Chiến dịch Nguyễn Huệ trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đến năm 1972, chính quyền ngụy tay sai tăng cường bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, phát triển quân đội với quy mô 1 triệu tên để thay cho quân chiến đấu Mỹ rút dần về nước.
Thời gian này, thế chiến lược trên chiến trường Đông Dương có bước phát triển thuận lợi. Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris giữa ta và địch kéo dài gần 4 năm đang đi vào giai đoạn quyết định. Thực tế trên đặt ra cho cả ta và địch phải nỗ lực giành thắng lợi quân sự để giành thế có lợi trong đàm phán.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Bộ Chính trị xác định phương hướng lớn trong năm 1972 là: Mở nhiều chiến dịch lớn trên toàn chiến trường Đông Dương, đẩy mạnh đánh phá “bình định”, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị, nhằm giành lại thế chủ động chiến lược, tạo ra một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả Đông Dương. Tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị-Thiên và Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng; buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh kéo dài. Lúc đầu, Đông Nam Bộ được xác định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Sau khi cân nhắc tình hình, Quân ủy Trung ương đề xuất điều chỉnh Trị-Thiên là hướng tiến công chủ yếu; các hướng Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên là hướng phối hợp quan trọng. Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến do Quân ủy Trung ương đề xuất.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao, Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền mở Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ (từ ngày 1/4/1972 đến 19/1/1973) trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, giành thắng lợi to lớn; thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô quân đoàn tăng cường, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Bộ tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm tập trung khối chủ lực Miền tiến công vào hệ thống tổ chức phòng thủ của địch ở phía Bắc Sài Gòn, giải phóng hai tỉnh Bình Long, Phước Long và phần phía bắc tỉnh Tây Ninh, tạo thế uy hiếp Sài Gòn. Với phương châm “tích cực tạo thời cơ đánh địch ngoài công sự là chính, nhưng phải coi trọng đánh địch trong công sự”, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định lấy tác chiến hiệp đồng binh chủng vừa và lớn là chủ yếu, coi trọng đánh nhỏ, đánh độc lập từng binh chủng và binh đội; đánh liên tục dài ngày trên cơ sở vừa đánh vừa củng cố và rèn luyện bộ đội. Về hướng chiến dịch: Đường 13 là hướng tiến công chủ yếu, Đường 22 là hướng thứ yếu, Đường 1 và các vùng sâu là hướng phối hợp.
Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra theo 3 đợt: Đợt 1 (từ ngày 1/4 đến 15/5/1972), ta tiến công trên hướng thứ yếu nhằm nghi binh, thu hút địch, diệt cụm cứ điểm Xa Mát, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu đánh trận then chốt tiêu diệt Chi khu quân sự Lộc Ninh (từ ngày 5 đến 7/4/1972); tiếp đó, ta tiến công thị xã Bình Long hai lần (từ ngày 13 đến 15/4 và ngày 11 đến 15/5) nhưng không thành công. Đợt 2 (từ ngày 16/5 đến 10/9/1972), ta bao vây, cô lập Bình Long, chốt chặn trên Đường 13, đánh bại địch hành quân giải tỏa, bảo vệ an toàn căn cứ, tuyến hành lang và vùng giải phóng. Đợt 3 (từ ngày 1/10/1972 đến 19/1/1973), kìm giữ địch ở Đường 13, đánh phá bình định ở bắc Bình Dương, diệt và bức rút hàng chục đồn, bốt bảo an, dân vệ, làm chủ 28 xã; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở Rạch Bắp-Dầu Tiếng, kết thúc chiến dịch.
Chiến dịch Nguyễn Huệ kéo dài gần 10 tháng, giành thắng lợi về nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu của chiến lược đề ra. Qua đó khẳng định: Quân và dân ta hoàn toàn có khả năng chủ động tổ chức các chiến dịch tiến công lớn, dài ngày, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Hai là, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trên hướng Tây. Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều chiến đoàn và đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh của địch; đánh thiệt hại sư đoàn 5 và 7 trung đoàn, lữ đoàn; bắt hơn 5.000 tên; thu và phá hủy số lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch.
Với thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ, lần đầu tiên ta giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu, trực tiếp uy hiếp Sài Gòn từ phía Tây Bắc. Vùng giải phóng mới nối thông với Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và hậu phương chiến lược miền Bắc thực sự làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, giành lại quyền chủ động chiến lược, tạo thế đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực Miền, thúc đẩy phong trào chiến tranh Nhân dân phát triển, góp phần làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị phá sản.
Ba là, thu hút, giam chân lực lượng địch, tạo điều kiện, thời cơ cho các hướng chiến lược đẩy mạnh tiến công. Chiến dịch Nguyễn Huệ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các chiến trường khác trên toàn Miền. Sau khi ta giải phóng Lộc Ninh, uy hiếp địch ở cứ điểm Hồng Tâm và thị xã An Lộc, Bộ Tổng tham mưu và Quân đoàn 3 địch lệnh cho Chiến đoàn 7/Sư đoàn 5 cùng lực lượng còn lại của Chiến đoàn 52/Sư đoàn 18, Liên đoàn 3 biệt động quân mở cuộc hành quân “Chiến thắng 72” lên giải tỏa thị xã An Lộc; đồng thời, điều động lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn lên Chơn Thành hành quân càn quét hai bên Đường 13 khu vực Tân Khai, Bình Long; cơ động đường không chiến đoàn 8 từ Lai Khê lên An Lộc; sử dụng không quân (có cả B-52) và pháo binh đánh phá ác liệt xung quanh thị xã. Ngày 12/4/1972, địch tiếp tục điều động Sư đoàn 21 và một trung đoàn thiết giáp ở miền Tây Nam Bộ lên mặt trận Đường 13 chốt giữ Lai Khê, Bàu Bàng, bảo đảm phía sau cho lực lượng trấn giữ Bình Long.
Nếu Quảng Trị, Tây Nguyên, Khu 5 "chia lửa" và kìm chân phần lớn lực lượng dự bị chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho miền Đông Nam Bộ giành và giữ vững thắng lợi thì Chiến dịch Nguyễn Huệ đã thu hút 2 lữ đoàn (81 và 3) ở Tây Nguyên về giải tỏa Đường 13, bị kìm giữ tại đây từ tháng 4 đến tháng 6-1972. Chiến dịch Nguyễn Huệ cũng ghìm giữ sư đoàn 21 bộ binh và Trung đoàn 15/Sư đoàn 7 địch từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Đường 13 trong thời gian dài, tạo thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp, đánh phá bình định ở Quân khu 8 và Đồng bằng sông Cửu Long giành thắng lợi.
Bốn là, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch. Nét đặc sắc của Chiến dịch Nguyễn Huệ thể hiện ở nghệ thuật nghi binh, tạo thế khi mở màn chiến dịch. Do chọn khu vực, mục tiêu, hướng tiến công chủ yếu chính xác, sử dụng cách đánh phù hợp, khéo nghi binh, tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ nên ngay từ đầu ta đã triển khai lực lượng xen kẽ với địch trên một chiều sâu gần 70km từ biên giới đến Bắc Chơn Thành, hình thành thế chia cắt địch. Việc hướng thứ yếu nổ súng trước đã tạo điều kiện đưa lực lượng ở hướng chủ yếu vào triển khai, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đánh tan rã 3 chiến đoàn địch.
Thành công về nghệ thuật chiến dịch của Chiến dịch Nguyễn Huệ còn thể hiện qua việc vận dụng chiến thuật từ tiến công chuyển sang phòng ngự. Trong phòng ngự Tàu Ô, bộ đội ta đã sáng tạo được lối đánh mới, kết hợp chặt chẽ giữa phòng giữ tại chỗ và cơ động tiến công, phản kích địch, đánh quần lộn, đánh vào bên sườn, phía sau lưng đội hình tiến công của địch bằng nhiều lực lượng. Nhờ vậy, dù kẻ địch có ưu thế hơn ta nhưng vẫn không vượt qua được trận địa chốt chặn, phải bỏ dở các cuộc tiến công giải tỏa Đường 13.
Năm là, tác động đến cục diện chiến trường miền Nam. Những thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, tạo bàn đạp cho những hoạt động tiến công quân sự, làm thất bại chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của địch, tạo thế và lực mới của ta trên chiến trường Nam Bộ, uy hiếp trực tiếp tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương của Nam Bộ tiếp tục đánh phá bình định của địch.
Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ góp phần phục vụ đắc lực cho đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống phá bình định ở Đồng bằng sông Cửu Long giành thắng lợi. Việc ta giải phóng một địa bàn chiến lược tiếp giáp Sài Gòn cùng với một số vùng dân cư được giải phóng sau nhiều năm dưới ách kìm kẹp của kẻ thù thực sự tạo ra lợi thế mới góp phần làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, đẩy nhanh chính quyền và quân đội tay sai vào thế suy sụp hoàn toàn.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự-Bộ Quốc phòng
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận