quan, vui vẻ, nỗ lực quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, khiến chúng em càng có thêm động lực…”.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại Chốt số 8, Đồn Biên phòng A Roòng, Bộ Đội Biên phòng Quảng Trị tuần tra bảo vệ địa bàn, phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện “nhiệm vụ kép” trên tuyến đầu

Dẫu muôn vàn vất vả, thiếu thốn khi vào rừng sâu, núi cao lập chốt, trạm kiểm soát, nhưng với tinh thần noi gương, dấn thân, các Đảng viên “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ từng bước khắc phục khó khăn thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid – 19 vừa tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên cương về bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa tuần tra biên giới, kiểm soát nắm chắc tình hình.

Điểm chốt số 8 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo nằm cheo leo bên sườn núi. Khắc phục những thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian, bạt sườn núi, làm mặt bằng để trồng rau. Nhìn luống rau mồng, rau dền… xanh non mơn mởn dưới nắng, chúng tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của cán bộ, chiến sĩ. Để có những luống rau xanh tốt, cán bộ, chiến sĩ hàng ngày ngoài giờ canh trực tranh thủ vác từng thùng xốp đất lên để cải tạo đất; nước cũng được vận chuyển lên từng can. Thời tiết ban đêm trên chốt xuống thấp, sương muối nhiều, rau được che chắn bằng lá cây rừng. Đại úy QNCN Lê Khắc Trọng, Ban CHQS huyện Quan Sơn, được tăng cường lên chốt hơn 2 tuần qua, cho biết: “Chúng tôi xác định, cuộc chiến chống dịch Covid – 19 còn gian nan, kéo dài, nên anh em khắc phục khó khăn, tranh thủ thời gian giữa những lúc canh trực để phát huy hậu cần tại chỗ, cải thiện bữa ăn…”.

Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tại Chốt số 2, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An  kiểm soát, đo thân nhiệt người ra vào địa bàn.

Cùng với ánh đèn, những đôi mắt “không ngủ” của người lính đang giữ biên cương đêm ngày vẫn hướng về phía biên giới xa kia để canh giữ bình yên cho người dân trước “cơn bão” đại dịch Covid - 19, cán bộ, chiến sĩ ở các tại trạm, chốt hàng ngày còn thành lập các tổ lưu động đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, nắm thông tin tố giác tội phạm và người nhập cảnh trái phép. Ông Già Bá Lầu, ở bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nói: “Hàng ngày, các chú bộ đội ở trên tổ kiểm soát dịch thường xuyên đến bản ta hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 và tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, giúp ta và mọi người trong bản hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của cử tri để sắp tới đi bầu cử, chọn người tài cho đất nước…”.

Lên biên cương phòng, chống dịch, các cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đối mặt với nhiều vất vả, khó khăn, nguy hiểm, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, bản lĩnh trí tuệ, tinh thần tiền phong, gương mẫu, dấn thân, không ngại gian khổ của người Đảng viên “Bộ đội Cụ Hồ”, họ đã vượt qua tất cả, tạo thành những “lá chắn thép” bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân.

 Bìa 4: Lan tỏa những việc làm hay

Nhóm phóng viên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội