A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đóng góp to lớn của quân và dân Liên khu 4 trong thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952

Cách đây gần 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm nên chiến thắng Tây Bắc năm 1952, có ý nghĩa chiến lược quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói chung.

 

Thắng lợi này khẳng định sự trưởng thành vượt bậc, toàn diện và vững chắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để tiến lên giành thắng lợi có tính chất quyết định trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với quân dân cả nước, quân và dân Liên khu 4 đã thực hiện tốt đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, vừa đẩy mạnh tác chiến trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, thi đua “giết giặc lập công”; vừa thi đua “sản xuất lập công” ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Tây Bắc.

Một là, đẩy mạnh tác chiến trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, phối hợp với các chiến trường căng kéo lực lượng, không cho địch đem quân ứng cứu Chiến dịch Tây Bắc, góp phần củng cố thế tiến công chiến lược trên cả nước.

Từ giữa năm 1951, Liên khu 4 được giao nhiệm vụ: “Một mặt vẫn tiếp tục đẩy mạnh tác chiến ở Bình - Trị - Thiên. Mặt khác phải tập trung nỗ lực cao nhất xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường chính Bắc Bộ, cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Tây Bắc và Thượng Lào”. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quân và dân Liên khu 4 đã phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa xây dựng lực lượng, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích; vừa dốc lòng, dốc sức chi viện cho các chiến trường mà trực tiếp là phục vụ cho Chiến dịch Tây Bắc.

Dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Tây Bắc 1952.
Ảnh Tư liệu

 

Mở đầu đợt hoạt động tác chiến, trong tháng 6 năm 1951, các đơn vị chủ lực của Liên khu phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân, du kích các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trên địa bàn đứng chân, liên tục tổ chức đánh gần 200 trận, diệt trên 400 tên địch, phá hủy 31 lô cốt, đập tan hệ thống phòng thủ của địch, buộc chúng phải điều động lực lượng ứng chiến từ các chiến trường khác để đối phó với ta ở huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Phong Thu, Phò Trạch (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đặc biệt trong trận càn cuối tháng 7 năm 1951, địch huy động lực lượng lớn với hàng trăm xe cơ giới, xe tăng và ca nô vũ trang, nhằm đánh úp, diệt gọn Trung đoàn 101 đang đứng chân ở Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Trong tình thế bị bao vây bất ngờ, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã cho bộ đội vượt sang bờ Tây phá Tam Giang, triển khai trận quyết chiến điểm ở Thanh Lam Bồ. Kết quả, Trung đoàn 101 đã đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch, tiêu diệt 950 tên, bắt sống 18 tên. Trung đoàn 101 và lực lượng vũ trang địa phương huyện Phú Vang lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Thi đua với Trung đoàn 101, tháng 3 năm 1952, Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 230 Quảng Trị thực hiện chiến thuật “vây điểm, diệt viện”, tổ chức tiến công hệ thống phòng thủ của địch ở Nam Đông; đồng thời phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây, phục kích các đồn lẻ của địch trên đường số 74, 75 và hệ thống chiếm đóng của chúng ở Gio Linh. Kết quả ta diệt 800 tên, bắt 24 tên, phá hủy 15 xe quân sự và 2 xe bọc thép, thu phần lớn vũ khí và đạn dược của lực lượng viện binh, tiêu diệt vị trí Nam Đông, san bằng hệ thống tháp canh của địch ở Gio Linh, mở rộng vùng căn cứ du kích Quảng Trị.

Sau chiến thắng Nam Đông - Đường 74, các địa phương và đơn vị Bình - Trị - Thiên đã liên tục tiến công địch đều khắp trên các hướng chiến trường. Với sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng giữa ba thứ quân, trong 6 tháng cuối năm 1951 và nhất là năm 1952, quân và dân Bình - Trị - Thiên đã anh dũng chiến đấu thu được nhiều thắng lợi to lớn, diệt gần 10.000 tên, buộc địch phải ba lần tăng quân (7 tiểu đoàn); có 614 binh sĩ ngụy bỏ ngũ, mang 34 súng về với kháng chiến, 15 vụ binh biến hoặc làm nội ứng cho du kích diệt đồn rồi mang súng về với Nhân dân, binh lính 11 đồn ven thành phố Huế mang vũ khí về với kháng chiến và vận động được 8 binh sĩ Âu Phi cùng đi theo. Riêng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển nhanh về số lượng, vừa tác chiến vừa xây dựng ngày càng trưởng thành, phối hợp với chủ lực hoặc có thể độc lập tác chiến, đánh gần 1.400 trận, diệt và bắt trên 3.000 tên địch, góp phần đưa phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên tiến lên.

Hai là, xây dựng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh vững mạnh, huy động tối đa nhân lực, vật lực, chi viện cho các chiến trường, đặc biệt ưu tiên cho Chiến dịch Tây Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Liên khu 4 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “căn cứ địa vững chắc thứ hai trong cả nước sau Việt Bắc”, trong đó vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh là địa bàn rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả ta và địch. Vì vậy, tháng 6 năm 1951, ngay sau khi đồng chí Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp vào giao nhiệm vụ, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu đã nhanh chóng xác định: Trong thời gian tới, để phục vụ các chiến dịch quy mô lớn, trong thời gian dài, đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn bộ đội, dân công tham gia mở đường, làm cầu, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men; làm nhiệm vụ tải thương và chăm sóc thương binh.

Để rút ngắn thời gian vận chuyển, tháng 4 năm 1952, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu đã giao cho Phòng Cung cấp Liên khu huy động và chỉ đạo 15.000 dân công của tỉnh Thanh Hóa mở tuyến đường Như Xuân - Phủ Quỳ dài 45km. Sau hơn 3 tháng thi công, với tinh thần hết sức khẩn trương, khắc phục nhiều khó khăn, gian khổ, hàng vạn mét khối đất đá đã được đào đắp, trên 100 cây cầu gỗ lớn nhỏ được làm mới, nâng cấp, bảo đảm được cho ô tô có trọng tải hai tấn đi qua. Tháng 5 năm 1952, trước khi chính thức bước vào thực hiện nhiệm vụ vận chuyển phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu tiếp tục huy động trên 45.000 nhân công, 90 xe trâu bò kéo, 550 xe đạp thồ và 4 xe ô tô chạy bằng than của hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để mở, sửa tuyến đường từ Thanh Hóa qua Hồi Xuân lên ngã ba Sang, dài 190km. Đây cũng là lần đầu tiên Liên khu sử dụng ô tô, xe đạp thồ vào việc mở đường và phục vụ vận chuyển cho chiến dịch. Tính linh hoạt cơ động trên các cung đường đèo dốc hiểm trở của xe đạp thồ đã phát huy hiệu quả cao và được áp dụng triệt để trong các chiến dịch về sau, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Thực hiện âm mưu “phải đánh vào Thanh - Nghệ - Tĩnh và cắm cho được vài chỗ đứng chân để làm rối loạn hậu phương của Việt Minh”, thực dân Pháp đã sử dụng máy bay ném bom, bắn phá ác liệt các công trình thủy lợi, lùng sục, đốt phá các kho tàng để ngăn chặn nguồn tiếp tế của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những khó khăn, ác liệt, hy sinh, quân và dân ở hậu phương Liên khu 4 đã thể hiện sức sống mãnh liệt của lực lượng kháng chiến, vừa chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa phát động phong trào tăng gia sản xuất với khí thế “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Khắp nơi dẫy lên cao trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, người nông dân suốt ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, làm thay phần việc cho người đi bộ đội, dân công phục vụ hỏa tuyến; phụ nữ sản xuất thay chồng, con đi chiến đấu. Nhờ có sự chuyển hướng kịp thời trong chỉ đạo sản xuất, phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện nhân lực, nên hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã vượt qua mọi khó khăn, liên tiếp giành những vụ mùa thắng lợi, sản lượng lương thực năm 1952 đạt 852.000 tấn, lương thực dự trữ trong kho đạt 49.400 tấn. Lương thực, thực phẩm sản xuất ra tới đâu đều được huy động cho kháng chiến, đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường.

Hàng vạn bộ đội, dân công là con em của đồng bào Liên khu đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc. Tỉnh Nghệ An đã điều 3.852 tân binh và 7 đại đội bổ sung cho các mặt trận. Các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh huy động 35.000 dân công cùng với các đơn vị sửa đường và vận tải hàng tiếp tế cho chiến dịch. Riêng tỉnh Nghệ An, từ tháng 4 năm 1952 đã huy động 30.000 dân công làm nhiệm vụ vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến, trực tiếp phục vụ hướng Đường 41 từ Hòa Bình đi Sơn La, tỉnh đảm nhiệm vận chuyển 1.000 tấn lương thực cung cấp cho tiền phương và chuẩn bị 2.100 tấn lương thực để cung cấp cho dân công trong hai tháng. Đoàn dân công Nghệ An vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt do thường xuyên bị địch đánh phá, để hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển được giao.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, nổ súng mở màn chiến dịch, đáp ứng lời kêu gọi của mặt trận Tây Bắc, hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã huy động 180.196 lượt dân công với trên ba triệu ngày công tổ chức vận chuyển hơn 20.000 tấn lương thực, thực phẩm lên Tây Bắc. Trong đợt hai chiến dịch (từ ngày 07 - 22/11/1952), Liên khu 4 tiếp tục huy động thêm 11.000 dân công Nghệ An, do đồng chí Trần Văn Quang - Chính trị ủy viên Liên khu, cùng một số cán bộ cung cấp của Liên khu được tăng cường cho hậu cần chiến dịch, trực tiếp chỉ huy phục vụ chiến dịch. Trong điều kiện đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, hàng vạn dân công đã cùng bộ đội bí mật mở đường, sử dụng các phương tiện hiện có như: gùi, thồ, gồng gánh, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ cho chiến dịch. Ngày 10 tháng 12 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi.

Dân công hỏa tuyến Liên khu 4 vận chuyển lương thực  phục vụ chiến dịch Tây Bắc 1952.
Ảnh Tư liệu

 

Ba là, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một bước mới từ chiến dịch Tây Bắc.

Chiến thắng Tây Bắc thể hiện sự chỉ đạo nghệ thuật quân sự đúng đắn, chính xác và sáng tạo của Đảng ta về phát huy sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; về sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường. Trong đó những đóng góp phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam của quân và dân Liên khu 4 được thể hiện rõ nét trên hai nội dung, đó là sự phối hợp hiệu quả tác chiến giữa chiến trường Bình - Trị - Thiên với chiến trường Tây Bắc, chia lửa, căng kéo địch; đồng thời là hậu phương cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra chiến dịch Tây Bắc, cuộc đấu tranh của quân và dân Bình - Trị - Thiên với quân Pháp cũng diễn ra giằng co, quyết liệt, nhiều đợt hoạt động tiến công địch ở Nam Đông (Thừa Thiên), Hà Thanh, Đông Hà (Quảng Trị), Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình)... đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng và củng cố thế đứng chân vững chắc cho ta, buộc quân Pháp phải thay đổi thế bố trí lực lượng, bổ sung thêm quân để đối phó. Đảng ủy Mặt trận Bình - Trị - Thiên đã tổ chức nghiên cứu kỹ tình hình, khai thác những sai lầm của địch để tìm ra phương thức tác chiến thích hợp. Đảng ủy chủ trương: Trước hết sử dụng toàn bộ lực lượng ba thứ quân đẩy mạnh hoạt động, tập trung vào đánh giao thông và quấy rối đô thị, nhằm phân tán lực lượng cơ động của địch, đồng thời sử dụng một trung đoàn chủ lực đánh vào một cứ điểm trọng yếu của chúng, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và tiếp tục phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả.

Những thắng lợi to lớn ở mặt trận Bình - Trị - Thiên khi xét trên cục diện chiến trường cả nước, là nơi thu hút, giam chân một lực lượng lớn quân Pháp; nơi thực hiện chủ trương căng kéo, phân tán lượng ứng chiến của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ để tiêu diệt, góp phần củng cố thế tiến công chiến lược của cuộc kháng chiến, là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị, Bộ tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Với những thành tích đó, quân và dân Bình - Trị - Thiên vinh dự được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai. Bản tuyên dương công trạng khẳng định: “Trong quá trình đấu tranh gian khổ, nhân dân Bình - Trị - Thiên đã củng cố xây dựng được lực lượng vũ trang từ đội du kích tiến lên quân chủ lực mạnh mẽ, chiến thắng địch một cách anh dũng... bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, chiến thắng oanh liệt và liên tiếp trong các trận vừa qua, đã kìm chế lực lượng địch và phối hợp có hiệu quả với chiến trường chính”.

Cho đến nay, những bài học lịch sử được đúc kết từ Chiến dịch Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị, đó là:

Quán triệt sâu sắc và chấp hành triệt để mệnh lệnh của cấp trên, trong bất kỳ hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng đều phát huy tinh thần cách mạng, khắc phục khó khăn, vừa chiến đấu vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Chủ động, sáng tạo đánh địch theo kế hoạch của chiến trường Liên khu, vừa phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả trong kế hoạch tác chiến chung của cả nước.

Bản lĩnh, tự tin, quyết chiến, quyết thắng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất trên nền chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, trở thành hậu phương chiến lược của cả nước.

Luôn phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, trong mọi hoàn cảnh, huy động tối đa mọi nguồn lực tổng hợp chi viện cho các chiến trường trong cả nước giành thắng lợi.

Chiến thắng Tây Bắc đã trôi qua 70 năm, ngày nay Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã có những bước trưởng thành vượt bậc; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 tự hào luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong giai đoạn cách mạng mới, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang nỗ lực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng vào thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trước hết là “thế trận lòng dân” vững chắc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổ chức của Quân đội Nhân dân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Từng bước xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng Trần Võ Dũng,

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội